Bếp lửa ngày xuân

Phạm Thúy Hậu

04/02/2022 15:58

Theo dõi trên

Cái rét  đậm, rét hại lại rơi đúng dịp tết nguyên đán. Hết mưa phùn rồi đến mưa rào luân phiên đổi chỗ cho nhau. Chính trong cái lạnh giá ấy, ta lại cảm nhận được sự ấm áp bên bếp lửa nhà sàn bập bùng của đồng bào dân tộc tày, nùng miền núi Tây Bắc.

bep-lua-ngay-xuan2-1643964828.jpg
 

Chiều ba mươi tết, mọi  nhà đều trang hoàng cho ngôi nhà mình đẹp hơn. Cành đào hay cành mận, hai cây mía để hai bên bàn thờ hầu như nhà nào cũng có. Mọi người sửa soạn mâm cúng tổ tiên. Trên mâm có rượu, bánh chưng, xôi, thịt gà, thịt lợn, hoa quả...

Bàn thờ tổ đặt ở trên cao, thường ở gian chính giữa ngôi nhà.

Con cháu quỳ lạy, khấn vái với tấm lòng thành kính, biết ơn.

Cả gia đình quây quần bên bếp lửa, lời chúc tốt đẹp nhất của con cháu hiếu thảo dành cho ông bà cha mẹ. Nhiều gia đình có 4 thế hệ vẫn sống êm đềm, hạnh phúc. Người già nhất được gọi là chựa (cụ). Chựa là người được kính nể nhất, có uy nhất trong gia đình. Sự gắn bó, đoàn kết của tứ đại đồng đường luôn được duy trì.

Điệu Then, điệu Cọi, tiếng sáo cứ thế được ngân lên như lời thầm thì của đá núi linh thiêng, lời thầm thì của mùa xuân bên ánh lửa hồng. Chén rượu nồng làm từ men lá (bí quyết từ xa xưa)  được nâng lên mang theo cả sự ước nguyện.

Cái không khí đầm ấm của các bếp lửa nhà sàn vẫn ấm mãi từ bao đời. Đó là nét văn hoá rất riêng, rất đẹp của đồng bào dân tộc nơi đây... con cháu dù xa đến mấy lòng vẫn hướng về.

 

bep-lua-ngay-xuan3-1643964828.jpg
 

Tháng giêng, năm Nhâm Dần. - PTH

Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Bếp lửa ngày xuân" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn