Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm (ảnh trên) sinh ngày 7.2.1952, quê Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội; là con trai nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Giác.
Năm 1969, Hoàng Nhuận Cầm học trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; đến năm 1971 nhập ngũ vào binh chủng Phòng không –Không quân. Ông từng chiến đấu tại các mặt trận Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; đến năm 1976 giải ngũ về, tiếp tục học đại học. Năm 1981, ông về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam và từng là Phó giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam.
Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng văn học với các tập thơ: Thơ tuổi 20 (1974); Những câu thơ viết đợi mặt trời (1983); Xúc xắc mùa thu (1992); Thơ với tuổi thơ (2004); Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến (2007); 36 bài thơ tuyển chọn (2008). Ông đã viết một số kịch bản phim: Lầm lỗi; Đằng sau cánh cửa; Đêm hội Long Trì; Hà Nội- mùa đông năm 1946; Pháp trường trắng; Ai lên xứ hoa đào; Đoạn trường chiêm bao; Nhà tiên tri; Mùi cỏ cháy…
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm được trao giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 1972-1973; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1993 cho tâp thơ Xúc xắc mùa thu; Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2012. Suy nghĩ về nghề văn, nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng bộc bạch: “Mê thơ đến muốn chết và say điện ảnh đến phát mệt, cả hai tạo thành tình yêu cuộc sống, có lẽ đó là quá trình cống hiến văn học của tôi. Về sáng tác, tôi cố gắng không giống ai và không lặp lại mình, điều này được gửi gắm trong hai câu thơ cuối của bài thơ Sông Thương tóc dài: “Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/Anh một mình- náo động -một mình anh”.
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn nổi tiếng với nhân vật Bác sĩ Hoa súng trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và vai nhà thơ trong phim Số đỏ. Hoàng Nhuận Cầm là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội.
Vẫn như ngày nào, ông sôi nổi như chưa từng sôi nổi:
“Lửa đã đốt đi những điều anh chưa thành thật
Công sự khét mùi khói đạn mồ hôi
Thuốc súng phủ lên môi, giờ tấn công đã gọi
Anh ném nửa lá thư còn lại xuống chân đồi".
(Mùi cỏ cháy)
N.V.H
Trái tim người lính