Có họ là phải có hàng

Nguyễn Xuân

22/04/2024 06:53

Theo dõi trên

Năm tôi học lớp 6, thời chiến tranh chống Mỹ, tôi sơ tán về quê nội, bên kia dòng sông Cấm. Được về quê, lúc còn bé, là bao nhiêu niềm ao ước, giờ thì ở luôn quê, có những niềm vui và cũng có nỗi ấm ức không nói lên lời. Đấy là do tôi có "bà chị" con bác, kém tôi 8 tuổi, tức là mới có lên 5, đang đi học mẫu giáo, nhưng mà đành hanh thì thôi rồi.

Tôi ở nhà ông nội tôi, nhưng dưới con mắt của chị, tôi chỉ là kẻ ở nhờ; Ngay như ông nội, chị cũng bảo của chị, không cho tôi chung. Hôm đầu tiên gặp gỡ, chị đã bảo tôi: Mày phải gọi tao bằng chị. Tôi buồn cười quá, bảo ngay: Sao tao lớn thế này, tao lại phải gọi mày bằng chị. Chị quắc mắt lên bảo tôi: Vì bố mày là em bố tao, nên mày phải gọi tao bằng chị. Ôi, cái giáo lý đơn giản ấy mà sao tôi học lớp 6 đã 13,14 tuổi cũng không biết nhỉ, hay chỉ mải chơi u, mải đọc truyện... nên chẳng để ý đến cái gì mẹ bảo ban. Thấy tôi xuôi xuôi, chị "dạy dỗ" tiếp: Anh Keng đang ở nhà mày, không phải anh ruột mày đâu, mà là anh nhà bác Keng, anh con bác. Đến nước này tôi không chịu được nữa, anh tôi mà không phải anh tôi là thế nào. Từ bé đến giờ, tôi vẫn nghĩ mấy anh em tôi là ruột thịt, dù anh nhiều tuổi hơn chúng tôi rất nhiều. Tôi tức tối đến phát khóc 2 hôm liền. Càng nghĩ tôi càng thấy ngờ ngợ, hình như anh không gọi bố mẹ tôi là bố mẹ, mà gọi là chú thím thì phải. Sau này, hỏi mẹ, tôi mới biết, bố anh ấy mất sớm, bố tôi là chú, nhận nuôi anh ấy từ khi chưa có anh em chúng tôi. Từ sau những lần được dạy dỗ ấy, tôi mới thấy nể nể bà chị họ của tôi, thế mới biết ở quê, những đứa trẻ con hiểu chuyện vô cùng, không ngờ nghệch như lũ gà gô thành phố chúng tôi.

Từ đấy, hai chị em tôi như hình với bóng, đi đâu cũng có nhau. Thường thì ra vườn thuốc nam của ông chơi, hay thơ thẩn đường làng ngõ xóm. Một hôm, đang đứng chơi đầu ngõ, có 3 cô gái trẻ trung xinh đẹp đi qua. Một cô trông thấy tôi reo lên: Ơ, con nhà ấy sơ tán về đây hở? Tôi nhanh nhẩu chào các chị. Ba cô rú lên như phải bỏng, ngặt nghẽo đấm nhau thùm thụp: Đến bố cháu cũng phải gọi đây bằng cô đấy. Vừa lúc ông nội tôi, râu tóc bạc phơ bước ra mời các cô vào uống nước, ông ân cần xoa đầu tôi và nói với các cô, cháu nó mới về nên chưa biết hết, các bà thông cảm cho cháu. Và ông bảo tôi, đây là các em con chú của ông, cháu phải gọi bằng bà. Bây giờ tôi mới hiểu cái cấu véo của bà chị tôi lúc đầu.

Lúc đi học lại còn rắc rối hơn. Tôi mượn đứa ngồi bàn trên: Cho tao mượn cái thước kẻ. Nó giật phắt cái thước lại bảo tôi: Mày phải gọi tao bằng cậu. Lại còn thế nữa, học cùng lớp mà phải gọi nhau bằng cậu. Thế rồi, nó cũng cho tôi mượn thước kẻ kèm theo một câu nhắn nhủ: Mày về hỏi mẹ mày xem. Tôi về hỏi mẹ, được biết đấy là em con cô của mẹ tôi. Tôi cứ trêu mẹ, sao mẹ có em bé thế.

Nếu mà cứ thông thường như thế thì thời gian trôi qua tôi sẽ biết nhiều hơn, nhưng mà lại có chuyện bất thường. Chả là bác tôi có thông gia đến thăm con gái đẻ. Tôi suy ngẫm cẩn thận và chào bằng bác. Tưởng rằng việc chào hỏi đã xong xuôi, ai ngờ lúc ra về gặp ông tôi, bác ấy lại đon đả: Em chào anh, anh dạo này có khoẻ không? Ông tôi mời cô vào uống nước. Tôi cứ đứng chết lặng với mớ bòng bong, sao bác ấy lại chào bố thông gia bằng anh là thế nào. Và rồi cuối cùng tôi cũng được giải thích là xét về họ ngoại 5 đời, bác ấy là em họ ông tôi. Nhưng tôi vẫn chưa thấy thoả đáng, đã chấp nhận thông gia với bác tôi thì phải gọi ông tôi bằng ông chứ. Câu dạy: Ngõ nhà ai nhà ấy đi là ở đây chăng.

Thôi, cứ đúng câu có họ là phải có hàng là đây, thế mới nên 2 chữ họ hàng.

Chuyện quê

Bạn đang đọc bài viết "Có họ là phải có hàng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn