Làng ven sông

CCB Lê Kiên Thành

31/08/2022 08:41

Theo dõi trên

Xin thắp một nén hương và nghiêng mình trước linh hồn những người bạn học thời sơ tán ở xã T.M mà năm nay kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 50 của họ.

dvh2fg-1661909973.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp.

 

1. Đó là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh con sông Đà lúc nào cũng thẫm phù sa và sát ngay chân núi Ba vì lừng lững. Về phong thuỷ thế là đắc địa lắm, nhưng không hiểu sao những người dân ở đây sống vẫn chật vật. Có đất trồng lúa, ngô, khoai và cả thuốc lá nữa, củi thì lên rừng kiếm, nhưng cả làng chỉ có một vài căn nhà gạch, còn lại vẫn là nhà tranh vách đất, mùa đông thì rét thấu xương, mùa hè thì nóng như thiêu như đốt. Có lẽ thứ phong thuỷ ấy chỉ cho người làng cái tốt bụng vô cùng và con gái thì xinh nức tiếng cả vùng. Khi chiến tranh lên đỉnh điểm, ngoài đám choai choai và đám học sinh sơ tán thì chẳng có lấy một mống đàn ông gọi là, tất cả phải qua tay đám đàn bà con gái và các phụ lão trong làng hết: từ việc đồng áng, làm thuỷ lợi đến dân quân, đắp đường…tất tần tật. Trên bờ tường nhà kho của hợp tác xã khẩu hiệu “TẤT CẢ VÌ MIỀN NAM RUỘT THỊT! TẤT CẢ ĐỂ ĐÁNH THẮNG GIẶC MỸ XÂM LƯỢC!” được sơn lâu ngày đã sứt sẹo, chữ còn, chữ mất nhưng cái sân phơi thóc cạnh đấy lại là nơi trang trọng nhất để dân làng tụ hợp mỗi khi có việc. Ông Thời, chủ tịch xã kiêm chủ nhiệm hợp tác xã Thuận Mỹ lần nào phát biểu trước các xã viên đều nói rất dõng dạc:

- Tình hình rất khó khăn, nhưng tôi xin nói, ở trong kia, chiến trường cần chúng ta, con cháu và người thân của chúng mình cần chúng ta, vậy nên, tôi và bà con hãy cố hết sức để “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Khi nghe ở dưới xì xào: “Có còn mống nào đâu mà quân với dân…’’ thì ông đỏ mặt:

- Thì chăm nom mấy đứa còn ở nhà cho nhớn nhanh vào để chúng nó kịp đi chiến đấu với anh, với cha, chú chúng nó. Nhà tôi đây, có một mình thằng Thái là đích tôn duy nhất cả họ đấy, rồi tôi vẫn sẽ cho nó nhập ngũ để làm gương, các ông các bà tin đi!

Ông Thời nói thế cũng bằng thừa, cả làng chẳng ai nghi ngờ điều đó. Bố ông tham gia hoạt động cách mạng bị Pháp xử tử. Năm 18 tuổi ông đã là lính xung kích ở chiến dịch Biên Giới, bị thương khắp người và bị mất một mắt nên được cho giải ngũ về làng chứ không bây giờ ông đã là cán bộ cấp cao trong quân đội rồi, ai cũng bảo thế. Và tinh thần đánh giặc cứ sôi sùng sục trong làng một phần lớn cũng có lẽ vì người đàn ông can trường này.

* * *

Từ rất lâu rồi, không hiểu sao những người con gái đẹp nhất làng Thuận Mỹ đều đi lấy chồng xa, đó là điều đau khổ của trai làng. Lúc mới lớn, nghe mọi người kể những câu chuyện như vậy, với bản tính của mình, anh Thời, người con trai vạm vỡ, giỏi giang, siêng năng thầm hẹn với lòng: “Sẽ không có chuyện như thế nữa đâu”, và anh ngắm ngay cô bé Ngà, người cùng xóm, ai cũng bảo là đẹp nhất làng, cùng lớn lên với anh, cùng đùa nghịch và cùng bơi lội trên dòng sông Đà thắm màu phù sa ấy. Thế mà như trớ trêu của số phận, cô Ngà đã phải lòng anh cán bộ cấp trên cử về làm công tác thanh niên rồi họ cưới nhau. Thời giận lắm, xung phong đi bộ đội ngay sau đám cưới ấy, xông vào các trận đánh nảy lửa và khốc liệt với niềm đau xót vô bờ bến. Khi trở về với 70% thương tật, anh lấy cô Ngót, bạn thân của Ngà, cũng đẹp không kém, chỉ tội hát không hay bằng, và bây giờ là mẹ thằng Thái, đứa con duy nhất. Còn Ngà cũng chỉ sinh được một con gái, đặt tên là Lệ, một thời gian sau thì chồng chết vì bệnh và cứ ở vậy nuôi con, thờ chồng. Hai nhà chỉ cách nhau vài căn trong xóm nên lũ trẻ chơi thân với nhau, còn người lớn cứ lành lạnh, xa cách thế nào ấy.

***

Lệ thừa hưởng những nét đẹp của mẹ và cả những thứ mà tất cả con gái đẹp ở làng Thuận Mỹ có và không có. Từ nhỏ đã theo mẹ ra đồng nhưng da vẫn trắng mịn, nắng chỉ làm đôi má hồng lên, làn tóc đen thêm đen và nụ cười thêm tươi rói. Có điều lạ nhất, mặc dù lao động vất vả nhưng hai bàn tay Lệ đẹp như của các tiểu thư đài các ở thị thành với những ngón dài và thon như búp măng vậy. Lệ ngoan ngoãn, lễ phép, hay giúp đỡ mọi người nên người lớn trong làng nói với nhau: “Sau này nhà ai có con dâu như con Lệ thì là đại phúc”. Lệ được tất cả trẻ con trong làng yêu quý nhưng quý nhất có lẽ là Thái con ông Thời và bạn thân của Thái là thằng Quỳnh con nhà ông giáo Quân dạy cấp 1 trong làng. Nói không ngoa, Thái và Quỳnh từ hình dáng đến tính cách trái ngược nhau hoàn toàn nhưng lại hợp nhau trọn vẹn như hai vế của một câu đối hoàn chỉnh. Nếu Thái cao lớn, học giỏi Văn, hát hay và có cú sút chân trái bóng bay căng và thẳng như kẻ chỉ thì Quỳnh người nhỏ nhắn thư sinh, là học sinh giỏi Toán cấp huyện, vẽ được chân dung người đối diện trong ba phút và có những đường chuyền bóng mềm như lụa để Thái ghi bàn mà được bạn bè và thầy cô nhắc mãi. Và cả hai đều có một nỗi niềm chung mà chưa bao giờ nói ra với nhau nhưng cả hai đều biết, đó là Lệ. Cô bé Lệ là cái gì đó vô cùng gần gũi, thân thương nhưng cũng là cái gì đó thiêng liêng, cao quý, ban ngày là bạn bè để vui đùa đủ kiểu nhưng về đêm lại có thể để hai đứa tâm sự mọi điều sâu lắng nhất, trong giấc mơ! Thời gian cứ trôi đi, những đứa trẻ trong làng lớn lên trong bình yên, trong khó khăn và cả trong đau đớn. Thi thoảng lại có gia đình trong làng nhận được giấy báo tử thế là cả tuần, có khi cả tháng, về đêm, những tiếng khóc não nề cứ thoảng đến từng nhà, cấu xé và dày vò tấm lòng người Thuận Mỹ mà từ lâu đã rách nát vì mọi điều. Đã thế, mỗi khi có đơn vị bộ đội về đóng quân năm bữa nửa tháng, sau những buổi giao lưu với chi đoàn thanh niên xã mà đa phần là thanh nữ, là một, hai, thậm chí ba cô xinh nhất hoặc xin cưới, hoặc có bầu và phải bỏ làng đi nơi khác. Biết làm sao được khi những thân thể mơn mởn tràn đầy nhựa sống nhưng xung quanh lại không một bóng trai tráng. Còn những chú bộ đội trẻ thì vui tính, phóng khoáng và yêu đời với suy nghĩ: “chắc gì đã còn sống…’’. Nên họ đến với nhau với cả sự chân thành, nồng nàn và cả sự vội vã. Còn đảng uỷ xã thì tức giận ra quyết định: “Sẽ quét vôi trắng cổng gia đình nào không biết dạy con cho xấu hổ với dòng họ, làng xã”.

Đêm chia tay với Thái, Quỳnh và bốn thanh niên nữa lên đường nhập ngũ ở chi đoàn thanh niên Thuận Mỹ thật đơn sơ nhưng cũng vô cùng cảm động. Các chàng trai được tặng những chiếc khăn tay có thêu đôi chim bồ câu rất đẹp, mọi người ghi lưu bút cho nhau vào sổ tay những nhắn gửi mộc mạc nhưng chân thành vô cùng. Lệ, bí thư chi đoàn nói ngắn gọn: “Các bạn là niềm tự hào của chúng tôi và của cả làng, hãy sống và chiến đấu cho xứng đáng và nhất định phải trở về nhé, tôi, các bạn ở đây và gia đình sẽ chờ đón”. Rồi cô hát tặng những người ra đi bài “Hà Tây quê lụa”:

“Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh

Trời đất Hà Tây tay em dệt lụa

Sữa trắng Ba Vì thóc vàng khu Cháy

Hồn thơ Nguyễn Trãi dệt thành vần

Sông Tích sông Đà giăng lụa mênh mông…

…Hà Tây cửa ngõ Thủ đô

Áo giáp chở che ngàn năm bền vững

Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời

Hà Tây vọng gác Thủ đô

Cô gái Suối Hai chàng trai Cầu Giẽ

Giữ lấy màu xanh biếc cho tấm lụa thanh thiên…”

Bài hát này Lệ đã hát nhiều trong các buổi sinh hoạt nhưng hôm nay các chàng trai cứ ngây ngất như được nghe lần đầu vậy. Gió từ sông Đà thổi vào mát rượi. Các cô gái len lén lau đi những giọt nước mắt và cùng nghĩ: “Mong cho các bạn chân cứng đá mềm, tránh được hòn tên mũi đạn”.

Lúc này là mùa hè năm 1971. Những chàng trai của làng Thuận Mỹ mới vừa chớm 17 tuổi.

***

Sau ba tháng huấn luyện, với thành tích xuất sắc khi bắn đạn thật đạt 30 điểm/3 viên, Thái và Quỳnh cùng được phân về đại đội trinh sát của sư đoàn 308 lừng danh. Trước khi hành quân vào chiến trường đơn vị được nghỉ ngơi, học chính trị. Lúc này nỗi nhớ quê nhà mới có dịp trào lên cồn cào trong lòng hai chàng trai. Nằm đu đưa trên võng Quỳnh nói:

- Bây giờ được ngồi trên bờ sông Đà mà ngắm chim trời bay về thì sướng nhỉ.

Thái trầm ngâm:

- Ừ. Rồi bẻ bắp non nướng. Rồi nghe Lệ hát.

Cả hai đều im lặng hồi lâu khi nhắc đến cái tên thân thương ấy.

Lát sau Quỳnh nói nhỏ:

- Này, chúng mình đừng viết thư về nhà, điềm xấu đấy.

Thái rướn mắt nhìn ngạc nhiên, chưa kịp hỏi thì Quỳnh tiếp:

- Tại lúc ở nhà, thấy nhà nào cứ vui mừng đọc thư con gửi về là một thời gian sau nhận giấy báo tử, thật đấy.

Thái “À“ lên một tiếng, chẳng biết là đồng ý hay không. Ở bên kia Quỳnh huýt sáo khe khẽ bài “Hà Tây quê lụa” nghe hay đáo để.

Trước ngày hành quân vào Nam, Quỳnh tình cờ gặp anh cán bộ tiểu đoàn cùng quê mới về phép mấy ngày báo một tin sét đánh: “Cái Lệ có chửa rồi! Chúng mày vừa nhập ngũ thì có đơn vị bộ đội đến đóng quân ở làng. Ba tháng sau thì cả làng biết là nó chửa hoang. Thế mà mọi người cứ kháo nhau nó ngoan lắm, hiền lắm, rõ chán cho cái làng mình!”. Quỳnh quay đi mà nước mắt chực chảy vì đau đớn và uất hận. Tại sao lại như thế hả Lệ, chúng mình, cả mình và Thái, đã nghĩ Lệ sẽ là điều gì thiêng liêng nhất, thân thương nhất để giúp bọn mình vượt qua mọi khó khăn, vượt qua chính cái chết đang chờ đón, thế mà, Quỳnh thổn thức. Nó quyết định không nói cho Thái biết, chỉ mình nó đau khổ là đủ. Phía trước còn cả một chặng đương dài, còn cả một thời kỳ mà không ai trong chúng nó lường hết được sự gian nan và khốc liệt.

***

Lệ lầm lũi đi trong làng. Những ánh mắt khinh bỉ, những cái nhổ nước bọt chẳng làm cô nao núng. Lệ nói với bà Ngà:

- Con chẳng việc gì phải bỏ làng đi đâu hết. U già rồi con ở đây nuôi u và nuôi con của con, cháu của u. Bố đứa bé hết chiến tranh lại về với hai mẹ con thôi, con tin chắc như vậy, u à.

Người mẹ già nước mắt lưng tròng, run rẩy cắm nén hương lên bàn thờ khấn chồng:

- Ông ơi, ông sống khôn, chết thiêng, phù hộ cho mẹ con tôi vượt qua khó khăn này, phù hộ cho cháu ông sinh ra khoẻ mạnh, có được không ông?

Ông Thời gọi Lệ lên uỷ ban, sau khi đi đi lại lại trong căn phòng trống hơ trống hoác chẳng có gì ngoài một chiếc bàn và hai cái ghế không biết từ thời nào, nói dằn giọng:

- Tôi thật không ngờ. Đảng uỷ và cấp trên đã tin tưởng cô giao cho cô bao nhiêu trọng trách, chúng tôi còn có kế hoạch kết nạp cô vào đảng, tạo nguồn cán bộ kế cận, thế mà…!

Lệ chỉ ngồi yên, tay vê vê gấu áo, mắt nhìn xuống đất.

Ông Thời giật mình, chợt như thấy Ngà còn trẻ thủa nào ngồi trước mặt, một niềm thương yêu và nỗi uất hận lại trào dâng trong lòng:

- Cô không phải là người đầu tiên đổ đốn nhưng tôi hứa, cô sẽ là người cuối cùng, người cuối cùng, cô hiểu không?

Lệ bị cách chức Bí thư chi đoàn, bị khai trừ khỏi đoàn, bị phân công làm những việc nặng nhọc nhất mặc dù cô đang bụng mang dạ chửa. Cô cắn răng chịu hết. Khi tổ chức bắt khai ra bố đứa bé trong bụng để báo cho đơn vị, cô chỉ nói: “Anh ấy là bộ đội, đang đi đánh giặc ạ”. Hôm đi làm đồng về, thấy cổng nhà bị quét vôi trắng, cô lẳng lặng hái chùm hoa dâm bụt đỏ thắm gài lên đó và mỉm cười xoa xoa cái bụng khi nghe mấy bà cạnh nhà nói: “Đồ lăng loàn!”.

Các cô gái trẻ trong chi đoàn thì tin chắc đứa bé là con của anh Hùng, người Hà nội, đẹp trai và có giọng hát trong và khoẻ như nghệ sĩ Quốc Hương. Anh Hùng đã có vài năm ở chiến trường, ra Bắc nhận quân bổ sung cho đơn vị. Hôm giao lưu với chi đoàn xã, anh Hùng và Lệ đã song ca bài “Chiếc gậy Trường Sơn” và cả buổi ánh mắt không rời Lệ dù chỉ một phút. Biết vậy, nên các cô gái không những không phê phán bí thư mà còn thầm tiếc nuối: “Sao không là mình nhỉ…”

(còn nữa)

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Làng ven sông" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn