Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 12)

PGS TS Cao Văn Liên

06/11/2023 06:01

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 12

Châu Á đã sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng, chính trị kiệt xuất với những học thuyết phục vụ đắc lực cho giai cấp thống trị. Khổng Tử sáng lập ra trường phái Nho gia với học thuyết “Chính danh định phận”, nhân trí tín lễ nghĩa. Sau này các học giả Nho gia phát triển thành lý thuyết tam cương ngũ thường phục vụ đắc lực cho chế độ phong kiến. Nho là học thuyết hoàn thiện nhất của nhà nước phong kiến. Đối lập với Khổng Tử, Mặc Địch (Trung Quốc) đã sáng lập nên lý thuyết của Mặc gia đề cao tư tưởng nhân nghĩa khiêm ái yêu thương con người, phản đối chiến tranh gây tổn hại đau thương mất mát cho con người. Nhân của Nho gia phân chia xã hội thành đẳng cấp, nhân của Mặc gia bênh vực cho một xã hội bình đẳng, không có đẳng cấp, nghĩa của Mặc gia là làm lợi cho mọi người, trừ hại cho mọi người. Lão Đam (Trung Quốc) sáng tạo nên lý thuyết cho phái Đạo gia, coi Đạo là vũ trụ có trước cả trời đất. Phái Đạo gia coi trọng thiên nhiên môi trường sinh sống, đề cao sự tiêu dao nhàn nhã hòa mình với thiên nhiên để sống cuộc sống thần tiên. Bổ sung cho các học thuyết trên là lý thuyết của phái Pháp trị của phái Pháp gia mà người hoàn thiện là Hàn Phi Tử (Trung Quốc). Đối lập với tư tưởng nhân trị của Nho gia, phái Pháp trị cho rằng trong cai trị xã hội chủ yếu phải dùng pháp trị trừng phạt. Sau này nhà nước phong kiến  Trung Quốc và một số nước ảnh hướng (Nhật Bản, Việt Nam, Triều Tiên) đã lấy nhân trị của Nho gia kết hợp với Pháp trị của Pháp gia tạo thành một học thuyết tư tưởng chính trị hoàn chỉnh, bổ sung hỗ trợ đắc lực cho đường lối cách thức cai trị.

           Chiến tranh cũng là một hiện tượng thường xuyên của đời sống chính trị châu Á cổ- trung đại, từ đó sản sinh ra những nhà tư tưởng quân sự kiệt xuất và những tướng soái lỗi lạc:Tôn Tử, Tôn Tẫn, Ngô Khởi, Tào Tháo, Gia Cát Lượng (Trung Quốc), Thành Cát Tư Hãn (Mông Cổ), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Quang Trung Nguyễn Huệ (Việt Nam). Cuốn “Binh pháp Tôn Tử” đã đặt nền tảng cho khoa học quân sự châu Á. Tác phẩm đã giải đáp chính xác các vấn đề đặt ra trong khi tiến hành chiến tranh phải làm thế nào để chiến thắng. Tôn Tử (Trung Quốc), Thành Cát Tư Hãn (Mông Cổ), Trần Quốc Tuấn (Việt Nam) là những danh nhân quân sự thế giới.

           Để phục vụ cho đời sống và sản xuất, nhân dân châu Á thời cổ trung đại phát minh và tích lũy được nhiều kiến thức về toán học: Hình học, đại số, số học, lượng giác. Người Ấn Độ phát minh ra 9 chữ số và chữ số 0 và như vậy có thể diễn đạt được tất cả các đại lượng. Đây là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của toán học. Người châu Á cũng biết tới số Pi, biết cách tính thể tích của các hình khối rất sớm. Số Pi của nhà toán học Trung Quốc Tổ Xương Chi (429-500) chính xác đến số thập phân thứ 10. Người Ấn Độ, Trung Quốc tiến hành nghiên cứu thiên văn, trên cơ sở đó làm lịch pháp, tính thời gian theo sự vận hành của mặt trăng (âm lịch) để phục vụ cho canh tác nông nghiệp và đời sống. Họ đã biết tới hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, biết được 208 vì sao trên vũ trụ. Nhà thiên văn học Trung Quốc Trương Hành (78-139) đã biết ánh sáng của mặt trăng là do phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Người Trung Quốc thời Hán làm ra giấy viết, đến thời Tống họ có ba phát minh quan trọng la bàn thuốc súng và nghề in chữ rời. Châu Á rộng lớn phong phú về thảm thực vật. Người châu Á đã tận dụng cây cỏ để làm thuốc chữa bệnh, kiến thực y dược, kinh nghiệm, lý luận chữa bệnh, giải phẫu được các nhà y dược tài năng đúc kết từ đời này qua đời khác, ra đời những tác phẩm y học qúy giá: “Thương hàn luận của” Trương trọng Cảnh, “Thần nông bản tháo kinh” (Trung Quốc) chép 365 loại dược liệu chữa bệnh. Hoa Đà lang y nổi tiếng thời Tam Quốc (Trung Quốc) biết tới giải phẫu chữa bệnh. “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân (Trung Quốc) gồm 52 cuốn ghi được 1.892 loại dược liệu, 11.096 thứ thuốc. Bộ sách này sau đó người phương Tây biết đến, Đác Uyn nhà bác học vĩ đại người Anh đánh giá là bộ bách khoa toàn thư về y học. “Nam dược thần hiệu” của Nguyễn Bá Tĩnh (Việt Nam) có tới 500 vị thuốc và 3.873 phương thuốc điều trị 184 loại bệnh. Lê Hữu Trác (Việt Nam) sưu tầm bổ sung 305 vị thuốc, 2.854 phương thuốc cổ truyền để chữa bệnh. Bộ sách “Hải thượng y tâm tĩnh” của ông nêu lên những lý luận cơ bản ngành Đông y, xây dựng toàn bộ lý, pháp, phương dược của nền y học này. Ông là người đề cao đạo đức của người thầy thuốc. Như vậy người châu Á đã hình thành một nền y học Đông dược tận dụng cây cỏ trong thiên nhiên chữa bệnh từ rất sớm, có bề dầy kinh nghiệm hàng nghìn năm. Người châu Á còn dùng rau cỏ ăn uống hàng ngày và được nâng lên hàng nghệ thuật ẩm thực chữa bệnh và tu dưỡng tinh thần thể chất. Nghệ thuật ẩm thực ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. v. v. được coi như một triết lý hòa đồng con người với thiên nhiên vũ trụ vì theo họ con người cũng chính là tiểu vũ trụ, một phần của vũ trụ mà thôi. Người châu Á sớm biết làm cho sinh hoạt tinh thần phong phú không chỉ bằng các tác phẩm văn học mà còn bằng nền âm nhạc đa dạng mê li vô tận. Nhạc dân gian, nhạc cung đình. Đi liền với âm nhạc là những vũ điệu mềm mại uyển chuyển. Sinh hoạt tinh thần còn được bổ sung bằng các trò vui chơi nhưng rèn luyện sức mạnh phục vụ sản xuất và chiến đấu, thể hiện tinh thần thượng võ: Trò đua thuyền đấu vật, đấu kiếm, bắn cung. v. v. Châu Á là quê hương của nhiều trường phái võ lâm rèn luyện binh sĩ, đào tạo võ tướng phù hợp với phương pháp tác chiến bạch binh thời kỳ cổ trung đại. Sức mạnh siêu phàm của con người do kết quả ở khổ luyện mà có biểu hiện ở nhiều trường phái, đặc biệt ở đạo Iôga Ấn Độ.

           Châu Á có nghệ thuật kiến trúc vô cùng phong phú đa dạng. Người châu Á sớm biết xây dựng những thành phố đô thị nổi tiếng phồn hoa, là những đô thị bị vùi sâu dưới đất ở nền văn hoá cổ Ấn Độ Ha ra pa và Mô hen tôđa rô có niên đại khoảng 2500 trước CN. Tiếp đó đến những kinh đô của các vương quốc sau này đều là những thành phố phồn hoa xinh đẹp. Kinh đô của các vương triều Ai Cập, Lưỡng Hà-Ba bi lon còn đầy màu sắc huyền thoại cổ xưa.

             (Còn nữa)

                 CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 12)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn