Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 11

PGS TS Cao Văn Liên

15/08/2023 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 11

V.

Tháng giêng năm 1431 âm lịch, thời gian đã bắt đầu sang xuân của năm mới nhưng tiết trời còn như mùa đông. Đường từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn, Cao Bằng chỉ có một con đường nhỏ chạy uốn lượn quanh sườn đồi núi. Dọc đường đi, núi non trùng điệp, cao thấp vòng vèo. Cây rừng cao thấp mênh mông bát ngát. Khắp núi rừng những làn sương phủ trắng xóa cùng những làn mây bay lơ lững trên bầu trời xanh ngắt. Chung quanh sườn đồi gần con đường thiên lý, những mái nhà sàn của người dân tộc Tày, Nùng nằm rải rác chen lẫn với đồi lúa nương và sắn. Vài đàn trâu kiếm ăn đi lang thang mõ khua lốc cốc. Những làn nắng vương tơ lọt qua những lá cây rừng làm không gian bừng sáng. Đây đó vài con suối uốn lượn quanh co. Vài ruộng lúa nước ven bờ suối đang thì con gái xanh mơn mởn bên bờ suối vắng. Không gian thật là tĩnh lặng âm u.

Nhưng không gian yên tĩnh của rừng núi sáng nay bị rung động bởi bước chân của 5 vạn người ngựa quân nhà Hậu Lê đang hành quân tiến lên Cao Bằng dẹp loạn. Cờ vàng bay phấp phới, bước chân người ngựa khua vang. Đoàn quân đi theo con đường  nhỏ hẹp nên dòng người trải dài uốn vòng vèo theo ven đồi tưởng như vô tận. Đi tiên phong là trướng Trịnh Khả và vài người trong bộ tướng, theo sau là 1 vạn quân. Đi trung quân là vua Lê Thái Tổ, tướng Lê Thụ và các bộ tướng. Lê Lợi ngồi trên xe màu lụa vàng do hai ngựa kéo, trên xe ngựa có lọng vàng, có lá cờ màu vàng đề chữ soái lớn màu đỏ bay phần phật trước gió. Lê Lợi ngồi trong xe tổng chỉ huy cuộc viễn chinh. Theo sau là 3 vạn quân đi trung quân, một vạn quân đi hậu quân do tướng Nguyễn Xí chỉ huy và bộ tướng. Các tướng mặc võ phụ màu xanh, áo giáp, mũ đâu mâu đồng vàng chóe, gươm dao đeo lủng liểng bên hông, cưỡi trên những con tuấn mã màu đen màu nâu khỏe mạnh. Quân lính mặc quân phục màu nâu, đội nón sắt, chân đi giầy vải, vai mang nặng gươm giáo cung tên và lương thực, nước uống. Đoàn quân đi, cờ vang bay phấp phới rợp trời, bụi cuốn mù mịt như sắp có bão táp.

Quân Hậu Lê hành quân hai ngày một đêm, sáng hôm sau nữa thì đến Cao Bằng, cách thành Na lữ 10 dặm. Từ đỉnh núi Thạch Lâm, Lê Lợi quan sát thấy núi non trùng điệp nhưng vẫn nhìn thấy dòng sông Bằng Giang nước từ trên cao dội xuống trắng xóa cuồn cuộn chảy về xuôi. Vua Lê Thái Tổ cho toàn quân nghỉ và ăn trưa. Thức ăn là bánh đa, bánh chưng, gạo hấp chín, giò bò, giò lợn. Lê Thái Tổ rời kiệu vàng ra ngoài quan sát, phong cảnh Cao Bằng quả nhiên hùng vĩ đẹp tươi, mây trời bay trên cao cuồn cuộn. Nhà vua cảm thấy thư thái, khí lực tràn đầy. Ông thấy 10 năm cùng bách tính quân đội, các tướng lĩnh chiến đấu hy sinh gian khổ giành lại non sông gấm vóc này thực là xứng đáng. Lê Lợi cảm hứng làm một bài thơ chữ Hán và cho thợ đá khắc vào đá ở vách đá núi.

Bất từ vạn lý chỉnh sư đồ

Duy lực biên manh xích tử tô

Thiên địa bất dung gian đảng tại

Cổ kim thủy xá bạn thần chu

Trung lương tự khả lương đa phúc

Bạo bội chung nan bảo nhất khu

Đái lệ bất di thần tử tiết

Danh thùy vạn cổ dữ sơn câu.

Dịch nghĩa:

Đường xa chẳng quản ngại ra quân

Chỉ muốn biên cương cứu lấy dân

Trời đất chẳng dung phường phản tặc.

Xưa nay ai xá tội gian thần

Trung lương ắt tự giành nhiều phúc

Bạn nghịch đành khôn giữ chiếc thân

Sông cạn đá mòn không đổi tiết                                             

Danh cùng núi ấy vạn niên xuân.

  Thuận Thiên tứ niên tân hội chính nguyệt Thị thập nhất đà.

Quân Hậu Lê tiếp tục tiến về phía thành Na Lữ. Còn cách thành Na lữ 8 dặm, Lê Thụ nói với Lê Thái Tổ:

-Sắp qua một đoạn đường hẹp, cây cối hiểm trở, Hoàng thượng đề phòng có mai phục.                       Lê Lợi bước ra khỏi xe ngựa kéo, quan sát rồi nói:

-Tướng Lê Chích đâu.

-Dạ, có hạ thần.

-Khanh dẫn 5.000 quân thiết đột, đem theo kiệu có lọng vàng, cờ soái đi vào đoạn đường hiểm trở, nếu có mai phục thì nằm xuống tránh tên đạn, chờ quân ta tới vây chặt lại, trong đánh ra ngoài đánh vào chúng phải chết.

-Thần tuân chỉ.

5.000 lính thiết đột, một binh chủng đặc biệt tinh nhuệ, võ nghệ cao cường, mũ sắt, áo giáp sắt che kín người đi theo chiếc xe ngựa kéo có lọng vàng, bên trên là lá cờ màu vàng có chữ soái để đánh lừa quân phản loạn tưởng xe của Lê Lợi sẽ tấn công. Hai bên đường Bế Khắc Thuận và Nông Dã Thái đã cho 1 vạn quân mai phục. Trông thấy cờ chữ Soái, xe lọng vàng, Bế Khắc Thuận nói với Nông Dã Thái:

-Đây là xe và cờ soái của Lê Lợi, còn chờ gì nữa, cho quân bắn vào xe lọng vàng và xông xuống bao vây chém giết, Lê Lợi khắc phải chết.

Rồi ra lệnh:

-Bắn pháo hiệu lên trời! Bắn tên cung nỏ xuống.

Thấy pháo hiệu biết là có mai phục, Nguyễn Chích hô to:

-Nằm xuống.

Quân thiết đột vừa nằm xuống thì những trận tên như mưa bắn xuống, Hai con ngựa kéo xe bị trúng tên đau đớn hí vang lồng lên lật đổ cả xe. Quân lính Bế Khắc Thiện từ hai sườn đồi hò reo lao xuống chém giết. Khi tới gần, một vạn quân thiết đột bất ngờ vùng dậy bằng những kỹ thuật chiến đấu điêu luyện chém chết lính của Bế Khắc Thiện như chuối. Phía sau hậu quân Việt ào lên vây bọc quân nổi loạn vào giữa mà giết, máu chảy như suối, thây đổ chất chồng. Bế Khắc Thiện trong cơn loạn binh bị một đại đao lia vảo cổ, đầu cùng thây đổ vật xuống đất. Nông Dã Thái dẫn tàn quân vài chục người còn lại chạy về thành Na Lữ (Hà An) đóng cửa thành cố thủ. Quân Việt đông như kiến cỏ bao vây thành.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 11" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn