Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương một - Vị Lãnh đạo

Phạm Việt Long

03/08/2021 08:46

Theo dõi trên

Với hơn 400 trang sách, Giã từ là một tiểu thuyết có dung lượng khá lớn. Cuốn sách cho thấy một giai đoạn chuyển tiếp, tranh chấp quyết liệt giữa cái cũ và cái mới, giữa cái tốt đẹp và cái xấu xa, giữa bảo thủ, trì trệ và cách tân, năng động, giữa đạo đức trong sáng và thói vụ lợi, tham lam, quỷ quyệt. Ðây là một trong 51 cuốn tiểu thuyết đã lọt vào vòng chung khảo cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.

bia-gia-tu-1627524038.jpg

Chương một

NHỮNG HÌNH HÀI ĐEN ĐỎ

Vị Lãnh đạo

 

Những người làm chính trị chuyên nghiệp thường là không có bạn mà chỉ có những mối quan hệ theo lợi ích. Đó là một định đề được lan truyền khá rộng từ khi có nghề làm chính trị. Thực hư ra sao, cần có cuộc khảo sát kỹ lưỡng theo phương pháp xã hội học. Nhưng với vị Lãnh đạo Phạm Minh Quang, định đề này không phù hợp. Quang có tình bạn chân thật, bền vững với Nguyên Râu. Thực ra, thủa bé, Nguyên chưa để râu nên chưa có biệt danh này. Lúc ấy, Nguyên hay bắt nạt bọn bạn học nên được đặt biệt danh là Nguyên Thụi. Vị Lãnh đạo Bình Đào hồi ấy hiền lành nhất nhóm, hay bị Nguyên Râu kẹp đầu vào háng nện đòn vào mông, kêu oai oái. Bây giờ nhắc lại, vị Lãnh đạo này vẫn còn toát mồ hôi. Nhưng đấy là bạn thủa học trò. Còn với vị Lãnh đạo Quang, tình bạn mới được kiến tạo trong thời gian Quang đã lên Lãnh đạo. Kém Râu bốn tuổi, Quang hay gọi Râu bằng bác. Trong mối quan hệ Râu - Quang, không có sự ngăn cách của chức vị xã hội. Họ là đôi bạn tri kỷ. Không hiểu nguyên nhân họ thân nhau vì đâu. Nhưng dứt khoát, đó không phải vì lợi ích kinh tế hay lợi ích chính trị. Có lẽ do duyên trời. Họ hay rủ nhau ngồi nhâm nhi li rượu và tâm sự đủ mọi chuyện trên đời. Người hay rủ bạn đi lai rai không phải là cậu Giám đốc tẹo tèo teo mà là vị Lãnh đạo hoành tráng. Theo dõi bước đường của bạn, Nguyên Râu thấy mình mới sướng, nó khổ quá. Mình sống đời nghệ sĩ là chính, kinh doanh là phụ. Tự do. Phóng khoáng. Vui vẻ. Không ham hố làm ăn. Nhưng như một nghệ sĩ tài ba trình diễn kiểu gì cũng được công chúng mến mộ, doanh nhân Râu làm đâu lãi đó. Đã thế, lại được giới hoạ sĩ kính nể, chiều như chiều vong. Chuyện hoa lá cành cũng điểm xuyết đôi chút, làm cho đời luôn tươi trẻ.

Còn bạn Quang của Râu thì sao? Bầm trầy lắm. Lo nghĩ đủ thứ trên đời. Đối phó đủ hiểm hoạ trên đời. Nghe những chuyện mà Quang tâm sự, Râu cứ giật mình thon thót. Giật mình xong lại gật gù tán thưởng. Có khi, còn ngẩng đầu, bỏ kính, nhìn thẳng vào mặt bạn mấy giây tỏ lòng ngưỡng mộ. Hồi Quang còn làm Lãnh đạo ở địa phương, Râu thấy rất đáng ghi nhớ. Ban Lãnh đạo địa phương mất đoàn kết, đấu đá nhau loạn xạ. Quang nhận trách nhiệm về thay thế vị Lãnh đạo đứng đầu địa phương ấy. Khốn nỗi, chính Quỵ, sếp trưởng Cơ quan Chức năng, lại là người chống đối mạnh nhất. Một cuộc huyết chiến diễn ra ngầm giữa hai người. Gia đình ở Hà Nội, Quang ở ngay tại phòng làm việc. Vậy mà Quỵ dám gài máy nghe trộm điện thoại, dám đột nhập phòng lục soát tài liệu. Khi tình hình căng thẳng nhất, Quang cảm thấy cả tính mạng mình và một vài đồng chí cũng bị đe doạ. Vốn cảnh giác, phát hiện ra toàn bộ dấu vết, nhưng Quang làm như không biết gì. Quang gọi Quỵ đến phòng làm việc, nói thẳng: "Từ nay, tôi giao cho anh trách nhiệm trực tiếp bảo vệ tôi và các đồng chí trong Thường vụ. Nếu xảy ra tình trạng mất mát tài liệu, lộ bí mật hay bị đe doạ tính mạng, thì anh phải chịu trách nhiệm". Buổi giao nhiệm vụ đó, có sự chứng kiến, ghi biên bản của Chánh Văn phòng địa phương và Phó Giám đốc cơ quan Chức năng địa phương. Từ đó, Quang vô hiệu hoá được Quỵ. Dần dần, Quang tìm ra những mánh lới làm ăn tiêu cực của Cơ quan Chức năng địa phương, như bảo kê cho bọn làm ăn phi pháp, hậu thuẫn cho các cuộc đấu đá nội bộ... Thu thập được đủ chứng cứ, Quang đã hạ nốc ao đối thủ - một kẻ không thức thời, lẽ ra phải tự biết là không cân sức với vị Lãnh đạo giầu mưu lược và đầy bản lĩnh này. Làm lãnh đạo, phải có thủ đoạn, nói một cách văn hoa, là phải có nghệ thuật. Về mặt này, vị Lãnh đạo là một nghệ sĩ đầy sáng tạo. Chẳng hạn, khi cần giải toả nhà cửa của dân để dành đất cho những công trình Nhà nước, bao giờ vị Lãnh đạo cũng chỉ thị cho cấp dưới phải vận động những cán bộ cao cấp nhất tại vùng ấy gương mẫu thực hiện. Đồng thời, tập trung vận động những người ngang bướng nhất khu vực ủng hộ chính quyền. Một khi người công thần và dân anh chị đều đã tuân thủ những quy định của chính quyền, thì toàn bộ quần chúng ào ào làm theo. Nhờ thế, một địa phương mới tái lập như địa phương này, phải mở bao nhiêu đường, xây bao nhiêu nhà, cũng vì thế phải giải toả biết bao hộ dân, bao nhiêu ruộng đất, mà tiến độ công trình không bao giờ bị chậm vì lí do chậm di dời dân. Hoặc như chuyện giải tán một nhà hàng ở đầu đường Nguyễn Huệ. Nhà hàng này kinh doanh ăn uống, nhưng có biểu hiện tiêu cực. Chủ nhà hàng vô cùng ranh ma, che chắn các hành động phi pháp không để một khe hở lọt qua. Gã lại được một số cán bộ biến chất tiếp tay. Không tài nào tìm ra bằng chứng để xử lý nó. Đành phải tìm cách triệt đường làm ăn của nó trước, rồi tính sau. Vị Lãnh đạo đã có sáng kiến là cắm biển cấm đỗ mọi loại xe ở hai đầu đường sát nhà hàng. Xe không đỗ được cho nên khách lui tới nhà hàng thưa dần. Tới lúc đìu hiu quá, Nhà hàng đành ngậm ngùi đóng cửa. Nghe bạn kể những chuyện ấy, không để ý thấy vẻ tự hào trên nét mặt bạn, Râu cứ ngậm ngùi thương cảm. Nhưng, thương cảm và kính phục nhất là những chuyện trong thời trai trẻ của bạn. Quang sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha Quang cũng là một Lãnh đạo của thời bao cấp. Hồi ấy, tính cách bao trùm của các Lãnh đạo là sống gương mẫu, thanh bạch, một lòng một dạ vì Dân tộc, vì Tổ quốc. Cả gia đình sống trong nhịp sống lao động, học tập hăng say và tình ruột thịt gắn bó. Tai hoạ ập đến khi giặc Mỹ dùng không lực tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Cùng một lúc, hai người trong gia đình là chị ruột và em trai ruột Quang phải lìa đời do một quả bom từ máy bay Mỹ thả xuống. Gạt nước mắt, cả nhà vẫn lao động, học tập. Rồi Quang lên đường ra chiến trường, hừng hực khí thế của thanh niên thời đại là xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Thầm so sánh, Nguyên Râu thấy bủi ngủi bùi ngùi. Bạn vất vả vô cùng tận. Còn mình lúc ấy tuy cũng sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng còn sướng chán. Bên cạnh nghề mỹ thuật, Râu còn thạo nghề đồ cổ, cho nên ngay từ những năm chiến tranh, anh đã phát huy được những khả năng vừa bẩm sinh vừa tự tạo ấy của mình vào việc mưu sinh. Nhiều khi Nguyên Râu cùng hoạ sĩ Trường Thanh rong ruổi trên hai chiếc xe đạp lọc cọc luồn lỏi vào tận các xóm nhỏ xa hút để tìm mua đồ cổ. Đem về, cái nào thích thì cất một chỗ, cái nào người khác thích thì sang tay. Tiền tiêu khá rủng rỉnh. Thế mà bạn ở chiến trường chẳng có lấy một đồng xu. Chỉ có những bữa cơm độn ngô, sắn, ăn với mắm kho loãng toẹt. Bạn ơi, tội nghiệp thay và cũng tự hào thay, bạn vất vả thế, hi sinh thế, cống hiến thế, con nhà nòi như thế, bạn lên Lãnh đạo là xứng đáng. Lếu tếu như mình, lẽ ra chỉ là phó thường dân mới phải. Râu cũng rất cảm mến bạn ở chỗ chẳng bao giờ cậy thần cậy thế mà hoạnh hoẹ, đòi hỏi được ưu đãi. Cách đây vài năm, ông thân sinh ra Quang bị mổ mật. Ông cũng là một Lãnh đạo cho nên được chữa ở bệnh viện Việt - Xô. Nhưng không rõ vì sao, nơi này điều trị cho ông kém quá. Mổ rồi, ông vẫn đau. Nghe nói bệnh viện Bạch Mai chữa bệnh vào loại giỏi nhất nước, Quang tìm cách chuyển cho ông cụ vào nơi này. Sợ mất lòng bệnh viện Việt Xô, hai cha con bàn nhau cách trốn viện rồi xin nhập viện Bạch Mai như một thường dân. Một nguyên Lãnh đạo, một Lãnh đạo đương chức, thét ra lửa, mà xử sự như thế, đáng nể quá... Còn một chuyện, chính Đại Hoạ sĩ lếu tếu theo dõi từ đầu đến cuối cũng khiến anh vô cùng cảm phục ở bản lĩnh và mưu trí của bạn. Đó là việc xử lý tình trạng mất đoàn kết nội bộ ở Viện Quốc Văn. Dạo đó, Quang mới từ địa phương về Trung ương thì phải giải quyết vụ mất đoàn kết này, khi ấy đã lên đến đỉnh điểm. Đơn từ kiện cáo tùm lum. Tung hê nhau lên mặt báo đủ loại tội trạng, bẩn thỉu. Nghiên cứu tình hình, Quang thấy trung tâm của sự mất đoàn kết này là một Cậu ấm, phó Viện. Trước kia, đã có đoàn thanh tra về thanh tra kỹ càng Viện này, chỉ ra đúng nguyên nhân và đối tượng. Khi đang xử lý thì phải dừng lại, vì đụng phải Cậu ấm, ai cũng ngại. Nay, Quang lại cử một đoàn về thanh tra, lại kết luận nguồn gốc của sự mất đoàn kết ấy là ở chàng Cậu ấm kia. Vị Lãnh đạo liền triệu tập toàn thể cán bộ chủ chốt của Viện lên, yêu cầu mọi người phát biểu công khai, thẳng thắn, đề xuất ý kiến xử lý. Rồi, vị Lãnh đạo kết luận: Cho lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo Viện. Ai đủ sáu mươi phần trăm số phiếu trở lên thì tiếp tục ở cương vị cũ, ai dưới mức đó, phải rời khỏi chức vụ. Cũng có người khuyên vị Lãnh đạo nên để riêng Viện trưởng ra, không lấy phiếu, vì sợ đồng chí này không đạt số phiếu cần thiết. Vị Lãnh đạo nói: "Ta phải xử lý công bằng. Đã lấy phiếu thì từ Viện trưởng đến các Viện phó đều phải được thử thách, có thế mới tạo được lòng tin trong cán bộ." Với cảm quan nhạy bén của người làm chính trị có nghề, vị Lãnh đạo tin rằng ông Viện trưởng sẽ vượt qua thử thách này. Quả nhiên, ông Viện trưởng đạt số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối. Còn chàng Cậu ấm Phó Viện chỉ đạt trên chục phần trăm. Tất yếu, anh này phải rời chức. Nhưng, giải quyết sao cho êm, có lẽ chỉ vị Lãnh đạo Minh Quang mới có biện pháp thích hợp. Trước hết, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai trong toàn Viện. Tiếp đó, vị Lãnh đạo mời Cậu ấm lên đưa ra hai cách giải quyết cho chọn một: Hoặc là tự chuyển công tác, hoặc là chuyển công tác theo bố trí của tổ chức. Đồng thời với việc này, vị Lãnh đạo gọi điện trao đổi với anh ruột của Cậu ấm (quyền huynh thế phụ). Được sự nhất trí của gia đình và sau thời gian Cậu ấm không tìm được nơi nào làm bến đỗ mới cho cuộc đời đã xế bóng của mình, vị Lãnh đạo quyết định điều chuyển Cậu ấm về làm Viện phó một Viện vào loại cỡ của Bộ. Vốn hay làm mình làm mẩy, Cậu ấm đi gặp hoặc gọi điện cho hết Đại Lãnh đạo này đến Đại Lãnh đạo khác kể khổ, kêu cứu. Gọi đến đâu, cũng nhận được câu trả lời: "Biết rồi. Thuyên chuyển vị trí là phù hợp, nên chấp hành". Hoá ra, vị Lãnh đạo đã đi trước một bước, chặn mọi đường chạy chọt của Cậu ấm. Từ đó đến nay, Viện Quốc Văn êm như ru, làm ăn phát đạt, ai cũng nhớ ơn vị Lãnh đạo. Mà bản thân Cậu ấm sang cơ quan mới, gặp môi trường mới, cũng tự nhiên khỏi cái bệnh đấu đá, vui vẻ hẳn lên, chuyên tâm làm nghiên cứu khoa học, công bố liền mấy công trình có giá trị. Cậu ấm từng tâm sự rằng biết đi khỏi đấy vui thế này thì mình đã đi từ mười năm trước rồi!

Cũng có hôm ngồi uống rượu với vị Lãnh đạo, Đại Lếu tếu khen rằng ông sống bình dân lắm, mọi người bảo rằng ông không quan cách gì cả. Vị Lãnh đạo nói chân thật với bạn rằng quan nhất thời, dân vạn đại, quan nào mà nhớ làm theo lời người xưa dạy như vậy thì sống thảnh thơi. Nhưng vị Lãnh đạo hiểu về câu nói của tiền nhân ấy hơi khác mọi người. Ông hiểu rằng không phải làm quan là khác dân, hết làm quan rồi mới về làm dân. Ông nghĩ cách sống đúng đắn nhất của người làm quan là trong khi là quan đồng thời là dân. Bác Hồ đã sống như thế. Giữa ông quan (vua) và người dân trong con người Bác Hồ không có sự tương phản, đối lập, mà hoà hợp với nhau, song song tồn tại, bổ sung cho nhau. Đang làm quan mà vẫn làm dân thì hiểu được niềm vui, nỗi buồn của dân, hiểu được tâm nguyện của dân, làm cho dân những điều bổ ích. Đang là quan mà làm dân còn khiến cho người làm quan sống thảnh thơi, phóng khoáng, không bị cúm rúm ràng buộc trong những khuôn mẫu chật hẹp, cứng nhắc. Để đến khi hết quan rồi thì không phải về dân mà vẫn cứ là dân, giống như người ta trút bỏ bộ trang phục lễ nghi để lộ ra bộ quần áo đời thường vẫn có sẵn trên mình. Suốt cuộc đời làm quan, vẫn cứ là dân thì đến khi hết quan, không phải tập làm dân, sẽ thảnh thơi ngay với cuộc sống không là quan. Sống thế mới sướng. Có những ông quan khi là quan sống cách biệt với dân, sống cao vời vợi trên chín tầng mây, khi hết quan, rơi uỵch xuống đời thường, lóng nga lóng ngóng, lụm cà lụm cụm, không biết sống thế nào cho phù hợp, đâm ra khổ... Nghe bạn tâm sự, Lãi Nguyên lại liên tưởng tới những điều mà Mai Chính Trực đã thổ lộ với mình. Trực bảo rằng chức vụ, bổng lộc mà Nhà nước ban cho, là rất đáng quý, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ của đời người. Cuộc đời còn có nhiều điều có ý nghĩa lớn lao khác. Nhận thức được như vậy, thì khi rời Nhà nước, vẫn thấy cuộc đời mở rộng đường cho mình tiếp tục sống có ý nghĩa...

Những câu chuyện quá khứ, hiện tại, những suy nghĩ về lối sống cứ triền miên theo lời tâm tình của đôi bạn. Một anh lếu tếu. Một anh mực thước. Hai anh cứ nâng hết chén này sang chén khác chúc tụng nhau, rồi rủ rỉ tâm tình, nhiều khi tới quá nửa đêm.

Lãi Nguyên vô tư trong quan hệ bạn bè như thế, anh có ngờ đâu rồi đây chính mối quan hệ bạn bè thân thiết với vị Lãnh đạo đã cứu giúp khối người bị sa vào vòng khốn đốn do những kẻ ma quỷ vu cáo.

Bạn đang đọc bài viết "Giã từ - Tiểu thuyết của Phạm Việt Long - Chương một - Vị Lãnh đạo" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn