Thị xã Quảng Trị ( Hồi ký chiến tranh)

Lương Hòa

08/04/2022 04:35

Theo dõi trên

Sau ngày 01/5/72 Quảng Trị hoàn toàn được giải phóng. Đại đội 14, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 của tôi nhận nhiệm vụ mới : Giữ gìn và bảo vệ thành quả đã giành được.

Tôi đã đi qua bao vùng quê êm ả: Như Ngã Tư Sòng lúa vẫn chín vàng rực trời ngoài đồng ruộng. Như La Vang Thánh đường chuông vẫn ngân nga. Như Triệu Phong bờ tre vẫn rợp bóng đường làng. Như Hải lăng bãi cát mịn màng vẫn trắng tinh khôi... Mỗi nơi, mỗi vẻ đẹp khác nhau, nhưng cùng chung một vẻ đẹp : Khoảng trời bình yên không tiếng súng. Ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là Thị Xã Quảng Trị.

quang-tri-1649345391.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

LÊNH GIẢI LAO 15 PHÚT

Ba lô vừa hạ xuống đất, anh đằng sau đấm lưng cho anh đằng trước. Sau đó xoay lưng lại, anh đằng trước đấm lưng cho anh đằng sau. Xong công đoạn quen thuộc ấy, tôi tranh thủ nằm thẳng cẳng xuống đường, gối đầu trên chiếc Ba Lô, nhìn bầu trời đầy sao cao lồng lộng... Bỗng cơn gió mang hơi nước từ đâu thổi lại, dòng sông nào đó kia rồi, sóng đang rì rào lấp loáng, mặt nước như đang trải bạc dưới trời sao... Ôi! đẹp quá! Thơ mộng quá!

Thế rồi lại một truyền tin từ phía trên truyền xuống; " Đi thôi " nghe câu: " Đi thôi  " quen thuộc mà giờ đây nghe sao thấy buồn. Nó làm tôi cụt hứng bỏ dở phút giây đang say sưa cảnh trí...

Tạm biệt dòng sông Thạch Hãn! Đi chưa đầy trăm mét thì rẽ trái, một bức tường thành nguy nga cổ kính ngay trước mặt : " Ồ! cái gì mà trông giống lâu đài như trong phim ảnh thế này? Ồ! Phố phường nào đây mà giống như Thành Phố thế này? ''.

Dưới ánh pháo sáng của máy bay Mỹ lơ lửng trên bầu trời, cũng đủ cho tôi nhận điện dễ dàng, qua các hàng chữ, trên các bảng hiệu, của các cửa hàng, trên các dãy phố : Thị Xã Quảng Trị. Lần đầu tiên mắt tôi nhìn thấy một đô thị của chế độ Tư Bản, sầm uất lắm, không giống như các thị thành kiểu công thương ngoài miền Bắc : Chỗ này Bách Hóa Tổng Hợp, chỗ kia Mậu Dịch Quốc Doanh, chốc chốc lại thấy mấy cái cửa hàng H.T.X. lèo phèo mua bán. Nhà mặt phố mà cửa đóng, then cài suốt ngày im thin thít. Mấy anh bạn tôi người Hà Nội mà còn ngô ngố, khốn chi bọn lính chúng tôi đa phần người nhà quê. Đúng là chúng tôi người nhà quê ra tỉnh, nhìn thấy cái gì cũng là lạ. Thấy cái Ăng ten ti vi trên nóc nhà người dân mà cũng ngỡ người ta là gia đình mật thám ác ôn. Thấy mấy  chiếc xe đạp người dân gục bỏ ven đường mà cứ nuối tiếc giá như...                                                                                            

Bất ngờ chiếc máy bay A 37 bổ nhào ném bom cây xăng phía trước, lửa loang sáng rực cả một góc trời, chúng tôi vội vàng chạy táp hết vào nhà dân hai bên dãy phố.                                                             Máy bay vừa bay đi, chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Lần này lại thêm những tiếng trầm trồ khen lấy, khen để... Cái Lavabo treo tường sao mà đẹp thế? Cái bồn cầu sao mà đẹp ghê?

Tội nghiệp người lính Bắc Việt chúng tôi, trông bộ anh nào cũng đẹp trai sáng sủa, nhưng vì miền Bắc nghèo nàn nên mới sinh ra chúng tôi lạc hậu.

Tiểu đội tôi chốt giữ tại nhà ông Tỉnh Trưởng. Căn hầm có sẵn, sạch sẽ, thoáng đãng, khang trang. Tôi nằm đó nhưng vẫn ko sao ngủ nổi. Hình ảnh chiều hôm người chết rải rác suốt dọc đường hành quân về Thị Xã lại hiện lên... Nhớ thương chị phụ nữ trung niên nằm xấp sóng soài trên Quốc lộ, chiếc đòn gánh, gánh quần áo xoong nồi vẫn đè nguyên trên thân vai gầy của chị, một em nhỏ vẫn ôm chặt lấy sau mông của mẹ! Thương quá! Em nhỏ ơi! Em chết vì mảnh bom, mảnh đạn? hay em chết vì đói, vì khát? Mẹ nằm đó không có ai đến cứu vớt em sao? Thật, tôi ko thể nào cầm được nước mắt. Tôi ko thể nào can đảm dám nhìn thẳng biết bao nhiêu xác chết đồng bào... Những cụ già, những em nhỏ, những chị phụ nữ thường dân vô tội... Tôi tự hỏi mình giải phóng cái gì đâu? Ôi! Chiến tranh! Chiến tranh! Ôi! Chiến tranh!

Trời bắt đầu sáng, tôi tranh thủ đánh răng, rửa mặt thật nhanh, ăn chiếc bánh Lương Khô thật nhanh. Tôi vơ luôn chiếc xe đạp cọc cạnh gục bỏ ven đường, cắm đầu, cắm cổ trốn đơn vị vô thẳng một mạch vào giữa lòng Thành Phố. Cứ tự nhiên như của nhà mình, tha hồ lục lọi bởi có người dân nào ở lại Thi Xã nữa đâu? Bỏ đi cũng phí của cho bom đạn Mỹ thiêu hủy nay mai.                                                                              

Chẳng biết thế nào rồi tôi lại bị lạc đường, quanh quẩn mãi trong Thành Phố không biết hỏi thăm ai. Xa xa một bóng người vừa băng qua đường, chẳng biết là thường dân hay lại anh lính Cộng Hòa thì chết ngắc. Nhưng kệ, tôi cứ bám theo rồi xử lý sau... May quá, một nữ du kích khoác súng A.R.15. Thế là tôi thở phào nhẹ nhõm biết lối về nhà ông Tỉnh Trưởng.

Tới nhà, tôi vội vàng đổ ra một bao chiến lợi phẩm : Thịt hộp, thuốc lá, xà bông, kem đánh răng... Vậy là Tiểu Đội tôi ai cũng ngạc nhiên tròn xoe con mắt, còn ai lỡ nào tố cáo cấp trên là tôi vô kỷ luật? Thế rồi cả Tiểu Đội bắt chiếc tôi, rủ nhau lục lọi quanh quẩn nhà ông Tỉnh Trưởng. Bao nhiêu dầu ăn, mắm muối, gạo, bắp... Còn thừa trong các bếp nhà dân lấy tuốt, chẳng có ai nhìn thấy đâu mà xấu hổ.

Ngày hôm sau nữa, thấy anh Tiểu Đội Trưởng Nguyễn Quang Sủng mặc bộ đồ đàn bà: Bộ ngực anh cũng căng căng, tròn trĩnh quyến rũ vô cùng... Cái mông anh cũng gân gân nổi cộm hấp dẫn vô cùng... Mọi người thích thú cười híp cá mắt. Thế là tụi tôi lại đua nhau đi lùng sục... Cả Tiểu Đội tôi hơn 12 người đàn ông bỗng hóa thành một đội quân tóc dài, coi bộ cũng lung linh... lung linh đáo để.

Trưa nay 19/5 ngày sinh nhật Bác, chúng tôi ngồi quây quần chung quanh xoong cơm nóng hổi dưới bóng cây Sứ cổ đại trong vườn, bất ngờ anh Sủng đọc " Lệnh ":

- Các cậu nhắm hết mắt lại, một, hai, ba, ua.

Một cặp lồng thịt gà được đổ ra đầy ắp đĩa quân dụng, bọn tôi tròn xoe con mắt :

 - Anh kiếm đâu ra thế? Anh Sủng đưa ngón tay trỏ lên môi " suỵt " một tiếng gọn gàng :

- Bí mật, bí mật. Thì ra chiều qua anh lên xê bộ hội ý, anh phát hiện mấy con gà bị trói chân dấu trong góc bếp, tối qua anh mò vào ăn trộm thì vớ luôn xoong gà kho sẵn, anh liền múc luôn một nửa, đúng là kẻ cắp hớt tay trên kẻ trộm.

Thị xã không một bóng người, chỉ thấy đàn bò vô chủ nghênh ngang qua lại trên đường phố. Chúng vẫn ngoe nguẩy cái đui dài thòng lõng, vô tư gặm đám cỏ non ngon lành, mặc cho chiến sự sẩy ra chung quanh chúng không cần biết. Thì thoảng con nào trúng đạn, trúng bom bị chết, bị thương mới được phép giết thịt. Heo và chó thì nhiều vô kể, nhưng ko ai dám giết thịt vì thấy chúng đói beo, da bọc xương phát khiếp. Nghe đâu chúng ăn cả xác người chết. Gà, vịt, ngan, ngỗng lang thang thi thoảng chúng tôi vẫn bắt gặp, mặc dù chủ nó đã bỏ chạy di tản mãi đẩu đâu Huế hay Đà Nẵng. Nhưng chết lỗi 12 điều kỷ luật Q.Đ và 10 lời thề danh dự thì anh nào cũng thuộc lòng trôi chẩy.

Những ngày ở Thị Xã Quảng Trị thật trúng tim tôi. Tôi thao hồ đọc sách, đọc báo, tôi đọc cả ngày ko biết mệt. Nào là Tiểu Thuyết, nào là Truyện Ngắn, nào là sách Giáo Khoa... Cũng từ đây tôi có cái nhìn khách quan về chánh trị, không như những gì mà ngày xưa tôi từng nghĩ...

Sáng nay anh Sủng vác ở đâu về một ôm súng Mỹ, anh đưa mỗi đứa 1 khẩu. Tôi lượm luôn khẩu súng Cacbin. Anh còn dặn tụi tôi khi nào đơn vị hành quân đi nơi khác thì các cậu nhớ vứt hết đi, kẻo đại đội nhìn thấy lại tiếc của trời rồi bắt đem vào biên chế. Vác pháo, vác đạn đã è cổ, đã ê ẩm hai cái vai cả rồi.

Từ hôm có súng, cứ mỗi lần máy bay Mỹ lượn qua bầu trời là chúng tôi thi nhau sả đạn. Súng Cacbin cũng ví như tên lửa chĩa lên trời ngắm bắn B.52. Anh Nguyễn Quang Sủng, Tiểu Đội Trưởng của chúng tôi người Hà Nội thật khéo vẽ trò, vui quên gian khổ.

Trưa nay tiểu đội tôi đang ngồi tán ngẫu chuyện trên trời, dưới đất thì bất ngờ có hai em bé gái chừng 16 tuổi trăng tròn. Hai em cùng đồng phục bộ đồ áo hoa chấm trắng lạ mắt rất xinh đẹp. Hai em đang dìu bà cụ già tay cầm nải chuối chín vàng ươm lại gần chúng tôi. Không ai bảo ai chúng tôi đều đứng phắt dậy :

- Con chào Mẹ ạ! Chào hai em gai!

Bà cụ đưa nải chuối chậm chạp từng lời :

- Tui chẳng có chi, biếu mấy ông nải chuối ni thui.

Anh Sủng vội vàng đỡ tay cụ :

- Chúng con cám ơn mẹ nhé! Nhưng chúng con thanh niên sức dài, vai rộng khỏe mạnh như voi, mẹ già yếu hơn, để đấy mà ăn cho bồi bổ sức khỏe.

Nhưng anh Sủng có nói đến thế nào đi chăng nữa, thì bà cụ vẫn cứ cương quyết không chịu lấy lại. Anh Sủng đành bẻ lấy một trái cho cụ vui lòng, rồi anh cũng bẻ đôi cho tôi một nửa ăn liền. Sau đó anh đưa lại cho hai em gái :

- Anh nhờ hai em cầm giúp bà nhé!

Một em nhanh nhẹn nói :

- Bà ơi! Các chú Giải Phóng Quân có nhiều bánh in ngon lắm.

Bọn tôi cười xòa, nhìn bà cụ già và hai em bé gái hiếm hoi còn sót lại trong Thị Xã!

Anh Sủng liền móc trong túi cóc ra một bánh lương khô 701 chia cho cụ và hai em bé gái. Tự nhiên chúng tôi cũng tự giác lấy hết khẩu phần hành quân cho cụ và hai em bé gái, chẳng cần biết ngày mai anh nuôi còn gạo nấu cơm cho ăn, hay là Tiểu Đội tôi cùng nhịn đói cũng vui lòng.

Bà cụ và hai em bé gái đi rồi, chúng tôi như còn luyến tiếc... Quên sao không hỏi tên cụ và hai em bé gái? Biết đâu sau này mình lại gặp nhau? Biết đâu sau này lại là O du kích? Người đồng chí chung một chiến hào?

Thấy mặt mũi anh nào, anh nấy cứ buồn thiu... Chắc mọi người cũng đang trong tâm trạng giống y tôi : " Ui! Sao mà tự nhiên nhớ nhà! Nhớ quê hương da diết...!".

ĐOAN KẾT

Rồi một chiều trời vừa xẩm tối, đơn vị bất ngờ có lệch hành quân dy chuyển. Tôi vội vàng lượm mấy cuốn Tiểu Thuyết, mấy Abum hình Phụ Nữ bán thân có đôi mắt nhấp nháy, mấy phong bì thư có bông hoa hồng nổi rất đẹp... Cất kín trong Ba Lô.

Tạm biệt nhà ông Tỉnh Trưởng! Tạm biệt Thị Xã Quảng Trị! Tạm biệt nơi bao nhiều kỷ niệm thật không thể nào quên...

Đoàn quân nhấp nhô, trùng trùng, điệp điệp nối đuôi nhau đi theo trục đường Quốc lộ số 01 nhằm phương Nam thẳng tiến.

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Thị xã Quảng Trị ( Hồi ký chiến tranh)" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn