Đối với gia đình tôi, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, không chỉ là niềm tin đối với đấng tối cao; mà còn là sự tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với các vị anh hùng dân tộc đã dựng nước và giữ nước. Đây được xem là hình thức kế thừa và trao truyền văn hoá gia đình, giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương dân tộc cho thế hệ con cháu và là kim chỉ nam của chúng tôi trong hoạt động thực hành, truyền trao các giá trị của di sản.
“Làm tôi ông Thánh”
Tôi là Trần Văn Hải, sinh ngày 22/6/1989, là nghệ nhân thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Hiện tại, tôi đang giữ vai trò thủ nhang di tích Đền Ba Giáp (xóm 4 - Hải Phương – Hải Hậu - Nam Định) thờ đức Vân Hương Thánh Mẫu và Đức Thánh Trần; thủ nhang bản điện Cửu Tỉnh Vọng Từ, địa chỉ tại xã Hoành Sơn, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, đây cũng chính là nơi thường trú của tôi. Bên cạnh đó, tôi đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá huyện Giao Thuỷ - thuộc Hội Di sản Văn hoá Việt Nam; Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ và Phát huy Di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt huyện Giao Thuỷ tỉnh Nam Định.
Tôi sinh ra và lớn lên tại tỉnh Nam Định, mảnh đất được biết đến là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu với hai lần giáng sinh của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã có căn duyên với Tiên Thánh và loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu. May mắn khi tôi có bác, là đồng thầy đã có nhiều năm phụng sự và thực hành tín ngưỡng này. Hơn cả, khi tôi được gần gũi các cụ đồng cựu, do vậy, tôi đã sớm được lĩnh hội, tiếp thu và kế thừa các tri thức quý báu của bậc tiền bối truyền lại.
Năm 1997, khi hội đủ nhân duyên, tôi được cụ đồng (cụ đã mất năm 2022) làm lễ thụ pháp làm thầy (trình đồng mở phủ) tại đền Mẫu Thượng thuộc Khu Di tích Lịch sử quốc gia Phủ Dầy (Nam Định).
Năm 1998, tôi theo học chữ nho của cụ đồ trong làng. Sau thời gian miệt mài học tập chín muồi, tôi được thụ sắc pháp sư và tham gia thực hiện các nghi thức hành lễ (cúng) trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, tôi còn tham gia cùng các thầy dịch thuật sao lưu, phục chế, bảo tồn các đạo sắc phong của các vị Vua phong cho các nhân vật lịch sử có công với dân tộc bấy giờ, mà được nhân dân suy tôn là Tiên Thánh. Cùng với đó, tôi cũng sưu tầm các văn bản, khoa cúng, sách cúng cổ truyền bằng chữ Hán để dịch sang quốc ngữ và số hoá các tài liệu này nhằm mục đích gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ sau.
Năm 2002, sau quá trình học hỏi và tiếp thu lề lối của các bậc tiền bối và thực hành thuần thục các kĩ năng đó, tôi bắt đầu truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò, trong đó có kĩ năng và kiến thức trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Có những Thanh đồng đã lập điện phụng sự. Như vậy, tính đến thời điểm này, tôi đã có 27 năm bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu.
Giá trị nhân văn và sức ảnh hưởng tích cực của thực hành tín ngưỡng Mẫu
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt” là tín ngưỡng nội sinh của dân tộc. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt” là một nghi thức tín ngưỡng bản địa, được cộng đồng người Việt sáng tạo, phát triển và truyền trao, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam ta qua các thời kì dựng nước và giữ nước. Chứng kiến biết bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử.
Những vị Thánh được Thanh đồng phụng hầu trong tín ngưỡng “thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt” có thể là những Thiên Thần, là huyền thoại được cộng đồng tôn vinh nhằm đáp ứng khát vọng làm chủ thiên nhiên. Nhưng trong đó cũng có những vị là Nhân Thần - các nhân vật có thật trong lịch sử - những vị anh hùng dân tộc có công lao to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Do đó, việc thực hành tín ngưỡng này phản ánh giá trị nhân văn. Thông qua đó, khơi dậy niềm tin, niềm tự hào dân tộc, lòng yêu quê hương đất nước sâu sắc, gắn kết cộng động, đặc biệt là tinh thần tự tôn dân tộc. Bên cạnh đó, việc thực hành tín ngưỡng này, phần nào củng cố niềm tin, chỗ dựa tinh thần cho nhân dân khi gặp những khó khăn, là động lực, khơi dậy sức mạnh nội sinh của mỗi con người khi có biến cố trong cuộc sống.
Đối với gia đình tôi, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, không chỉ là niềm tin đối với đấng tối cao; mà còn là sự tưởng niệm, tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với các vị anh hùng dân tộc đã dựng nước và giữ nước. Đây được xem là hình thức kế thừa và trao truyền văn hoá gia đình, giáo dục tinh thần yêu nước, yêu quê hương dân tộc cho thế hệ con cháu và là kim chỉ nam của tôi và gia đình chúng tôi.
Trải nghiệm khó quên và tâm đức của người hành đạo
Trải nghiệm của tôi trong quá trình thực hành di sản tín ngưỡng thờ Mẫu rất nhiều, đó là sự thăng hoa của các giá đồng, những lời cảm ơn của cộng đồng, con nhang đệ tử khi tôi dẫn dắt truyền đạt và giúp họ thoát khỏi những bế tắc trong cuộc sống. Nhưng đáng nhớ và để lại trong tôi nhất, đó là những hình ảnh hầu Thánh các đây hơn 20 năm (cuối những năm 90) khi đó kinh tế tuy còn khó khăn, nhưng niềm tin son sắt vào tín ngưỡng, vào Tiên Thánh luôn bừng cháy và thuần thành trong tôi. Khi đó, những canh Hầu, vấn hầu luôn đơn giản không hoành tráng, nhưng cẩn mật nghiêm trang trong không gian lắng đọng, từ lời văn tiếng hát và sự thành kính của những người xung quanh, các đệ tử làm bề tôi Tiên Thánh, bằng cả tấm lòng nhiệt thành và sự kính trọng. Đó chính là giá trị văn hoá, những nét đẹp mà chúng ta cần bảo tồn, gìn giữ, tránh tình trạng “kinh tế hoá tín ngưỡng’’
Theo quan niệm của tín ngưỡng, “tháng 8 đền Cha, tháng 3 phủ Mẹ” đó là những mốc thời gian tôi và những Thanh đồng ra hầu Thánh. Ngoài ra, có các dịp “tứ thời, bát tiết” đầu năm, cuối năm, các ngày lễ trọng của các bậc Tiên Thánh. Nếu chưa có điều kiện hoặc gia đình có chuyện hữu sự chúng tôi có thể làm giấy sớ và trình lễ khất, các nghi thức này tôi lĩnh hội được từ các cụ đi trước truyền lại. Đến nay, tôi vẫn luôn ghi nhớ và thực hiện, tiếp tục truyền trao cho các đệ tử của tôi và trong cộng đồng.
Về kinh tế chi phí trong các vấn hầu, tôi luôn có quan điểm: “chữ Tâm mới là quan trọng nhất”, như trong kinh Vân Hương Thánh Mẫu có dạy rằng “ta cần các con sửa tâm, đó mới là thứ quý báu nhất dâng lên đến ta”. Cho nên, tôi rất chú trọng về nghi lễ, nghi thức trong thực hành tín ngưỡng. Còn các giá trị về vật chất, nó phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh tuỳ vào thời điểm, không có quy định và luôn đảm bảo sự hài hoà, cân bằng giữa đời và đạo, tránh bị ảnh hưởng, chi phối của kinh tế trong việc hành đạo. Điều này được thể hiện rất dung dị qua câu “con giàu một bó, con khó nhất tâm.”
Ngăn chặn sự biến tướng
Thực tế, bên cạnh những hoạt động tích cực của các vị Thanh Đồng vì mục đích bảo vệ, phát huy và trao truyền các giá trị văn hoá của tín ngưỡng, thì đâu đó vẫn còn những cá nhân có tư tưởng, hành vi lệch lạc, thiếu hiểu biết làm ảnh hưởng đến giá trị văn hoá của tín ngưỡng, gây nên những hiểu nhầm, góc nhìn phiếm diện trong cộng đồng, gây bức xúc trong dư luận, không những trong cộng đồng tín ngưỡng mà cả trong xã hội. Cụ thể, như việc thực hành tín ngưỡng ở những nơi công cộng, nơi không gắn với tâm linh, không có yếu tố thiêng, làm mất đi bản chất tốt đẹp của di sản mà cha ông để lại. Một số bộ phận nhỏ các thanh đồng chưa có sự tiếp thu kiến thức của các bậc trưởng thượng đi trước, thiếu đi yếu tố truyền trao. Thực hành tín ngưỡng tự phát không theo lề lối quy củ, làm sai lệch đi giá trị văn hoá tốt đẹp mà các thế hệ tiền nhân đã dầy công vun đắp.
Cần nâng cao vai trò, nhận thức của các vị thanh đồng, thủ nhang, đồng đền và cộng đồng trong việc tôn trọng bảo vệ phát huy giá trị văn hoá của tín ngưỡng. Phát hiện, kiên quyết đấu tranh, lên án những cá nhân, tổ chức lợi dụng tự do ngôn luận, có những phát ngôn và hành vi sai trái, nhằm bôi nhọ xuyên tạc, đi ngược lại với với giá trị văn hoá tâm linh của tín ngưỡng. Trong việc thực hành, truyền trao của các vị đồng trưởng, thanh đồng cần có sự nhất quán, như: nghi thức, sắc phục, khí cụ và lời văn,… Chỉ có vậy, mới bảo tồn và phát triển được nét đẹp văn hoá trong thực hành tín ngưỡng.
Hướng phát triển bền vững
Để thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu phát huy hơn nữa, cần thiết có sự đoàn kết, chung tay trong cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt tham gia. Thành lập các tổ chức có tư cách pháp nhân, có sự tham mưu của lãnh đạo các cơ quản lý về văn hoá, tín ngưỡng. Đẩy mạnh xã hội hoá trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của tín ngưỡng trong cộng đồng. Phát huy nguồn lực, vai trò của cộng đồng trong công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử. Kết hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các buổi hội thảo, tạo đàm, tập huấn mang tính chất khoa học. Qua đó, lồng ghép tuyên truyền phổ biến kiến thức văn hoá, pháp luật nhất là luật di sản. Nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo vệ phát huy tín ngưỡng tâm linh trên tinh thần hiểu biết và thượng tôn pháp luật. Tổ chức hoặc kết hợp tổ chức các liên hoan diễn xướng thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt.
Xin đừng làm “chảy máu di sản”, hãy lan toả tính “thiêng”
Cần nói không với việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu hoặc những địa điểm không có tính thiêng. Việc sân khấu hoá tín ngưỡng không thể hiện sự tôn kính Tiên Thánh, làm xấu đi hình ảnh văn hoá tốt đẹp của di sản, vô hình trung đó là việc làm “chảy máu di sản”. Chỉ thực hành tín ngưỡng ở không gian đền, điện, phủ, nơi được phép thờ phụng và thực hành.
Muốn giữ được tính thiêng, trước tiên thanh đồng phải thờ phụng và thực hành đúng lề lối, không xuyên tạc, biến tướng, làm mất đi giá trị văn hoá của tín ngưỡng. Cần nhận định rõ, thế nào là quảng bá. Ví dụ: việc đưa hầu đồng lên sân khấu, hay các sự kiện như đám hiếu, đám hỷ, các chương trình biểu diễn khác,… Đó là hành động, làm xấu đi hình ảnh tốt đẹp của di sản, thiếu văn hoá, không tôn trọng cộng động, Thánh Thần. Đó không phải là hình thức quảng bá. Những việc làm như vậy cần lên án gay gắn.
Một số thanh đồng thực hành các nghi thức nằm ngoài không gian thiêng, nhằm mục đích quảng bá di sản ra cộng đồng ra thế giới, thì cần có sự tham vấn, đồng hành của các nghệ nhân kết hợp cùng các cơ quan hữu quan quản lý văn hoá, tín ngưỡng. Vừa qua, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, thanh đồng có chuyến công tác và quảng bá di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tại Đài Loan, tại trường đại học Cao Hùng. Trong hội nghị, hội thảo đó có sự tham gia của các nước như Malaysia, Singapore. Tại đây, các nghệ nhân có tham gia thực hành quảng bá di sản này cho bạn bè thế giới trong không gian thiêng. Trước đó, đoàn đã thực hiện đầy đủ các nghi lễ như: rước chân hương, bài vị từ Việt Nam sang và cúng cáo trước khi vào thực hành. Đặc biệt, đã được nước sở tại và các nước bạn hoan nghênh, đón tiếp trọng thị. Đó là một trong những ví dụ điển hình về việc quảng bá tín ngưỡng ra cộng đồng mà vẫn đảm bảo được tính thiêng. Hoặc vừa qua, cục Di Sản Văn Hóa – Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch kết hợp cùng UBND tỉnh Nam Định có tổ chức Hội thảo Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO). Trong đó, có hoạt động thực hành di sản của các nghệ nhân, thanh đồng khắp ba miền hội tụ và thực hành tại các Đền phủ thuộc quần thể Phủ Dày – đây cũng là cách mà các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức nhằm quảng bá ra cộng đồng, nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố thiêng.
Phát huy hơn nữa tính nghệ thuật của tín ngưỡng
Việc sáng tác các điệu hát, múa dựa trên nghệ thuật thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đó là việc làm khá hay, chúng ta nên làm và phát triển nhiều hơn nữa hình thức này. Dựa trên các làn điệu, các vũ đạo, các hiển tích chúng ta xây dựng hình tượng nhân vật đó trên không gian, chất liệu mới những vẫn đảm bảo được các yếu tố giá trị lịch sử, không xuyên tạc làm biến đổi đi các Thánh tích. Từ đó, nhằm tiếp cận hơn nữa trong các tầng lớp của xã hội. Như cải biên lời mới, biên đạo các vũ đạo để phù hợp với sân khấu, để buổi diễn trong các buổi văn nghệ chào mừng, các sự kiện văn hoá được nhà nước cho phép. Kể đến, nhà hát chèo Nam Định có dàn dựng rất nhiều các tiết mục biểu diễn trên chất liệu hát văn, biên đạo các điệu múa phỏng theo các nghi thức thực hành tín ngưỡng, để phục vụ trong các hoạt động văn hoá được sự đón nhận rất nhiệt tình trong cộng đồng.
Những hoạt động mang tính chất biểu diễn thì nên để các nghệ sĩ là người thực hiện. Các nghệ nhân, Thanh đồng không nên tham gia trong các hoạt động mang tính chất sân khấu. Tránh những hiểu nhầm không đáng có trong cộng đồng./.
Nghệ nhân Trần Văn Hải thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ tại Phủ Dầy. Sự kiện do Cục Di sản văn hoá và UBND tỉnh Nam Định tổ chức, nhân dịp 20 năm thực hiện Công ước UNESCO về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam (2003 – 2023).