Tiếng thơm để đời

 Trương Thành Sơn

10/07/2022 16:44

Theo dõi trên

Sáng ra tôi đã có điện thoại của Bảng.

tieng-thom-de-doi-1657445462.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

 

- Anh Sáng “đi” đêm qua rồi mày ạ, nhồi máu cơ tim.

- Ôi thế à? Đột ngột thế?

Anh Sáng không chỉ là một thợ có đôi bàn tay vàng, anh còn là cây guitare ngọt, một cầu thủ chuyền hai nổi tiếng của đội bóng chuyền phân xưởng gia công cắt gọt kim loại. Nhưng trên hết, anh là một người có nhân cách đáng nể.

Nếu nói về nhân cách, tôi phục anh Sáng thực sự. Những người sống gần anh cũng đều có ý nghĩ như vậy, quý trọng anh thật lòng.

Ra xã hội ít người biết anh, đa số không khinh thường thì cũng không trọng, bởi cả đời anh ăn mặc giản dị với bộ bảo hộ lao động của thợ tiện, nói năng nhẹ nhàng luôn thưa gửi tử tế, khiêm nhường, không giành giật, đố kỵ, huênh hoang bao giờ.

Một người bán vé sổ số đến mời, anh cũng thưa gửi tử tế:

- Thưa chị, tôi không mua đâu ạ.

Một cháu bé đánh giầy mời, anh bảo:

- Cháu ơi, chú không nhiều tiền, chú tự đánh giầy rồi.

Nhưng được mời thêm một câu thì anh đồng ý, trả tiền đưa bằng hai tay, trân trọng, rồi cảm ơn.

Thời còn đi làm, anh có nhiều lần nhận lỗi của người khác.

Ví dụ một lần như vậy: Đó là khi do một sơ xuất của cậu sinh viên thực tập, cái máy cái bị hỏng, anh nhận toàn bộ trách nhiệm, phải đền mất cả tháng lương vốn phải nuôi cả gia đình và đương nhiên anh bị kỷ luật rất nặng.

Nhiều người biết chân tướng sự việc nên phản đối, anh bảo:

- Tôi biết mình cần làm gì, nếu thẳng mực tàu thì bố mẹ cháu sinh viên không chỉ đền, mà tương lai của một người trẻ cũng bị chôn vùi. Tôi thì chỉ bị phạt sơ sơ.

Giá phải trả cho hành động ấy là một tháng trời anh Sáng chỉ ăn một củ khoai mang theo từ sáng, thay vì một bữa ăn trưa ở can-tin.

Sau gần 40 năm làm thợ, anh Sáng đã nghỉ hưu, sống thanh đạm. Lấy vợ muộn nên đến ba mấy tuổi anh mới có con. Đứa con trai duy nhất tốt nghiệp đại học, lại xin học thêm cao học, có bằng thạc sĩ rồi mà vẫn chưa có việc làm, anh bảo cháu:

- Tự con nỗ lực lên, bố mẹ không giúp được gì đâu.

Hôm vừa rồi đi phỏng vấn về, nó tưng tưng thông báo:

- Con có việc làm rồi, chú phỏng vấn biết bố.

- Ai vậy?

- Lúc con phỏng vấn xong, khi con ra ngoài thì chú ấy đến gặp bảo “xem hồ sơ của cháu chú nhận ra ngay, 25 năm trước bố cháu đã cứu chú khỏi bị đuổi học, thời chú còn là sinh viên ngờ nghệch”.

- À… cậu Pha.

Đó chính là người sinh viên làm hỏng máy dẫn đến việc anh nhận thay nên bị phạt nặng, bị bắt đền nên phải ăn khoai trừ bữa.

Hôm cùng đi đám cưới, anh khoe:

- Tớ toàn gặp may, ngay cả tìm việc cho con cũng không phải chi đồng nào như người ta.

- Em lại không nghĩ anh gặp may, anh luôn ăn ở nhân đức, nên “ở hiền gặp lành” như một triết lý nhân quả.

Câu chuyện này như một nén hương dâng lên anh, tôi viết ra điều này trong hàng nghìn câu chuyện thật khác về anh Sáng.

Tuổi 72, anh Sáng đã về với tổ tiên, nhưng nhân cách anh mãi là tấm gương sáng.

Ngẫm:

Đua tranh, ganh ghét mà làm gì, cứ như anh Sáng, giống bông hoa dại khiêm nhường, mà ai cũng quý, ai cũng nể.

Bao người giành giật để có giàu, cao sang, để được tiếng tăm, nhưng không chỉ không có được mà thân bại danh liệt, thậm chí tù tội.

Mấy ai như anh Sáng, đã chết mà tiếng thơm mãi để lại đời.

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Tiếng thơm để đời" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn