Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 4)

PGS TS Cao Văn Liên

31/01/2024 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 4.                                                                              

Một trong những đặc điểm của Ai Cập thời kỳ cổ đại là tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược và bị nước ngoài xâm lược thống trị một thời gian lâu dài. Tất cả đã tác động tiêu cực đến lịch sử Ai Cập không chỉ đương thời, làm cho Ai cập không thể nhanh chóng giải thể xã hội cổ đại bước sang một xã hội mới cao hơn là xã hội phong kiến. Sau khi đã chuyển sang chế độ phong kiến thì lại nằm trong ách thống trị của đế quốc Hồi giáo Ả rập và đế quốc Ốt tô man quân phiệt phong kiến lạc hậu và cuối cùng Ai Cập bị để quốc Anh xâm lược trong thời kỳ cận đại.                                                   Kết luận: Nghiên cứu lịch sử cổ đại Ai Cập là một lĩnh vực tri thức vô cùng rộng lớn không chỉ để hiểu biết lịch sử Ai Cập mà còn khám phá qui luật chung và qui luạt riêng của lịch sử cổ đại Phương Đông, làm phong phú thêm phạm trù hình thái kinh tế xã hội của chủ nghĩa Mác. Những nhân tố đó không hẳn đã lùi vào dĩ vảng của lịch sử mà có khi nó vẫn hiển hiện trong xã hội hiện đại, mang tính truyền thống của dân tộc Ai Cập. Kế tục những truyền thống tốt đẹp xa xưa sẽ giúp xây dựng xã hội hiện đại thêm bền vững và ổn định. Những cư dân cổ xưa Ai Cập đã để lại cho nhân loại nền văn hóa phong phú, nền văn hóa  này phát triển thành nền văn minh cổ đại lấp lánh với những giá trị văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất bất tử. Chữ cổ Ai  cập giúp tạo nên một nền văn học sớm nhất thế giới đầy chất nhân văn. Chữ cổ Ai Cập còn là nền tảng cho một số ngữ hệ hiện đại như ngữ hệ Latin. Nghệ thuật kiến trúc xây dựng, điêu khắc với những Kim tự tháp kỳ vĩ sống mãi với thời gian, các thành tựu y học, toán học, thiên văn học đã góp phần đặt nền tảng cho tri thức bách khoa của loài người, cho văn minh nhân loại.             

Lịch sử cổ đại Ai Cập cũng chứng minh nhân dân là người đã tạo nên lịch sử. Cuộc đấu tranh của nhân dân không chỉ làm thay đổi các vương triều mà còn thúc đẩy lịch sử Ai Cập đi lên. Khi nhân dân đã nổi giận thì quyền lực như các Pharaon cũng sụp đổ. Ngày nay hình như nhân dân Ai Cập cũng đang nổi giận, đã làm sụp đổ Mu ba rắc, một tổng thống ở ngôi tới 40 năm như một vị hoàng đế, vậy mà vẫn không cam chịu từ bỏ quyền lực, quay súng bắn lại nhân dân để chuốc lấy một kết cục thảm hại. Ngày nay, quyền lực là của nhân dân, khi nhân dân không muốn các chính khách tại vị nữa thì hãy rút lui kẻo như bài học của Mubarắc ở Ai cập, Cadaphi ở Lybia là đắt giá. Nhân dân sẽ giải quyết được những vẫn đề mà lịch sử cấp thiết đang đặt ra. Hay nói như Marx: lịch sử sẽ giải quyết được những vấn đề mà nó đang đặt ra một cách cấp thiết.

Ai Cập hậu kỳ cổ đại: Sau khi Tân vương quốc suy tàn thì từ năm 525 đến năm 392 TCN, Ai Cập rơi vào ách thống trị của đế quốc Ba Tư[1], một đế quốc lớn thời kỳ cổ đại mà trung tâm là Iran. Năm 332 TCN, Ai Cập bị Alechxandros chinh phục. Sau đế chế Alechxandros, Ai Cập độc lập nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của hình thái kinh tế xã hội chiếm hữu nô lệ và chịu ảnh hưởng của đế quốc La Mã. Năm 323TCN, Ptolemy I Somer con của Lagus làm quan cai trị Ai Cập, đến năm 304 TCN thì lên ngôi hoàng đế. Ptolemy II giữ quyền chấp chính hai năm, đã khôi phục lại tập tục của các vua Ai Cập từ xưa bằng cách lấy em gái của mình là Arsinoe II. Ptolemy II đã có công khai phá vùng thượng sông Nile và bành trướng thế lực dọc Hồng Hải đến miền Bắc bán đảo Ảrập, tạo điều kiện cho thương mại phát triển. Trong thời gian này Ai Cập đã 4 lần tiến hành chiến tranh với Syria. Chiến tranh lần 1 do Ptolemy II tiến hành vào các năm 274-271TCN. Chiến tranh lần 2 vào các năm 260-253 TCN. Chiến tranh lần 3 do Ptolemy III tiến hành vào các năm 246-241 TCN. Đây là thời kỳ đỉnh cao của vương triều Ptolemy. Cuộc chiến tranh lần 4 do Ptolemy IV tiến hành vào các năm 221-217 TCN  nhưng Ai Cập thất bại. Ptolemy V nối ngôi cha tiến hành cuộc chiến tranh với Syria lần 5 năm 201-200 Tcn kết thúc cũng bằng sự thất bại của Ai Cập.

Năm 181TCN  Ptolemy VI cai trị Ai Cập dưới sự nhiếp chính của Hoàng Thái Hậu là Cleopat I. Ptolemy VI nhằm liên kết với Ptolemy VII để tạo thế lực mạnh mẽ . Điều này không làm cho Rôma hài lòng và vì thế năm 168TCN, Ai Cập bị La Mã đánh bại. Năm 145TCN, Viện Nguyên lão La Mã đưa  Ptolemy VII lên cầm quyền. Vị vua này đã cắt đảo Cyrua cho La Mã năm 58 TCN. Năm 116 TCN, Ptolemy IX chiếm ngôi của Ptolemy VIII (con của Ptolemy VII). Nhân dân thành Alêchxandria đã nổi dậy giết chết Ptolemy IX. Ptolemy X, con của Ptolemy IX lên ngôi nhưng cũng bị sát hại. Người con gái ngoài giá thú của Ptolemy VIII lên ngôi gọi là Ptolemy XI. Năm 51 TCN, Ptolemy XI để lại ngai vàng cho con gái là Cleopatra VII và con trai là Ptolemy XII. Trong cuộc đấu tranh giành quyền lực Ptolemy XII đã gạt Cleopatra VII ra khỏi chính quyền nhưng đã bị Rôma phản ứng. Caesar đã dùng vũ lực đưa Cleopatra VII trở lại ngai vàng. Ptolemy XII tử trận. Cleopatra VII đưa em của mình lên ngôi và cùng cai trị với đế hiệu là Ptolemy XIII. Nhưng chẳng bao lâu nữ hoàng Cleopatra VII đã sát hại nữ hoàng em. Nữ hoàng Cleopatra VII nhằm khôi phục lại địa vị độc lập của Ai Cập. Điều này bị La Mã chống đối. Năm 32 TCN, Ốc ta vian gây chiến chống Ai Cập. Năm 32 TCN, Cleopatra VII tự sát. Đến đây chấm dứt nền quân chủ. Ai Cập phụ thuộc đế chế La Mã và Đông La Mã (Bizantium) trực tiếp cai trị Ai Cập.                                                Toàn bộ đế quốc La Mã khi đã có 60 triệu dân, trong đó Ai Cập khoảng 6 triệu, bằng 1/10 dân số La Mã. Ai Cập là một trong những thuộc địa quan trọng, cung cấp ngũ cốc chính cho đế quốc. Về hành chính, Ai Cập khi đó trực thuộc Đông đế quốc, còn gọi là Byzantin, thủ phủ là Ixtambul. Đây cũng là giai đoạn cuối cùng của chế độ chiếm hữu nô lệ của Ai Cập. Sau khi bị đế quốc Hồi giáo Ảrập chinh phục và cai trị, Ai Cập mới bị phong kiến hóa và bước sang xã hội phong kiến.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] Xem Tạp chí nghiên cứu châu Phi và Trung Đông số tháng 12-2009 , số tháng 4 -2010. số tháng 2-2012.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 4)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn