Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 9)

PGS TS Cao Văn Liên

03/01/2023 06:02

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu sách “Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007)” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh niên ấn hành.

Kỳ 9.

Kinh tế thủ công nghiệp: các triều đại đều chú ý phát triển công, thương nghiệp. Các nghề thủ công cổ truyền dân tộc như gốm, dệt vải, làm đồ sứ, luyện sắt, đúc đồng, làm đồ đá, các đồ mỹ nghệ, khắc chạm gỗ đều được duy trì và phát triển. Thời Lý dệt được vải, lụa, đoạn nhiều mầu sắc khác nhau bền đẹp, hoa văn nhiều hoạ tiết. Năm 1044 vua Lý Thái Tông quyết định dùng gấm vóc trong nước để may lễ phục cho các quan, không nhập khẩu gấm của nước ngoài nữa. Đồ gốm sành, sứ dùng trong gia đình có chất lượng cao, nghệ thuật trang trí hoa văn trang nhã, hài hoà, khắc chạm chìm,  nổi, phong phú chủng loại. Đại Vịêt đã sản xuất được gạch ngói tráng men, ngói sứ trắng, gạch đẹp cỡ lớn có khắc niên hiệu đời Lý. Ở các triều đại nghề đúc tiền,  đúc chuông, sản xuất vũ khí, công cụ sản xuất và làm đồ mỹ nghệ phát trỉên. Đồ mỹ nghệ vàng, bạc đạt trình độ tinh xảo. Nhà nước nắm độc quyền đúc tiền, nghề khai thác mỏ để lấy khoáng sản phục vụ cho nghề thủ công mỹ nghệ.

d1avatar-1672651286.jpg
Năm 1070, nhà Lý đã xây dựng Văn Miếu và Quốc Tử Giám - trường Đại học đầu tiên của Việt Nam. Nguồn: hanoi.vietnamplus.vn

 

Nơi sản xuất thủ công nghiệp là các làng thủ công  ở nông thôn, lâu đời hình thành làng nghề và bí quyết nghề nghiệp chuyên sản xuất một loại sản phẩm nổi tiếng như làng Bát Tràng (Hà Nội) chuyên sản xuất đồ gốm, làng Ma Lôi (Hải Dương) chuyên làm nón Ma lôi. Ở các đô thị cũng hình thành những phường nghề. Kinh thành Thăng Long thời Trần  đựơc chia làm 61 phố phường, có phường làm nghề thủ công sản xuất hàng hoá, có phố chỉ làm và bán một loại hàng. Thăng Long thời Hậu Lê được gọi là Đông Kinh (Thanh Hoá là Tây Kinh) chia làm 36 phố phường. Ngoài hoàng thành còn có khu vực làm nghề thủ công và buôn bán. Phường Yên Thái làm giấy, phường Hàng Đào chuyên nhuộm màu điều (đỏ). Nghề khai thác mỏ sắt,  đồng, vàng, bạc thời Hậu Lê ngày càng phát đạt. Nhà nước có xưởng riêng đúc tiền, đóng tàu chiến, chế tạo vũ khí, sản xuất đồ dùng cho triều đình và quan lại. Xuất hiện những người thợ có tay nghề giỏi, lành nghề trong các xưởng nhà nước. Nhà Trần, nhà Hậu Lê đã chú ý thống nhất đơn vị đo lường, tiền tệ, kích cỡ của các loại hàng hoá như vải, giấy trong toàn quốc để trao đổi và thu thuể cho tiện lợi.

Thủ công nghiệp phát triển tạo nên việc giao lưu buôn bán hàng hoá trong nước mở rộng. Do đó, các vương triều chăm lo mở mang đường sá, giao thông thuỷ, bộ. Trên con đường thiên lý (đường từ Bắc vào Nam) đặt các trạm dịch cho khách bộ hành thương nhân nghỉ ngơi, ăn uống. Đường bộ đã có biển chỉ đường. Từ Thăng Long theo đường sông thuyền bè có thể tới được tận Chiêm Thành ở phía nam, phía bắc có thể tới được Trung Quốc. Đường thuỷ là một trong những con đường vận chuyển chủ yếu của Đại Việt trong thời gian đó. Nhà nước  còn cho mở các bến đò ở ven sông, cho đóng thuyền chở người qua lại giữa các làng và các địa phương.

Ngoài Thăng Long và các đô thị là trung tâm giao lưu kinh tế,  ở các địa phương, chợ thành nơi buôn bán, thành mạng lưới thị trường rộng lớn ở nông thôn. Chợ đã có từ thời xưa và đến các triều Lý, Trần, Hậu Lê được mở họp nhiều ở thôn quê,  miền xuôi và miền núi. nhà Hậu Lê ban hành thể lệ lập chợ và họp chợ. Chợ trở thành nếp sinh hoạt kinh tế, văn hoá không thể thiếu được của các làng xã Việt Nam trong các thời đại.

Đại Việt thế kỷ X-XV đã phát triển giao lưu buôn bán với nước ngoài. Thời Lý, Trần, Vân Đồn (Quảng Ninh) là một thương cảng quan trọng buôn bán với các nước châu Á như Trung Quốc, Chiêm Thành. Thời Lý ở vùng biên giới Vĩnh Bình-Khâm Châu họp chợ tấp nập, nhân dân hai nước Việt-Trung trao đổi mua bán. Chính quyền hai nước đôi khi cũng mua hàng hoá của nhau. Nhà Lý kiểm soát chặt chẽ ngoại thương đề phòng do thám nước ngoài nhưng khônghạn chế buôn bán. Thời Hậu Lê, ngoại thương buôn bán với nước ngoài bị hạn chế. Nhà Lê khước từ nước ngoài đến xin đặt quan hệ buôn bán. Ngoại thương chỉ được tiến hành ở Vân Đồn và một số nơi khác do nhà nước qui định.

IV:Văn hoá giáo dục Đại Việt thế kỷ X-XV.

Thế kỷ X đến thế kỷ XV các vương triều đã xây dựng quốc gia phong kiến tập quyền vững mạnh, kinh tế phồn vinh tạo điều kiện cho văn hoá,  giáo dục phát triển, ngược lại văn hoá , giáo dục cũng là nhân tố thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Các vương triều chăm lo mở mang việc học hành, thi cử, đào tạo nhân tài để tuyển dụng vào bộ máy nhà nước.

Thời Ngô-Đinh-Tiền Lê, đặc biệt là nhà Lý, đạo Phật thịnh hành, sư tăng là trí thức, cho nên đạo học theo Phật học. Thời Lý là giai đoạn thịnh đạt nhất của Phật giáo Việt Nam. Sư Vạn Hạnh là người cùng với các đại thần nhà Tiền Lê đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra vương triều Lý. Vua và quí tộc nhà Lý hết thảy đều sùng bái Phật giáo, sư tăng. Phật giáo không chỉ có ảnh hưởng hưởng sâu rộng trong xã hội mà còn ảnh hưởng lớn đến văn hoá, giáo dục, chính trị. Sư Đa Bảo, sư Viên Thông được tham dự bàn bạc và quyết định các công việc trong triều đình như cố vấn của nhà vua.

Tuy nhiên,  nhà Lý đã bắt đầu chú ý đến Nho giáo mà trước hết đưa Nho vào thành hệ thống giáo dục. Năm 1070 nhà Lý xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử và lập Quốc tử giám làm nới học tập cho con em quí tộc, quan lại. Với sự kiện này , nhà Lý đặt nền tảng cho nền giáo dục đại học Việt Nam. Chương trình học tập, đào tạo ở Quốc tử giám theo kinh điển của Nho giáo. Năm 1075 nhà Lý mở khoa thi Nho học đầu tiến để chọn nhân tài. Nhà Lý đôi khi còn mở các kỳ thi tuyển nhân viên hành chính cho các cấp chính quyền, thi các môn viết chữ, làm tính và pháp luật. Xã hội thời Lý xuất hiện tầng lớp trí thức Nho giáo bên cạnh trí thức cũ là sư tăng. Nho được truyền bá vào Việt Nam thế kỷ II thời kỳ Bắc thuộc. Một thế kỷ sau khi độc lập, giai cấp phong kiến Việt Nam bắt đầu sử dụng và tìm thấy ý thức hệ của giai cấp mình ở Nho giáo, là công cụ xây dựng củng cố chế độ, xây dựng chính quyền trung ương tập quyền, giáo dục lòng trung thành của thần dân đối với nhà vua, thiết lập trật tự xã hội phong kiến, xây dựng đạo đức kỷ cương của chế độ.

Đến vương triều Trần, chế độ Nho học và thi cử  đi vào nền nếp, chính qui. Ở Thăng Long lập Quốc học viện dành riêng cho con em quí tộc, quan lại và các nho sĩ vào học tập. Ơ địa phương các cấp cũng có trường học của nhà nước và của tư nhân (trường tư do các nhà Nho mở), đặt thêm các chức Học quan ở các lộ, phủ, châu, qui định qui chế thi cử, định ra các học vị chính thức: học vị Thái học sinh (Tiến sĩ), năm 1247 đặt ra học vị tam khôi: Trạng nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn giành cho 3 người đỗ xuất sắc kỳ thi đình. Vì thế, đời Trần nho giáo chiếm ưu thế so với Phật giáo trong xã hội, chính trị, tư tưởng, văn hoá. Những người đỗ đạt cao trong các kỳ thi Nho học được giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Các nhà Nho đã dùng chữ Hán để sáng tác văn học. Nhà nho là nhà chính trị, nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng, nhà giáo dục như Chu Văn An, Lê Văn Hưu, Nguyễn Thuyên. Nhà Nho là những nhà quân sự lỗi lạc như Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải . Nho giáo ngày càng có xu thế đẩy lùi Phật giáo. Thiết chế quân chủ chuyên chế tập quyền càng phát triển, Nho càng trở thành chỗ dựa về lý thuyết tư tưởng chính trị của phong kiến quí tộc.

Đời Hậu Lê, Nho giáo vươn lên giữ địa vị thống trị, thành hệ tư tưởng chính thống của chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền, là công cụ để thống trị nhân dân về tư tuởng, tinh thần. Nhà hậu Lê xây dựng một chế độ đào tạo Nho học rất chính qui. Quốc tử Giám là cơ quan đào tạo cao nhất. Ở đây có giảng đường, có ký túc xá, có kho tàng sách phục vụ cho Nho sĩ học tập. Bên cạnh trường quốc lập còn có hệ thống trường tư. Thi cử phải trải qua nhiều cấp:thi hương là kỳ thi ở địa phương, thi hội và thi đình là những kỳ thi ở kinh thành, 3 năm mở một kỳ. Con số thí sinh ngày càng tăng nhanh. Năm 1463 có 1.400 người thi hội, năm 1.475 có tới 3.000 người thi. Nhà Lê đề cao nho sĩ, đặt ra lệ xướng danh, lệ vinh qui bái tổ, sức cho địa phương phải làm nghè cho ở (ông Nghè), khắc tên người đỗ vào bia đá: bia tiến sĩ, (nay ở Văn miếu, Hà Nội có 82 bia Tiến sĩ, Trạng nguyên). Thời Hậu Lê thi cử  tương đối bình đẳng, không chỉ con em quí tộc mà con em bình dân cũng được dự thi để lựa chọn nhân tài. Thi cử và lựa chọn bổ nhiệm theo một qui chế chặt chẽ. Các địa phương phải chịu trách nhiệm, tư cách người đi thi. Lý lịch của thí sinh phải khai đến ba đời. Con cháu những người làm nghề hát, những người có tội không được đi thi. Thể lệ qui chế thi hà khắc. Từ 6-7 tuổi ngưòi thiếu niên đi học bậc sơ học. Sách học gồm Tam tự kinh, Tứ thư ngũ kinh, viết văn ngũ ngôn (văn 5 tiếng). Mười tuổi bắt đầu được học Tứ thư,  Ngũ kinh, lịch sử Trung Quốc, chư tử cửu lưu (chín dòng tư tưởng cổ đại Trung Quốc), lịch sử Việt Nam, làm văn (câu đối 7 tiếng), làm phú (8 tiếng trở lên), tập làm văn nghĩa. Hệ thống trường học bao gồm trường làng (tư thục) do các thầy đồ mở và giảng dạy, trường phủ, huyện do nhà nước đài thọ. Quan phụ trách giáo dục huyện gọi là Huấn đạo, quản giáo dục phủ gọi là Thụ giáo, quản giáo dục lộ (đạo, tỉnh) gọi là Đốc học. Trường trung ương đào tạo nhân tài cấp cao gọi là Quốc tử giám.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lịch sử Việt Nam (Từ tiền sử đến năm 2007) (Kỳ 9)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn