Cuộc quyết đấu lịch sử "Điện Biên Phủ trên không" 1972 (Kỳ 2): SO SÁNH LỰC LƯỢNG 2 BÊN NHƯ “TRỨNG CHỌI VỚI ĐÁ”?

Đặng Vương Hưng

09/12/2021 09:39

Theo dõi trên

Người Mỹ đặt tên cho cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng của họ là chiến dịch Linebacker II (sút bóng trước khung thành lần hai).

chuyb52-1639017044.jpg
B-52 được thiết kế có thể mang tới hơn 100 quả bom. Bởi thế, khi thực hiện các phi vụ, chúng thường ném bom theo kiểu “rải thảm” (carpet-boms). Tạo nên tiếng bom rơi xé không khí, gầm rít ghê rợn và kéo dài như giông bão. Mỗi chiếc B-52 sau khi “rải thảm” có khả năng huỷ diệt cả một vùng rộng lớn... (Ảnh tư liệu do tác giả sưu tầm).

 

Để thực hiện nó, Lầu Năm Góc đã huy động một lực lượng quân sự mạnh chưa từng có, kể từ sau Đại chiến thế giới lần thứ II: Gần một nửa số máy bay ném bom chiến lược B-52 của toàn nước Mỹ (193/400 chiếc); hơn một phần ba số máy bay chiến thuật của quân đội Mỹ (1077/3041 chiếc, tức là bằng lực lượng không quân của cả hai nước Anh và Tây Đức, là những nước có tiềm năng quân sự mạnh nhất của Châu Âu hồi ấy gộp lại); một phần tư số tàu sân bay (6/24 chiếc) cùng nhiều loại tàu khác của Hạm đội Bảy... Đấy là chưa kể đến hàng trăm máy bay tiếp dầu trên không, máy bay gây nhiễu điện tử, máy bay trinh sát, và các loại máy bay chỉ huy, dẫn đường, liên lạc, cứu nạn...

Tất cả những vũ khí và phương tiện chiến tranh kể trên đều thuộc loại hiện đại, tối tân nhất của Mỹ hồi đó. Hầu hết chúng đã được cải tiến và nâng cao hơn rất nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc nước ta lần thứ Nhất (1964 - 1968).

Thế còn vũ khí trang bị của bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam?

Về Phòng không, vào thời điểm đó lực lượng chủ lực để đối phó với B-52 của chúng ta chỉ có 6 Trung đoàn tên lửa SAM-2 (gồm 24 tiểu đoàn). Đây là loại tên lửa đất đối không, do Liên Xô (cũ) viện trợ và trang bị từ năm 1965. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên từ năm 1969 Liên Xô đã hạn chế viện trợ quân sự cho Việt Nam, trong đó có tên lửa SAM-2.

chuy-b52b-1639017306.jpg
B-52 là loại máy bay khổng lồ với chiều cao hơn 12 mét (tương đương một tòa nhà 3 tầng bình thường); chiều dài gần 50 mét, sải cánh hơn 56 mét và nặng trên 200 tấn... B-52 có tới 8 động cơ phản lực cực khỏe, nó có khả năng bay cao tới 20 km và bay xa nhiều ngàn km mà không phải tiếp nhiên liệu... (Ảnh tư liệu do tác giả sưu tầm).

 

Sau cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Không quân Mỹ ra miền Bắc, bộ đội Tên lửa của ta chỉ còn số đạn dự trữ khoảng vài ngàn quả. Đó là số tên lửa “tồn kho”, có nhiều quả đạn đã bị “quá đát”, sử dụng không an toàn.

Như vậy, loại vũ khí chính mà chúng ta có để chống lại B-52 đã vừa cũ lại vừa thiếu. Để khắc phục tình trạng này, trước khi cuộc tập kích chiến lược diễn ta, ngành Kỹ thuật tên lửa Phòng không của chúng ta đã có sáng kiến “kéo dài tuổi thọ” cho toàn bộ số đạn đã “quá đát”, bằng “quy trình lắp ráp ngược”. Họ đã “hồi sinh” cho hàng ngàn quả tên lửa và “kéo dài tuổi thọ” của chúng thêm 48 tháng nữa... Điều đó đã có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi về cuối chiến dịch 12 ngày đêm sau này, hầu hết các trận địa tên lửa của ta đã phải tiết kiệm đạn, bắn từng quả một và chỉ “ưu tiên” dành để đánh B-52; thậm chí còn có những bệ phóng tên lửa bảo vệ Hà Nội không còn một quả đạn nào!

Về Không quân, chúng ta mới chỉ có 2 Trung đoàn máy bay tiêm kích được trang bị MIG-21, nhưng hầu hết số Phi công này chưa được huấn luyện chiến đấu ban đêm và chưa hề có kinh nghiệm đánh B-52.

Thêm nữa, trong vài sân bay quân sự thì chỉ có Nội Bài là đạt tiêu chuẩn cấp I, còn lại là các sân bay cấp II và cấp III. Tất cả các sân bay chính quy này, trong chiến dịch 12 ngày đêm đã bị không quân Mỹ tập trung ném bom, đánh phá ác liệt, làm hỏng hết các đường băng cất cánh, hạ cánh cho máy bay chiến đấu.

Bởi vậy, trên thực tế Không quân ta chỉ còn có vài sân bay dã chiến bí mật mà đường băng làm bằng... đất nện. Cho nên, việc sử dụng máy bay MIG để bắn hạ B-52, dù có quyết tâm cao đến mấy, cũng gần như là điều không thể.

Ngoài tên lửa SAM-2 và máy bay MIG-21, chúng ta còn có 16 Trung đoàn Pháo cao xạ. Riêng Thủ đô Hà Nội, còn có gần 200 trận địa súng tầm thấp của lực lượng dân quân tự vệ. Về lực lượng Ra-đa cảnh giới, dẫn đường chúng ta có chưa đầy 30 đại đội, được bố trí rải rác ở khắp miền Bắc...

Công bằng mà nói, những phương tiện vũ khí mà Lực lượng Phòng không - Không quân của Việt Nam sử dụng hồi ấy không phải là loại hiện đại, tiên tiến nhất mà quân đội Liên Xô, hay quân đội các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa đã có. Trong khi đó, thời điểm trước khi cuộc quyết đấu diễn ra, lực lượng của chúng ta còn bị phân tán, xé lẻ do yêu cầu nhiệm vụ: Vừa tham gia chi viện mặt trận phía Nam, bảo vệ huyết mạch giao thông vận tải Quân khu Bốn, vùng giải phóng Quảng Trị... vừa phải sẵn sàng đánh trả các cuộc tập kích đường không của Không quân Mỹ ra miền Bắc.

Cơ quan đầu não trực tiếp chỉ huy “trận quyết đấu” của ta là Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, được đặt trong một hang đá, gần thủ đô Hà Nội; dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đó là một căn phòng nhỏ, khiêm tốn, thắp sáng bằng điện máy nổ, đèn măng-xông và cả những chiếc đèn bão tù mù. Tuy cũng có một số loại phương tiện máy móc cần thiết, nhưng việc tổ chức chỉ huy vẫn phải dựa vào sức người là chính để tính toán và quyết định.

Ngược lại, để phục vụ cho cuộc tập kích chiến lược chưa từng có của mình, phía Mỹ đã vận hành cả một guồng máy chiến tranh khổng lồ, do Tổng thống Mỹ trực tiếp ra lệnh. Chỉ riêng căn cứ xuất phát cho các loại máy bay chiến thuật, họ đã huy động tới 6 sân bay ở Thái Lan và 6 tàu sân bay đậu ngoài khơi Thái Bình Dương.

Còn để chuẩn bị cho việc cất cánh của máy bay chiến lược B-52, người Mỹ đã sử dụng hai căn cứ đặc biệt là Utapao (Thái Lan) và Andersen (trên đảo Guam giữa Thái Bình Dương). Thậm chí, để chỉ huy hai căn cứ này, Lầu Năm Góc đã quyết định thành lập cả một Bộ chỉ huy lâm thời, đặt dưới quyền của Bộ Chỉ huy Không quân Chiến lược và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngoài 12 sân bay cho máy bay chiến thuật cất cánh và hai căn cứ chiến lược cho B-52 xuất phát nêu trên, hầu hết các căn cứ hậu cần và kỹ thuật của quân đội Mỹ ở Châu Á như Clark, Subic (Philippines), Okinawa (Nhật Bản)... cũng được trưng dụng để phục vụ cho cuộc tập kích chiến lược có một không hai đó. Nói tóm lại là phía Mỹ đã huy động hết các khả năng tiềm lực quân sự cho phép của mình.

Sau này nhìn lại, các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự thế giới khi so sánh lực lượng giữa hai bên thời điểm ấy đều không khỏi kinh ngạc: Nếu chỉ xét về góc độ các loại vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật... thì lực lượng phòng thủ của Việt Nam đã thua kém rất xa so với lực lượng tấn công của Mỹ cả về số lượng và chất lượng. Chính cựu Tổng thống Richard Nixon khi viết cuốn sách có tựa đề “Không còn 2 Việt Nam nữa” cũng đã thừa nhận: Trong lịch sử nhân loại, chưa hề có một quốc gia nào chiếm ưu thế hơn hẳn về vũ khí như Hoa Kỳ so với Bắc Việt Nam.

Nhưng vũ khí và trang bị hiện đại đâu phải là tất cả! Người Mỹ đã thua trận, bởi họ không hiểu được điều đó. Nhất là khi đối thủ của họ lại là Quân đội nhân dân Việt Nam! Chúng ta đã thắng không chỉ bằng lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm, mà còn có những nhân tài và trí tuệ của cả dân tộc.

“SIÊU PHÁO ĐÀI BAY B-52” – ÁT CHỦ BÀI CỦA KHÔNG QUÂN MỸ

Từ khi mới ra đời và trong suốt một thời gian dài, B-52 luôn được bộ máy chiến tranh của Mỹ quảng cáo là một loại “Siêu pháo đài bay”. Chúng được xem là loại phương tiện tấn công đường không hội tụ những thành tựu mới nhất của một nền công nghiệp quân sự hiện đại đứng hàng đầu thế giới; là thứ vũ khí huỷ diệt linh hoạt nhất trong bộ ba vũ khí chiến lược của quân đội Mỹ (tên lửa tầm xa, tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném bom chiến lược).

Quả thực B-52 là loại máy bay khổng lồ với chiều cao hơn 12 mét (tương đương một tòa nhà 3 tầng bình thường); chiều dài gần 50 mét, sải cánh hơn 56 mét và nặng trên 200 tấn... B-52 có tới 8 động cơ phản lực cực khỏe, nó có khả năng bay cao tới 20 km và bay xa nhiều ngàn km mà không phải tiếp nhiên liệu...

B-52 được thiết kế có thể mang tới hơn 100 quả bom. Bởi thế, khi thực hiện các phi vụ, chúng thường ném bom theo kiểu “rải thảm” (carpet-boms). Tạo nên tiếng bom rơi xé không khí, gầm rít ghê rợn và kéo dài như giông bão. Mỗi chiếc B-52 sau khi “rải thảm” có khả năng huỷ diệt cả một vùng rộng lớn. Các chuyên gia quân sự Mỹ tính rằng: Một tốp (3 chiếc) B-52 có sức mạnh hơn cả 30 máy bay cường kích tập trung lại, đủ biến một diện tích hơn 2 km vuông thành tử địa. Sẽ không có một loại sinh vật nào tồn tại được dưới sức mạnh huỷ diệt khủng khiếp của bom B-52 “rải thảm”.

Trong thực tế, mỗi khi đi ném bom, B-52 không bay đơn lẻ mà thường tập trung thành từng tốp. Nhiều phi vụ chúng bay 6 tốp (18 chiếc). Thậm chí những trận cao nhất có thể bay tập trung hàng chục tốp... Cùng bay với B-52 còn có một lực lượng hùng hậu máy bay tiêm kích F-4, F-105 bay hộ tống và bảo vệ xung quanh.

Lần đầu tiên quân đội Mỹ sử dụng B-52 ở chiến trường Việt Nam là ngày 18 tháng 6 năm 1965. Họ đã cho 10 tốp (30 chiếc) B-52 bay từ đảo Guam đến “rải thảm” một vùng căn cứ kháng chiến của ta ở huyện Bến Cát (cách Sài Gòn khoảng 50 km về phía bắc). Tiếp theo đó, chúng cho rải những tờ truyền đơn có vẽ những chiếc pháo đài bay B-52 đang “rải thảm”, cùng những lời lẽ đe dọa đầy chết chóc, để hòng khủng bố tinh thần chiến đấu của quân và dân ta.

Thực tế, tại chiến trường miền Nam sau đó, B-52 đã từng “làm mưa làm gió”, chúng thường mang bom đi “rải thảm” ở những nơi nghi ngờ có căn cứ kháng chiến của Cách mạng. Do chúng bay rất cao, nên các loại vũ khí phòng không tầm thấp của Quân Giải phóng miền Nam đã không có khả năng bắn hạ. Vì vậy, B-52 cũng đã gây không ít thiệt hại và khó khăn cho quân và dân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ngày 12 tháng 4 năm 1966, B-52 của Mỹ đã xâm phạm vùng trời miền Bắc Việt Nam. Chúng ném bom ở đèo Mụ Giạ, miền tây Quảng Bình. Tiếp đó là những đợt “rải thảm” ác liệt xuống địa bàn Vĩnh Linh và cực nam Quân khu Bốn...

Trong cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ vào Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng... cuối tháng 12 năm 1972, pháo đài bay B-52 được coi là thứ vũ khí “át chủ bài” của Lầu Năm Góc. Tổng thống Mỹ hy vọng những chiếc “siêu pháo đài bay” khổng lồ B-52 và những trận bom “rải thảm” huỷ diệt sẽ giúp ông ta khuất phục được ý chí của người Việt Nam. Hà Nội sẽ phải đầu hàng, hoặc “ngoan ngoãn” chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ trong Hiệp định Paris.

Các chuyên gia quân sự Mỹ và Phương Tây đều dự đoán rằng: Tính từ khi các loạt bom “rải thảm” đầu tiên được trút xuống Hà Nội và Hải Phòng, cùng lắm chúng ta chỉ chịu đựng được không quá... ba ngày đêm! Khi cuộc tiến công mới bắt đầu, báo chí Mỹ đã tung tin, vẽ ra một thảm kịch hãi hùng: “Hà Nội sẽ là tử địa!”, “Các nhà lãnh đạo Bắc Việt sẽ phải đứng trước một bản án nghiêm khắc dành cho kẻ chiến bại” và “Hà Nội sẽ không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp nhận các yêu cầu của Mỹ!”.

B-52 lợi hại như thế, nên hầu như tất cả các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa anh em và bạn bè quốc tế đều lo lắng thay cho Việt Nam. Trong không khí căng thẳng tột độ của những ngày diễn ra “cuộc quyết đấu” 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” ấy, cả thế giới yêu chuộng hòa bình như cùng hướng về Hà Nội và nín thở theo dõi...

Trước khi tham chiến tại Việt Nam, máy bay ném bom chiến lược B-52 chưa từng bị quân đội nước nào bắn rơi. (Và sau cuộc chiến tranh Việt Nam cũng vậy, B-52 vẫn tiếp tục tác oai tác quái ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng chúng đều không bị bắn hạ). Với những trang bị kỹ thuật điện tử tối tân có trong máy bay, người Mỹ thường rêu rao với cả thế giới rằng: Pháo đài bay B-52 là bất khả xâm phạm (inviolable)!

(Còn nữa)

Đ.V.H

______

Trích PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM của nhà văn Đặng Vương Hưng - Cuốn sách hiếm hoi viết về vấn đề tù binh phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, được tác giả thực hiện trong gần 20 năm. Trên tinh thần tôn trọng sự thật, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía; góp phần làm sáng tỏ những bí ẩn của lịch sử...

Theo Trái tm người lính