Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 1)

PGS TS Cao Văn Liên

10/07/2023 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

LTS: Phong trào  Tây Sơn là một phong trào vĩ đại của giai cấp nông dân thế kỷ XVIII. Phong trào đã làm tròn nhiệm vụ giai cấp lật đổ ách thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Từ nhiệm vụ giai cấp, phong trào đã vươn lên làm nhiệm vụ dân tộc, đánh bại các thế lực xâm lược Xiêm-Thanh, bảo về độc lập đất nước. Phong trào đã thu hút không chỉ đông đảo quần chúng tham gia mà còn thu hút nhiều tướng lĩnh, nhiều Đô đốc và Đại Đô đốc. Tuy nhiên sau khi phong trào thất bại vào năm 1802, do sự đàn áp khốc liệt của Vương triều Nguyễn mà số tướng lĩnh Tây Sơn cho đến nay lịch sử tìm ra không đầy đủ, quá ít so với qui mô của phong trào, có người chỉ biết giai đoạn đầu mà không biết giai đoạn cuối do phải bôn tẩu trốn tránh. Cuốn sách “Phong trào Tây Sơn và Đại đô đốc Bùi Hữu Hiếu” góp phần làm sáng tỏ một Đại Đô đốc nhà Tây Sơn mà Lịch sử ít biết đến, là một ý kiến nhỏ góp vào công cuộc tìm kiếm đưa Đại đô đốc Bùi Hữu hiếu vào lịch sử dân tộc.

b1cvl1-1688905247.jpg
 

CHƯƠNG I.  CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN VIỆT NAM TỪ KHI RA ĐỜI CHO ĐẾN THẾ KỶ XVIII.                                                                                                                       

  Chế độ phong kiến Việt Nam ra đời và phát triển cho đến thế kỷ XV:Việt Nam nằm trên bán đảo Đông Dương thuộc Đông Nam Châu Á.  Hình dạng đất nước kéo dài từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mâu uốn cong hình chữ S.  Diện tích khoảng 331.700km2, bao gồm 63 tỉnh và thành phố, 6.099 quận huyện,  10.554 phường xã.  Dân số tính đến năm 2004 khoảng 81 triệu người bao gồm 54 dân tộc anh em, trong đó riêng dân tộc Kinh chiếm 83% dân số, phân bố chủ yếu ở các vùng đồng bằng ven biển, trung du và đô thị. 53% các dân tộc khác chiếm 17% dân số phân bố chủ yếu ở các vùng miền núi, biên giới,  những địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước. Tuy nhiên một trong những đặc điểm quan trọng của dân tộc Việt Nam là sống xen kẽ nhau giữa các tộc người. Các dân tộc Việt Nam thuộc Đại chủng Môn gôlôit (Đại chủng da vàng), tiểu chủng Nam Á. Căn cứ vào lịch sử ngôn ngữ và lịch sử cư trú, lịch sử văn hoá của các tộc người trên đất Việt Nam thì các dân tộc đều có nguồn gốc anh em với nhau. Sự gần gũi giữa các dân tộc thể hiện ở các nhóm ngôn ngữ: Nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, nhóm ngôn ngữ Việt -Mường, nhóm ngôn ngữ Môn-Khơ Me, nhóm ngôn ngữ Hán-Tạng. 54 thành phần dân tộc đều có nền văn hoá riêng của mình, tạo nên một nền văn hoá Việt Nam phong phú nhiều mầu sắc, đậm đà bản sắc dân tộc. 54 thành phần dân tộc tạo nên dân tộc quốc gia Việt Nam. Dân tộc quốc gia Việt Nam hình thành từ khi hình thành nhà nước đầu tiên-nhà nước Văn Lang. Dân tộc Việt Nam có truyền thống nhất,  đoàn kết bền vững lâu đời trong lịch sử bảo vệ, xây dựng đất nước. Dân tộc quốc gia Việt Nam ra đời sớm, thuộc loại hình dân tộc mà Các Mác và F. Ăng ghen gọi là dân tộc tiền tư bản. Theo hai ông, thời điểm ra đời của loại hình dân tộc này là vào lúc công xã nguyên thuỷ tan rã, lúc nhà nước đầu tiên xuất hiện.

Việt Nam là một trong những nơi mà loài vượn đặc biệt đã chuyển hoá thành người, một trong những cái nôi của nhân loại. Trải qua qúa trình hàng triệu năm, Vượn đặc biệt chuyển biến thành Vượn-Người, Vượn -Người tiến hoá thành Người-Vượn, thành Người Tinh Khôn và cuối cùng thành người Hiện Đại Hômôsapiêng. Người Hômôsapiêng đã trải qua xã hội cộng sản nguyên thuỷ hàng vạn năm, Bầy người là cộng đồng người đầu tiên và tiến hoá lên Thị tộc,  Bộ lạc, Liên minh bộ lạc. Xã hội cộng sản nguyên thuỷ Việt Nam tan rã vào thế kỷ XV tr. CN, Việt Nam bước vào xã hội có giai cấp đầu tiên, xã hội chiếm hữu nô lệ, nhà nước Văn Lang với 18 đời Hùng Vương cai trị. Kế tục nhà nước Văn Lang là nhà nước Âu Lạc do An Dương Vương sáng lập từ nửa sau thế kỷ III tr. CN. Nhà nước Văn Lang-Âu Lạc là hai nhà nước chiếm hữu nô lệ, sản sinh trên cơ sở xã hội nô lệ không điển hình với hình thức nhà nước quân chủ sơ khai.  Đây là bước tiến hoá nhảy vọt của người Lạc Việt cổ qua hàng triệu năm phát triển. Nhà nước Văn Lang- Âu Lạc đã tạo nên nền văn minh sông Hồng rực rỡ mà tiêu biểu là nền văn hoá Đông Sơn huy hoàng sáng chói.

   Năm 179 tr. CN, nước Âu Lạc bị Triệu Đà của nước Nam Việt tiêu diệt. Lãnh thổ Âu lạc bị sáp nhập vào lãnh thổ Nam Việt, một quốc gia cát cứ của Trung hoa sau khi nhà Tần sụp đổ (bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây). Sau khi nhà Tần diệt vong, từ năm 206 đến 202 tr. CN nổ ra cuộc chiến tranh Hán (Lưu Bang) Sở( Hạng Vũ). Năm 202 tr. CN Lưu Bang diệt Hạng Vũ, lập ra nhà Hán. Năm 111 tr. CN nhà Hán tiêu diệt nước Nam Việt,  Âu Lạc trở thành thuộc địa của phong kiến Hán đến phong kiến Đường tổng cộng hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Trong thời kỳ này Việt Nam trải qua sự thống trị của các triều đại phong kiến Trung Hoa:

-Từ năm 111 tr. CN đến năm 220 nhà Hán:Tây Hán từ 111 tr.CN đến năm 8 sau CN.  Đông Hán từ năm 8 đến 220.

-Từ năm 220 đến 280 nhà Đông Ngô trong cục diện Tam quốc

-Từ năm 280 đến năm 316 nhà Tấn

-Từ năm 316 đến năm 581 nhà Lương (Một trong các triều đại của cục diện Nam- Bắc triều )

-Từ năm 581 đến năm 618: Nhà Tuỳ

-Từ năm 618 đến năm 907 nhà Đường

-Từ năm 907 đến năm 938 nhà Đường sụp đổ, Trung quốc bước vào cục diện 5 đời 10 nước. Nhân cơ hội đó họ Khúc (Khúc Thừa Dụ, con là Khúc Thừa Hạo, cháu là Khúc Thừa Mỹ) nổi dậy giành quyền tự chủ cho đất nước. Năm 903 Khúc Thừa Mỹ bị Nam Hán, một nước cát cứ trong cục diện 5 đời 10 nước của Trung quốc, lãnh thổ thuộc tỉnh Quảng Đông, kinh đô Phiên Ngung (Quảng Châu) đánh bại. Việt Nam lại thuộc Nam Hán. Năm 931 Dương Đình Nghệ đánh bại quân Nam Hán giành lại quyền tự chủ. Năm 937 Dương Đình Nghệ bị tuỳ tướng là Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Kiều Công Tiễn cầu cứu quân Nam Hán để bảo vệ địa vị của mình. Ngô Quyền đã giết chết Kiều Công Tiễn và đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.

Chiến thắng Bạch Đằng đã kết thúc 1.000 năm thống trị của phong kiến Trung Quốc đối với nước ta. Việt Nam gìành được độc lập, mở ra một thời đại mới trong trong lịch sử tiến hoá của dân tộc:Thời đại xây dựng một quốc gia phong kiến độc lập. Năm 939 Ngô Quyền xưng vương,  đóng đô ở Cổ Loa (Nay thuộc Đông Anh, Hà Nội), bắt đầu đặt nền móng xây dựng một quốc gia phong kiến với thiết chế nhà nước quân chủ chuyên chế tập quyền. Triều Ngô tồn tại được 27 năm với 3 đời vua: Ngô Vương (938-944), Hậu Ngô Vương gồm hai vua là Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn, Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập (905-965)[1].

(Con nữa)

CVL

-----------------------

[1] : Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng. Các triều đại Việt Nam. NXB ThanhNiên, H. N, 1999, tr58. 

.

Bạn đang đọc bài viết "Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 1)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn