Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 29): Một cuộc đời hai mặt khác thường

04/06/2022 23:20

Theo dõi trên

“Vĩnh biệt người anh, người thầy, và người đồng nghiệp của chúng tôi - Hai Trung, một người Anh hùng Việt Nam thầm lặng, có nhiều phẩm chất khác thường, nhưng nhân đạo đến mức ông được cả bạn bè lẫn kẻ thù kính trọng. Sự nhân đạo trong ông lớn hơn cuộc đời thực, gần như tất cả đều là sự bí ẩn.

chu-an-29-1654359592.png
Ảnh do tác giả cung cấp

 

 Giờ ông đã ra đi, cầu mong ông được yên nghỉ trong cuộc đời tiếp theo của mình. Tất cả mọi nỗi đau, sự trớ trêu sự bí ẩn, và những ký ức về những ngày xưa tốt đẹp không phải tất cả đã được người thời hiểu đúng, cũng được ông mang theo sang thế giới bên kia.”

Nguyễn Quang Dy, lưu bút trong sổ tang, ngày 22/9/2006

Sau hai ngày để cho công chúng đến viếng, tang lễ ông Phạm Xuân Ẩn được cử hành tại Nhà tang lễ của Bộ Quốc phòng

Tôi vừa hoàn thành bản thảo “Điệp viên hoàn hảo”, thì Phạm Xuân Ẩn qua đời vì bệnh phổi ngày 20/9/2006, chỉ 8 ngày sau sinh nhật lần thứ 79 của ông. Có một vài lý do khiến tôi khi nghe tin ông mất, liền nhớ về sinh nhật lần thứ 74 của ông, mà theo Phạm Xuân Ẩn, đó là "ngày xấu nhất trong đời tôi". Hai chiếc máy bay đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới cũng là lúc tại nửa bên kia của múi giờ quốc tế, Phạm Xuân Ẩn nhận được điện thoại bảo mở máy thu hình.

- Tôi bị sốc lâm sàng. Tôi không nói không rằng và luôn trong tình trạng buồn phiền chán nản suốt một thời gian dài. Tôi không còn tâm trạng nào để tổ chức sinh nhật của mình hoặc làm bất cứ điều gì Tôi buồn quá.

Cuộc chuyện trò đó diễn ra khi chúng tôi vừa gặp nhau. Vài năm sau, Phạm Xuân Ẩn đã đọc và hiểu thấu đáo báo cáo của Uỷ ban 11/9. Trong hai ngày liền, ông nằng nặc đòi tôi phải lắng nghe sự phân tích của ông về tình báo Mỹ trước cuộc tấn công 11/9. Ngồi tại phòng khách nhà ông, tôi viết vài chữ đại ý rằng nhà tình báo hàng đầu Việt Nam trong chiến tranh, thế mà nay vẫn còn thiết triều để bàn luận về những thất bại của tình báo con người.

Sau này tôi mới biết Phạm Xuân Ẩn chưa dứt ra hoàn toàn khỏi nghề tình báo, ông vẫn còn là "cố vấn" cho Tổng cục Tình báo ở Hà Nội mãi đến thời điểm sáu tháng trước khi ông qua đời mới thôi. Phạm Xuân Ẩn nói:

- Tôi có nhiệm vụ đọc những tài liệu này, rồi đưa ra những phân tích của mình. Mọi người biết rõ tôi sẽ đưa ra những đánh giá chân thực nhất, bởi vì tôi chẳng cần gì cả. Nhưng bây giờ tôi mệt quá rồi và nhiều khi tôi không có thời gian đọc tất cả để phân tích theo khả năng của mình.

Sau đó, tôi nhắc lại ngày tôi đến thăm Phạm Xuân Ẩn cùng với hai người bạn. Tôi vừa từ Khe Sanh trở về, nơi mà cách đây 35 năm PFC Michael Holmes, một lính thuỷ đánh bộ Mỹ thuộc Sư đoàn 9 "đi đến đâu chết chóc đến đó", bị những vết thương đe doạ đến tính mạng. Michael mang theo trong túi một tấm Huân chương Dũng cảm của chính quyền Sài Gòn vì "những thành tích trong việc hỗ trợ các lực lượng Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống nổi dậy của Cộng sản". Đại uý H. M. Baker đã phục vụ với tư cách cố vấn bộ binh cho Sư đoàn 9 Quân đội Việt Nam Cộng hoà từ tháng 1 đến tháng 9/1969. Baker trở lại Sài Gòn vào tháng 4/1975 để giúp sơ tán những người bạn và các đối tác Việt Nam. Baker cũng lục tìm lại ký ức về những ngày trước đây của ông dọc sông Mang Thít và tại Sa Đéc. Michael thì hy vọng xua đuổi được những bóng ma ám ảnh ông từ cái ngày thế giới thay đổi diễn ra hôm 13/4/1968, trên đồi 861. Đó là lần đầu tiên Michael và Baker trở lại Việt Nam kể từ ngày chiến tranh.

Phạm Xuân Ẩn ra mở cánh cổng màu xanh, mời cả ba chúng tôi vào nhà và ngồi xuống ghế trong lúc vợ ông pha trà. Phạm Xuân Ẩn hỏi:

- Hai ông đã từng phục vụ ở đâu?.

Ngay sau đó, trong suốt hai giờ liền, Phạm Xuân Ẩn kể lại rất chi tiết những vấn đề chiến lược tại Khe Sanh và các hoạt động tình báo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phạm Xuân Ẩn biết một số người bạn của Baker thuộc Sư đoàn 9 Quân đội Việt Nam Cộng hoà. Thiếu tướng Trần Bá Di từng là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9 Quân đội Việt Nam Cộng hoà trong thời kỳ Baker làm cố vấn cho Sư đoàn này từ năm 1968 - 1969. Sau chiến tranh, Trần Bá Di mất 17 năm và 5 ngày ở trong các nhà tù của cộng sản. Baker đã bằng mọi cách tìm kiếm nơi Trần Bá Di đang ở, nhưng đều không có kết quả. Mãi đến khi gặp được Phạm Xuân Ẩn - người vẫn giữ liên lạc với Trần Bá Di, Baker mới biết Trần Bá Di đang ở Hoa Kỳ, làm việc trong Disneyland. Những lời bình luận của Phạm Xuân Ẩn hôm đó rất khách quan và mang tính phân tích sâu sắc. Ông không hề nói từ nào có ý ám chỉ ông là người của bên thắng trận. Phạm Xuân Ẩn luôn làm chủ trong nghề nghiệp của mình.

Tôi đã ghi chép được hồi ức của ông về những ngày, những con người, cũng như việc ông cung cấp các thông tin mà họ cần cho việc thực hiện những chuyến phiêu lưu cá nhân.

Khi chúng tôi rời nhà ông, Michael nhận xét:

- Khi tôi đến miền Nam Việt Nam năm 1968, lúc đó chẳng có ai nói cho biết lý do vì sao chúng tôi lại đến đây. Chúng tôi chỉ làm theo mệnh lệnh và không bao giờ nghĩ đến việc phải tìm hiểu kẻ thù và đặt câu hỏi tại sao họ lại chống lại chúng ta. Bây giờ, sau 35 năm tôi mới được gặp kẻ thù và cuối cùng tôi mới hiểu.

Baker thì nhận xét:

- "Cái ông tướng đó" sao mà khiêm tốn đến thế. Ông ấy chẳng hề tỏ ra một chút gì tự phụ và ông luôn kiểm soát được việc "thông báo tin tức".

Đó chính là nét đặc trưng cho tính cách Phạm Xuân Ẩn.

Lần cuối cùng tôi gặp Phạm Xuân Ẩn vào tháng 6 năm 2006. Chúng tôi dành cả buổi sáng để thảo luận về cuộc phỏng vấn của tôi với ông Tư Cang về cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Phạm Xuân Ẩn mở đầu cuộc nói chuyện:

- Hôm nay tôi cảm thấy trong người rất yếu và mệt mỏi, nên có thể chúng ta chỉ trao đổi trong một giờ thôi nhé.

Bốn tiếng đồng hồ sau, Phạm Xuân Ẩn nói đã đến giờ đi nằm rồi. Đây là dấu hiệu để tôi hiểu là đến giờ thu xếp đồ ra về. Sớm hôm sau, trước khi rời Việt Nam về Mỹ, tôi nói với ông rằng tôi muốn được gặp lại ông một lần nữa vào đầu tháng 10, trước khi cuốn sách được ấn hành. Phạm Xuân Ẩn mỉm cười và nói:

- Tôi cũng hy vọng như vậy. Nhưng giờ thì giáo sư đã có đủ tư liệu rồi, quá nhiều rồi.

Khi tôi trở lại vào tháng 10, sự hiện diện của Phạm Xuân Ẩn vẫn còn ở bất cứ nơi đâu trong nhà ông. Theo truyền thống của người Việt Nam, một căn phòng được biến thành nơi đặt bàn thờ để tưởng nhớ Phạm Xuân Ẩn. Trên bàn thờ, một bức chân dung cỡ lớn Phạm Xuân Ẩn mặc quân phục cấp tướng, rất nhiều huân, huy chương, bằng khen được trưng bày nổi bật. Một bát cơm được thay mỗi bữa để ông Phạm Xuân Ẩn ở thế giới bên kia không bị đói. Một bát khác để cắm những nén hương nghi ngút, cạnh đó là một chiếc cốc uống cà phê của Phạm Xuân Ẩn hồi còn ở Trường Orange Coast College do các bạn nhân viên nhà trường tặng có ký tên từng người. Bốn quyển sổ tang ghi cảm tưởng, tưởng niệm, suy nghĩ của những người đến viếng thăm Phạm Xuân Ẩn.

Tôi đến đây để bày tỏ sự kính trọng của tôi đối với gia đình Phạm Xuân Ẩn trong thời gian để tang. Tôi nhờ một người bạn dạy cho từ tiếng Việt "chia buồn" để diễn tả ý tôi muốn chia buồn cùng với gia đình ông bằng tiếng Việt Nam. Khi gặp bà Thu Nhàn, tôi nói "chia buồn". Sau đó, chúng tôi cùng ngồi xuống và nói chuyện về Phạm Xuân Ẩn, chồng bà. Cuối ngày hôm ấy cháu Phạm Ân đưa tôi đến thăm mộ của cha để tôi thắp hương cho ông và để tôi bày tỏ sự biết ơn và đánh giá cao của mình về tất cả những gì mà ông và tôi đã bộc bạch với nhau trong suốt 5 năm qua. Suốt mấy ngày tiếp theo, tôi đã có thể nói chuyện được với một người hiểu biết Phạm Xuân Ẩn hơn bất kỳ ai khác, đó là vợ ông. Bà Thu Nhàn biết rằng cuốn sách của tôi đã hoàn thành, nhưng tôi vẫn còn một số câu hỏi. Bà Thu Nhàn đã bình tĩnh và có phương pháp trình bày rất thuyết phục để giúp đỡ tôi theo cách mà trước đó, tôi không dám nghĩ tới. Bà và cháu Phạm Ân đã cố gắng hết sức để giúp tôi chẳng khác nào việc làm một nhịp cầu nối liền các ký ức. Sau này tôi được đưa tới tỉnh Long An để gặp gỡ và ăn trưa cùng bà Nguyễn Thị Ba - người từng làm liên lạc cho Phạm Xuân Ẩn trong suốt thời gian dài. Sau đó, tôi được phỏng vấn người đã từng tìm nguồn tiền để cử Phạm Xuân Ẩn sang Mỹ, đó là tướng Mai Chí Thọ, em trai của ông Lê Đức Thọ.

Trong chuyến thăm này, tôi được gặp hai người Việt Nam viết hồi ký cho ông Phạm Xuân Ẩn, cũng như gặp người làm bộ phim tư liệu về cuộc đời ông Phạm Xuân Ẩn của đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên, chúng tôi nói chuyện với nhau về quá khứ của Phạm Xuân Ẩn. Mỗi người trong chúng tôi đều cố gắng tìm một chỗ đứng cho ông trong lát cắt lịch sử đầu tiên của riêng mình. Trong khi chúng tôi trao đổi những câu chuyện về Phạm Xuân Ẩn, tôi tự hỏi vậy ai - ngoài vợ của ông - là người thực sự hiểu biết về ông? Tôi đã dành toàn bộ thời gian này với ông Phạm Xuân Ẩn, thu được rất nhiều thông tin về những mối quan hệ đan chéo nhau trong cuộc đời của ông. Thế mà tôi cũng mới chỉ biết được một phần mà Phạm Xuân Ẩn quyết định cho tôi được biết thôi. Làm sao tôi có thể dám chắc rằng tôi đã chẳng lần tới đoạn cuối cùng cuộn chỉ cuộc đời của một trùm điệp viên có vỏ bọc hoàn hảo? Có lẽ Phạm Xuân Ẩn lại một lần nữa thể hiện nguyên tắc lý trí và kỹ năng chia cắt thành nhiều ngăn cuộc đời ông, giống như ông đã từng áp dụng trong chiến tranh khiến cho không người bạn Mỹ hay bạn Việt Nam nào thực sự hiểu được ông.

Tại một trong những cuộc gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi, Phạm Xuân Ẩn đã khiến tôi ngạc nhiên khi ông nói rằng:

- Giáo sư đã có gần đủ tư liệu để viết sách rồi, nhưng bây giờ ông cần phải đọc cái này đã rồi chúng ta mới có thể tiếp tục cuộc trao đổi ngày mai.

Phạm Xuân Ẩn vừa nói vừa trao cho tôi cuốn sách “Quá khứ tiếp diễn” - một cuốn sách mà tôi chưa bao giờ được biết. Trong những năm đầu của thập kỷ 1980, các cơ quan an ninh chính trị của Việt Nam đã đặt hàng nhà văn được đánh giá cao Nguyễn Khải viết tiểu thuyết tư liệu về cuộc đời của các anh hùng ở miền Nam - những người đã hiến dâng cuộc đời mình cho cách mạng. Nguyễn Khải sau này viết trong cuốn sổ tang:

"Ông sẽ mãi mãi nằm trong ký ức của bạn đọc và sẽ mãi mãi là một người Anh Lớn đối với tôi".

Nguồn: Trái tim người lính/“Điệp viênhoàn hảo” của giáo sư Larry Berman

Bạn đang đọc bài viết "Điệp viên anh hùng Phạm Xuân Ẩn (Kỳ 29): Một cuộc đời hai mặt khác thường" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn