Chuyện của các thầy

 Nguyễn Văn Nọi

14/04/2023 09:28

Theo dõi trên

Trưa thứ Sáu, 7/4/2023, K16 Vật lý, Đại học tổng hợp Hà Nội có cuộc gặp mặt tại nhà Nguyễn Thị Kim Oanh. Trong 15 thành viên tham dự, có 5 tiến sỹ (trong đó có 1 Giáo sư, 1 Phó Giáo sư), 4 Đại tá lực lượng vũ trang. Khá nhiều các bạn trong lớp là thầy giáo nên được nghe rất nhiều chuyện vui về "Chuyện của các thầy" mà tôi viết lại dưới đây.

Thập kỷ 90 của thế kỷ trước và những năm đầu của năm 2.000. Trào lưu học tại chức đại học khá phát triển ở nhiều tỉnh. thành phố, các thầy dạy đại học ở Hà Nội có cơ hội đi dạy ở nhiều tỉnh khác, vất vả vì đi lại nhưng cũng vỡ ra nhiều điều và thu nhập cũng khá hơn. Sau mỗi đợt đi công tác, các thầy thường mua quà từ các tỉnh mang về cho vợ con và người thân. Khổ nỗi mỗi khi vợ hỏi giá mua các món quà đó, các thầy khai thật giá là luôn bị vợ chê là mua đắt. Những lần sau, các thầy rút kinh nghiệm thường khai giá mua thấp hơn giá thực tế các thầy đã bỏ ra mua, chẳng nhận được lời khen nhưng cũng đỡ phải nghe lời chê. Tuy nhiên các món quà được khai giá rẻ hơn thực tế lại bị các bà vợ không coi trọng nhiều. Có thầy, đi vào miền Tây thấy món cá Dứa một nắng nổi tiếng nên mua về cho cả nhà thưởng thức vì miền Bắc khi đó bói đâu ra. Khi vợ hỏi giá mua cá Dứa là bao nhiêu thì thầy trả lời với niềm hãnh diện:

b1nvn1q-1681436111.jpg

Ảnh do tác giả cung cấp.

- Cá là do học trò mua tặng đấy, không phải mua đâu – Bà vợ nghe tên cá Dứa lạ tai, lại gần như cá khô nữa nên mang tặng cả gói cá Dứa (gần 2 kg) cho hàng xóm vì nhà còn nhiều thức ăn. Bà vợ đâu biết Cá Dứa là đặc sản của miền Tây, giá gấp đôi giá cá lóc hoặc cá Ba Sa một nắng. Đến bữa ăn ông thầy hỏi món cá Dứa đâu thì mới biết vợ mình mang cho hàng xóm rồi nên tiếc hùi hụi mà chẳng dám nói gì.

Một khoản thu nhập đáng kể ngoài bồi dưỡng đứng lớp theo quy định là những phong bao do học trò gom tiền tặng thầy. “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” là câu nói cửa miệng hồi đấy của các thầy và trò khi dạy và học tại chức. Để dễ dàng trải qua các môn thi, các cán bộ đi học thường lập quỹ tặng thầy và chiêu đãi thầy mỗi khi kết thúc lớp học. Các bà vợ của các thày rất nhanh chóng phát hiện ra nguồn thu nhập ngoài sổ sách này nên mỗi khi các thày đi dạy về, và sau này cả khi các thày đi dự họp các hội đồng về là các bà thu bằng hết. Đầu tiên là các thầy tự giác khai báo, sau đó các bà sẽ dùng “nghiệp vụ chuyên môn – lục túi” để kiểm tra. Có thầy được học sinh mời đi dự tiệc tối về thường bị vợ càm ràm nên đã tự bỏ tiền túi cho vào phong bì và đưa cho vợ khi trở về nhà với lời giải thích:

- Mấy đứa học trò vẽ chuyện, bày đặt tiệc tùng để đưa phong bao cho thầy – Bà vợ cười tươi sau khi nhận phong bì.

- Học trò nó phải tế nhị vậy chứ, thôi anh cũng chịu khó đi dự tiệc với chúng nó cho vui.

Cũng vì chuyện “Đánh bắt xa bờ” của các thầy mà nảy sinh những quan hệ ngoài luồng, đe dọa hạnh phúc gia đình của một số thầy. Nữ sinh tại chức của các tỉnh thường mê tài năng, phong độ của các thầy dạy đại học ở Hà Nội nên mặc dù biết các thày đã có gia đình mà vẫn “say nắng” các thầy đến mức không cưỡng được. Một anh bạn học của tôi, vốn là cựu chiến binh, bí thư chi bộ ở trường, luôn mô phạm khi ở trường nhưng khi đi dạy tại chức ở một tỉnh đã bị xô đổ bởi tình yêu của một nữ học trò tại chức. Thật may (hoặc không may) vợ thầy phát hiện được liền cấm thầy đi dạy tại chức và giam lỏng thầy ở Hà Nội, họp lớp còn không cho đi và điện thoại luôn bị giám sát. Một thầy khác, học trò luôn tổ chức tiệc tùng và cho thầy đi từ A đến Z. tất nhiên khi đêm khuya trở về nhà, thầy luôn có phong bì nộp vợ. Nhưng rồi vợ thầy phát hiện thầy trễ nải chuyện chăn gối vợ chồng nên mỗi khi chồng đưa phong bì, bà vợ cầm phong bì nhưng vẫn nhắc:

- Tối nay vẫn phải nộp thuế đủ đấy nhé – Thầy chỉ còn nước méo mặt vì đâu còn “tiền” để nộp thuế.

Sau bữa liên hoan tôi và Nguyễn Chí Thành (NCT) ngồi uống nước cạnh nhau. NCT học vật lý lý thuyết, thông minh nên hồi ấy được tuyển làm nghiên cứu sinh tiến sỹ. Tuy nhiên vì NCT lấy vợ và có con sớm, cuộc sống gia đình khó khăn về kinh tế nên anh buộc phải bỏ nghiên cứu sinh để tranh thủ đi dạy kiếm tiền. NCT có kỹ năng khá thú vị là dạy toán cho sinh viên học vật lý và dạy lý cho sinh viên học toán. NCT nói khá hài hước về các Trung tâm giáo dục thường xuyên đang nở rộ ở các tỉnh khi đó:

- Những trường dạy lõn nhõn, bữa đực bữa cái thì được gọi là “Trung tâm giáo dục thường xuyên”. Các trường dạy nghiêm túc thường xuyên thì chỉ gọi là “Trường học” – Phát hiện rất thú vị.

- Các trường đại học thời ấy sinh ra rất nhiều và có những cái tên rất kỳ cục, ví dụ “Trường đại học Giáo dục” mà các thầy gọi tắt là Trường “Đại Dục” - Phó Giáo sư PQT ngồi bên còn bổ sung:

- Còn có trường “Đại học đại cương” nữa, trường này được các thầy gọi tắt là trường “Đại cương”

Cám ơn các bạn K16, cám ơn các thầy đã cho tôi được nghe “Chuyện của các thầy” và cười cho đến giờ này.

(P/s: Đây là những chuyện vui chứ không phải để nói xấu các thầy đâu nhé các bạn đọc.)

Hà Nội, 11/4/2023

NVN

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Chuyện của các thầy" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn