Giếng làng

Tản văn của Ngô Đức Hành

20/05/2021 13:38

Theo dõi trên

Nổi tiếng nhất quê tôi, vẫn là hai giếng Cửa Đạu và giếng Chạ. Có thể nói, được xem như “báu vật” địa linh ban tặng người dân. Cũng chính vì sự quý giá ấy mà giếng Cựa Đạu, giếng Chạ được xây dựng khá kiên cố và vững chắc bằng chất liệu đá.

gieng-lang1-1621492521.jpgGiếng làng vẫn là mạch nước thiêng của xứ sở
 

Quê tôi, cư dân từ bao đời nay quần tụ ở một ngọn núi không lớn lắm. Phương ngữ Nghệ gọi là rú Nghèn. Làng Nam Sơn ôm sườn phía tây nam, làng Bắc Sơn ôm sườn đông bắc. Huyền sử kể rằng, Hồng Lĩnh chín mươi chín ngọn là con Rồng thì rú Nghèn chính là đuôi Rồng. Trên đỉnh rú Nghèn, có “con đường học trò” của tôi và chúng bạn. Nơi cao nhất là mộ táng Tào Quận công Ngô Phúc Vạn.

Nói về ông, thiện nghĩ sơ qua vài dòng. Danh tướng Ngô Phúc Vạn (1577 - 1652), là trọng thần nhà Hậu Lê, người làng Trảo Nha, huyện Thạch Hà, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An (nay là Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ông xuất thân là con nhà tướng, kiêm tài văn võ. Ông không chỉ võ nghệ cao cường, thông hiểu binh thư trận pháp mà thánh kinh hiền truyện, thiên văn, địa lý, toán số đều tinh thông cả.

Ngô Phúc Vạn làm quan dưới triều Lê -Trịnh, được phong đến chức Thái Bảo, tước Tào Quận Công, có nhiều công lao đóng góp giữ yên bờ cõi bảo vệ chính đường, khẩn hoang ruộng đất đem lại lợi ích cho trăm họ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động ở nước ta thế kỷ 17. Ông mất năm Nhâm Thìn (1652) và được nhân dân lập đền thờ tại quê nhà. Nhà thờ và lăng mộ ông đều được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ngô Phúc Vạn là thời thứ 7 của Ngô Nước, một người con trai của Thanh Quốc công Ngô Khế từ Thanh Hóa cư biệt quán khai sinh dòng họ Ngô Trảo Nha. Có điều đến đời Tào Quận công sinh ra được mười người con trai, hiện nay chính là 10 Chi của Họ Ngô Trảo Nha khắp đất nước.

Dòng họ Ngô Trảo Nha từng sinh ra 18 đời Quận công, được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập “Kỷ lục Dòng họ 18 đời quận công”.

Đỉnh rú Nghèn cũng là nơi vua tôi nhà Lê Trung Hưng dừng chân trên con đường đi đánh Chiêm Thành và có giấc mơ về đất nước. Nơi đó, từng mọc lên Đền thiêng Linh Nha và Chùa Nghèn. Tiếc là, xứ Nghệ từng là nơi thí điểm cuộc “cách mạng” nên đền đài, chùa chiền từng bị đập hết. Một thời ấu trĩ, ngỡ không còn chùa chiền....nghĩa là đã có chủ nghĩa xã hội. Mấy năm trước bằng nguồn xã hội hóa, Đền Linh Nha đã được xây lại mới, trên nền đất đền cũ. Tháp Cửu diện, chín tầng, chín mặt cũng đã được khánh thành. Đêm đến, gần như cả huyện Can Lộc đều nhìn thấy ánh sáng thần diệu từ tháp Cửu diện.

Đất “địa linh nhân kiệt” nên mạch nước ngầm có khác. Bây giờ Nghèn đã lên phố, nước sạch đã được cung cấp đến tận từng hộ gia đình. Nhưng nước sôi dùng om chè, pha café, đồ xôi ngày lễ, tết...dân vẫn dùng nước giếng làng. Khi tôi lớn lên, đã thấy làng Nam Sơn có các giếng nổi tiếng như giếng Cửa Đạu, giếng Xiểng; làng Bắc Sơn có giếng Chạ, giếng Chùa. Một số giếng khác nước không ngon bằng. Làng Phúc Sơn, làng Hồng Vinh cách xa rú Nghèn chủ yếu dùng giếng đất đầu làng. Giếng làng trở thành nơi cung cấp nước sinh hoạt cho dân, phần vì mạch nước đặc biệt; phần vì, quê tôi vốn nghèo đói, không phải ai cũng có tiền đào giếng trong vườn nhà. Chưa nói đến, thời ấy, không có thiết bị thăm dò mạch nước, đào giếng trở thành may rủi, hên xui. Xin nhớ rằng, làng ôm núi, không như vùng đồng bằng, đào xuống vài thước đất đã có nước.

gieng-lang2-1621492521.jpgGiếng làng, một phần của hồn quê. Nguồn: Internet

Nổi tiếng nhất quê tôi, vẫn là hai giếng Cửa Đạu và giếng Chạ. Có thể nói, được xem như “báu vật” địa linh ban tặng người dân. Cũng chính vì sự quý giá ấy mà giếng Cựa Đạu, giếng Chạ được xây dựng khá kiên cố và vững chắc bằng chất liệu đá. Trong đó, từ đáy giếng lên đến thành giếng được xếp bằng đá ong, đá cuội,… tạo thế vững chắc cho thành giếng mà qua hàng trăm năm nay không bị sụt, lún. Đá ong còn góp phần lọc nước từ trong nguồn chảy ra, giúp nước trong, ngọt hơn. Giếng Cựa Đạu làng tôi được đào từ năm 1946, có nghĩa là sau Cách mạng tháng Tám thì khởi công. Giếng cũng đã qua một lần tôn tạo.

Khi tôi lớn lên, thấy vui nhất là buổi chiều, sau khi làm đồng về, cả làng ùa ra gánh nước. Thời cực khổ, nhà nào “sang” mới có đôi thùng bằng sắt tây. Chủ yếu là dùng ni lông trải lên thúng vẫn dùng đựng thóc gánh nước. Gầu múc nước, cũng nhà “sang” mới có gàu bằng sắt tây. Chủ yếu, gàu làm bằng mo cau, nối với sợi dây dài thả xuống giếng, chờ nước đầy thì kéo lên.

Giếng Cựa Đạu là nguồn nước sinh hoạt của nửa làng. Nửa làng phía sau dùng nước giếng Xiểng hoặc giếng Ôốc. Vậy nhưng chỉ mùa hè khốc liệt nhất, giếng Cửa Đạu mới cạn nước. Những mùa hè như thế, tầm 02h00 – 03h00 khi gà mới vỗ cánh le te đã có người đi gánh nước. Tôi đã từng vượt động nhà Hôống – một địa danh thuộc rú Nghèn quảy đôi quang vượt rú sang làng Bắc Sơn gánh nước giếng Chùa. Lúc le rú, gánh nước đầy, về đến nhà hai thùng nước trước và sau còn phân nửa. Vượt rú, thùng vấp vào đá bắn ra ngoài. Cơ cực vì nước, nhưng là một phần ký ức.

gieng-lang-1621492521.jpgGiếng Cửa Đạu quê tôi được đào từ năm 1946 là mạch thiêng Hồng Lĩnh
 

Tôi lớn lên, chưa kịp yêu gái làng thì đã xa làng. Nhưng những đêm trăng sáng, trai nhà này ới gái nhà bên đi gánh nước mà thành đôi lứa. Một thời khờ khạo của tình yêu. Tôi nhớ, câu chuyện của nhạc sỹ Thuận Yến được mời làm nhân vật của chương trình “Người Đương thời”. Khi MC hỏi: “Có phải trong ca khúc nào của ông cũng có một bóng hồng?”. Nhạc sỹ cười rất vui và trả lời: “Có thể có, nhưng tuổi chúng tôi, yêu đến tinh khiết. Chưa nắm tay nhau, chưa lời ước hẹn mà sao đã thấy như là của nhau. Không phải như bây giờ trai gái câu trước câu sau là chân tay làm liền”.

Tinh khiết đến khờ khạo. Tôi còn nhớ hai câu thơ của tác giả nào đó, nói về tình yêu sau lũy tre làng:

...

Gặp nhau gánh nước đầu làng

Đỏ mặt quay đi về nhà thấy tiếc

Tôi biết, nhiều anh chị lớn hơn tôi, nhờ gánh nước mà thành đôi lứa. Theo quan niệm dân gian, giếng nước quê tôi tượng trưng cho sự dồi dào, sung mãn, sức sống của dân làng. Nó như nguồn mạch của văn hóa dân gian, người dân còn gắn cho những chiếc giếng những câu truyện, truyền thuyết, huyền thoại mang tính nhân văn thể hiện nét văn hóa tâm linh của cả cộng đồng. Như mọi giếng làng của vùng quê khác, giếng làng Đại lộc xưa, thị trấn Nghèn ngày nay biểu trưng nguồn sống, là cầu nối giữa trời, đất và con người.

Có câu chuyện từ trong huyền sử chưa giải thích được là nhờ nước giếng Cựa Đạu, giếng Chạ...mà nam thanh, nữ tú đất Nghèn đều đẹp, học giỏi. Nghèn là vùng đất học. Xưa có Ngô Đức Kế, Ngô Xuân Diệu...; sau này có TSKH. Phan Xuân Dũng, GS. TS. Trần Đình Hòa. Năm 2020, chính Lê Ngọc Trang, 19 tuổi đến từ thị trấn Nghèn xuất sắc lọt vào top 5, phần thi Người đẹp Tài năng tại cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam. Con gái vùng đất khác về làm dâu quê tôi một thời gian da trắng ra, xinh hơn. Dẫu gió Lào khốc liệt, gái Nghèn vẫn “da em trắng quá nhìn không ra”.

Trải qua bao biến thiên lịch sử, cuộc sống quê tôi nhiều đổi thay, nhiều nhà đã dùng nước máy, đào được giếng riêng cho gia đình. Nhưng cũng không ít gia đình thả bơm xuống đáy giếng, thiết kế hệ thống đường dẫn về dùng. Nước giếng Chạ, giếng Cựa Đạu vẫn được dùng nấu rượu Nghèn, dùng cho những nghi lễ sang trọng, thành kính. Quan trọng hơn,  giếng làng Nam Sơn, Bắc Sơn quê tôi, với dòng nước trong vắt, không bao giờ vơi cạn vẫn là mạch nguồn thiêng liêng của xứ sở này.

Hà Tĩnh, ngày 20/5/2021- NĐH

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Giếng làng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn