Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 3)

PGS TS Cao Văn Liên

12/07/2023 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc cuốn sách “Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu” của PGSTS Cao Văn Liên, do NXB Thanh Niên ấn hành.

Kỳ 3

Quân đội nhà Lý bao gồm nhiều thứ quân: Quân cấm vệ là quân trung ương, quân các lộ là quân địa phương. Quân đội phải thay phiên nhau về sản xuất để bảo đảm quân số chiến đấu nhưng vẫn bảo đảm sản xuất. Đây là chính sách “Ngụ binh ư nông” (Gửi binh lính ở nhà nông). Nhà nước nghiêm cấm việc chủ các điền trang thái ấp nông nô hoá nông dân, ban bố nhiều sắc lệnh bảo vệ trâu bò, sức kéo, chăm lo xây dựng đê điều để bảo vệ phát triển sản xuất, khuyến khích khai hoang, phát triển các nghề thủ công nghiệp và thương mại.

Dưới thời Lý, Phật giáo không chỉ có địa vị to lớn trong tâm linh tín ngưỡng của nhân dân mà còn có vai trò to lớn trong nền chính trị của đất nước. Chùa tháp dưới triều đại này được xây dựng nhiều nhất so với các triều vua Việt Nam. Song Nho giáo cũng có địa vị trong nền học vấn kén chọn nhân tài. Năm 1070 Nhà Lý xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử, mở Quốc tử giám tại Thăng Long làm nơi học tập cho con em quí tộc quan lại. Năm 1075 triều đình mở khoa thi đầu tiên để chọn nhân tài, mở các khoa thi chọn các nhân viên hành chính trong bộ máy nhà nước. Nền giáo dục đại học của đất nước được tạo dựng. Ngoài tăng lữ,  nho sĩ cũng trở thành một tầng lớp trí thức của xã hội phong kiến. Tuy nhiên thời gian này Phật giáo vẫn chiếm ưu thế. Bên cạnh tôn giáo, văn hoá, nghệ thuật cũng phát triển rực rỡ mà tiêu biểu là mọc lên nhiều chùa tháp với lối trang trí kiến trúc độc đáo: Con rồng trơn tru như con rắn hiền lành và cuộn tròn vô tận,  đồ gốm họa tiết hoa sen thanh tú. Ngay chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) cũng là biểu tượng bông sen nở trên mặt nước.

Về đối ngoại vương triều Lý kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn biên cương lãnh thổ của Đại Việt. Với sức mạnh tổng hợp về kinh tế,  chính trị quân sự của một quốc gia phong kiến đang tràn đầy sức sống, quân dân Đại Việt dưới sự lãnh đạo của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã đánh bại 30 vạn quân xâm lược nhà Tống do Triệu Tiết, Quách Quì chỉ huy cuối năm 1076 đầu năm 1077 trên chiến tuyến sông Cầu. Trong kháng chiến thắng lợi vẻ vang xuất hiện bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên khẳng định chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc:

                   Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời[1]

Chế độ phong kiến Việt Nam đang trên con đường phát triển, nhưng dòng họ Lý cầm quyền thì thoái hoá vào thế kỷ XII. Triều đình trung ương suy yếu,  bất lực tạo điều kiện cho quan lại địa phương tham lam, tàn ác đục khoét bóc lột nhân dân. Kinh tế không được nhà nước chăm lo phát triển nên mất mùa đói kém xẩy ra liên tục. Nạn đói năm 1181 làm chết hơn ½ dân số cả nước. Giai cấp nông dân cùng khổ nổi dậy khởi nghĩa chống lại triều đình liên tục làm rung chuyển nền thống trị của nhà Lý. Giai cấp cầm quyền quí tộc lao vào ăn chơi sa đọa,  đấu tranh tranh giành quyền lực càng làm cho dân tình khốn đốn.

Trong hoàn cảnh bất lực của nhà Lý, toàn bộ quyền hành lọt vào tay dòng ngoại thích họ Trần,  đứng đầu là Trần Thủ Độ. Dưới sự dàn xếp của ông, Lý Chiêu Hoàng, vua cuối cùng của nhà Lý khi đó mới 7 tuổi lấy Trần Cảnh và nhường ngôi cho chồng năm 1225. Triều Lý đi vào lịch sử, một triều đại mới thay thế: Vương triều Trần. Nhà Lý do Lý Công Uẩn sáng lập tồn tại được 125 năm với 9 đời vua: Lý Thái Tổ (1009-1028) và vị vua cuối cùng là Lý Chiêu Hoàng (1225-1225). [2]

Vương triều Trần thay vương triều Lý mở ra một bước phát triển mới của chế độ phong kiến Việt Nam. Nhà Trần ra sức xây dựng phát triển quốc gia phong kiến tập quyền mọi mặt. Trong bộ máy nhà nước, nhà Trần đặt thêm nhiều chức quan và cơ quan mới như Quốc sử viện, Thẩm hình viện, Tam ti viện. Các vua Trần sớm nhường ngôi cho người kế vị, lui về làm Thái thượng hoàng nhưng vẫn tham gia chính sự để tập dượt công việc cho vua trẻ, ngăn chặn nạn tranh giành quyền lực cướp ngôi. Hoàng tộc có đặc quyền lớn và được ưu đãi. Các hoàng tử, thân vương nắm các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Quan lại được trả lương bổng, ngoài ra còn được phân phong điền trang thái ấp để lập phủ đệ riêng. Tước vị và điền trang thái ấp được thế tập, cha truyền con nối.  Để ngăn chặn ngoại thích cướp ngôi, nhà Trần qui định hôn nhân với nhau trong dòng họ “cao quí” của mình.

          Dưới thời Trần chính quyền địa phương được tăng cường, đặc   biệt chú ý đơn vị hành chính cấp xã. Triều đình ban hành “Quốc triều thông chế” gồm 20 quyển nói về tổ chức chính quyền và qui chế hành chính, ban hành bộ luật “Hình thư”,  đẩy mạnh hoạt động lập pháp. Lực lượng vũ trang thời Trần bao gồm ba thứ quân: Quân triều đình, quân riêng của các thân vương quí tộc, và quân địa phương ở các lộ. Chính quyền thời Trần vẫn thi hành chính sách “Ngụ binh ư nông” để bảo đảm sản xuất, bảo đảm quốc phòng, thi hành nhiều chính sách bảo vệ phát triển kinh tế, mở rộng diện tích khai hoang, chăm lo đắp đê phòng lụt, đặt ra chức Hà đê chánh,  phó sứ chuyên coi đê điều, mở mang đường sá, giao thông thuỷ bộ phục vụ cho quốc phòng,  an ninh,  giao lưu buôn bán. Nhà nước thống nhất đo lường, tiền tệ trong toàn quốc. Thương cảng Vân Đồn là nơi buôn bán sầm uất, quan trọng với Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

(Còn nữa)

CVL

 ------------------------

[1]:Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam:Lịch sử Việt Nam t1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr. 181.

[2]. : Quỳnh Cư-Đỗ Đức Hùng:Các triều đại Việt Nam, sách đã dẫn, tr 86.

Bạn đang đọc bài viết "Phong trào nông dân Tây Sơn và Đại Đô đốc Tây Sơn Bùi Hữu Hiếu (Kỳ 3)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn