Sống dở

Vũ Trọng

13/10/2022 11:59

Theo dõi trên

Chết là hết, còn gì để mà nói. Sống không ra sống lại khác.

song-do-1665637274.jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Cái xóm nhỏ đang êm đềm bên bờ sông An bỗng dưng ồn ào cả lên: - Ông Đoàn chết rồi!- Tại sao mà chết, sao nhanh quá vậy? – Mới mấy hôm trước còn thấy ông xem đánh cờ tướng với anh Hường kia mà…Lại thêm tiếng anh hàng xóm chữa xe đạp sát nhà ông đưa ra lời bình: - Sống như thế sao mà không chết, chỉ có nhanh hay chậm bất cứ lúc nào thôi. Ai cũng ngạc nhiên trước câu nói của anh. Không ai hiểu tường tận bằng anh hàng xóm gần gũi với ông nhất, là người đầu tiên phát hiện ra ông chết mặc dù anh không có họ hàng gì với ông.

Nhìn gia cảnh ông Đoàn, bề ngoài ai cũng cho là một gia đình hoàn hảo bậc nhất trong làng. Con cái hai trai một gái đều học giỏi thành đạt . Ông phấn đấu trong quân ngũ lên cấp tá rồi về hưu, lương ngót chục triệu. Ở cái làng thuần nông này mức tiền đó có mà ăn chả hết. Nhiều người mơ cũng không được, lại còn ví von so sánh: - Bà chỉ ở nhà chăm ông cũng hơn khối nhà lăn lưng ra nuôi hàng chục con lợn lai kinh tế ấy chứ: - Nói không ngoa đâu.
Khi các con của ông đã phấn đấu thành đạt. Ba đứa có việc làm ổn định ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam…Vì công việc bận rộn chúng thoát ly, bỏ ông bà ở nhà chăm sóc nhau khi tuổi đã về già…

Thế rồi các con của ông bà thay nhau xây dựng gia đình, thi nhau sinh đẻ. Bà thi thoảng phải bỏ mặc ông ở nhà một mình tự chăm sóc để bà đi giúp đỡ con cháu. Đứa con dâu ở Hà Nội có bầu mới tháng thứ bảy mà bà đã vội ra với con vì nghe đâu sắp có cháu đích tôn:

- Quan trọng lắm…Không thể không ra được. Bà lại để ông ở nhà một mình sống với căn bệnh gút kinh niên. Những u nổi đỏ hỏn như ốc biêu vàng gớm ghiếc. Bà đi ra với con, ông phải tự cơm nước giặt rũ quần áo, đi chợ… Quãng đường ra chợ không xa mà ông tập tễnh cả tiếng thật tội! Những đêm trái gió trở trời cơn đau của bệnh hành hạ ông không chịu được, phải treo chân lên của sổ, miệng rên rỉ như một đứa trẻ. Ông mong ngóng bà mau chóng trở về. Thế rồi bà cũng về, ông mừng ra mặt, cứ tưởng rằng bà sẽ về chăm ông, nhưng không, bà về là có lý do: Giỗ người mẹ quá cố của bà cách đây gần chục năm…
Đi ở với cháu lâu ngày thành quen, thành nhớ. Mới ở với ông được có mấy ngày bà đã đứng ngồi không yên, lại thêm thằng con điện nói như trách: - Bà ơi! Cháu nó nhớ bà lắm, quấy khóc cả đêm, không chịu ăn uống gì cả. Nó còn bóng gió:

- Bà về lâu không lên cháu nó lại không nhận ra bà nữa đâu.. Biết bà sắp lại ra đi, đêm đó ông tâm sự: - Bà ạ! Lúc về già sống dựa vào nhau khi yếu đau, trái nắng trở trời, chứ bà cứ đi như thế tôi khó nghĩ lắm, đành rằng bà cũng chỉ vì con, thương con thương cháu. Có lúc tôi chịu đựng không nổi bà có biết không? Bà im lặng ông cứ tưởng bà đã chuyển. Ai ngờ mới sáng tinh mơ bà đã chuẩn bị khăn gói ra hiên nhà chờ xe đi Hà Nội gấp cứ như là chạy trốn. Giọng ông run run:

- Thế bà lại đi thật à? - Bà liền xẵng giọng: - Ông chịu khó ở nhà một mình nào có việc gì đâu? Người lớn sống thế nào chả xong, cháu nó còn đang non nớt, đợi một thời gian nữa nó cứng cáp tôi lại về với ông. Nghe câu” Thời gian nữa” Ông như không tin vào tai mình. Mặt ông nghệt ra thật tội!. Trong sâu thẳm ông tự hỏi mình : - Liệu ông còn sống được bao lâu nữa? Mà bà nói thế??? Vừa định nói suy nghĩ đó ra thì chiếc xe giường nằm đi Hà Nội xịch đến, đón bà lên xe đi thẳng. Ông lại trở về sống một mình trong cô đơn và bệnh tật. Nhiều lúc buồn ông lại lê đôi chân đến cửa hàng nhà anh Hường chơi và tâm sự. Anh Hường thông cảm góp ý:

- Lương ông cao thế sao không thuê người giúp việc cho đỡ khổ? – Giọng ông Đoàn chùng hẳn xuống: - Có ở trong chăn mới biết chăn có rận chú ạ! Nhìn bề ngoài ai cũng bảo nhà tôi là sung sướng nhất làng, lương ăn đổ lên đầu cũng không hết. Về tiền nong tôi giao hết cho bà ấy muốn làm gì thì làm. Bà ấy lại cả tin, nghe con đầu tư đa cấp mất hết cả, chúng nó lại còn bàn với tôi bán nhà lên ở với các con, nhưng tôi kiên quyết không chịu.

– Mình già rồi còn sống được mấy đâu hả chú?
Chuyện nhà hàng xóm, anh Hường chỉ nghe rồi ừ hữ cho qua… Bệnh gút của ông ngày một trở nặng, uống nhiều thuốc tây các cơ quan nội tạng dần dần hư hại. Có đêm hai giờ sáng anh Hừơng nghe thấy cú điện thoại cứ tưởng của ai? Không ngờ của ông Đoàn, ông bảo sang nhờ một tý :- Anh sang thấy ông mắt đỏ hoe, miệng rên khe khẽ. Thấy anh ông mừng lắm:

- Thật sự với chú, tôi đắn đo mãi mới dám gọi đêm hôm khuya khoắt thế này, tôi nhờ anh lấy giúp tôi liều thuốc có sẵn tôi để dưới ngăn tủ bếp, tôi đau cái chân thấu lên tận óc không tài nào mà đi được. Anh Hường làm theo, kèm một ly nước lọc cho ông uống thuốc. Trong căn phòng phảng phất như mùi khói.
Bẵng đi ba hôm, anh Hường không thấy ông ghé chơi và cũng chẳng thấy ông đi chợ ... Như có một linh cảm chẳng lành anh chạy sang nhà ông. Vừa tới sân anh gọi: - Bác Đoàn ơi! Bác Đoàn!. - Không gian như rộng ra anh bỗng rùng mình bước vào nhà qua cánh cửa khép hờ. Hoảng hồn! Thấy ông nằm giữa nhà với tư thế như cố gắng với tay ra phía bàn, trên đó đề sẵn những viên thuốc… Ông đã chết, người cứng đơ từ bao giờ!. Miệng và hai lỗ mũi kiến đã bu lại…
Biết tin ông chết, vợ và các con xa gần kéo về đông đủ. Riêng bà vợ vừa về đến đầu ngõ đã lăn ra gào lên thê thảm :

- Hờ ông ơi, ông ơi…! Sao ông lỡ bỏ vợ, bỏ con mà đi ông ơi… hời!...
Chỉ là một câu chuyện của người ta tôi ghi chép lại:

- Cái chết đối với ông là kết thúc một cuộc đời. Chết là hết. Chiếc quan tài của ông rất là đẹp được phủ cờ. Con cháu xa gần trở về viếng ông không thiếu một ai, đối với ông cũng chẳng còn nghĩa lý gì nữa!.
Đám ma của ông phải nói là to nhất làng cũng chỉ vì người sống bầy đặt, để cho mọi người nhìn vào gia đình ông bình luận:

- Đám ma ông Đoàn to thế!.
Dòng sông An vẫn êm đềm như ngàn xưa.

Chuyện làng quê
 

Bạn đang đọc bài viết "Sống dở" tại chuyên mục Văn hóa đương đại. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn