Thàng 10, Hà Nội: "Không thể nói trời không trong hơn"

Vân Mai Mai (tổng hợp)

07/10/2022 14:23

Theo dõi trên

“Không thể nói trời không trong hơn. Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân kéo về mùa Thu ấy. Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”.

“Cảm xúc tháng Mười”, với lời thơ của Tạ Hữu Yên, nhạc sĩ Nguyễn Thành hay quá, đẹp quá, rạo rực lòng người quá! Bài hát viết về Hà Nội, về Sư đoàn 308 thân thiết từ ngày chống Pháp của các anh, với lời ghi đầu bài hát: “Kính tặng Sư đoàn Quân tiên phong”.

Đoàn quân chiến thắng cùng cán bộ, đồng bào ra đi từ tháng 12-1946, sau 9 năm kháng chiến gian khổ, đoàn quân đã trở về trong khung trời phấp phới cờ đỏ sao vàng và trong vòng tay ấm áp của nhân dân Hà Nội giữa một ngày nắng đẹp đầy hoa...

dvh1e1a-1665127338.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sư tầm trên mạng.

 

“Đêm, cái đêm rút qua gầm cầu/ Anh, anh đã hẹn ngày mai trở lại/ Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi/ Đỏ niềm tin là khúc khải hoàn ca”.

Người ta yêu Hà Nội hơn vì “Cảm xúc tháng Mười”. Yêu những người lính Quân tiên phong hơn vì “Cảm xúc tháng Mười”. Trời Hà Nội xanh hơn và những ngôi nhà cũng cao hơn vì “Cảm xúc tháng Mười”. Mắt người thiếu nữ nào cũng trong hơn, thiết tha hơn, và sóng sông Hồng cũng dào dạt, cuộn đỏ hơn. Có gì hơn một Hà Nội tháng mười giải phóng, một Hà Nội với năm cửa ô rộng mở đón đoàn con trở về, và một cuộc đời mới đã bắt đầu:

“Một sớm thu trong đất thắm sao vàng/ Năm cửa ô xòe năm cánh rộng/ Đoàn quân về nhấp nhô như sóng/ Những ngôi nhà dường như muốn cao thêm…”.

dvh2ea-1665127269.jpg
Chú thích ảnh
dvh2ea-1665127269.jpg
Ảnh minh họa do tác giả sư tầm trên mạng.

 

Ngày 10-10-1954, mùa Thu ấy, ngày Thu ấy đẹp đẽ và linh thiêng! Sau một đêm khi gót chân của tên lính Pháp cuối cùng vội vã rút qua cầu Long Biên đi về phía Gia Lâm, mảnh đất Thăng Long văn hiến bừng lên khoảnh khắc của chiến thắng, của niềm vui, của sự trở về, của sự gặp lại khi hàng chục nghìn người dân cờ hoa vẫy chào cuộc hành quân lịch sử của Ủy ban Quân chính thành phố và Đại đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào Hà Nội.

Nhưng phải đến 20 năm sau, sau cuộc “gặp gỡ” với nhạc sĩ Nguyễn Thành, nhà thơ Tạ Hữu Yên mới thực sự được sống với “Cảm xúc tháng Mười”.

Có lẽ chính “duyên kỳ ngộ” vẫn thường được ví von: Nhà thơ, nhạc sĩ và tác phẩm như đã “đợi” nhau từ trước ấy, mà những vần thơ cứ tuôn trào như thể “có ai đó đọc cho để ghi lại”:

“Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường”. Mùa Thu năm ấy, Hà Nội xanh ngắt một màu xanh, xanh đẹp lắm!

Trong cái cảm xúc ấy của khung cảnh, nhà thơ đem đến cho người nghe cái rưng rưng của tình người, tình mẹ con sau bao năm kháng chiến. Cảm xúc chiến thắng của những đoàn quân trùng điệp tiến về giải phóng Thủ đô, nhường lại cho nỗi xúc động đi sâu vào lòng: “Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng nước mắt. Xốn xang mẹ thầm gọi các con. Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ. Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn”.

Sự đối lập giữa hạnh phúc và gian lao, giữa hào hùng và bi thương, giữa hiện tại và quá khứ càng làm cho ta thấm thía hơn ngày vui đang có.

“Cảm xúc tháng Mười” đã trở thành ca khúc bất hủ không thể quên về ngày giải phóng Thủ đô, là niềm rưng rưng xúc động giữa cờ hoa của người dân Hà thành trong cái náo nức, hồ hởi của nhịp điệu đoàn quân “Tiến về Hà Nội” năm ấy.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Thàng 10, Hà Nội: "Không thể nói trời không trong hơn"" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn