Một lần gặp ma!

Kim le

14/12/2021 08:53

Theo dõi trên

Trong thời gian chiến tranh phá hoại 1967 , tôi thực tập ở nhà máy Đại tu ô tô sơ tán bên Keo Sủi Gia Lâm. Cứ đến chiều thứ 7 hàng tuần, anh em ở Hà Nội lại lục tục trở về với gia đình. Thời đó có câu " Cắt cơm , bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ " là vì vậy .

 

lan-dau-gap-ma-1639446148.jpg
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp.

 

Tôi và anh bạn Hải, biệt danh Hải " phễu ", đèo nhau trên chiếc xe đạp Thống Nhất nam cà tàng trở về Hà Nội.

Khi quá Phú Thị khoảng hơn cây thì Hải "phễu " đập đập vào tay tôi, nói " bò lạc mày ơi ". Phía trước , cách 50 m là một cô gái mặc áo sẫm màu . đội nón trắng, dáng dong dỏng , tay xách cái giỏ. Khi chúng tôi đến gần, Hải "phễu" lên tiếng : Chào ami thân yêu ! đi đâu mà muộn thế em ? Cô gái khẽ giật mình, nghiêng đầu nhìn chúng tôi qua vành nón, không trả lời . Cô gái có khuôn mặt rất thánh thiện, nước da trắng, có một nốt ruồi bên khóe miệng . Tôi xuýt xoa : Trông te quá mày ạ ! Hải xuống xe, hai chúng tôi đi song song với cô gái , buông lời tán tỉnh . Hồi đấy, chúng tôi là những chàng trai chưa vợ , trông thấy gái xinh thì tán tỉnh là chuyện bình thường. Hai thằng tranh nhau luyên thuyên những câu không đầu không cuối . Cô gái chỉ khẽ nhếch mép cười, không hề lên tiếng . Đi được một quãng, cô gái rẽ vào một con đường nhỏ .

Lúc đó trời đã sâm sẩm . Hai thằng dừng lại , nhìn nhau . Rồi như có một lực hút vô hình cuốn hai đứa đi theo cô gái . Cô gái đi khá nhanh, chỉ còn nhìn thấy chiếc nón trắng lấp lóa dưới ánh trăng suông. Hải "phễu" gò lưng đạp, đường đất lổn nhổn sống trâu. Chiếc nón trắng như vẫy gọi, đi khoảng 100m , bỗng chiếc xe của chúng tôi đâm sầm vào một hàng rào gỗ chắn ngang, cả hai đứa ngã dúi dụi . Chúng tôi lổm ngổm ngồi dậy , nhìn xung quanh thì không thấy cô gái đâu nữa, trước mắt chúng tôi...Trời Đất quỷ thần ơi...là một cây thánh giá to, xung quanh là những ngôi mộ vói những cây thánh giá nhỏ . Xa xa phía trong có ánh đèn lấp lóa như ma trơi và tiếng thì thào như mời gọi . Hai thằng mặt tái mét, thở hổn hển, không nói không rằng dắt xe quay lại. Chiếc xe như có người đằng sau kéo lại, không thể đi nổi nữa....

Thì ra chiếc xe bị sang vành bánh sau . Tôi và Hải "phễu" thay phiên nhau vác xe . Khi ra đến đường cái đi khoảng 100m thì lại thấy bóng một cô gái đội nón trắng, đang đi ngược chiều lại. Tôi bấm vào tay Hải "phễu " thì thào : Bỏ mẹ rồi ! Con cô hồn nó lộn lại. Hải "Phễu " túm chặt lấy tay tôi run rẩy . Hai thằng đứng như chôn chân dưới đường .

Khi "con cô hồn " đến gần, cất giọng the thé : Hai anh bị hỏng xe à ? Chúng tôi gật đầu như cái máy. Cô ta chỉ tay về phía trước, bảo : Các anh đi quãng nữa, đến chỗ cây si là có hàng sửa xe đấy .

Hú vía ! Đúng là thần hồn nát thần tính .

Khi đến cây si ven đường, thân cây treo hờ một chiếc lốp và chiếc bảng bằng sắt tây có dòng chữ trắng nguệch ngoạc " Sửa chữa xe đạp ". Chủ hàng là một gã gầy gò , chân đi cà nhắc . Trong lúc sửa xe cho chúng tôi, gã hỏi : Hai cậu đi đâu mà quần áo lấm bê bết thế này ? Hải " phễu " nhanh nhẩu : chúng em về Hà Nội, chúng em...em vừa gặp ma anh ạ ! Gã chủ quán khẽ nhếch mép ,bảo : Chắc là hai cậu đi qua nghĩa địa người công giáo chứ gì !? Ở đấy có nhiều ma lắm , có những buổi mưa to gió lớn, chúng đàn hát suốt đêm .

*****

Bình thường , tôi là thằng không tin vào thần thánh ma quỷ. Có người kể chuyện ma, tôi đều cho đấy là chuyện giải trí mua vui . Nhưng lần này tôi đã trực tiếp trải nghiệm, đã mắt thấy, tai nghe. Vô lý ! Thậm vô lý !

Khi đã trấn tĩnh lại, tôi tự đặt cho mình câu hỏi : Trời tối ,cô gái một mình đi đâu ? Cô vào nghĩa trang để làm gì ? Chẳng lẽ nhà cô ta ở đấy !? Tại sao gã sửa xe đạp lại khẳng định " ở đấy nhiều ma lắm ! Đêm nào mưa to gió lớn, chúng đều đàn hát thâu đêm " !??? . Chịu ! Vẫn không có câu trả lời thỏa đáng .

Chiều Chủ Nhật, tôi và Hải "phễu " lại khăn gói cùng nhau sang nơi sơ tán. Khi ngang qua nghĩa trang của người công giáo, chúng tôi dừng lại . khu nghĩa trang cách xa đường cái khoảng 200m . những cây phi lao rì rào trong gió. Xung quanh là cánh đồng . Tôi hỏi Hải "phễu " : Mày có tin con ấy là ma không ?

Hải trố mắt nhìn tôi, bảo : Mày hỏi buồn cười...ười ! Không là ma thì nó dụ tao với mày vào bãi tha ma để làm gì ? Để hú hí chắc !?

Tôi im lặng . Nhìn đồng hồ thấy vẫn còn sớm, tôi rủ Hải "phễu " đi vào gần khu nghĩa trang để...xem sao .

Tính tôi tò mò, ham tìm hiểu, thích khám phá , rất ghét sự mập mờ. Trắng ra trắng, đen ra đen. Cái gì cũng phải cố tìm hiểu đến tận cùng mới thôi . Ngạn ngữ Tây có câu " Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật ". Như thế rõ ràng, một nửa sự thật là giả dối ! Mà tôi rất ghét sự giả dối !

Tôi đèo Hải "phễu " đi vào con đường nhỏ dẫn vào khu nghĩa trang . Chiếc cửa gỗ đóng sơ sài chắn ngang lối vào, Cây thánh giá to , được đặt trên bệ ở chính giữa . Những ngôi mộ xây với cây thánh giá nhỏ bên trên . Phía trong cùng là một túp lều nhỏ . Có bóng người thấp thoáng và một cụ già từ trong lều bước ra . Cụ nhìn về phía chúng tôi và tiến lại gần . Cụ đậm người ,khuôn mặt hiền từ, đầu hói ,chòm râu bạc lơ thơ . Chúng tôi chào cụ, cụ chào lại và hỏi " Các anh có việc gì đấy ? Tôi hơi ngắc ngứ : Dạ... không ạ ! Chúng cháu sơ tán gần đây, thấy cảnh lạ thì rẽ vào thôi ạ . Cụ nhẹ nhàng kéo cánh cửa gỗ, bảo : Mời hai anh vào xơi nước .

Hai chúng tôi theo cụ đi vào. Đường lối sạch sẽ, những ngôi mộ xây thẳng hàng ,ven hàng rào trồng toàn hoa mười giờ. Cụ già bước vào căn lều, chúng tôi vào theo. Căn lều nhỏ nhưng cảm giác ấm cúng, chiếc giường cá nhân kê sát cửa sổ , đầu giường là chiếc bàn nhỏ bằng gỗ tạp , trên bàn có chiếc ấm tích và mấy cái chén vại. Treo trên vách là một cây đàn nhị, tay cầm đã bóng nhẫy .

Cụ kéo hai chiếc ghế ở dưới gầm giường ra , bảo chúng tôi ngồi . Sau khi rót nước mời chúng tôi uống, cụ rỉ rả nói : Lão là quản trang ở đây. Lão ra đây mới được hơn tháng, thay ông cũ mới bị mất . Hồi mới ra đây , lão sáng đi chiều về, vì làng cũng gần đây . Về sau , những hôm mưa gió lão không về nữa . Lão ngủ ở đây lại thấy khoan khoái hơn ở nhà , thấy người khỏe ra .

Thấy Hải "phễu "nhìn cây đàn nhị treo trên vách, cụ bảo : Lão có chân trong hội bát âm của làng . Khi nào làng có đám, họ lại tập trung hội nhạc hiếu để hành lễ . Cụ ngừng nói, nhấp một hụm nước, giọng sảng khoái : Hôm nào mưa gió khó ngủ, lão lại lấy cây nhị ra kéo, những bản "Qua cầu gió bay " rồi bản "Lưu thủy" .... Hình như các tiền nhân cũng thích nghe, hết mỗi bản, lão thấy các cố lại vỗ tay rào rào .

Cụ già cũng hay chuyện, cụ kể : Vợ cụ mất cách đây 4 năm, đã sang cát năm ngoái. Mộ của cụ bà cũng để ở đây . Con trai cụ đi chiến trường bị hy sinh năm kia . Con gái cả lấy chồng cùng làng làm giáo viên tiểu học . Con gái út đi thanh niên xung phong...

Tôi hỏi : Thế cơm nước cụ tự nấu ạ ? Cụ bảo : Thời gian đầu , lão về nhà ăn cơm. Sau con cháu thấy lão đi lại vất vả, mẹ con nó thay phiên nhau mang cơm cho lão . Tôi nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ chiều , không khí ở đây thật mát mẻ dễ chịu . Có tiếng chân người bên ngoài. Tôi và Hải "phễu " cùng nhìn ra , một cô gái xuất hiện bên ngưỡng cửa . Cả hai thằng sững người, mồm há hốc

. Chính cô ta ! Cô gái có khuôn mặt thánh thiện và nốt ruồi bên khóe miệng . Đúng rồi ! Không sai vào đâu được . Cô ta hình như cũng nhận ra chúng tôi, không nói không rằng , chỉ khẽ gật đầu . Cô đặt chiếc cặp lồng lên bàn và nhẹ lui ra cửa . Cụ già hất hàm về phía cô gái vừa đi ra , bảo : Đấy là cháu nội lão, hôm nay Chủ Nhật nó nghỉ, nên mang cơm sớm . Bố nó là liệt sỹ . Nó bị câm từ nhỏ, đang làm y tá trên Huyện . Chiều tối hôm qua, nó mang cơm muộn, nó kể với lão ( bằng ngôn ngữ người câm ) , có hai thằng nào cứ bám theo tán tỉnh . Lúc về, nó không dám đi một mình, lão phải đưa nó về đấy .

Hải "phễu " bấm bấm vào đùi tôi, tôi ngoảnh mặt giả vờ nhìn ra cửa , không dám cười ...

Chúng tôi ngồi một lúc và xin phép ra về. Khi bước ra khỏi căn lều, tôi nhìn quanh và thấy cô gái đang lúi húi quyết dọn phía trong. Cô ngẩng lên nhìn về phía chúng tôi . Tôi và Hải "phễu " giơ tay vẫy, cô gái khẽ gật đầu .

( Đây là câu chuyện có thật 100%. Ai tin thì tin, không tin thì thôi ! )

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Một lần gặp ma!" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn