Bà nội của vợ

Đình Vinh Dương

07/06/2022 07:13

Theo dõi trên

Bà là nông dân, sinh trường ở một vùng quê thuần nông, nơi có ngôi đình to đẹp bề thế nổi tiếng: Đình làng Bạch Trữ. Bà mang một cái tên cũng thuần tuý của một phụ nữ nông dân: Nguyễn Thị Lụa.

dinh-lang-1654560776.jpg
 

   

     Cả đời bà chưa ra khỏi làng. Cả đời bà chưa được đến trường. Cả cuộc đời hơn một trăm năm của bà chưa một lần ốm và chưa biết đến một viên thuốc bệnh. Bà cần cù chăm chỉ, yêu con thương cháu. Và bà người trọn đạo hiếu nghĩa đúng với phẩm chất của một phụ nữ nông dân Việt Nam.

     Kỉ niệm về bà nhiều lắm. Nhưng có một chuyện chúng tôi nhớ mãi không quên. Chuyện này liên quan đến việc bà nặng tai nghễnh ngãng.

    Ông nội là con trưởng. Ông mất, bà thay ông giỗ chạp và thờ cúng tổ tiên. Bố mẹ vợ tôi ở trên thành phố nên bà ở một mình dưới quê. Thương bà vất vả một mình, bố vợ muốn chuyển ban thờ tổ tiên lên thành phố và đón bà lên cùng nhưng bà nhất định không chịu. Bà nói bà sinh ra ở đây, cha ông cụ kị cũng ở đây nên bà phải ở để khói hương thờ phụng và chăm lo âm phần. Tình trạng một chốn đôi nơi vất vả kéo dài. Bố tôi vẫn tìm mọi cách để thuyết phục bà.

   Tết năm ấy vợ chồng tôi mới cưới, ngày mùng hai cả nhà tổ chức về quê chúc tết bà. Bố tôi nói:

   - Hôm nay năm mới, bố sẽ giải quyết bằng xong việc đón bà lên. Có gì các con nói thêm vào nhé.

      Sau màn chúc mừng năm mới và mừng tuổi, bố tôi bắt đầu vào đề. Ban đầu là nhẹ nhàng thủ thỉ phân tích .Bố rành rọt chỉ ra những điều hợp lí thuận lợi cho bà, thuận tiện cho các con cháu khi bà về thành phố. Rồi thì tình cảm mẹ con bà cháu gắn bó hơn, và trên phố đông vui hơn ở quê... Bà ngồi im phăng phắc, nét mặt không thay đổi.

      Bố bắt đầu cao giọng, tay vung lên biểu đạt theo câu chữ. Lại là phân tích những khó khăn phiền phức khi một chốn đôi nơi. Nào là lo cho bà một mình cô quạnh, nào là chúng con ngày một già yếu, các cháu trăm công nghìn việc không thề ngày nào cũng về chăm lo bà được.v.v. và nhiều lí lẽ hợp tình hợp lí khác.

     Bà vẫn ngồi im, nét mặt không hề thay đổi.

     Đến lúc này bố mất hết kiên nhẫn, giọng gần như hét lên, tay vung lên chém mạnh vào không khí:

    - Con đã nói hết nước hết cái rồi bà có nghe không?

    Bà vẫn ngồi im, nét mặt như cũ.

   Bố than to:

   - Trời ơi, bà còn định làm khổ con khổ cháu đến bao giờ?

 Quá mệt vì nói nhiều, lại không đạt được mục đích, bố ngồi thừ chán nản.

 Bấy giờ bà mới quay sang vợ chồng tôi, vui vẻ nói:

   - Hôm nay năm mới, cháu gái cháu rể về chúc Tết mừng tuổi bà, bà vui lắm. Còn bố mày nãy giờ thế này, thế này, thế này (mỗi câu "thế này" bà lại bắt chước các động tác vung tay của bố), bà chả hiểu gì cả.

    Ôi trời, chúng tôi phải cố kìm nén để không cười phá nên. Nhìn sang bố lúc đó, kể cả đứa trẻ, cũng hiểu được thế nào là ê chề thất vọng.

   Bà vẫn ở lại quê. Năm 2015 bà mất, thọ 104 tuổi.

 

 

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Bà nội của vợ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn