Cần bảo tồn di sản công nghiệp Việt Nam

Trịnh Nguyễn

04/02/2024 14:38

Theo dõi trên

Gìn giữ các hiện vật và tư liệu lịch sử luôn là yêu cầu phải đặt ra tại nhiều quốc gia. Làm được việc đó, các thế hệ tương lai của đất nước sẽ hiểu được về sự hình thành và phát triển của rất nhiều lĩnh vực. Thế nhưng đó lại là thực trạng đáng buồn với không ít di sản công nghiệp ở Việt Nam.

dai-hoa-sen-1d-1707031073.jpg
 

Thực trạng đáng buồn

Nói đến ngành viễn thông Việt Nam, nhờ có Đài Mặt đất Vệ tinh Hoa Sen đặt tại tỉnh Hà Nam do Liên Xô viện trợ năm 1980, lần đầu tiên Việt Nam đã được kết nối viễn thông qua vệ tinh mặc dù dung lượng khi đó chỉ có 16 kênh thoại và 1 kênh truyền hình. Cũng nhờ có đài Hoa Sen, khán giả truyền hình Việt Nam đã được xem truyền hình trực tiếp Olympic Moscow và chứng kiến chuyến du hành vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân khi đó. Để ghi nhận cho tiến bộ khoa học này, có một nhạc sĩ đã sáng tác bài hát về Hoa Sen.

Ngày nay, công nghệ viễn thông tại Việt Nam đã hiện đại hơn rất nhiều so với khi khi đó. Và đương nhiên, đài Hoa Sen đã không còn được sử dụng từ lâu. Đã có người đặt vấn đề với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI) để tổ chức tham quan đài Hoa Sen nhằm hiểu được về công trình lịch sử này. Rất tiếc, một quan chức có trách nhiệm của VNPT cho biết là công trình này đã bị phá cách đây gần 10 năm để nhường chỗ cho những dự án mới (!). Và thế là những thế hệ hậu sinh của đất nước chỉ còn có thể biết về đài Hoa Sen qua những tư liệu bằng chữ và hình ảnh. (Thực chất, đài Hoa Sen đã được di dời - xem ở phần tham khảo).

Cũng phải nói đến những máy tính cỡ lớn ở thời kỳ 1980 trở về trước của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Thống kê, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam… thì nay cũng không còn vì về cơ bản đã được bán thanh lý khi công nghệ tính toán chuyển sang dùng máy vi tính nhỏ gọn hơn nhiều cùng năng lực xử lý cũng nhanh hơn. Được biết, việc bán máy tính cỡ lớn của các cơ quan này đã thu được những khoản tiền không nhỏ vì các đèn điện tử trong đó có thể phân kim để lấy vàng. Tuy nhiên, số tiền thu được từ việc này có lẽ quá nhỏ so với giá trị lịch sử của những máy tính cỡ lớn đó.

Thời kỳ những năm 1980 trở về trước, Đài Truyền hình Việt Nam phải sử dụng các máy telecine để chuyển hình ảnh từ phim nhựa thành tín hiệu truyền hình nhằm phục vụ nhu cầu phát sóng. Sau này khi công nghệ video hoàn toàn thay thế, được biết các máy telecine này đã bị thanh lý và may ra có thể có nhà sưu tầm đã mua lại với giá cao hơn nhiều so với bán đồng nát. Như thế lại thêm một câu chuyện thương tâm cho lịch sử truyền hình Việt Nam.

Có lẽ còn rất nhiều ví dụ khác khó có thể kể hết cho câu chuyện thương tâm của di sản công nghiệp Việt Nam. Liệu rằng ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử và thế hệ trẻ khi đã không có ý thức giữ gìn hiện vật lịch sử của mình?

Hãy giữ gìn các di sản công nghiệp cho thế hệ tương lai

Theo PGS TS Nguyễn Văn Huy – nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, những người đứng đầu từ các ngành, các lĩnh vực cho đến các đơn vị cùng với ngành văn hoá, bảo tàng phải có những sự hợp tác với nhau ngay từ đầu trong ý thức giữ gìn về truyền thống của ngành, lĩnh vực, đơn vị. Giữ gìn ở đây không chỉ là giáo dục mà phải quan tâm tích luỹ các tư liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử để làm phòng truyền thống, bảo tàng ngành. Những hiện vật đó rất quan trọng với thế hệ sau.

Không chỉ có niềm đam mê cùng ý thức lịch sử, TS Nguyễn Chí Công – một chuyên gia CNTT có uy tín - đã dành ra không gian không nhỏ tại nhà riêng của mình ở Hà Nội để thành lập Bảo tàng Công nghệ Thông tin. Và hiện tại, đây cũng là bảo tàng duy nhất về CNTT tại Việt Nam. Cá nhân ông đã lưu giữ, sưu tầm và kêu gọi đóng góp được rất nhiều hiện vật có giá trị của lịch sử CNTT Việt Nam. Thậm chí, ngay cả đến Tập đoàn FPT cũng có lúc phải mượn các hiện vật của ông để trưng bày trong những dịp kỷ niệm thành lập.

Thế nhưng những người như TS Nguyễn Chí Công nói chung cũng rất ít ỏi và có lẽ phải hết sức trân trọng. Và đến đây cũng phải đặt câu hỏi về trách nhiệm với lịch sử của biết bao cơ quan nhà nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau với của di sản công nghiệp của chính họ.

Thế hệ trẻ Việt Nam chắc chắn rất cần biết về lịch sử công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước mà trong đó không thể thiếu các di sản công nghiệp được lưu giữ lại một cách nghiêm túc. Nên chăng, Chính phủ cần có sự quan tâm nghiêm túc về việc cần phải giữ gìn các di sản công nghiệp trước khi quá muộn. Lịch sử chắc chắn sẽ lên án những người có trách nhiệm đã quyết định bán thanh lý những di sản công nghiệp đó với mục đích giải phóng diện tích làm việc và chỉ thu được những khoản tiền không đáng là bao.

dai-hoa-sen-1bieu-tuong-1707031072.jpg
 

Tham khảo trang Fb Đài Hoa Sen 1

"Biểu tượng của Đài Mặt đất Thông tin vệ tinh "Hoa Sen 1"

 Đây là biểu tượng của Đài Mặt đất Thông tin vệ tinh "Hoa Sen 1", được làm từ những năm 1980 khi khánh thành Đài Hoa Sen 1.

 Biểu tượng là hình Búp Sen với 2 cánh lớn ôm lấy nụ Sen 5 cánh tượng trưng cho 5 châu lục của địa cầu. Nhụy Sen bên trong là hình ảnh Trái đất tròn. Năm cánh nụ Sen ôm quả Địa cầu cũng là hình tượng sóng vệ tinh địa tĩnh của Hệ thống thông tin vệ tinh Intersputnik bao phủ khắp 5 châu, và Đài Hoa Sen là một thành viên trong đó.

 Đài Mặt đất Thông tin vệ tinh đầu tiên của Việt Nam là quà tặng của Nhân dân Liên Xô vào năm đầu tiên của Thập kỷ 80 - Một thời kỳ vô cùng khó khăn trong lịch sử xây dựng đất nước của Nhân dân Việt Nam: Thời kỳ kinh tế cực kỳ khó khăn, đất nước vẫn trong tình trạng chiến tranh chống lại cuộc xâm lược, quấy phá triền miên từ phía Bắc của bọn bành trướng; cuộc chiến tranh kéo dài ở biên giới Tây Nam với bè lũ tay sai Pol-Pot; Đất nước chịu sự cấm vận toàn diện, nặng nề của Phương Tây ... Đài Mặt đất Thông tin vệ tinh khi ấy là Cổng thông tin nối với phe Xã hội chủ nghĩa và ra quốc tế hiện đại nhất của Việt Nam. Đài đã được Nhà nước chọn tên "Hoa Sen" - Tên của Loài hoa tinh khiết và cao quý nhất ở Việt Nam, được Nhân dân Việt Nam vô cùng yêu quý, để tượng trưng cho tình hữu nghị và món quà quý của Nhân dân Liên bang Cộng hòa XHCN Xô Viết tặng Nhân dân Việt Nam thời kỳ đó.

 Biểu tượng Bông Sen và quả Địa cầu được làm bằng hợp kim Đuya ra, đặt trên bệ Inox có thể bảo tồn lâu dài.

 Sau 30 năm hoạt động, Đài Mặt đất Thông tin vệ tinh "Hoa Sen 1" đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, và tấm Biểu tượng này cùng một số di vật lịch sử của Đài đã được chuyển về Bảo tàng Ngành Bưu chính - Viễn thông Việt Nam lưu giữ, để mãi mãi các thế hệ sau này được nhớ về một thời kỳ lịch sử của Ngành Bưu điện Việt Nam nói riêng và của Dân tộc Việt Nam ta nói chung. "

dai-hoa-sen-1-1707031073.jpgẢnh đăng ngày 20 Tháng 12, 2017: Anten Parabol Đài Hoa Sen 1 sau hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp thông tin qua vệ tinh của ngành Viễn thông Việt Nam tại Đài Mặt đất Thông tin Vệ tinh đầu tiên của Việt Nam trên đất Liên Sơn - Kim Bảng - Hà Nam, hôm nay đã được "về hưu". "Cụ" đã được di chuyển về Khu Trung tâm kỹ thuật vệ tinh Quế Dương - Hà Nội - hạ độ cao, ngồi chắc chắn trên mặt đất để "an nghỉ tuổi già" và trở thành biểu tượng của một thời ký ức...
 
dai-hoa-sen-1-nhung-lanh-dao-cu-1707031073.jpgNhững lãnh đạo cũ của Đài Hoa Sen 1 cùng với Biểu tượng một thời ...đã được di chuyển về Trung tâm kỹ thuật vệ tinh Quế Dương
 
dai-hoa-sen-1e-1707031073.jpgẢnh đăng ngày 28 Tháng 11, 2016: Khảo sát di chuyển Anten Prabol 12m Đài HS1 về Khu Kỹ thuật vệ tinh Quế Dương để bảo tồn làm di tích lịch sử cho một thời kỳ lịch sử không quên...

dai-hoa-sen-1a-1707031072.jpgĐài HS1 được xây dựng năm 1980 ở xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng của Hà Nam 

Hoàng hôn Hoa Sen - 2013

Tôi trở về Hoa Sen buổi hoàng hôn, ngắm chiếc anten cô đơn trong ánh chiều buồn bã, khiến cho bao kỷ niệm lại ùa về!

30 năm trước, đây là niềm kiêu hãnh của biết bao người Việt khi ngắm cái anten này sừng sững hướng vào vũ trụ, như một con đường rút ngắn cả vạn lần khoảng cách giữa VN và thế giới... Bên trong đó hàng trăm "Sư" trụ, gian khổ và thầm lặng "cho con người xích lại gần nhau"...

30 năm đã trôi qua, chiếc anten vẫn đứng trong những chiều hoàng hôn lặng lẽ. Có ai buồn với nỗi cô đơn ấy nữa không?..

 

dai-hoa-sen-1b-1707031072.jpg

 Lắp đặt khi di chuyển Đại Hoa sen 1 về nơi lưu giữ

dai-hoa-sen-1c-1707031073.jpg

Ảnh đăng ngày 27.7.2020: Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đài Mặt đất thông tin vệ tinh đầu tiên của Việt Nam  mang tên Hoa Sen, anh chị em đồng nghiệp các thế hệ đã công tác ở Đài và một số con cháu đã sinh ra hoặc lớn lên ở Đài đã hưởng ứng sáng kiến về hội tụ tại thôn Do Lễ - Nơi đặt văn phòng của Đài 40 năm trước - để cùng nhau hồi tưởng lại một thời gian khổ mà nhiều thương nhớ... Cuộc hội tụ đã diễn ra trong tình cảm nồng ấm của những thế hệ từ ngày đầu thành lập Đài đến những ngày cuối cùng di chuyển biểu tượng của Đài về bảo tàng ...

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Cần bảo tồn di sản công nghiệp Việt Nam" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn