Hội nghị Bình Than (đời Trần) họp trên sông hay ở đâu?

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục

13/08/2021 11:26

Theo dõi trên

Tôi xin nghỉ hưu trước 30 tháng. Khoảng đầu xuân năm 2007, tôi về thôn Kênh Vàng, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh ở tạm trong gian nhà nhỏ mới được dựng lên bên bờ sông Thái Bình, cách thành phố Hải Dương chừng 11 cây số..

Một mình ở trong gian nhà định dùng làm văn phòng trạm chế biến than, do anh cả thuê, khởi nghiệp. Đúng vào mùa mưa nồm ẩm ướt. Chiếc chiếu mốc xanh cả lên. Tôi phải dùng khăn lau chỗ mốc, đủ để đặt cái lưng mình xuống, nằm ngủ. Cả tháng trời mưa nồm như thế. Nhưng mà đời lính quen khổ rồi, vẫn không lấy làm buồn.

bl1b-1628828574.jpg
Vũ Bình Lục trước khi nhận QĐ nghỉ hưu

 

Tôi ở Kênh Vàng hơn một năm, làm nhà mới cũng mất toi cả năm. Tuy nhiên, cũng có nhiều khi tôi đi xe máy lượn lờ xem xét trong vùng. Do vậy, mới biết nơi đây dày đặc di tích lịch sử. Đi về Hải Dương theo con đê Đại Hà, chỉ khoảng 11 km. Trong cái quãng ngắn ấy, bên chân đê có làng Lai Hạ, quê ông Hàn Thuyên (Nguyễn Thuyên), tác giả bài phú Nôm đuổi cá sấu ở đời Trần. Đi tẹo nữa, đến Văn Giang, có đền thờ đại danh y Tuệ Tĩnh. Từ Kênh vàng, ngược đê lên phía bắc một tẹo, có ngôi chùa Hồng Ân (HỒNG ÂN TỰ) ngay sát chân đê. Lên tẹo nữa, có làng quê và đền thơ Trạng nguyên Lý Đạo Tái, tức Huyền Quang, tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Rồi ngay đó là làng Đại Than, quê tướng quân Cao Lỗ. Trong đê sông Đuống một tẹo nữa là thôn Đại Lai, nơi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, cả ba họ Nguyễn Trãi rơi đầu. Gần ngay đó là làng Đông Cửu, quê hương của Thái sư Lê Văn Thịnh đời vua Lý Nhân Tông....Tất cả đều nằm trong địa danh huyện Gia Bình của tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Bên kia sông là Vạn Kiếp, đại bản doanh của Hưng Đạo Đai Vương Trần Quốc Tuấn, cách Côn Sơn Chí Linh chẳng bao xa. Ôi chao! Một vùng Lục Đầu Giang (Sáu con sông chầu về) sẩm uất di tích lịch sử và danh lam thắng tích, tuyệt vời...

bl1c-1628828653.jpg
bl3d-1628828539.jpg
Bia chùa Hồng Ân ở Gia Bình, tỉnh Bác Ninh.

 

Sống ở vùng địa linh nhân kiệt, nếu không hiểu biết về lịch sử, thì nó cũng "vô cảm" vậy thôi. Trong lòng đã có đôi chút kiến thức sách vở, lại được trực tiếp ngắm nghía và nghĩ suy, mới thấy lòng ấm lên bao nỗi niềm khó tả. Đất dưới chân mình đang phập phồng như có hồn vía sống động vô cùng...

Trước đây, tôi cứ nghĩ rằng cuộc họp với các vị bô lão diễn ra trên sông, gọi là HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG. Vua Trần và các quan đều ở trên những con thuyền lớn đậu san sát. Hội nghị Bình Than chắc cũng vậy. Nhưng tôi đã nhầm. Đến khi giải mã thơ của Nguyễn Thiên Tích đời Hậu Lê, mới biết HỘI NGHI BÌNH THAN họp ở chùa HỒNG ÂN. Tôi mấy lần đi qua đây, nhìn thấy chữ HỒNG ÂN TỰ, mà không vào được, vì ngày thường chùa đóng cửa. Sau mới hay rằng, tại chùa Hồng Ân này đây, đã từng diễn ra một hội nghị cực kỳ quan trọng, vạch kế hoạch chiến lược đánh giặc Nguyên Mông. Trân trọng giới thiệu bài thơ của Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tích, người từng phải giữ trọng trách Phán quan (Thẩm phán) trong vụ án xử "tội" đại công thần khai quốc Nguyễn Trãi ở thời Hậu Lê.

LÊN CHÙA HỒNG ÂN

Mấy năm nay lưu lạc ở chốn trần ai,

Nay đến rừng Thiền mới thấy phong cảnh đẹp dần.

Lúa nếp nơi cao nơi thấp. Ấy là thế giới mùa thu,

Màu sắc chốn đỏ chốn xanh, đây là lâu đài nhà Phật.

Gần nhìn về miền tang tử, xúc động mối tình cảm âm u,

Xa trông ra cuộc gió mây, khêu gợi lòng hoài bão hùng tráng.

Dựa khắp lan can thành ra đứng lâu,

Xa xa dưới đám mây năm sắc là cõi Bồng Lai.

Dịch thơ:

Đã lâu lạc chốn bụi trần,

Rừng Thiền nay đến, muôn phần đẹp tươi.

Thu về, lúa nếp vàng phơi,

Đỏ xanh chen chúc, ấy nơi Phật đài.

Gần tang tử, sinh cảm hoài,

Xa trông mây gió, chí trai tráng hùng.

Tựa lan can đứng mãi trông,

Dưới mây năm sắc phập phồng cảnh Tiên.

(VŨ BÌNH LỤC dịch)

Chùa Hồng Ân (HỒNG ÂN TỰ) là một ngôi chùa cổ, còn gọi là chùa Bình Than, thuộc làng Bình Than, xã Đại Than, tổng Vạn Ty, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Đây cũng là quê hương của Cao Lỗ Vương, đại công thần khai quốc thời An Dương Vương - Thục Phán trị vì. Nơi đây, hiện còn khu lăng mộ tướng quân Cao Lỗ, người chế tạo “Nỏ Thần”, giúp Thục Phán xây thành ốc Cổ Loa, cũng đã bị An Dương Vương vì nghe lời dèm pha của kẻ xấu mà bức hại, cùng với một số danh thần danh tướng khác như Nồi Hầu, Đinh Toán, những tướng lĩnh trụ cột của triều đình nước Âu Lạc. Đây cũng chính là quê hương của Lý Đạo Tái. Lý Đạo Tái đỗ Trạng nguyên ở đời Trần, làm quan một hời gian ngắn, rồi theo vua Trần Nhân Tông đi tu hành, pháp danh là Huyền Quang, Tổ thứ ba của Thiền phái TRÚC LÂM YÊN TỬ. Chùa Hồng Ân nằm ngay phía trong con đê lớn, ngay bên sông Thái Bình. Đây cũng là chỗ sáu con sông chầu về, chính là LỤC ĐẦU GIANG lịch sử.

Vào đời Trần, năm 1282, nơi đây chính là địa điểm diễn ra hội nghị các quan văn võ Vương Hầu quý tộc nhà Trần, bàn kế sách chống giặc Nguyên Mông. Đấy chính là hội nghị Bình Than. Nguyễn Thiên Tích cũng quê Bắc Ninh. Tác giả ghé thăm chùa Hồng Ân trong tâm trạng buồn vui khó nói. Ông bảo rằng:

Mấy năm nay lưu lạc ở chốn trần ai,

Nay đến rừng Thiền mới thấy phong cảnh đẹp dần.

(Kỷ niên tông tích lạc trần ai / Kim đáo Thiền lâm cảnh tiệm giai).

Cảnh đẹp hiện dần lên (cảnh tiệm giai). Đấy là diễn biến tâm trạng hợp lý. Bấy lâu lưu lạc đó đây, có thể là thời điểm Nguyễn Thiên Tích bị vu oan, bị cách chức, nên ông buồn chán. Chỉ khi đến HỒNG ÂN TỰ, được thấy quang cảnh rừng Thiền, mới khiến tâm trạng thi nhân vui vẻ dần lên, mới thấy quang cảnh đẹp dần lên. Kia như:

Lúa nếp nơi cao nơi thấp, ấy là thế giới mùa thu,

Màu sắc nơi đỏ nơi xanh, đây là lâu đài nhà Phật.

Thế giới hiện dần lên trong hương sắc của đồng quê lúa nếp vàng thơm, hòa chung với màu sắc xanh đỏ tím vàng của nhà Phật, dường như nó đã xua đi nỗi buồn dai dẳng kìm nén trong lòng thi nhân. Và chính ở nơi đây:

Gần thì nhìn về miền tang tử, xúc động mối tình cảm âm u,

Xa trông ra cuộc gió mây, khơi gợi lòng hoài bão hùng tráng.

Miền “tang tử”, chính là biểu tượng của quê nhà. “Tang” và “tử” khởi thủy là hai thứ cây người xưa thường trồng trong vườn nhà, mong để lại cho con cháu mai sau. Thơ Liễu Tông Nguyên bên Tàu có câu: “Chim làng việc gì cũng tới đây / Khơi gợi lòng ta nhớ quê hương”. Còn như “cuộc gió mây” tác giả nói đây là cái cuộc gì vậy ? Chẳng phải là cuộc chiến tranh chống giặc Nguyên Mông rất đỗi oai hùng ở đời nhà Trần trước đó mấy trăm năm đấy sao? Chẳng phải là ở chính cái ngôi chùa Hồng Ân (HỒNG ÂN TỰ) này, đã từng diễn ra một sự kiện chính trị rất lớn đấy ư? Tại đây, chẳng phải là vua quan quý tộc nhà Trần đã cùng nhau bàn kế sách, hoạch định chiến lược đánh bại giặc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ đấy sao? Chính điều ấy, đã gợi lên, đã khơi lên trong lòng thi nhân những cảm xúc hùng tráng về quá khứ oai hùng của cha ông thủa trước. Trước cảnh nhớ người, thi nhận bồi hồi xiết bao nỗi niềm trăn trở, nên ông viết:

Dựa khắp lan can thành ra đứng lâu,

Xa xa dưới đám mây năm sắc là cõi Bồng Lai…

Đấy cũng chỉ là ao ước, trong hoàn cảnh một ông quan bị kẻ xấu vu cáo oan ức, đến nỗi, tấm thân phiêu bạt khắp trời.

Cảnh và tình vấn vương một nỗi buồn thăm thẳm.

Bạn đang đọc bài viết "Hội nghị Bình Than (đời Trần) họp trên sông hay ở đâu?" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn