Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 10

PGS TS Cao Văn Liên

14/08/2023 06:10

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tiểu thuyết lịch sử “Việt Nam diễn nghĩa - Tập IV B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2023.

Kỳ 10

Vậy mà nay bọn gian thần không bằng chứng dám vu cáo ông tội làm phản, tội đứng đầu bảng trong tội hình sự, tội “Thập ác”. Tội này theo quy định, dù là bậc bát nghị, vương công quý tộc vẫn bị tử hình. Một câu hỏi mà Phạm Văn Xảo không trả lời được là dựa vào thế lực nào mà năm tên gian thần dám ngang nhiên vu cáo hãm hại đại công thần, không kiêng sợ gì cả. Chính Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn cũng đã bị bọn gian thần vu oan, ôm hận mà chết tức tưởi ở dòng Thao Giang. Sau vụ này đáng lý Lê Thái Tổ phải trừng trị chúng tội vu cáo đại thần. Dù Lê Lợi có thừa nhận Trần Nguyên Hãn bị oan nhưng vẫn để chúng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật để chúng tiếp tục vu cáo đại thần. Vì sao vậy? Trần Nguyên Hãn và ông không thù oán gì bọn chúng, vì sao chúng vu cao Trần Nguyên Hãn xong thì bây giờ đến lượt ông. Không biết ông và Trần Nguyên Hãn có gì giống nhau cản trở bọn chúng, hay chủ nhân bọn chúng. Qua suy nghĩ lao lung, Phạm Văn Xảo chợt kêu lên: Thôi chết rồi ta với Trần Nguyên Hãn cùng phò Quốc vương Lê Tư Tề và có ý đưa Lê Tư Tề lên ngôi thái tử, kế vị ngai vàng. Một số đại thần khác thì phò tá hoàng tử thứ hai là Lê Nguyên Long. Việc kế vị của một triều đại không chỉ dính dáng đến các đại thần mà còn quan hệ đến bọn hoạn quan, bọn gian thần, đến hậu cung. Ở đây quả nhiên thế lực của Hoàng tử Lê Nguyên Long rất mạnh. Chúng đã triệt hạ được hai đại thần phò tá Lê Tư Tề là ông và Trần Nguyên Hãn. Phải chăng ở đây có sự dung túng của Lê Lợi. Có lẽ Lê Lợi đã ngả về hướng đưa Lê Nguyên Long làm thái tử kế vị, nếu vậy thì Quốc Vương Lê Tư Tề nguy rồi. Cuộc đấu tranh của hai phe dù có gay gắt thế nào nhưng cuối cùng, ai làm thái tử và nối ngôi vẫn do Lê Thái Tổ quyết định, nhưng việc triệt hạ vây cánh của Lê Tư Tề không phải là không có tác dụng. Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị vu oan là tội phản quốc thì Lê Tư Tề vẫn bị ảnh hưởng và yếu thế, Lê Thái Tổ sẽ nghi ngờ Lê Tư Tề chịu ảnh hưởng của Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo. Chỉ có lấy cái chết để minh oan cho mình, bảo vệ danh tiếng của một khai quốc công thần, của những tráng sĩ Lam Sơn không bao giờ sợ chết, hơn nữa còn bào vệ được Lê Tư Tề. Có lẽ vì thế mà Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn đã quyên sinh ở sông Thao. Ta, Phạm Văn Xảo, khai quốc công thần nhà Hậu Lê, Tước Huyện thượng hầu, chức Thái bảo, danh tiếng lừng lẫy trong thiên hạ, sao lại không bằng Trần Nguyên Hãn ư, ta sẽ sống anh hùng, chết cũng sẽ kiên trung. Rồi Phạm Văn Xảo lấy ra viên thuốc độc dự phòng luôn mang bên mình, đưa vào miệng nhai và nuốt. Bầu trời bỗng nhiên sấm chớp vang dội, mưa to gió lớn suốt đêm hôm đó. Trời cũng đau xót nhỏ lệ thương xót một anh hùng, một trung thần lại ra đi giữa thời bình đầy sóng gió của chính trị cung đình.

(Còn nữa)

CVL

             

Bạn đang đọc bài viết "Việt Nam diễn nghĩa - Tập 4B: Bí sử Nhà Lê Sơ (1428-1527) - Kỳ 10" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn