Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 13)

PGS TS Cao Văn Liên

22/07/2023 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

Kỳ 13

 Sau những chiến thắng liên tiếp, quân Tây Sơn mở toang cánh cửa vào Thăng Long, tràn vào đánh bại quân Trịnh ở bến Tây Long (Nhà hát lớn bây giờ) chiếm quảng trường Ngũ Long. Chúa Trịnh Khải (Trịnh Tông) bỏ chạy lên Sơn Tây nhưng bị Nguyễn Trang bắt và tự sát chết. Cơ đồ nhà Trịnh bắt đầu từ Trịnh Kiểm (1645-1570) đến vị chúa cuối cùng là Trịnh Khải (1782-1786) kéo dài 248 năm,  trải qua 10 đời chúa thì sụp đổ[1]. Trong khi chiến sự đang tiếp diễn thì một đạo quân tiến vào hoàng thành đưa mật thư của Nguyễn Huệ tôn phò vua Lê cho vua Lê Hiển Tông.

Ngày 21 tháng 7 năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ cùng đại quân tiến vào Thăng Long. Chỉ mấy ngày, Nguyễn Huệ đã tiêu diệt làm tan rã 20 vạn quân Trịnh, khôi phục lại nền thống nhất đất nước sau 257 năm chia cắt. Nguyễn Huệ không chỉ là nhà quân sự thiên tài mà còn tỏ ra có tài trị quốc. Nguyễn Huệ vào kinh thành ra lệnh chiêu an dân chúng, cấm ngặt quân sĩ không được sách nhiễu xâm phạm tài sản của nhân dân. Mặt khác,  lãnh tụ Tây Sơn ra lệnh bắt giết không thương tiếc bọn côn đồ trộm cướp khiến kinh thành yên ổn, cuộc sống trở lại thanh bình.

Ngày 31 tháng 7 năm 1786 Nguyễn Huệ ra mắt vua Lê Hiển Tông với thái độ rất khiêm tốn. Vua Lê phong Nguyễn Huệ làm “Nguyên soái phù chính lực uy vũ uy quốc công”. Ba ngày sau, do cảm mến tài đức, vua gã công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Ngày 10 tháng 8 năm 1786 Vua Lê Hiển Tông mất. Lê Duy Kỳ là cháu Lê Hiển Tông được Nguyễn Huệ đưa lên Ngôi vua: Vua Lê Chiêu Thống.

Việc Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc trái với ý muốn của Nguyên Nhạc. Sau khi Nguyễn Huệ lật đổ nhà Trịnh, Nguyễn Nhạc tức tốc đem 2.000 quân ra Thăng Long vì sợ không kiềm chế được Nguyễn Huệ nữa. Ngày 28 tháng 8 năm 1786 Nguyễn Nhạc ra đến thăng Long, Nguyễn Huệ trao binh quyền cho Nhạc. Vài ngày sau quân Tây Sơn rút khỏi Bắc Hà về Phú Xuân.

Sau khi quân Tây Sơn rút,  Bắc Hà trở nên rối loạn. Trịnh Bồng, con Trịnh Giang quay lại xưng chúa và nắm quyền, uy hiếp nhà Lê. Vua Lê Chiêu Thống phải mời Nguyễn Hữu Chỉnh đem quân từ Nghệ An ra cứu. Nguyễn Hữu Chỉnh diệt được Trịnh Bồng nhưng lại khuynh loát triều đình,  âm mưu phản lại Tây Sơn. Năm 1787 Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm và Ngô Văn Sở đem 2 vạn quân ra giết Nguyễn Hữu Chỉnh. Diệt xong Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại mưu phản loạn. Tháng 4 năm 1788 Nguyễn Huệ đem tượng binh và bộ binh đi gấp từ Phú Xuân ra Thăng Long, chỉ 10 ngày ra tới nơi và giết chết Vũ  Văn Nhậm. Vua Lê Chiêu Thống do quá hoảng sợ chạy sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh để mong giữ vững ngai vàng. Cùng thời gian này, do sự bạc nhược của Nguyễn Lữ, Nguyễn phúc Ánh đang quay lại tấn công và uy hiếp Gia Định. Nguyễn Huệ phải về Phú Xuân chuẩn bị tấn công tiêu diệt Nguyễn Ánh. Công việc cai trị Bắc Hà Nguyễn Huệ giao cho Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhậm và một số tướng lĩnh thân cận khác. Như vậy Lê Chiêu Thống quá ươn hèn mục nát đã tự đánh mất ngai vàng. Triều Hậu Lê do Lê Thái Tổ sáng lập sau cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, bắt đầu  đời Lê Sơ từ đời Lê Thái Tổ (1428-1433) đến đời Lê Cung Hoàng (1522-1527) trải qua 10 đời vua.  Đời Lê Trung Hưng tồn tại song song với nhà Mạc, với Trịnh-Nguyễn, trải qua 18 đời vua, từ Lê Trang Tông (1533-1548) cho đến vua cuối cùng là Lê Chiêu Thống (1787-1789). Tổng cộng triều Hậu Lê trị vì được 361 năm, trải qua 24 đời vua. [2]

Vốn có dã tâm xâm lược nước ta, lại được Lê Chiêu Thống cầu cứu, vua Càn Long nhà Thanh (Trung Quốc) điều động 29 vạn quân chiến đấu, 60 vạn dân binh phục vụ  mở cuộc tấn công qui mô lớn vào nước ta. Quân Thanh chia làm 4 đạo tiến vào Đại Việt: Đạo chủ lực chiếm phần lớn binh lực do Tôn Sĩ Nghị, Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) với chức “Chinh man đại tướng quân” chỉ huy theo đường Lạng Sơn tiến xuống,  đạo thứ hai do tri phủ Sầm Nghi Đống từ Cao Bằng tiến sang,  đạo thứ ba do đề đốc Ô Đại Kinh tiến theo đường Tuyên Quang,  đạo thứ tư từ Quảng Ninh đánh vào miền Đông Bắc. Trước sức mạnh to lớn của quân xâm lược, quân Tây Sơn ở Bắc Hà do Đại tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy nghe theo lời của Ngô Thời Nhậm đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược bảo toàn lực lượng về xây dựng phòng tuyến Tam Điệp để có thể ngăn chặn bước tiến của quân Thanh vào miền Trung, làm căn cứ để đại quân Tây Sơn ở Phú Xuân ra tập kết tấn công giải phóng Thăng Long sau này. Thuỷ quân Tây Sơn về đóng ở biển Biện Sơn (Thanh Hoá) tạo thành một hệ thống phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn. Bước đi này của quân Tây Sơn ở Bắc Hà cực kỳ đúng đắn đến mức các nhà sử học sau này đều gọi là “Nước cờ Tam Điệp”.

Hầu như không gặp một sức kháng cự nào, quân Thanh chiếm miền Bắc Đại Việt và kinh thành Thăng Long[3] một cách quá dễ dàng, lại nhận được thư mà lời rất lẽ mềm dẻo của Nguyễn Huệ gửi ra khiến cho Tôn Sĩ Nghị vô cùng chủ quan khinh địch. Ngày 16 tháng 12 năm 1788 quân Thanh vào Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị ra lệnh ngừng cuộc tấn công,  đóng quân lại ăn tết, dự tính đến ngày 31 tháng 1 năm 1789 (ngày 6-1 âm lịch) sẽ vào Phú  Xuân bắt sống Nguyễn Huệ. Nghị nói: “Bây giờ đã sắp hết năm, đại quân xa xôi tới đây cần phải nghỉ ngơi không nên đánh vội. Giặc gầy mà ta béo, hãy để chúng tự đến nộp thịt”.

(Còn nữa)

CVL

 ----------------------------------                        

[1] Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng:Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, tr278.

[2] :Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng:Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn trang 175-176 và218.

[3] :Ngô Gia văn phái:Hoàng Lê nhất thống chí. Nxb Văn học, Hà Nội, 1964, tr.

Bạn đang đọc bài viết "Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 13)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn