Kể chuyện cổ tích làng

Trịnh Quang Cảnh

12/10/2021 17:22

Theo dõi trên

Thật là, ngày xưa nghèo quá, tôi còn nghe rất nhiều món ăn cổ tích làng nữa. Nay đời sống làng tôi đổi khác hoàn toàn, nhà cao cửa rộng, đường xá khang trang. Có những lúc thấy cuộc sống còn nhiều bế tắc, nghĩ đến ngày xưa của ông bà lại có thêm động lực để vươn lên.

lang-que-1634034039.jpg
 

Con người ta sống ở đời trải qua biết bao nhiêu thăng trầm, để rồi khi được hưởng thụ một chút sung sướng thôi, thì luôn hồi nhớ về những ký ức xa xưa. Bà tôi và mẹ tôi là hai trong những điển hình của những con người như vậy. Hai người luôn nuối tiếc về những giá trị tốt đẹp xưa bị mai một, nhưng cũng than thở không ít về những ngày xưa cơ hàn. Khi tôi nhận thức được thế giới xung quanh thì cuộc sống vừa trải qua thời bao cấp nên những câu chuyện của bà, của mẹ đã trở thành những câu chuyện cổ tích mà thôi. Chính vì vậy, mỗi khi nghe kể về những ngày xưa ấy, chúng tôi đều "tôn vinh" bà và mẹ là những người kể chuyện cổ tích làng.

Bây giờ cuộc sống thế hệ chúng tôi không còn phải lo lắng về cái ăn, cái mặc nữa. Đa số chúng tôi đều có việc làm ổn định, không công chức thì công nhân, không thì chí ít cũng có thể buôn bán online... chủ yếu quan tâm ăn ngon, mặc đẹp, hưởng thụ đời sống tinh thần là chính. Tôi cũng ít khi nhắc con cái mình về ngày xưa. Cũng có lần thấy bạn tôi răn con quý trọng cơm thịt, kể lể ngày xưa bố mẹ phải ăn ngô, ăn khoai, ăn sắn...rất khổ. Nào ngờ con bé lại đòi, nó bảo, ngày xưa sướng, nó thích ăn khoai sắn hơn, ăn cơm chán lắm. Quả thật, những món ngày xưa không nuốt nổi, nay lại trở thành đặc sản. Bọn trẻ liệu có bao giờ thấu hiểu được cái khổ của tiền nhân.

Làng tôi xưa là làng bần nông. Không như nhiều làng khác có thêm nghề phụ. Người làng tôi chỉ quanh năm làm bạn với lúa, ngô, khoai trên cánh đồng sâu nước. Ngày ấy thủy lợi cũng chưa được đầu tư nên hầu hết dân làng đều nghèo khó. Hồi nhỏ, mỗi khi ăn bát cơm trắng với muối lạc, cá kho hoặc đậu phụ trùng nước sôi...kiểu gì bà nội hay mẹ tôi đều kể lể chuyện ngày xưa đói khổ. Đặc biệt khi ăn cơm để rơi vãi ra chiếu hay em tôi ăn bỏ mứa, hai người ấy lại "dân ca và nhạc cổ truyền" nào là ngọc thực, nào là mồ hôi, nào là ngày xưa, nào là hồi ấy...

Ngày xưa lúa ngô không năng suất, nhà lại đông con nên đói lắm. Mẹ rơm rớm nhớ đến những "ngày ba tháng tám". Trong kí ức tôi, ngày ba tháng tám là những ngày hết gạo, trong bồ thóc đã trống trơn lúa. Lúc đó, kiểu gì cũng cắp rá đi vay gạo. Làng tôi ai cũng sợ cái cảnh ngày đói ấy. Mẹ kể nhà ai có ngô khoai ăn là sướng chứ khổ nhất là ăn sắn gạc nai. Sắn gạc nai là loại sắn người ta mua từ miền núi, người dân tộc gác bếp, khói hun vàng, khô cứng, ăn rất khó nuốt. Nghe mấy chú ở làng kể, ăn muốn mòn cả răng. Thế nên ngay từ đầu mùa, cả làng thái khoai, phơi ngô để ăn độn với cơm, mà thông thường cơm độn chủ yếu chỉ có khoai ngô thôi. Tôi vẫn còn mang máng nhớ món cơm ngô nâm. Ngô khô nâm cả buổi, ấy vậy mà lúc ăn phải trợn mắt lên mới nuốt nổi.

Bà tôi kể, ăn cơm độn còn sướng. Xưa cả làng đều thả rau muống ra mau (cái hồ, được ngăn dòng từ sông Mạn Định cũ). Nhà nhà đều phải cắt về, cả gốc cả ngọn đem thái nhỏ phơi khô rồi đem cất vào trong các chum sành. Hằng ngày khi "nấu cơm", độn gốc rau muống nấu với cơm (chủ yếu khoai, ngô) ăn qua ngày. Mới nghĩ đến tôi đã thấy ớn, cảm giác cuộc sống của mình thật sung sướng. Tôi chả biết sẽ nuốt món ấy ra sao. Ấy vậy mà bà còn cười khen, bà bảo, ăn món ấy bùi như đậu tằm ấy (đậu xanh).

Mẹ tôi ca ngợi xưa đồng làng nhiều cá và tôm tép, ốc ếch thì đầy. Chúng tôi đều bảo ngày xưa sướng. Mẹ bảo, ngày ấy nhà ai cũng ra đồng kéo lưới, kéo vó, kéo te, đánh dặm... Cá tôm nhiều đến nỗi phải đem đi muối thành mắm, đem phơi khô để ăn dần. Quanh năm ngày tháng ăn phát chán. Nhưng cũng có đợt hạn hán chả có cho mà ăn, cả làng đều đói. Tôi nhớ ngày nhỏ giã muối vừng làm thức ăn, múc muối vừng ra rồi, tiếc cái "đấu" còn sót lại nên bà bảo bỏ bát cơm vào để trộn lấy cái "đấu" ấy. Bà tôi bảo, xưa không sướng như nay đâu, mất mùa thường xuyên. Bà vẫn nhớ hình ảnh ông tôi ngày còn trẻ giã món muối giềng (muối với củ giềng rang khô) để làm thức ăn. Rồi bà rơm rớm nước mắt thương ông vội ra đi, chẳng kịp được hưởng ngày sung sướng.

Bà kể xưa bà thích món gỏi của ông làm nhất. Ông tôi làm món gỏi ngon nhất làng. Tôi tưởng tượng đến món gỏi cá nhệch, cá vược ở nhà bạn tôi ở Nga Sơn, ăn rất ngon. Bà bảo xưa cá dưới ao rất sẵn, anh em nhà đến chơi là đem lưới, đem vó ra kéo, tí là được cả chậu, không phải đi chợ như bây giờ, chỉ là ngày xưa cá nhỏ, chủ yếu là cá mè. Tôi nghĩ đến gỏi cá mè mà ái ngại. Nội bảo, xưa thì có cá mè ranh là sướng rồi. Ông làm đãi anh em trong nhà, mà có ai câu nệ. Ngày trước, anh em hay đến nhà nhau chơi, giúp nhau đóng hàng rào, lợp lại mái tranh hay gặt lúa, đào khoai giúp... Các ông lại uống với nhau vài chén với gỏi cá mè, giấm cá mè, sau làm bát cơm với cá mè kho. Ấy vậy mà rất gần gũi, rất vui.

Thật là, ngày xưa nghèo quá, tôi còn nghe rất nhiều món ăn cổ tích làng nữa. Nay đời sống làng tôi đổi khác hoàn toàn, nhà cao cửa rộng, đường xá khang trang. Có những lúc thấy cuộc sống còn nhiều bế tắc, nghĩ đến ngày xưa của ông bà lại có thêm động lực để vươn lên. Rồi tôi cũng sẽ kể những khốn khó của tôi cho con cháu, nhưng những câu chuyện của bà, của mẹ mà kể cho thế hệ sau chắc chúng cũng chả tưởng tượng ra được đâu. Những câu chuyện ấy cũng là một phần trong cổ tích làng tôi.

Bạn đang đọc bài viết "Kể chuyện cổ tích làng" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn