Phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Trần Quốc Giang (Chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang)

16/07/2023 15:08

Theo dõi trên

Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xem tham nhũng là “quốc nạn” vì nó ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp cách mạng; gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; là nguy cơ dẫn đến sự suy yếu của Đảng, của chế độ. Do đó, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng nhằm góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; đất nước ngày càng phát triển phồn vinh; Nhân dân ấm no, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn.

1-phat-huy-vai-tro-ca-nhan-1689495144.jpg
 

Kỳ 1:  Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và một số vấn đề đặt ra

Đảng ta đã kiên quyết lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) đạt nhiều kết quả,... Qua đó cũng cho thấy một số vấn đề đặt ra, như: việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang có vấn đề; tuyệt đại đa số các vụ vi phạm tham nhũng không được phát hiện từ chi bộ; hay tính răn đe của pháp luật qua xử lý các vụ việc tham nhũng chưa thực sự hiệu quả,...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở nước ta được tiến hành ráo riết, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” (1), đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Đây là kết quả của sự kiên quyết, kiên trì của toàn đảng, toàn dân, được quần chúng nhân dân hoan nghênh, đồng tình, củng cố thêm niềm tin của vào Đảng, vào chế độ; được dư luận quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, ủng hộ. Tuy nhiên, vì không thể xóa ngay tận gốc trong một thời gian ngắn, nên hiện nay tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là không thể phủ nhận, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ rõ: “tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” (2). Cho nên, “cuộc chiến đấu” này phải được thực hiện kiên quyết, kiên trì hơn nữa của cả hệ thống chính trị như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra trong Cuốn sách: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

1. Tham nhũng và những hệ luỵ, nguy cơ

1.1. Tham nhũng là gì?

Tham nhũng là hiện tượng kinh tế - xã hội, là một vấn đề xã hội, xuất hiện từ rất sớm, gắn liền với sự hình thành giai cấp - khi có sự phân chia quyền lực và sự hình thành, phát triển bộ máy nhà nước. Theo Mác - Ănghen, thì tệ nạn tham nhũng như một căn bệnh thâm căn, cố đế của các bộ máy nhà nước cũ. Tuy nhiên, Mác đã nhấn mạnh và cảnh báo rằng: Không được quên là những chức năng thống trị của giai cấp lên cầm quyền ở bất cứ xã hội nào thường bị một số người đại diện của giai cấp chiếm đoạt lấy và biến thành của riêng. Cả khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền rồi, nguy cơ ấy vẫn còn (3). Ngày nay, tham nhũng đã trở thành vấn nạn toàn cầu, nó không phụ thuộc vào chế độ chính trị, nó có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có nghĩa là “tham nhũng” không chừa bất cứ một quốc gia nào, kể cả những nước phát triển nhất. (4)…

Tháng 3/1952 trong bài “Thực hành tiết kiệm tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “ Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô.

Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế” (5).

Điều 3, Luật PCTN năm 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi;... Tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng”, và “Các hành vi tham nhũng” theo Điều 2 được triển khai từ các biểu hiện mà Hồ Chủ tịch đã chỉ ra và quy định bằng những hành vi cụ thể hơn... Hay theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” (6).

Tham nhũng như là một căn bệnh có thể còn kéo dài và tùy vào phương pháp, thái độ “điều trị” (phòng, chống) của mỗi chế độ, quốc gia mà căn bệnh này “nhẹ” hay “nặng” thêm.

1.2. Những hệ lụy, nguy cơ do tham nhũng gây ra...

Tham nhũng là căn bệnh xã hội nguy hiểm, nó như là một thứ virus vô cùng độc hại, sống ký sinh bằng những chiếc vòi bạch tuộc hút máu cơ thể xã hội, làm mục ruỗng bộ máy nhà nước từ bên trong. Nó không chỉ làm cản trở sự phát triển của đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào chế độ xã hội ta, mà nguy hiểm hơn, còn là mầm mống của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, dẫn tới làm suy yếu bộ máy của Đảng và Nhà nước. Đảng ta khẳng định tham nhũng “là quốc nạn”, “là giặc nội xâm”, tuy nó không có gươm đao, không có súng đạn, cũng không có một trận tuyến cụ thể nhưng giặc này rất nguy hiểm, gây bức xúc, nhức nhối trong dư luận xã hội, có nguy cơ phá nát toàn bộ sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và Bác Hồ cùng sự hi sinh vô cùng to lớn của cả dân tộc ta xây dựng nên.

Thấy được tác hại ghê gớm của tệ tham nhũng, ngay từ khi giành được độc lập, trong quá trình lãnh đạo, Đảng, Bác Hồ và Nhà nước ta đã thể hiện thái độ kiên quyết đấu tranh phòng, chống hành vi tham nhũng, tiêu cực, mà điển hình là trong thực thi Sắc lệnh số 223/SL, ngày 27/11/1946 (7). Cách nay gần 73 năm, ngày 05/9/1950 tại Chiến khu Việt Bắc đã xét xử và tuyên án tử hình Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ một số tiền lớn và nhiều sai trái khác. Trước chứng cứ sai phạm của Trần Dụ Châu, Hồ Chủ tịch nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm”, và Người đã bác đơn xin ân giảm của Trần Dụ Châu. Đồng thời, Người cũng chỉ thị vụ án này phải được thông tin rộng rãi để nhân dân biết...(8).

Ngoài Sắc lệnh số 223/SL, trong xuyên suốt quá trình lãnh đạo, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực, như: Pháp lệnh vềt trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, ban hành ngày 21/10/1970 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (9); Quyết định số 240/HĐBT ngày 26/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng; Chỉ thị số 416/CT ngày 03/12/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về về việc tăng cường các công tác thanh tra, điều tra, xử lý các việc tham nhũng và buôn lậu; Quyết định số 114/QĐ-TTg ngày 21/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ nạn tham nhũng và buôn lậu; Nghị quyết của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá IX ngày 30/12/1993 về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu,…

Từ khi đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất và nhiều lần chỉ rõ sự nguy hiểm của loại “giặc nội xâm” này. Đặc biệt, từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII (tháng 01/1994), tham nhũng được Đảng ta nhận diện là một trong bốn nguy cơ đối với Đảng và cách mạng Việt Nam, và từ Đại hội IX đến nay “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta” (10). Cho nên PCTN, tiêu cực luôn là vấn đề cấp bách mà Đảng ta kiên quyết, kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, với Bộ luật Hình sự năm 1985 qua 04 lần sửa đổi, bổ sung (11) được coi là một dấu mốc quan trọng thể hiện chính sách hình sự nhất quán của Nhà nước ta về tội phạm và tham nhũng. Nhưng với Pháp lệnh số 03-L/CTN ban hành ngày 26/02/1998, được xem là văn bản có hệ thống đầu tiên quy định một cách thống nhất các vấn đề có liên quan. Và Luật PCTN năm 2005 ra đời (ngày 01/6/2006), sau đó phát triển lên ở mức độ mới mà hiện nay thực hiện là Luật PCTN năm 2018 (12) với nhiều quy định mới, từ những thay đổi về cách tiếp cận trong việc xác định khu vực tập trung PCTN, cho đến thiết lập các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý… cùng với sự kiên quyết, kiên trì của toàn đảng, toàn dân ta trong công tác PCTN đã thực sự đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt; củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

2. Kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta

Trong hơn 10 năm qua, kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN (tháng 02/2013) đến nay, công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực luôn được Đảng và Nhà nước được tập trung chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao. Trong cuộc đấu tranh đó, việc thực hiện các biện pháp để vừa chủ động phòng ngừa, vừa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng và liên quan theo phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm” được phối hợp nhuần nhuyễn, đồng bộ, hiệu quả,...

Theo đánh giá tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ. Trong đó, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự 01 Ủy viên Bộ Chính trị, 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 06 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 13 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...

Từ sau Phiên họp thứ 23 (tháng 01/2023) đến tháng 5/2023, công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều chuyển biến mới, tích cực, đồng bộ, hiệu quả. Các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước khởi tố, điều tra thêm 1.099 vụ/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can. Các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo khởi tố mới 04 vụ/24 bị can; khởi tố thêm 11 vụ/78 bị can; kết thúc điều tra 03 vụ/88 bị can; ban hành cáo trạng truy tố 08 vụ/153 bị can; xét xử sơ thẩm 06 vụ/51 bị can. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật trên 100 tổ chức đảng, trên 3.600 đảng viên; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng, 26 cán bộ cấp giám đốc sở và tương đương trở lên (trong đó có 01 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 03 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, 02 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán chuyển 137 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; kiến nghị xem xét xử lý hành chính 232 tập thể và 1.146 cá nhân…

Có thể nói, chưa bao giờ công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực ở nước ta lại được chỉ đạo một cách mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả rõ rệt như trong giai đoạn 10 năm qua đã tạo được những đột phá mới trong công tác phát hiện và đã xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, từng bước khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước đây.

Tuy nhiên, liệu phát hiện, xử lý nhiều thì Đảng, Nhà nước ta có bị giảm sút uy tín không, như trong 05 năm trở lại đây phát hiện, xử lý số vụ vi phạm tham nhũng tăng cao? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói vậy là lầm to” (13). Với cái nhìn đúng, tích cực thì việc gia tăng phát hiện và cương quyết xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” (14) sẽ không làm cho uy tín của Đảng bị giảm sút, mà trái lại, chính đấu tranh PCTN, tiêu cực đã làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước; uy tín của Đảng ta ngày càng được nâng lên, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao,… và “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (15).

Công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực trong thời gian qua đã để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta,… góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây được xem là thắng lợi rất lớn, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. Điều đó đã khẳng định, đây không phải là kết quả của sự “hô hào hình thức” như các luận điệu xuyên tạc, phản động tuyên truyền chống phá ta, mà là sự kiên quyết đấu tranh của toàn đảng, toàn dân.

3. Một số vấn đề đặt ra

Thứ nhất, việc rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang có vấn đề.

Hiện nay, tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là không thể phủ nhận. Như chúng ta đã biết, các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước đều do người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện và tuyệt đại đa số trong đó là đảng viên, và xét về tính chất vi phạm cũng cho thấy mức độ vụ án càng nghiêm trọng thì chức vụ, ảnh hưởng của những người vi phạm càng lớn.

Về đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, theo Hồ Chí Minh: “Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người” (16). Như vậy, những cán bộ, đảng viên vi phạm trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn trái ngược, họ cực kỳ tha hóa, xuống cấp về đạo đức, họ đã tìm mọi cách để vun vén cho cá nhân, gian dối với tổ chức, với Đảng, phụ bỏ lòng tin của nhân dân… Điều càng đáng tiếc hơn nữa là còn “tham nhũng lòng tin” của tập thể, của Nhân dân khi họ “nói không đi đôi với làm”, khi cố tỏ ra là người chí công vô tư, hết lòng vì công việc, “thao thao bất tuyệt” về PCTN, tiêu cực,... nhưng không được bao lâu thì đã bị tra tay vào còng. Như vụ Việt Á, trong khi cả nước đang thực hiện một chủ trương hết sức nhân văn là vì sức khỏe và tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, “không ai bị bỏ lại phía sau”… Vậy mà, không ít cán bộ, đảng viên đã tìm mọi cách để trục lợi trong nỗi thống khổ của đồng bào. Nếu xét về góc độ văn hóa, theo Tổng Bí thư thì những người này thuộc: “những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa”,…(17)

Thứ hai, vì sao tuyệt đại đa số các vụ vi phạm tham nhũng không được phát hiện từ chi bộ?

Trong tổ chức sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên đối tất cả đảng viên đang sinh hoạt, đây vừa là nguyên tắc, vừa là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng đảng nói chung, và công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng đã giúp đảng ta nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức đảng. Nhưng tham nhũng vẫn diễn ra, như trong vụ Việt Á, nhiều cán bộ, đảng viên có bằng cấp, học vị cao, giữ trọng trách lại dám vi phạm và vi phạm nghiêm trọng, ngay từ đầu đã tha hóa, rắp tâm cơ hội “tư túi” với sự móc nối, liên kết, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi và quy mô vi phạm rộng lớn chưa từng có…

Như vậy, “lỗ hổng” là ở chỗ nào? Do người vi phạm quá “cao tay”, tinh vi che giấu kỹ những hành vi phạm tội trong thời gian dài, thậm chí còn móc nối, lôi kéo nhiều người vi phạm; hay do chi bộ kém? như Tổng Bí thư đã chỉ ra: “đằng sau những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài đều có bóng dáng của một số cán bộ, công chức làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu”...(18)

Thứ ba, có hay không tính răn đe của pháp luật chưa thực sự hiệu quả?

Sau những vụ tham nhũng đã bị phát hiện, xử lý thì lại có những vi phạm mới. Trong giai đoạn 2012- 2022, toàn Đảng ta đang triển khai mạnh mẽ công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, đã thi hành kỷ luật 7.390 đảng viên do tham nhũng, trong đó có 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (19),…Vậy mà những vụ tham nhũng mới vẫn xảy ra, nghiêm trọng và quy mô rộng lớn như vụ Việt Á, hoàn toàn mang yếu tố mới, chỉ diễn biến trong công tác phòng chống dịch Covid - 19,... Vì cái lợi mà bất chấp tất cả, những người trong vụ vi phạm sau chưa thật sự “cảnh tỉnh”, “run sợ” trước những hình phạt của các vụ vi phạm trước đó- vì nếu sợ thì họ đã không dám vi phạm!

Tất cả những điều đó, suy cho cùng đều xuất phát từ cá nhân- con người bên trong, hoặc bên ngoài khu vực nhà nước, hoặc cấu kết nhau vi phạm. Và từ đây, ta có thể thấy một bài học lớn trong công tác tự phê bình và phê bình, mà như Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết “cũng la lết quả dưa” (20)

Cho nên, cùng với sự “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rút ra từ những vấn đề thực tiễn trong thời gian qua, với sự nhất quán trong phương châm, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị thì công tác PCTN, tiêu cực thì chắc chắn sẽ đạt nhiều kết quả hơn nữa. Mà trước hết là “Phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng” (21), mỗi cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên phải tiến hành “cuộc chiến” PCTN, tiêu cực từ bên trong của mình, mà bắt đầu và cụ thể là từ ý thức, thái độ, vai trò, trách nhiệm, sự quyết tâm của mỗi người đối với bản thân mình, với đồng chí, với đơn vị, tổ chức, với cộng đồng, địa phương thì mới có thể triệt tiêu được “mầm mống” tham nhũng, góp phần thực hiện tốt phương châm: “Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc” (22).

Kỳ 2: Một số giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng

 


Tài liệu tham khảo:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.76.

(2) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.25.

(3) Lê Minh Nghĩa (2018), Phê phán quan điềm cho rằng “Việt Nam khó có thể đấu tranh chống tham nhũng có kết quả”, trang  http://hdll.vn/,  [truy cập 27/5/2023].

(4) Đỗ Vân (2006), 2006- Năm tuyên chiến với tệ tham nhũng, tại trang https://daibieunhandan.vn, [truy cập ngày 27/5/2023].

(5)  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.355- 356.

(6) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.16.

(7) Sắc lệnh số 223/SL về trừng trị các tội biển thủ và hối lộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 27/11/1946 (https://chinhphu.vn/).

(8) Nguyễn Cúc (2021), Bác Hồ nói gì về tham nhũng và công tác cán bộ?, https://www.qdnd.vn,  [truy cập 28/5/2023].

 (9) Bộ Tư pháp, Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, https://moj.gov.vn, [truy cập 06/7/2023].

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.93.

(11) Bộ luật Hình sự năm 1985, Quốc hội ban hành vào ngày 27/6/1985 (sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997).

(12) Luật số 36/2018/QH14 của Quốc hội; Lệnh 14/2018/L-CTN, ngày 04/12/2018 của Chủ tịch Nước về việc công bố Luật PCTN đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 20/11/2018.

(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292.

(14) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.25.

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.25.

(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.289.

(17) Trong Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021).

(18) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, , Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.38.

(19) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác PCTN, tiêu cực giai đoạn 2012- 2022.

(20) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.301.

(21) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, , Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.19.

(22) Nguyễn Phú Trọng, Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, , Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr.207.

Từ khóa: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn