Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 23)

PGS TS Cao Văn Liên

18/11/2023 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 23

Thời kỳ cát cứ là thời kỳ phát triển cao nhất của chế độ phong kiến Tây Âu. Trong thời kỳ này nó bộc lộ cao độ những bản chất cố hữu của chế độ phong kiến: Đặc quyền, đặc lợi, thói chính trị gia trưởng với những lãnh địa đóng kín cùng nền kinh tế tự nhiên nông nghiệp, trong đó những tên lãnh chúa quý tộc kiêu ngạo, hợm hĩnh trong tối tăm ngu dốt, đặc quyền và tàn bạo. Bên cạnh đó thế lực Thiên Chúa giáo to lớn bao trùm lên chế độ phong kiến Tây Âu nói riêng và toàn châu Âu nói chung. Luật lệ, giáo lý phong tục, tập quán của nhà thờ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và phong tục tập quán toàn xã hội và của từng gia đình. Nông dân cày ruộng và nộp thuế 1/10 cho nhà thờ. Tòa án giáo hội sẵn sàng trừng phạt bất cứ ai chống lại hoặc nói trái điều kinh thánh đã dạy bằng biện pháp rút phép thông công hoặc đưa lên dàn lửa thiêu sống. Triết học kinh viện, một thứ triết học duy tâm thoát ly thực tế chỉ biện hộ cho tôn giáo mà thôi. Trong thời kỳ cát cứ, văn hoá Hi-La suy tàn, thành thị phồn vinh thời cổ đại sụp đổ. Khắp nơi thành quách lâu đài đen kịt với những tên lãnh chúa kém học hành, chỉ mang áo giáp sắt nặng nề lên ngựa cầm trường thương đi chiến trận tranh giành đất đai mở rộng lãnh địa, lúc ngừng chiến hòa bình thì tỉ thí với nhau trên đấu trường hay uống rượu là trò giải trí vui chơi duy nhất. Trong các lãnh địa, lãnh chúa có toàn quyền đối với nông dân và gia đình họ. Như lãnh chúa Pháp có tới 300 đặc quyền ghi trên giấy tờ. Nông dân Tây Âu bị lãnh chúa biến thành nông nô, bị áp bức bóc lột nặng nề, bị những đặc quyền của lãnh chúa chà đạp nhân phẩm, xúc phạm danh dự. Bên cạnh đó nhà thờ giúp lãnh chúa trói buộc nông nô về tinh thần. Cho nên mâu thuẫn trong lòng xã hội phong kiến Tây Âu là mâu thuẫn giữa nông dân với lãnh chúa, với nhà nước phong kiến. Nông dân đã vùng dậy khởi nghĩa, tiến hành chiến tranh chống chế độ phong kiến. Khởi nghĩa ở Anh, khởi nghĩa ở Pháp, lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Pugát sốp ở Nga dưới thời nữ hoàng Ca tơ rin na đệ nhị. Khởi nghĩă nông dân đôi khi to lớn phát triển thành chiến tranh nông dân rộng lớn: Chiến tranh nông dân ở Đức năm 1524-1256. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng chiến tranh nông dân Tây Âu đều mang mầu sắc tôn giáo như chiến tranh nông dân Đức bùng nổ dưới lá cờ đạo Can Vanh chống lại đạo Thiên Chúa chính thống. Thực chất các cuộc khởi nghĩa nông dân và chiến tranh Tây Âu vẫn là cuộc đấu tranh giai cấp, sự vùng dậy của nông dân chống phong kiến, đòi ruộng đất dân chủ, chống áp bức bóc lột. Ngọn lửa căm thù của họ phần lớn trút vào đốt cháy các lãnh địa của bọn lãnh chúa.

           Do bị chia cắt và nhiều lý do khác, nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế Tây Âu suy yếu không đủ sức mạnh bóp chết những mầm mống kinh tế tư bản chủ nghĩa. Do đó từ thế kỷ XI trở về sau, trong lòng xã hội phong kiến Tây Âu ra đời và phát triển những nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa và quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Từ phường hội thủ công thời phong kiến đã tiến tới ra đời công xưởng thủ công. Công xưởng thủ công là hình thức sản xuất, bóc lột đầu tiên của chủ nghĩa tư bản. Trong công xưởng thủ công một chủ tư bản có thể sử dụng từ 50, 100 đến 1.000 công nhân hoặc nhiều hơn và người chủ đã bóc lột giá trị thặng dư đối với người thợ. Trong công xưởng thủ công, mỗi người thợ chỉ được làm một chi tiết của sản phẩm, sau đó lắp ráp lại mới thành một sản phẩm hoàn thiện. Sản phẩm đã được xã hội hoá. Lao động xã hội hoá này sẽ tạo tiền đề cho sự ra đời máy móc sau này. Cùng với sự hình thành công xưởng thủ công thì ngay lập tức cũng hình thành nên những trung tâm buôn bán. Ngân hàng ra đời phục vụ cho vay vốn sản xuất buôn bán. Những trung tâm phát triển thành thị trấn và sau lớn mạnh phồn vinh trở thành đô thị. Thành thị mới ra đời. Người ta còn có thể khôi phục lại những thành thị cổ xưa của Hi Lạp, La Mã. Thành thị có vai trò thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển, là trung tâm sản xuất buôn bán, giao dịch, ngân hàng, nơi ra đời nền văn hoá tư sản. Tây Âu khi đó đã có những đô thị lớn như Luân Đôn, thành phố này thế kỷ XVIII đã có tới 64 vạn dân, Man che stơ, Li vơ pun... (Anh), PaRi, Liông, MácXây, Boócđô... (Pháp), Lâyđen, An véc, Amstecđam... (Hà Lan). Những trường đại học lớn đầu tiên cũng ra đời ở các đô thị: Đại học Pa ri (Pháp), Oxford (Anh). Thành thị cũng là nơi ra đời những giai cấp, tầng lớp mới của xã hội: Tư sản, thị dân, trí thức. Cùng với sự phát triển của sản xuất, tích luỹ tư bản nguyên thuỷ cũng tăng lên gấp bội do thực dân Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh, Pháp , Hà Lan đẩy mạnh việc cướp bóc ở châu Mỹ, châu Phi và châu Á. Đặc biệt sau những phát kiến địa lý của Cơ ri stốp Côlôm bô, Magienlăng, Vát scôđa Ga ma, những cuộc cướp bóc xâm lược của thực dân châu Âu với những châu lục trên ngày càng mạnh mẽ, làm cho lượng vàng bạc ở Tây Âu tăng lên đột ngột, tạo nên cuộc “cách mạng giá cả”, hàng hoá tăng giá vùn vụt, cung không đủ cho cầu buộc phải đẩy mạnh sản xuất làm cho sản xuất tư bản càng thêm phát triển.

           Nền kinh tế tư bản ra đời làm cho xã hội phân hoá mạnh mẽ, ra đời giai cấp mới là tư sản và tầng lớp thị dân bên cạnh nông dân và quý tộc phong kiến vốn có từ trước. Giai cấp tư sản không chỉ giàu có về kinh tế mà ngày càng lớn mạnh về tư tưởng, là giai cấp sẽ đóng vai trò trung tâm trong sự chuyển biến xã hội Tây Âu sau này. Vào thế kỷ XV-XVI, chủ nghĩa tư bản Tây Ây ngày càng lớn mạnh bắt đầu tấn công vào chế độ phong kiến. Lãnh chúa phong kiến giàu có mở toang cánh cửa lãnh địa mua hàng hoá phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt xa xỉ của bản thân và gia đình. Kinh tế hàng hoá làm thay đổi cuộc sống quý tộc từ sinh hoạt đơn giản đến sinh hoạt xa hoa cầu kỳ, nhiều nghi thức xã giao. Kinh tế hàng hóa liên kết quốc gia thành một thị trường thống nhất. Ăngghen có lý khi ông viết rằng: Trước khi những viên đại bác của cách mạng tư sản san bằng những thành trì lãnh địa phong kiến thì kinh tế hoàng hoá đã làm cho nó sụp đổ từ lâu rồi. Chủ nghĩa tư bản ra đời làm xuất hiện những tiền đề kinh tế, xã hội cho việc thống nhất đất nước. Bản thân các hoàng đế Anh, Pháp sau này phải dựa vào giai cấp tư sản, thị dân để họ cung cấp tiền bạc, lực lượng đấu tranh chống lãnh chúa, thống nhất đất nước. Như vậy ngược lại với chế độ phong kiến châu Á kìm hãm bóp chết nền kinh tế tư bản thì ở Tây Âu chế độ phong kiến trong giai đoạn thế kỷ XIV-XV lại đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hoàng hoá do nhu cầu tiêu dùng, do nhu cầu thống nhất quốc gia, thiết lập lại chế độ quân chủ chuyên chế tập quyền. Dựa vào sự giúp đỡ của tư sản, thị dân, các hoàng đế Anh, Pháp đã tiến hành một cuộc đấu tranh lâu dài bằng chiến tranh, bằng cải cách hành chính, tư pháp. Cuối cùng vào thế kỷ XV Anh, Pháp đè bẹp được các thế lực lãnh chúa, thống nhất được đất nước, xây dựng được quốc gia phong kiến tập quyền.

           (Còn nữa)

            CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 23)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn