Người đàn bà không biết khóc (Kỳ 2)

Tien Trinh Xuan

14/03/2022 07:00

Theo dõi trên

Mẹ có lắm tài, toàn tài lạ, khó ngờ. Song có nhẽ lạ lùng nhất là tài nhận dạng con côi. Trong đám bạn tôi, có hai người, phải nói là thân. Một người, khi đến nhà bỗng mẹ hỏi nhỏ, “Nó mồ côi bố hay mẹ.” Tôi ngớ người, thấy ông bà còn đủ cả. Sau mới hay, đó là bà mẹ kế.

Người thứ hai, khi mẹ thấy thì tôi cũng mới gặp anh lần đầu. Mẹ hỏi, tôi không trả lời được. Sau qua ông cậu ruột anh mới biết. Thảm lắm. Không còn cả mẹ lẫn cha. Chết hết rồi. Chết đói.

nguoi-da-ba-1647219169.jpg
Ảnh tác giả sưu tầm về  đoàn xe đạp thồ lên Điện Biên. Nguồn: Internet

 

Không phải vì cái đói năm Ất Dậu 1945, mà do bán hết gạo nhà, góp mua được nửa cái xe đạp, để một người khác thồ gạo đạn lên Điện Biên. Ra cái xe đạp thồ được sinh chính từ vùng quê Thanh Hóa. Sự tích ấy gắn với óc sáng kiến của từng người dân. Khi ấy, xứ Thanh còn là vùng tự do của ta.

Song xứ sở ấy, biển kề bên mà đâu đánh cá được. Pháp chiếm giữ mất rồi. Để có tiền mua xe, dân chỉ còn cách bóp mồm bóp miệng, bán đi hạt gạo đổi bằng bao mồ hôi, song là thứ duy nhất mình còn có. Chính vì bán hết gạo, nên khi Điện Biên chiến thắng cũng là khi nhà hết cái ăn. Hết cái ăn thì đói, đói đến chết.

Trận Điện Biên về sau mới hay là một trận đánh chấn động địa cầu. Trong thắng lợi của nó không được quên phần đóng góp đâu có thể nói là không đáng kể của chiếc xe đạp thồ, thứ phương tiện vận tải được báo chí nước ngoài thời đó tôn vinh là sánh ngang tầm với lực lượng tầu bay vận tải quân sự hùng hậu nhất Đông Nam Á châu của liên quân Pháp – Mĩ.

Song, chỉ chuyện này đã cho thấy cái giá để chiến thắng, và nói cho cùng, cái giá của độc lập tự do cho đất nước này mới lớn lao làm sao, và ngẫm ra, mới khủng khiếp làm sao. Không thể tính đếm chỉ với những máu xương trực tiếp đổ xuống chiến trường. Riêng với bạn tôi, vậy là cả nhà tám khẩu chỉ còn lại hai chị em. Và câu chuyện này, nhà bạn tôi không phải là biệt lệ.

Trở lại chuyện, tại sao mẹ có linh cảm ấy. Ngẫm lại, phải chăng vì chính mẹ cũng mồ côi. Bà ngoại ốm rồi mất hồi chín năm, khi mẹ đang ở ATK (An toàn khu). Không về viếng được. Cuộc chiến còn đang giằng dai. Lúc đó, nách hai con lít nhít, nhưng mẹ vẫn ở Bệnh viện Trung ương, tận xứ Tuyên, chuẩn bị lên mặt trận Điện Biên Phủ.

Còn ông ngoại biệt tích, đằng đẵng, chỉ nghe loáng thoáng qua họ hàng, nào biết đi đâu. Hàng chục năm sau, lúc chính xác biết tin thì chỉ còn nấm mồ viễn xứ. Mà cũng đâu đến được.

(Còn tiếp)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Người đàn bà không biết khóc (Kỳ 2)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn