Đạo làm con

Bùi Trung

08/01/2022 08:48

Theo dõi trên

Căn nhà ngói xưa 3 gian nằm cạnh bờ sông Tiền của vùng cuối đất cù lao hôm nay có đủ mặt những người con tụ hội về cùng chung tay bày biện lên bàn thờ gia tiên các thứ như: Thịt quay, vịt quay, Pate chả lụa... là những thứ mua vội ngoài chợ xã, nhân ngày giỗ của người mẹ.

Các người con ai cũng có công việc gia đình nên tranh thủ về cúng mẹ đã là một sự cố gắng. Người chị thứ hai là chủ một tiệm vàng ở chợ Huyện, người con trai thứ ba là một chủ trại cưa lớn ở Mỹ Hiệp, người con trai thứ tư là một chủ hãng nước đá, người con út là chủ một nhà hàng tiệc cưới tất bật quanh năm...

dao-lam-con-1641606438.jpg
 Ảnh minh họa

 

Các anh các chị nhớ ngày tụ hội về cúng mẹ, dẫu sao bà cũng là người sinh ra mình và nhờ bà vất vả một đời nuôi dạy các con mà các anh chị có cơ ngơi như ngày hôm nay. Tiệc giỗ không mời ai, tới ngày thì A lô thông báo rồi mạnh ai nấy về, mỗi người mua mua vài món khỏi phải nấu nướng lu bu. Bày ra trước cúng sau nhậu cho vui tại căn nhà ngói xưa cũ kĩ không người ở, đóng cửa quanh năm như một căn nhà hoang dù căn nhà này là  nhà thờ của gia tộc.

Người thì quét dọn,người thì bày đồ cúng, ai rảnh thì chở vợ chở con, chở cháu, mỗi năm có một ngày bận gì thì bận cũng phải nhín ra một buổi vì người mẹ thân yêu.

Đang dọn dẹp Người chị thứ Hai bỗng nói:

- Tụi bây thấy sao? Căn nhà không ai ở nó lạnh tanh bụi bặm như vầy có ngày nó sập mình không hay. Tao nghĩ nên giao lại cho một đứa nào gần gũi lo chuyện thờ phượng nhang khói hàng ngày, có đứa nào xung phong không?

Ba người em im re, tất nhiên là có ai chịu lãnh cái nhà hương hỏa này điện thì chập chờn, wifi chẳng có, xa chợ buồn hiu, với lại cái xóm cuối cù lao buồn hiu hắt này mùa mưa thì sình bùn chèm nhẹp đã lâu chẳng đứa nào muốn về. Mà cũng phải, ai cũng có cơ ngơi bề thế chuyện làm ăn về dính vô cái Phủ thờ này đứa nào "ngu" mới chịu.

Người thứ ba đưa tay lên hào hứng nói:

- Tui thì có ý kiến như vầy, hay là mình bán miếng đất hương hỏa này rồi chia làm bốn phần. Tới ngày giỗ cha mẹ mình làm ngoài chợ cũng vui hơn, có mời bạn bè cũng dễ tới. Bây giờ không ai lãnh cái "của nợ" này thì vài năm nữa nó cũng sập vì nó cũng mục nát hết rồi.

Người thứ tư :

- Đất này bán cũng được vài tỷ, thôi mình bán nó đi chị hai. Rồi chia đều ra lấy vốn làm ăn.

Cậu con Út:

- Em thấy bán rồi tiền xài cũng hết. Dẫu sao tụi mình cũng sinh ra và lớn lên từ đây mà. Chi bằng mình kêu thợ lại sửa chữa, bao nhiêu tiền anh em mình mỗi người đóng góp vô. Không người trông coi thì mướn người ta chăm sóc mỗi tháng cũng đâu có bao nhiêu tiền.

Nghe cậu em út nói như vậy mấy anh chị nhao nhao phản đối. Căn nhà không ai ở tại sao phải sửa cho tốn tiền rồi lại phải mướn người chăm sóc đúng là "Tào lao."

Tới giờ nhậu, ngồi trong nhà thì nóng nên mấy anh em bàn nhau tìm cái gì làm cái bàn bày ra dưới bóng cây xoài trước sân nhậu cho mát. Chợt thấy miếng ván bên hông cái tủ thờ có cẩn xà cừ hình cây tùng đang rớt ra nằm dựa cây cột nhà nên người con thứ ba lấy ra sân kê mấy cục gạch vậy là đã có cái bàn nhậu.

Đang nhậu rôm rả bỗng có mấy người ăn mặc bảnh bao đi ngang, họ nhìn vô mâm nhậu chợt sửng người nhìn rồi "xí xô xí xào" gì đó... hình như họ là người Trung Quốc?

Một người bước tới sát hàng rào chào hỏi:

- Chào mấy anh chị, mấy ông sếp tui là người Đài Loan còn tui là người phiên dịch. Mấy ổng thấy miếng ván cẩn xà cừ mà mấy anh chị lót làm cái bàn nhậu uổng quá nên mấy ổng nói anh chị phí quá...

Anh Ba:

- Phí cái gì đâu trong nhà tui thứ này hàng đống. Anh rũ mấy sếp anh vô đây nhậu chơi, trước lạ sau quen mà ngại cái gì. Hôm nay ngày giỗ của nên tôi mời thiệt...

Anh phiên dịch sau khi trao đổi với mấy sếp mấy câu gì đó, anh nói:

- Mấy sếp tôi cảm ơn gia đình, nhưng công việc gấp quá. Mấy sếp nhờ tôi chuyển lời như vầy:

- Mấy anh bán miếng ván đó cho mấy sếp rồi lấy tiền mua cái bàn mà nhậu.

Anh Ba hơi quạu:

- Nói với mấy sếp của anh đừng khi dễ tụi này nghen. Toàn là chủ cả không đó. Mà anh hỏi mấy sếp đó mua được bao nhiêu? Được giá bán luôn.

Anh nghĩ miếng ván hông tủ tuy bằng gỗ mun cẩn xà cừ nhưng mục tới nổi rớt xuống đất thì có giá trị gì? Biết đâu tụi Đài Loan mua vài trăm ngàn lấy tiền mua cái bàn Inox nhậu mới sướng.

Anh chàng phiên dịch:

- Mấy sếp tui chịu mua miếng ván đó 30 triệu mấy anh chị thấy sao?

Trời ạ? 30 triệu cho miếng ván mục?Mấy thằng Đài loan này nói khùng nói điên gì vậy?

Cả bốn chị em xù xì:  Trời ơi, chỉ một miếng ván mà nó trả 30 triệu ai mà  bán? (phải chi nói giá 300 ngàn là xong rồi)

Anh Ba là trưởng nam nên trả lời:

- Nếu mấy sếp muốn mua anh mời mấy sếp anh vô nhà tui đầy một nhà được giá bán hết luôn.

Nghe vậy cả phái đoàn mới đi vô nhà, ai cũng trầm trồ với mấy câu hoành phi, mấy cái tủ thờ cẩn xà cừ tuy cũ kĩ vì bị bỏ hoang phế mấy năm nay nhưng khi chùi sạch lớp bụi bám ánh xà cừ vẫn sáng rực lên lấp lánh.Sau khi xem và gật gù đồng ý mua, anh chàng thông dịch nói:

- Một tỷ  là giá mấy sếp đưa ra. Mấy anh chị đồng ý thì mấy sếp sẵn xe hốt luôn tiền trao cháo múc.

Bốn người con vừa nghe giá một tỷ tưởng chừng như sét đánh vì sao cái đống củi mục này mà tụi này nó chịu mua 1 tỷ? Có khi nào anh chị em mình bị lầm không? Biết chừng đâu đây là cổ vật quý hiếm mà anh em mình không biết? Tính tới tính lui nên ai cũng lắc đầu vì sợ lầm.

Anh phiên dịch có vẻ thất vọng:

- Thôi thì như vầy nhe mấy anh chị cứ bàn kĩ vì bây giờ mấy sếp phải về Sài gòn có việc rồi. Đây là số điện thoại của tui khi nào muốn bán cứ a lô. Giá cả có lên chút đỉnh cũng không sao.

Sau khi phái đoàn đi rồi thì cậu Út rụt rè lên tiếng:

- Mấy anh mấy chị ơi em có ý kiến như vầy dẫu sao em cũng là con trai Út thôi thì em hy sinh em nhận coi chừng cái nhà hương hỏa này để lo nhang khói cho cha mẹ.

Người thứ 4 cãi :

- Tui tính mở thêm cái nhà máy nước đá nhỏ ở đây nên tui nhận quản lý cái nhà này tiện hơn.

Người thứ Ba cũng không chịu thua:

- Cái con khỉ... tao là trưởng nam tao có quyền.Tao có trại cưa thiếu gì cây nên phần sửa chữa nhà nhang khói tao lo hết.

Người con gái thứ hai:

- Tao là chị cả, tao có cái tiệm vàng giao cho tao cái nhà này là hợp tình hợp lý nhất...

Không ai nhịn ai, ai cũng giành rồi cãi nhau rân trời... suýt chút nữa là đánh nhau nếu không được bà con lối xóm can thiệp kịp thời. Sau đó cả bốn chị em  thống nhất là bán số hoành phi tủ cẩn, rồi sau đó bán nhà bán đất rồi chia làm 4 phần nhưng khi điện thoại cho anh phiên dịch thì cứ ò e...

Lần giỗ năm nay, bốn chị em đồng ý quyết định cùng nhau bỏ tiền ra sửa chữa cái nhà thờ gia tộc, thuê người chăm sóc quét dọn hàng ngày, cùng bỏ tiền ra làm con lộ nhựa thay con lộ đất cho bà con lối xóm có lối đi chung sạch sẽ hơn. Những cái tủ cẩn xà cừ bị hư đã được chùi bóng loáng và rước thợ về chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh, những tấm hoành phi đã được thếp vàng uy nghi cổ kính. Bốn anh chị em đều chung một suy nghĩ là không có gì quý giá hơn nguồn cội Tổ tiên. Cũng nhờ mấy tay Đài loan mắc dịch mà mấy anh chị em học được một bài học vô giá

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Đạo làm con" tại chuyên mục Phát triển. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn