"Đa tài và Đa tình" - Chuyện làng văn nghệ

Lê Xuân (Nhà PBVH – hội viên Hội Nhà văn VN)

14/12/2021 11:00

Theo dõi trên
chuytratim1-1639454251.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp

Nhà thơ, nhà báo Đặng Vương Hưng lúc còn làm Phó Tổng biên tập báo “Công an nhân dân”, “An ninh thế giới” và “Văn nghệ Công an” đã xuất bản 12 tập thơ, truyện, ký, báo chọn lọc… Năm 2005 anh cho ra mắt độc giả tác phẩm thứ 13 - “Đa tài và đa tình” (NXB Hội Nhà văn - 2005) khắc hoạ những nét độc đáo nhất của một số nhà văn, nhạc sĩ, nhà khoa học nổi tiếng về “tài” và “tình” mà anh từng nể phục và yêu mến như: Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai, Hàn Mặc Tử, Hoàng Cầm, Anh Thơ, Chu Lai, Sao Mai, Trần Quốc Vượng, Hà Minh Tuân, Giang Nam, Đoàn Thị Lam Luyến, Vũ Duy Thông, Đỗ Trọng Khơi, Trần Văn Thước…

Với 30 bài báo và 42 bút tích của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ mà tên tuổi đã từng “đóng đinh” vào tâm khảm bạn đọc, Đặng Vương Hưng làm sống lại những mảng đời riêng tư, sự lao động nghệ thuật đầy đam mê và “khổ sai” ở mỗi tác giả. Nhiều tư liệu quý hiếm mà có lẽ do đặc trưng của nghề báo và do cái tài gợi chuyện thân tình, cái khéo léo của một “tình báo viên” nên anh đã “khai thác” được những chi tiết rất thực, làm nên nét phong cách ở từng tác giả, tránh được lối “vẽ chân dung” cứng nhắc mà một số cây bút khác đã viết.

chuytratim2b-1639454366.jpg
Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo Đặng Vương Hưng.

Đọc thơ hay văn xuôi của Đặng Vương Hưng, ta thường như bị “ma ám” không thể dứt ra được, mặc cho đêm đã khuya hay bụng đang đói. Anh có lối dẫn chuyện nhẹ nhàng mà hấp dẫn, nói những chuyện “tầy trời” mà cứ như chuyện vui đây đó trong cuộc sống quanh ta. Mỗi bài báo của anh đều có cách mở, cách phát triển tình tiết, cách thắt nút, và kết thúc bất ngờ như một truyện ngắn hiện đại. Có bài có cốt truyện, có bài không. Chất “văn” không lấn chất “báo” ở mỗi trang viết. Đặc biệt anh có tài đặt “tít” rất gợi. Nó vừa phản ánh được chủ đề bài báo, vừa gợi hình, gợi cảm, đủ để kích thích trí tò mò ở đọc giả.

Ví dụ: Viết về Nguyễn Đình Thi anh đặt “Người lực sĩ đa tài, đa tình và đa đoan”, về Hoàng Cầm “Bí mật về chiếc lá Diêu Bông của nhà thơ Hoàng Cầm”, về Đoàn Thị Lam Luyến “Lỡ một thì con gái… bởi suốt đời Dại yêu”, về Chu Lai “Sợ vợ cũng là một giá trị đàn ông”…, hoặc có khi anh dùng lối “lẩy Kiều” để đặt tít “Chữ Tình kia mới bằng ba chữ Tài” (Lời bạt cho tập thơ Hương ngoại ô của nhiều tác giả - 2001) v.v.

Ở cách đặt vấn đề của mỗi bài cũng rất cuốn hút người đọc. Ví như viết về Đoàn Thị Lam Luyến chẳng hạn: “Sao em lại đặt cho mình một cái tên lạ thế: đã “Đoàn Thị” lại còn “Lam Luyến” nữa. Tên ấy sẽ làm em khổ cả đời. Yêu thì đắm đuối hết mình nhưng toàn gặp những chuyện ngang trái; sống thì thật với mọi người đến ngây thơ, dại dột; mà trời có bắt tội em đâu…”. Cố nhà thơ Thuý Bắc lúc sinh thời đã có lần nói với Đoàn Thị Lam Luyến như thế. Bây giờ ngẫm lại, lời người xưa cứ như là định mệnh, chẳng chịu buông tha chị lấy một ngày trong đời và cả trong thơ nữa”. Từ đó tác giả mới dẫn bạn đọc chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn của Đoàn Thị Lam Luyến trong đời riêng và trong sáng tạo thơ ca. Hoặc những kết luận đầy ấn tượng như khi viết về Chu Lai, anh dùng ngay lời của chính nhân vật: “Nhưng nếu cạo nhẵn nhụi bộ ria mép này đi thì đâu còn là cái thằng tôi nữa! Bởi ria mép là một phần làm nên Chu Lai; là dấu vết của một thời trận mạc, có khi cả năm trời tôi không cắt tóc cạo râu. Nó giúp tôi tự tin hơn trước phụ nữ, giúp tôi không biết sợ vợ và rất có thể… nhờ nó mà tôi đã viết văn hay hơn!”.

Khác lạ và hấp dẫn người đọc hơn của tập sách còn nằm ở phần “phụ lục” với gần 42 trang ảnh, bút tích của các nhà văn, nhạc sĩ viết tay- dấu ấn một thời của các cây viết được nhiều người mến mộ, đặc biệt là đối với những tác giả đã trở thành người “muôn năm cũ” như: Văn Cao, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Đình Liên, Tản Đà, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Tố Hữu, Lê Anh Xuân… Đó là những “thông điệp” rất thiêng liêng và quý hiếm mà các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ gởi lại cho đời sau, như: bản nhạc viết tay “Tiến quân ca” của Văn Cao, bài “Tràng giang” của Huy Cận, bài “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên và những câu thơ của Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Bút Tre… hoặc đoạn văn của Hoàng Ngọc Phách, của Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng. Với các tác giả còn đang sống và làm việc hiện nay thì có rất nhiều người tài hoa, tài tử, uyên bác, nhưng anh chỉ chọn ra hơn hai mươi “bút tích”, mà phần lớn họ đều là những tác giả có Tâm, có Tài, có Tình thực sự.

Tác phẩm “Đa tài và đa tình” của nhà báo, nhà thơ Đặng Vương Hưng rất giàu chất liệu thực tế và có giá trị văn học. Những bài viết ấy là những tư liệu quý cho những người cầm bút và những ai yêu mến các tác giả trong sách này. Đặc biệt rất bổ ích đối với những người viết văn viết báo trẻ ở xa các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, xa những trung tâm tư liệu như Hà Nôi, Thành phố Hồ Chí Minh. Văn của Đặng Vương Hưng giản dị mà trong sáng, rất giàu hình ảnh. Ngôn ngữ báo chí và ngôn ngữ nghệ thuật có sự kết hợp hài hoà. Ngôn ngữ đời thường được đặt đúng lúc, đúng chỗ trong bài viết khi cần thiết, góp phần làm nổi bật phong cách của mỗi chân dung văn học. Ta có thể rút ra được nhiều bài học cho nghề báo và nghề văn qua “Đa tài và đa tình”.

L.X

Theo Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết ""Đa tài và Đa tình" - Chuyện làng văn nghệ" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn