Dạy học trực tuyến: Tránh gây áp lực lên phụ huynh học sinh

Trương Anh Sáng

01/09/2021 20:50

Theo dõi trên

Với những gia đình có điều kiện kinh tế đầu tư trang thiết bị học tập cho con cái sẽ không thành vấn đề. Nhưng cũng có không ít gia đình có hoàn cảnh gia đình khó khăn khó có thể lo được cho con cái được trọn vẹn.

1-day-hoc-truc-tuyen-1630479002.jpg
 

Bản tin dịch Covid -19 tối 30/8 của Bộ Y tế cho biết có 14.224 ca mắc Covid -19, tăng 1.467 ca so với ngày 29/8. Tính từ 17h ngày 29/8 đến 17h ngày 30/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid -19 ghi nhận 14.224 ca nhiễm mới, trong đó 05 ca nhập cảnh và 14.219 ca ghi nhận trong nước. Tại Bình Dương (6.050), TP. Hồ Chí Minh (5.889), Long An (524), Đồng Nai (491), Tiền Giang (221), Khánh Hòa (126), Hà Nội (110), An Giang (90), Kiên Giang (73), Nghệ An (68), Tây Ninh (56), Đà Nẵng (54), Bình Thuận (46), Thừa Thiên Huế (40), Đồng Tháp (37), Cần Thơ (36), Trà Vinh (36), Bà Rịa - Vũng Tàu (33), Quảng Bình (30), Quảng Ngãi (30), Đắk Lắk (24), Bình Định (20), Sóc Trăng (19), Thanh Hóa (18), Bình Phước (15), Phú Yên (14), Bến Tre (11), Quảng Nam (10), Vĩnh Long (7), Ninh Thuận (7), Quảng Trị (6), Đắk Nông (5), Hà Tĩnh (4), Hậu Giang (4), Lâm Đồng (3), Bạc Liêu (3), Sơn La (2), Kon Tum (2), Hưng Yên (2), Bắc Ninh (2), Cà Mau (1). (¹)

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố diễn ra sáng 29/8, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đồng tình với nhận định của nhiều Bộ, ngành về tình hình dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân lực, gặp nhiều khó khăn trong cung ứng nguyên liệu hàng hóa và đứt gãy sản xuất. Có những địa phương bây giờ 93% doanh nghiệp dừng hoạt động; 12,5 triệu người lao động ảnh hưởng như: tạm ngưng việc, giảm việc, giảm giờ làm, thu nhập... Hơn 16 nghìn công nhân cách ly tập trung, hàng triệu người mất việc, nghỉ việc…

Cả nước đã có hơn 15 triệu người được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết 68, tiền đã chi hỗ trợ 8.400 tỷ đồng, 1,2 triệu lao động tự do với 2.180 tỷ đồng được nhận, 37 nghìn hộ sản xuất kinh doanh được hỗ trợ. Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ này, các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung chiếm 72%, riêng TPHCM đã dành trên 3.000 tỷ tiền mặt hỗ trợ lao động tự do, người yếu thế. (²)

Do tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài nên bước vào năm học mới nhiều đơn vị trường học trong cả nước đã xây dựng các phương án dạy và học phù hợp, đặc biệt là các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid -19, trong đó có dạy học trực tuyến.

Dạy học trực tuyến thì phụ huynh phải sắm cho con cái mình máy tính hoặc điện thoại thông minh, mà trang bị máy vi tính để học online thì phải có cấu hình tương đối tốt, có đầy đủ camera, webcam, âm thanh phải đảm bảo. Ở vùng quê, nhất là ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, việc gia đình sắm được máy vi tính, điện thoại thông minh cho con em mình học tập là không nhiều, nhất là gia đình đông con, trong khi tình hình dịch bệnh kéo dài trong thời gian qua đã gây nhiều khó khăn cho cộng đồng. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, công nhân không có việc làm, sản phẩm nông nghiệp không tiêu thụ được, kinh tế giảm sút, không có thu nhập... nên việc mua sắm máy vi tính, điện thoại thông minh cho con học là rất khó khăn.

Sáng 28/8, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, do dịch Covid-19 diễn biễn phức tạp, trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi; các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức dạy học trực tiếp tại trường khi có đủ điều kiện và dạy học trực tuyến, trên truyền hình, qua mạng internet khi thực hiện giãn cách nên chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận giáo viên, kĩ năng tự học của một bộ phận học sinh, sinh viên và phát triển nguồn học liệu số phục vụ dạy và học trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đối với những học sinh, sinh viên ở gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch cần triển khai chính sách miễn giảm học phí để đảm bảo không cháu nào bị thất học sau dịch hoặc vì nghèo mà không được đến trường. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể, có chương trình dạy và học phù hợp. Các lãnh đạo địa phương lưu tâm dành các nguồn lực để hỗ trợ các trường hợp học sinh khó khăn không có phương tiện học tập trực tuyến, đảm bảo sự công bằng trong học tập. (³)

Do đó, để đảm bảo sự công bằng trong học tập nhằm đưa chất lượng giáo dục được nâng lên, Sở giáo dục cần căn cứ vào tình hình thực tế của các địa phương, đơn vị trường học để xây dựng kế hoạch, lựa chọn công cụ dạy, học qua Internet phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường.

Khuyến khích học sinh học trực tuyến tại trang học trực tuyến Toliha.vn tại địa chỉ đăng ký tài khoản: https://toliha.vn, ViettelStudy(viettelstudy.vn), VNPT E-learning (lms.vnedu.vn), Zoom; Google Hangouts Meet, Trans, Skype, Email, Shub - Classroom, Google Classroom; Zalo, Viber; Messenger. Cập nhật thường xuyên lịch phát sóng các bài học của các khối lớp đã được Bộ GDĐT tại địa chỉ https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/lich-hoc-truc-tuyen.aspx. Lựa chọn kênh phát sóng phù hợp với đơn vị để hướng dẫn học sinh tham gia học tập. Xây dựng kế hoạch hướng dẫn cụ thể từng lớp học, môn học theo lịch phát sóng các bài học; phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên phụ trách môn học theo lớp học; xây dựng kế hoạch bài học để tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài học được phát trên truyên hình.

Đối với các cơ sở giáo dục hiện chưa đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý dạy học trực tuyến hoặc chưa tổ chức các hoạt động học qua truyền hình thì thực hiện hình thức dạy học qua video hoặc tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn học để chuyển tải đến học sinh.

Đối với các học sinh không có điều kiện tham gia các hình thức học tập qua Internet, qua truyền hình hay qua video, các cơ sở giáo dục có trách nhiệm biên soạn và sao chụp hướng dẫn học và câu hỏi, bài tập theo từng nội dung bài học để hướng dẫn học cho từng học sinh; phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh trong việc giao, nhận bài giảng, tài liệu học góp phần giảm tải áp lực lên phụ huynh học sinh khi mà họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19.

 

Chú thích

(¹) https://suckhoedoisong.vn/toi-30-8-co-14224-ca-mac-covid-19-tang-1467-ca-so-voi-hom-qua-16921083018094444.htm

(²)  https://molisa.gov.vn/Pages/tintuc/chitiet.aspx?tintucID=227498

(³) https://vanhoavaphattrien.vn/thu-tuong-nam-hoc-moi-phai-dam-bao-an-toan-truong-hoc-gan-voi-tiem-vaccine-a5917.html

 

Bạn đang đọc bài viết "Dạy học trực tuyến: Tránh gây áp lực lên phụ huynh học sinh" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn