Cha dượng

Bùi Trung

27/12/2021 12:50

Theo dõi trên

Mẹ tôi mỗi lần đi Sài gòn thăm Ba đều cho tôi đi theo. Thời đó, từ chợ Cái Vồn đi Sài Gòn cực lắm vì đường xấu, xe đò chạy chậm chờ rước khách dọc đường, ngoài hai hàng ghế chính còn bắt khách cho ngồi ghế súp. Tuy là con nít nhưng Mẹ tôi lúc nào cũng mua riêng cho tôi một ghế cho dễ ngủ. Mà tôi khi đi xe thì có bao giờ mà ngủ đâu! Hết đếm cầu, đếm cột điện, đếm cây số.

cha-duong-1640584130.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Nhà Ba ở đường Cô Giang, cái hẻm vô nhà dài ngoằn ngoèo lối đi trên sàn bằng ván như đi trên cầu, nhìn xuống bên dưới là làn nước đen ngòm thấy cả bầy chuột cống đang chạy nhìn mà ớn. Bước ra hẻm nhìn ngang bên đường ngay ngã tư Cô Giang - Đề Thám là tiệm cà phê Hủ tíu của chú Dùng một ông Chệt từ Trung Quốc qua cùng thời với ba tôi. Tiệm rất đông khách vì nằm ngay góc ngã tư, khách ăn uống kêu chỉ một lần là lần sau đến chú Dùng không cần hỏi là biết ý của người khách rồi. Nhìn cách bán của chú giống như cách bán của chú Sáu Xí Xồi ở Bình minh khi thấy khách kêu tô hủ tíu chú hê lên:

- Dách cô phản túng ngùun...

Ba tôi tuy là người Hoa nhưng ông nói tiếng Việt rành lắm, không lơ lớ như những ông ba Tàu khác. Đi đâu Ba cũng dẫn tôi theo, các món ngon vật lạ từ Sài Gòn - Chợ Lớn tôi đều được Ba cho ăn hết. Từ cái tiệm cơm Thố góc Phùng Hưng - Nguyễn Trãi (gần tiệm vàng Khánh Vân ) đến mấy xe mì của mấy ông Chệt bạn của ba gần cái Đình Minh Hương trên đường Trần Hưng Đạo, những món đồ chơi đắt tiền được chưng đẹp lung linh trong tủ kính ở những tiệm bán đồ chơi trẻ em có giá Trên trời dưới đất ở khu Đồng Khánh. Chỉ cần tôi nhìn là ba tôi mua Ngay. Có lần thấy mấy thanh kiếm Nhật bằng nhôm đẹp quá, chợt nhớ mỗi lần bọn trẻ xóm Lò heo ở quê chơi trò đánh kiếm phải đánh nhau bằng kiếm làm từ bẹ dừa, vừa thấy tôi nhìn thì Ba tôi kêu chủ tiệm đem ra cho tôi lựa nhưng lựa hoài thấy cây nào cũng đẹp Ba tôi cười nói:

- Con Ngộ nó thích thôi thì nị lấy hết cho nó.

Lần đó tôi bị mẹ tôi chửi cho một trận te tua vì mua gần 20 cây kiếm mang về, chiều chiều phát cho lũ bạn con nít xóm Lò heo mỗi đứa một cây đánh nhau chí chóe u đầu mẻ trán

( Còn tôi thì ngon hơn vì có cây kiếm có cái vỏ bằng cây khắc hình con Rồng).

Còn viết thì toàn những hiệu nổi tiếng và rất đắc tiền như: Pilot, Wyler, Parker... lúc nào trong cặp cũng đôi ba chục cây. Có lần ba mua cho cây viết có đồ cắm để trên bàn mấy ông anh nói:

- Cây này mắc lắm nhe Út đừng đem vô lớp dễ mất.

Vậy mà mất lúc nào cũng không hay.

Thấy tôi sáng dạ nên Ba hay dạy cho tôi đủ thứ, Ba dạy cho tôi biết cách đếm từ 1 đến 100 của người Hoa, biết những tiếng thông dụng trong gia đình như: "Xực phàn" là ăn cơm, "xực chúc" là ăn cháo, "nhẩm xà" là uống trà, "nhẩm chẩu" là uống rượu... Ba dạy cho cách tính tiền bằng cái bàn gãy nghe lóc cóc, tôi tuy sáng dạ nhưng cái bàn bằng cây có những con bằng gỗ tròn tròn như con cờ tướng là tôi chịu... thua. Ba dạy rồi là tôi quên rồi, còn Ba ổng lẹ lắm, bàn chân đè nguyên cọc tiền một tay đếm còn một tay lóc cóc trên bàn tính lúc đó Mẹ mới nói:

- Ổng chữ nghĩa giỏi lắm nên người ta mới mướn ổng làm Tài phú.

Ba là ba Tàu chánh hiệu nên Ba muốn Mẹ cho tôi lên Sài Gòn học Trường Hoa kiều nhưng Mẹ không cho, khi lớn lên tôi mới biết ông Ba Tàu hết mực thương yêu nuông chiều tôi không phải là Ba ruột của mình.

(Ông tên Trần Mộc quê ở Triều Dương tỉnh Phước Kiến - Trung Quốc còn người Ba ruột của tôi là ông Bùi văn Mậu gốc ở vàm Phù Ly xã Đông thành)

Đó là chuyện tình tréo ngoe của Mẹ tôi và hai người đàn ông mà tôi đã kể rõ trong bài viết  "Chuyện tình của Mẹ tôi". Tuy ông ba Tàu chỉ là " Cha dượng" nhưng đối với tôi ông lúc nào cũng là một người cha tuyệt vời. Nhờ có ông mà tôi học được nhiều điều . Ông dạy cho tôi cách làm người. Không Tham gian, không Lừa thầy phản bạn, ăn cây nào phải biết rào cây nấy. Ông dạy cho tôi phải có lòng "Trung thực " khi ra đời. Ông kể cho tôi nghe những câu chuyện hay, những tích xưa, những Nhân quả báo ứng của con người, có lẽ sau này ít nhiều tôi cũng giống ông được phần nào và tôi luôn tự hào về điều đó.

Mỗi lần lên Sài Gòn được Ba dẫn đi khắp nơi, tới chỗ nào cũng có bạn của Ba, gặp Ba họ mừng rỡ và kêu Ba bằng "Tài có". Góc đường Đề Thám Cô Giang ngang quán Chú Dùng có một cái hẻm, vô hẻm là đi ngang một hãng làm Nước mắm tĩn trong xóm toàn là người Hoa ( Phía sau lưng Đình Cầu muối ) người nào gặp Ba cũng tỏ vẻ kính trọng. Hỏi họ là ai Ba nói:

- Họ là những người anh em của Ba thời Bình Xuyên, bây giờ Ba và họ không dính vô Giang hồ nữa và ai cũng kiếm một việc gì đó để làm.

Cái người anh em của Ba hay ghé nhà làm bánh bao bán, có loại bánh bao nhưn mè đen ngon đến nổi chỉ nhắc tên thôi là muốn chảy nước dãi rồi (Nhưng tên tiếng tàu tôi không nhớ).

Khi có gia đình, số phận đẩy đưa tôi lại được làm Cha Dượng, tôi "cố gắng" đối xử tốt với những đứa con không phải là con của mình giống như Ba tôi đã từng đối xử với tôi vậy. Nhưng tôi vẫn mang tiếng là người cha ghẻ không tốt, mấy đời bánh đúc có xương... Nhưng miệng đời đâu phải là miệng của mình...

Lớn lên một chút, khi theo Ba ruột về quê họ Bùi ở Phù Ly tôi mới biết ngày xưa khi ông Ba Tàu ở với Mẹ tôi có ba người con trai ( Là ba người anh cùng Mẹ khác Cha với tôi) Mẹ tôi và Ba Dượng vì mâu thuẩn chuyện gia đình mà chia tay khi Mẹ có ba đứa con trai, ông Ba ruột tôi nhảy vô hốt ổ nuôi ba người con của ông Ba Tàu và nghe kể lại ông cũng là một người Cha dượng tuyệt vời. Nhờ có ông mà Mẹ tôi nuôi ba người anh tôi trưởng thành, và sau này khi ông ba Tàu lúc giàu có trở lại tìm vợ con thì ông Ba ruột bỏ đi trả vợ lại cho người chồng trước, khi Mẹ đã mang thai tôi mà Mẹ và ông không biết. Khi Ba ruột tôi mất đi người Anh hai của tôi (anh Chệt văn) vẫn lo cúng giỗ hàng năm đến khi anh mất thì người anh thứ Tư (anh Tư Tỷ) tiếp tục cúng giỗ người Cha dượng, người mà anh Tư từ nhỏ đã gọi bằng Ba. Khi kể về Ba dượng (Là Ba ruột của tôi) anh lúc nào cũng khen ông một người Cha Dượng  tốt, luôn thể hiện tình cha con thương yêu hết mực ba đứa không phải là con mình. Có lẽ nhờ vậy mà ít nhiều Bà Nội của tôi thương mấy ông anh của tôi (tuy không phải là cháu ruột của Bà ) nhiều hơn tôi vì Bà và mấy ông anh gần gủi hơn tôi.

Khi vợ mất, tôi  lại một lần nữa làm cha Dượng với đứa con riêng. Tôi cũng đã cố gắng làm tốt hơn trách nhiệm một người Cha và hy vọng sẽ không mang tiếng xấu khi đứa con gái riêng của vợ tôi mỗi ngày một lớn lên và nó thương tôi hơn người Ba ruột của nó. Những gì Ba Dượng tôi dạy tôi lúc nhỏ tôi dạy lại cho đứa con riêng và nhìn nó tôi thấy hình ảnh tôi trong đó.

Tôi luôn nhớ về Ba Dượng của mình một người cha Tuyệt vời. Tôi cũng tự hào là con của Ba ruột tôi tuy ông không nuôi tôi nhưng ông cũng là một người Cha Dượng tốt với cả ba người anh của tôi.

Có người hay nói mỉa :

- Mấy đời bánh đúc có xương.

Mấy đời Cha Dượng mà thương con người ?

Câu này chỉ là câu nói sẽ tạo nên "Khẩu nghiệp" phải không các bạn? Nhưng đã có người đã từng nói về tôi như vậy đó, và có người vẫn cố tin, mặc dù tôi vẫn luôn luôn tốt với những đứa con không phải là con của mình (như những người Cha của tôi). Nhưng "họ" không bao giờ tin như vậy .

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Cha dượng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn