Năm 2016, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong hàng trăm năm phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu được kết nối, trao truyền bởi biết bao thế hệ những thanh đồng tâm huyết với di sản. Không chỉ gìn giữ đạo Mẫu, những thanh đồng cũng ngày đêm góp công sức, tâm huyết cho việc phục dựng những không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tuyên Quang là một vùng đất có nhiều người đẹp và phong cảnh đẹp, nơi có sông núi linh thiêng và thơ mộng. Trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp phần tạo nên bản sắc của xứ Tuyên. Từ thuở xa xưa Mẫu đã trở thành biểu tượng về người Mẹ, cội nguồn sự sống, sinh tạo giống nòi, giúp nước trợ dân.
Các đền, đình thờ Mẫu ở Tuyên Quang đều được xây dựng ở những nơi có cảnh quan tươi đẹp: Đền Kiếp Bạc (thờ Đại vương Trần Quốc Tuấn), đền Lăng Quán (thờ Tứ vị Hoàng đế), đền Lâm Sơn Linh Từ (thờ Chúa bà Lâm Sơn), đền Cô bé Minh Lương (huyện Yên Sơn), Đền Mỏ Than (Sơn Thám Linh Từ, thuộc tổ 35 phường Minh Xuân thành phố Tuyên Quang), Đền Cảnh Xanh (đền Cây Xanh, thuộc tổ 27 phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang), đền Ghềnh Quýt (xóm 11, xã Tràng Đà thành phố Tuyên Quang)…
Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng ngấm vào dòng máu của thanh đồng Hoàng Nguyễn Phương Thảo. Tâm huyết với đạo Mẫu, không chỉ hoằng dương đạo Mẫu, Hoàng Nguyễn Phương Thảo góp nhiều công sức tu bổ các đền, chùa, phục dựng không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, đền thờ Thánh Mẫu Thoải Phủ là vị Thánh Mẫu chủ về nguồn nước thuộc hệ Tam Tòa Thánh Mẫu của người Việt, ngoài ra đền Thác Cái còn thờ Chúa bà Thác Cái và thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Khi mới xây dựng, đền nằm ven sông Lô, sau đó đền được di chuyển tới vị trí chân núi như hiện nay. Đền Thác Cái được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh (J) kiểu tường hồi bít đốc tay ngai mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.
Năm 2004 sau khi nâng cấp tuyến đường quốc lộ số 2 đền được tu sửa xây dựng lại và đến năm 2008 đền Thác Cái được ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.
Trải qua thời gian, ngôi đền đã xuống cấp. Qua huy động vốn xã hội hóa để tôn tạo, xây dựng đền Thác Cái được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự phát tâm công đức của Thanh đồng Hoàng Nguyễn Phương Thảo, đền Thác Cái đã xác định được nguồn vốn đầu tư và xây dựng.
Sau hơn 6 tháng thi công xây dựng, cuối tháng 2/2024, đền Thác Cái, xã Yên Phú, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã được xây dựng khang trang gồm tòa đền chính rộng trên 238m2, vật liệu tu bổ xây dựng các hạng mục của di tích đền Thác Cái đều là những vật liệu truyền thống được sử dụng tu bổ trong các công trình kiên cố như: toàn bộ thân đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói mũi hài, vữa đắp truyền thống; Nền lát đá xanh, cửa bằng gỗ theo kiểu thượng song hạ bản và cổng đền, rất phù hợp về chất liệu trong hoạt động tu bổ di tích hiện nay, tăng sự bền vững, giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc cổ của ngôi đền. Các công trình phụ trợ gồm bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm rộng trên 50m. Tổng kinh phí xây dựng trên 15 tỷ đồng.
Việc đầu tư xây dựng, khôi phục, tu bổ lại tòa đền chính đền Thác Cái, xã Yên Phú là phù hợp với định hướng phát triển tín ngưỡng, tôn giáo mà Đảng và Nhà nước đã đề ra, đồng thời cũng phù hợp với phương hướng, mục tiêu và nguyện vọng tâm linh của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Theo thanh đồng Hoàng Nguyễn Phương Thảo, việc trùng tu, tôn tạo những di tích gắn với đạo Mẫu không chỉ để du khách thập phương chiêm bái mà còn góp phần giúp nhân dân địa phương được giao thương buôn bán đồng thời lan tỏa, phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bên cạnh việc bảo tồn nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, thanh đồng Hoàng Nguyễn Phương Thảo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân trên con đường hướng thiện và phát dương quang đại đạo Mẫu Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, thanh đồng Hoàng Nguyễn Phương Thảo luôn trau rồi kiến thức, tìm hiểu chuyên sâu về văn hóa tâm linh hầu đồng. Mặt khác, tích cực tiếp thu những ý kiến của các đồng thầy đi trước để phát huy và bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhận thức đúng những giá trị di sản văn hóa của dân tộc, hiểu được tâm tư tình cảm, lòng yêu nước của những người “ăn cơm trần làm việc thánh”.
Ngoài việc bảo tồn cũng như hoằng dương đạo Mẫu, thanh đồng Hoàng Nguyễn Phương Thảo vẫn thường xuyên tham gia các phong trào địa phương như giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ vùng thiên tai lũ lụt, tặng quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó…
Sau đền Thác Cái, thanh đồng Hoàng Nguyễn Phương Thảo tiếp tục phát tâm trùng tu, xây dựng đền Lăng Quán (khánh thành vào dịp đón Xuân Giáp Thìn năm 2024), đền Mỏ Than, đền Ghềnh Quýt - những ngôi đền linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian của tỉnh Tuyên Quang để du khách thập phương chiêm bái cảnh đền và cũng mong muốn bà con dân thôn được giao thương buôn bán cũng như nền văn hóa của các vùng miền.
Thanh đồng Hoàng Nguyễn Phương Thảo chia sẻ: “Tôi một lòng phụng sự tiên Thánh nên tâm nguyện đủ nhân duyên sẽ hằng tâm hằng sản thực hiện xây dựng những ngôi đền trên mọi miền Bắc, Trung, Nam”.
Là người có tâm, nên ngoài công việc hầu đồng, Hoàng Nguyễn Phương Thảo thường sắp xếp thời gian cùng gia đình làm những công việc từ thiện giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời kỳ dịch bệnh Covid căng thẳng, cô cũng đã thực hiện rất nhiều việc thiện hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, giảm bớt gánh nặng trên vai để yên tâm chống dịch một cách tốt nhất. Chính vì thế cô càng được mọi người yêu mến và kính trọng bởi tấm lòng xuất phát từ cái tâm to lớn của mình.
Với thanh đồng Hoàng Nguyễn Phương Thảo, ngoài thực hiện hoằng dương đạo Mẫu, hạnh phúc đối với cô là sẻ chia, cho đi là còn mãi. Bởi vậy việc giúp người, giúp đời chính là niềm vui của cô.