Nhật ký “Lính chiến” của CCB Phạm Hữu Thậm (Kỳ 26): Chuyện kể trong hầm bí mật của Chín Thương và Bảy Lanh

Đặng Vương Hưng (Biên soạn và giới thiệu)

15/01/2023 11:14

Theo dõi trên

8 giờ sáng, 28/10/1971 cửa hầm bật mở, một luồng không khí từ bên ngoài thổi vào làm nhẹ cả người, ngột ngạt bớt dần. Chín Thương tụt xuống đem theo một cặp lồng cơm canh, cà xáo, ốc nhồi om…

- Anh Hai dậy, nè ăn ăn đi. Ban ngày eng không dám ở trên nhà, chị Bảy đi lại canh gác nắm địch trông nom ngoại.

Bảy Lanh nhòm xuống bảo:

- Hai người ăn xong, thì cứ ở yên đó, nghỉ ngơi. Chớ thập thò lộ ra mà chết.

d5aer1-1673755871.jpg

Ảnh do tác giả sưu tầm chỉ mang tính minh hoạ.

 

 

Rồi đậy nắp hầm lại. Vậy là suốt một ngày tôi hết ngồi, lại nằm trong lòng đất, âm âm u u, ngủ rồi thức, thức lại ngủ cùng Chín Thương.

Tôi hỏi Chín Thương:

- Chị Bẩy là gì của ngoại?

- Chả là gì cả, bà con trong xóm làng thôi. Chị Bẩy hoạt động Cách mạng từ năm 13 tuổi. Chuyên gác cho cán bộ họp, đưa tin cho các cơ sở. Năm 20 tuổi lấy chồng, một anh cán sự Huyện đội. Được một năm chồng chị bị Mỹ bắn chết. Anh chị hoạt động mỗi người một nơi, cả năm gặp nhau cũng được chừng một tháng, chưa con cái gì. Vậy là chị ở giá một mình, ba má chị đi làm Cách mạng cũng hy sinh. Người thân không còn ai. Giờ chị đang làm Bí thư chi bộ xã Điện Quang đó.

Tôi “à” lên, như phát hiện ra một điều thú vị. Chín Thương kể tiếp:

- Chị Bảy là hoa khôi đã một thời rực rỡ ở xứ Điện Bàn làm cho tụi sĩ quan, công tử nhà giàu đua nhau giành giật, đã có vài tên bỏ mạng với khẩu tiểu liên trong tay chị. Địch treo giải: “Ai lấy được đầu Bẩy Lanh thưởng 100 ngàn, ai chứa chấp giết cả nhà”. Chúng điên cuồng tìm kiếm không được. Chị Bảy là người đàn bà đức hạnh được bà con, cô bác yêu thương, đùm bọc.

Tôi bảo:

- Công nhận chị Bẩy đẹp thật!

- Anh mê chị rồi hè?

Chín Thương bóp mũi, vẹo tai tôi.

- Đâu có, anh mới khen có một câu mà đã ghen chắc?

- Không ghen sao được? Thấy gái lạ là mắt cứ hau háu, từ nay anh chỉ có em thôi nghe chưa!

- Nghe, anh anh nghe.

- Thề đi!

- Anh thề: Nếu sau này anh ở hai lòng thì đội cả quả bom.

- Không được nói thế! - Chín Thương bịt mồm tôi - Em thương anh biết không.

- Anh cũng vậy!

- Nếu sau này em có mệnh hệ gì, thì anh lấy chị Bẩy, trông lo bà ngoại dùm em nghe.

- Bậy mà, em nói vậy nghe dở òm!

Tôi vít đầu Chín Thương lại gần, đặt một nụ hôn lên má cô.

Chúng tôi cùng im lặng. Hai người không nói nữa.

*

17 giờ chiều 28/10/1971, tôi bảo Chín Thương:

- Chuẩn bị đêm nay lên danh.

Chín Thương bảo:

- Anh à mấy năm nay em không về thăm ngoại, để ngày mốt hãy đi cũng được.

Tôi chui ra khỏi hầm thì trời đã tối, đeo dây lưng xách súng vào nhà.

Bảy Lanh đã dọn cơm, bảo mọi người ăn đi để mình gác cho. Cơm canh cá lóc, rau muống chẻ, cây chuối thái, dấp cá, mướp đắng cuộn bánh tráng nhúng nước, mì quảng. Được một bữa no…

Bà ngoại Chín Thương hỏi chuyện:

- Cậu con trai Bắc Việt ở mô vô đây, lâu chưa?

Tôi thưa:

- Con ở Hải Dương. Đi bộ đội từ năm 1968, vào đây ăn Tết miền Tây Giang – Quảng Đà, giờ đã ba năm chiến trường.

Tội nghiệp hung đó, vì miền Nam biết bao nhiêu con em miền Bắc vô đây chiến đấu hy sinh. Bà con đất Quảng biết lấy gì đền ơn.

Tôi thưa:

- Ơn nghĩa chi ngoại, cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc là nhiệm vụ chung của cả hai miền, đánh Mỹ cứu nước dù hy sinh gian khổ chúng con cũng chẳng từ nan.

Mi nói nghe cũng được. Nhưng đã có gì với Chín Thương chưa?

- Dạ, chúng con chỉ là đồng đội.

- Ảnh nói xạo đó ngoại. Ảnh thương con thiệt mà, chúng con chưa có dự định mà tình cảm đã là của nhau rồi đó.

- Đã thương thì phải thiệt tình đó nghe.

- Dạ dạ, chúng con nghe lời ngoại ạ.

- Bao giờ có dịp hãy nhờ đơn vị giúp cho. Ngoại trông chờ gửi gắm Chín Thương cho con đó.

- Dạ, con hết sức cố gắng ạ.

- Nói vậy là ngoại yên tâm rồi.

21 giờ đêm 28/10/1971, chúng tôi đi ngủ. Chín Thương nằm bên ngoại tâm sự. Bảy Lanh lại đưa tôi ra hầm trú ẩn. Tôi hút thuốc Cát Tăng thơm ngào ngạt. Bảy Lanh ngồi dựa hầm phía ngoài cửa nói vào:

- Em mà có người thương để ngửi khói thuốc cũng cam lòng. Chín Thương có phước thật, kiếm được anh hết ý.

Tôi cười:

- Được khen cũng thích, nhưng tôi bộc tuệch bộc toạc vậy thôi, có gì mà khen hoài kia chứ.

- Con trai vùng này xách dép cho anh cũng chẳng kịp nữa là.

- Chiến tranh loạn lạc chết chóc tương tàn tôi không còn nghĩ gì đến chuyện nọ kia đâu.

*

7 giờ sáng 29/10/1971. Bảy Lanh đội hầm chui lên, dây lưng lựu đạn cầm súng AR15 đi vào nhà. Tôi dậy đi vệ sinh rồi nằm hút thuốc chờ Chín Thương đưa cơm lại ăn. Lúc ấy, Bẩy Lanh không thấy Chín Thương và ngoại, trong nhà ngoài vườn vắng lặng. Cô định sang nhà bên hỏi xem thế nào. Nhưng vừa ra đến cửa, thì một Tiểu đội quân Ngụy ập vào.

Nhanh như cắt, Bảy Lanh dẹt một loạt đạn tiểu liên rồi đánh vụt một cái vào nhà. Quân Ngụy 4 tên chết tại trận, chúng bắn đuổi theo. Bảy đạp cửa sau vọt ra vườn. Lúc này là 1 Trung đội lính Ngụy, thấy súng nổ, từ 2 phía ngoài ruộng đánh vào tiếp ứng.

Súng địch nổ ran. Bảy Lanh chạy chưa tới bờ tre còn cách 50m gặp một rãnh nước sâu liền nhảy xuống ẩn nấp tránh đường đạn từ 2 phía bắn vào. Một mình chiến đấu với một Trung đội địch. Quân ngụy thấy mất mục tiêu không dám tiến, dùng đạn M79, M72 bắn rồi kêu gọi hàng thì sống, chống thì chết. Mấy tên ngụy lò dò đi lên, tay cầm súng AR15 bị Bảy Lanh bắn ngã.

Tôi nằm trong hầm, không hiểu sao súng nổ rộ như vậy, đoán biết có địch tập kích, nếu nằm đây chúng khui hầm bắt như bắt ếch, liền đeo dây lưng khoác dây đạn, bật nắp hầm vọt lên lăn mấy vòng ra phía ngoài kênh.

Nhìn lại thấy quân ngụy cách chỗ tôi hơn 20m, chúng đang tập trung chú ý về chỗ Bảy Lanh, tôi đoán là quân Ngụy đang vây quân ta.

Chỗ tôi nằm chếch về phía sau cánh quân bên phải, thấy một tên sĩ quan đeo nón Thiếu úy, tay cầm súng lục côn bát hò hét, thúc quân tiến lên. Phải hạ tên này trước, một viên đạn tiểu liên của tôi bay trúng vào mang tai, tên sĩ quan ngã vật xuống, hai chân đạp lia lịa. Nhanh như chớ tôi liệng luôn 2 quả lựu đạn đánh bật quân địch lui về phía sau.

Súng của Bảy Lanh vẫn nổ phát một, phát 2 ghìm chân Tiểu đội phía bên trái.

Từ Thôn 3 Điện Quang, Ban chỉ huy Xã đội đang họp, nghe súng nổ rộ ở Thôn 2 đoán biết có sự cố xảy ra nơi Bí thư chi bộ Xã trú ngụ. Tám Vàng, Xã đội trưởng nói với 2 du kích và Tám Bính là liên lạc của Bảy Lanh:

- Nghe súng nổ như vậy thì Bảy Lanh vẫn đang chiến đấu đơn thương độc mã. Hãy nhanh chóng xuất kích cứu nguy cho Bí thư Xã.

Xã đội trưởng mang súng M79, một du kích đem súng trung liên 3, một du kích đem súng AR15, liên lạc Tám Bính đem súng Các Bin. Cả tốp mang theo 3 quả đạn M72. Tất cả chạy tắt qua cánh đồng bãi bói hơn cây số, vượt qua con kênh Ông Cát bám vào bờ tre Thôn 2 triển khai giãn cách tìm vị trí chiến đấu.

Thấy có 2 khẩu súng tiểu liên AR15, một ở giữa vườn, một ở bờ tre phía Đông, Tám Vàng đoán biết quân mình đang bắn quân Ngụy. Nhưng sao lại có 2 kia chứ? Bất luận thế nào cứ nổ súng cái đã, Tám Vàng quát.

Súng máy của du kích vẽ một dòng lửa quét vào khu nhà ở. Tám Vàng bắn một quả đạn M72. Tôi nghe tiếng người con gái kêu, chị Bảy có tụi em tiếp chiến đây. Bảy Lanh nghe tiếng Tám Bích biết là có cứu binh đến, nhân lúc quân ngụy còn đang hoang mang vọt lên khỏi rãnh:

- Bẩy Lanh đang ở đây!

Vào đến bờ tre gặp Tám Vàng, hai người hội ý chớp nhoáng. Chị Bảy ra lệnh:

- Tôi đi kêu anh bộ đội ở đằng kia. Rồi rút về căn cứ du kích!

Tôi đang chú ý quan sát địch, thấy động ở mé ngoài nhìn lại thấy Bẩy Lanh và Tám Bính đang men bờ kênh Ông Cát. Bảy vẫy tay ra hiệu:

- Lại đây anh bộ đội ơi!

Tôi bắn tiếp mấy điểm xạ rồi bỏ vị trí chiến đấu nhảy xuống mương, vượt sang cánh đồng bãi bói, chạy theo Tám Bính, Bảy Lanh. Về đến Thôn 3 chúng tôi nằm vật ra vườn mà thở.

*

11 giờ trưa 29/10/1971, ăn cơm xong Tám Vàng nói với Bảy Lanh:

- Tình hình Chín Thương và bà ngoại mất tích, không biết địch bắt hay trốn ở đâu, để tôi đi thám thính thăm dò nắm tình hình xem sao.

Bảy Lanh nói:

- Việc này là do thiếu sót ở tôi, do chủ quan gây nên. Tôi phải đi mới được.

- Chị yên tâm đi, còn mệt cứ nghỉ đã. Tôi đi sẽ về ngay.

Tám Vàng nói rồi xách súng M79 kêu 2 du kích mang súng tiểu liên và 1 quả đạn M72 vượt cánh đồng hoang trở lại Thôn 2, từ phía Bắc đột nhập vào trong vườn. Anh cử một du kích mò vào một nhà cơ sở, còn 2 người ở lại bìa làng sẵn sàng tiếp ứng. Võ Cử du kích của Điện Quang luồn lách nghe ngóng ngồi sau nhà má Hợi rất lâu.

Từ ngoài ngõ Võ Cử đã thấy má Hợi, một bà má ngoài 60 tuổi hớt hơ hớt hải đi về. Võ Cử khẽ gọi rồi ra hiệu cho má lại cùng đi gặp Tám Vàng. Má Hợi hỏi:

- Có việc chi mà mấy anh đến đây?

Tám Vàng nói về bà ngoại và Chín Thương. Má Hợi bảo:

- Không xong rồi. Lúc khuya chừng 1 đến 2 giờ chi đó, nghe có gì không ổn, tôi lén dậy hé cửa nhìn ra lộ thấy tụi nó chừng 3 đến 4 chục tên, súng ống lỉnh kỉnh đi với thằng cha Sáu Dền. Cái thằng không vợ con cha mẹ, cờ bạc, đĩ điếm, xì ke hết tiền, phát hiện nhà ngoại có con nhỏ đi kháng chiến về báo tụi ngụy đi bắt để lấy tiền thưởng.

Tám Vàng lo lắng hỏi:

- Giờ hắn ở mô?

- Tụi địch đi lùng sục bắt bớ suốt đêm, giờ nhậu nhẹt no say lăn ra ngủ. Còn bà ngoại với Chín Thương không biết chúng để ở mô? Theo tôi thì tìm bọn Sáu Dền khắc biết.

Má Hợi nói rồi dẫn mọi người luồn lách trong vườn đi về cuối Làng. Đến một cái trại nhỏ không có sân sướng gì, bếp núc cũng không. Bà ra hiệu:

- Đấy nhà Sáu Dền hắn đó. Hay mướt nên chắc giờ còn ngủ.

Tám Vàng hất hàm cho một du kích ngồi cảnh giới bên ngoài, lệnh cho Võ Cử đột nhập vào. Cánh cửa khép hờ, Võ Cử khẽ đẩy bước vào. Trong lúc nửa tỉnh nửa say, Sáu Dền đang chửi đổng:

- Đù má! Chúng mày ăn đạn Cộng sản chết đáng đời. Chín Thương của tao. Con nhỏ như quả sim chín mà tụi bay lẫng mất. Đàn bà con gái, đứa nào đi theo Cộng sản cũng đẹp như trăng sao. Còn mấy con mụ vợ ngụy thì thị nở không hơn không kém.

- Sáu Dền dậy đi, dậy mà đi lĩnh thưởng!

Sáu Dền mở mắt. Nhìn thấy nòng súng tiểu liên dí sát ngực, thì giật bắn người mồm há hốc, ú ớ:

- Du kích, du kích!

Một quả đấm tháo trái làm cho máu mồm máu mũi Sáu Dền phun ra. Võ Cử lôi Sáu Dền dậy, rồi rút dây trói dạch cánh khuỷu lôi ra ngoài, nhét thêm cái khăn vô mồm. Về Thôn 3, Võ cử trói Sáu Dền vào cây cột.

Bảy Lanh kêu hỏi cung luôn:

- Tại sao mi dẫn lính đi bắt Chín Thương và bà ngoại?

- Tôi hổng biết.

“Nói!” Võ cử quát. Thêm một quả đấm thôi sơn làm cho mắt Sáu Dền như lồi ra. Đến lúc này hắn mới chịu khai:

- Hồi sớm, tụi Ngụy đã đưa 2 người về quận Vĩnh Điện, giam ở hội đồng xã Điện Thắng.

Xong rồi, Bảy Lanh ra lệnh:

- Chúng ta có tất cả 6 người, chia làm 3: Tổ anh Tám và một du kích giong Sáu Dền đi trước; Võ Cử, Tám Bích đi thứ 2 sẵn sàng chi viện cho Tổ 1; Tôi với anh bộ đội đi sau. Má hợi trông nhà.

18 giờ ngày 29/10/1971, Đội du kích đi mỗi tổ cách nhau 100m, hết Thôn 5 Điện Quang, bơi sông Bà Rén sang đất Điện Thắng. Tên Sáu Dền dẫn chúng tôi đến một cái sân, ở đó có một ngôi nhà 3 gian.

Lúc này là 2 giờ đêm rạng 30/10/1971, chúng tôi từ 3 phía nhìn vào. Sáu Dền nói với Tám Vàng:

Bà già chúng đang nhốt trong nhà. Hai tên lính nằm ngủ ngoài hiên. Một tên ngồi gác phía ngoài phì phèo điếu thuốc. Chín Thương bị treo người trên cây xà đơn, mớ tóc rũ ngược. Chắc đã chết rồi.

Tám vàng nổi máu xung thiên, rút dao đâm một nhát vào lách Sáu Dền đạp hắn lăn xuống vệ đường rồi cùng một du kích bò vào. Tên gác đang mơ mơ màng màng bị một nhát dao đâm từ lưng sang bụng.

Phía đầu nhà, Võ Cử cùng Tám Bính đột nhập vào hiên, phập phập - hai nhát dao găm của Võ Cử kết thúc cuộc chiến.

Tôi cùng Bảy Lanh ở ngoài cảnh giới. Võ cử cùng Tám Bính đạp cửa vào nhà, bật đèn cởi trói cho bà ngoại. Tám Vàng cắt dây hạ Chín Thương xuống. Tám Bính thu súng đạn của 3 tên. Một du kích vác Chín Thương chạy. Tôi và Bảy Lanh đi chặn hậu bảo vệ cho mọi người.

Ra khỏi khu vực nguy hiểm đến giữa cánh đồng hoang. Bà ngoại bị đánh đau giờ không đi nổi. Tôi ngồi xuống bảo ngoại ôm lấy cổ con cõng. Hai du kích thay nhau mang tử sĩ đến bờ sông. Võ Cử đi chặt chuối kết bè để đưa Chín Thương và bà ngoại qua sông.

Về đến Thôn 3 Điện Quang là 2 giờ đêm rạng ngày 30/10/1971.

Má Hợi đã nấu một nồi cháo lươn. Ăn xong, tôi ra hố bom tắm cho mát; lúc ấy Bẩy Lanh, Tám Vàng đang hội ý. Tôi xách súng ra bụi chuối bên ruộng nằm hút thuốc. Nhớ tới Chín Thương, mà lòng buồn vô hạn.

3 giờ đêm 30/10/1971, Tám Bính, Bảy Lanh, má Hợi tắm rửa thay đồ cho Chín Thương. Không có quan tài và vải niệm, thôn ấp làng hoang không có dân, không có gì hết. Chả nhẽ mai táng trần? Tôi sờ dây lưng cởi tấm dù đắp với ni lông đi mưa rộng dài 2,2m đem cho Bảy Lanh.

Tôi nói:

- Bộ đội chúng tôi chuyên niệm cho đồng đội bằng thứ này, dù trong, ni lông bọc ngoài, mọi người xem có được không.

- Được quá! Chín Thương có anh bộ đội ấp ủ còn gì cô đơn.

Tám Vàng nói thế. Võ Cử cũng đồng tình:

- Như vậy cô Chín không còn ân hận, mà lại ngậm miệng cười nơi chín suối rồi.

Tới 4 giờ về sáng thì xong mọi việc. Ngoại Chín Thương không còn nước mắt mà cạn kiệt từ lâu rồi. Ngoại ngồi như khúc gỗ chẳng nói chẳng rằng nhìn về Thôn 2.

Ngày 30/10/1971, ăn sáng xong Xã đội trưởng Tám Vàng hỏi Tám Bính:

- Lương thực còn không?

Tám Bính nói:

- Chỉ còn một thùng đạn đại liên ăn dè cũng được 2 ngày.

Dân không có, biết lấy chi ăn. Tám Vàng cử Tám Bính và du kích Trương Đình Huê đi cải thiện tát cá, bắt ốc nhồi, hái rau muống, kiếm chuối về ăn trừ bữa.

Bảy Lanh bảo Võ Cử ra ngoài cảnh giới rồi hỏi ngoại:

- Sự việc ban đêm thế nào?

Ngoại kể:

- Hai bà cháu chuyện đến khuya ngủ lúc nào chả hay, đột nhiên thấy động. Mở mắt thấy 4 đèn pin rọi sáng, những họng súng tiểu liên xía vô. Bà cháu hết lối thoát. Chín Thương quờ tay tìm súng thì đã mất rồi, đành bó tay chịu trói. Chúng đưa bà cháu đến hội trường bảo an ninh hỏi cung không thu được kết quả gì. Tên thiếu úy Trung đội bảo an dở giọng dã man, sai lính lột trần Chín Thương trói dang tay, dang chân, làm nhục ngay trên giường cho cả tụi cùng xem. Ngoại thấy cháu bị hành như vậy hét lên một tiếng ngất đi.

- Khi tao tỉnh đã thấy Chín Thương bị đánh mặt thâm tím, khắp người máu me treo ngược trên xà suốt ngày phơi nắng sống sao được, quân bất nhân thất đức.

Bảy Lanh bảo:

- Ngoại à, tên thiếu úy Trung đội bảo an trong lúc đang chỉ huy Trung đội vây bắt con, bị anh bộ đội đi cùng Chín Thương bắn chết tại trận rồi. Ta đã giết quân Ngụy hơn 10 tên đó. Thù Chín Thương đã được trả!

Ngoại Chín Thương nói:

- Bảy à, không hiểu sao hai đêm Chín Thương nằm bên ngoại nói đi nói lại rằng: Sau này con có mệnh hề gì thì ngoại nhận chị Bảy Lanh thay con lấy anh bộ đội nghe.

Bảy Lanh nói:

- Ủa! Chín Thương cũng nói với con như vậy, có phải là điềm báo trước hay không? Bây giờ thì việc đã lỡ rồi biết tính sao đây?

- Hay cứ để nguôi sẽ tính, biết anh bộ đội có chịu hay không - Ngoại nói.

Hai ngày sau, 1/11/1971, hết gạo. Chúng tôi ăn chuối nấu ốc nhồi trừ bữa. Tôi bảo Tám Vàng:

- Tối nay mấy anh đi với tôi lấy gạo, nói rõ cho mọi người biết.

16 giờ tối cùng ngày, tôi cùng Võ Cử, Tám Vàng, và Huê vượt sông về Sơn Trường gặp quân K.

Tôi liên hệ: Chúng tôi là bộ đội Trung đoàn 38 đi lấy gạo, đề nghị cấp cho 2 tạ. Một chị cán bộ kho dẫn chúng tôi đến bờ Nam sông Thu Bồn bảo: Các anh moi lên mà lấy bao nhiêu cũng được, xong phải ngụy trang lại.

Mọi người mừng như vớ được vàng, bới cát moi lên được 12 bao loại 50kg chuyển đi cách đó 1000m; dấu 8 bao vùi xuống cát, cắm tiêu đánh dấu, còn 4 bao buộc dây gùi về. Đến chỗ chuẩn bị vượt sông đã thấy Bẩy Lanh, Tám Bính đem xuồng đón gạo sang sông. Chúng tôi đem về chôn giấu ở nhiều vị trí.

Ngày 02/11/1971, Võ Cử, Tám Vàng, Huê đem vũ khí xuống xuồng Tam Bản, ngược sông Thu Bồn đến Sơn Trường lấy 8 bao gạo còn giấu lại.

2 giờ đêm rạng 03/1/19711, bộ phận đi lấy gạo về chót lọt. Tôi bảo Tám Vàng, sau này các anh muốn lấy gạo cứ đến đó bắt liên lạc với Quân kinh tế xin gạo, nói là cơ quan Huyện, hay tỉnh gì đó.

(Còn nữa)

Trái tim người lính