Ngũ hổ tướng nhà ông Quang B

Hồ Công Thiết

31/01/2022 20:30

Theo dõi trên

Phố Lê Duẩn ở Hà Nội bây giờ, xưa là phố Hàng Cỏ và Hàng Lọng.

Cứ tang tảng sáng có những đoàn người ven Kẻ Chợ gánh cỏ đến bày bán nơi đây.

Các thân vương, tướng lĩnh ai cũng có một đoàn ngựa chiến cho các tinh binh trong trại ấp của mình nên chợ cỏ ngày càng đông đúc người bán kẻ mua.

Nơi này vốn thuộc thôn Tiên Mỹ, huyện Thọ Xương, Hà Nội.

ngu-ho-bong-da-1643602140.jpg
Ông Quang B đứng thứ 4 từ trái sang trong trận gặp Thể công trên sân Hàng Đẫy

 

Năm 1900, Nhà nước bảo hộ Pháp khởi công xây dựng ga xe lửa, đặt tên là ga Hàng Cỏ. Cùng với cầu Long Biên, ga Hàng Cỏ thời ấy là điểm nhấn của kiến trúc đô thị Hà Nội.

Từ thời thuộc Pháp, ông Nguyễn Phú và bà Đỗ Thị Sợi đã về đây lập nghiệp.

Ông bà mở bán hàng cơm, hàng phở và cả hàng la-ghim (rau quả) cho khách đi tàu tại nhà số 137 phố Hàng Cỏ, nay đổi tên thành phố Lê Duẩn.

Số trời mang đến cho ông bà chẵn 10 người con, 5 trai và 5 gái.

Vốn từng theo học trường Tây nên ông hướng cho các con trai theo nghiệp bóng đá, môn thể thao mà ông đam mê nhưng vì sinh kế nên ông không theo được.

Chỉ tiếc hồi đấy chưa phát triển bóng đá nữ, nếu không, 5 cô con gái trong nhà, ông cũng hướng họ cùng đam mê với trái bóng tròn.

Người con cả là Nguyễn Minh Quang được ông cho theo học lớp bóng đá của thày Luyến thày Thưởng ở sân Long Biên.

Hàng ngày đi tập, ông Quang được đi chiếc xe đạp đến sân. Đến khi các em dần lớn, chúng theo ông tự đến sân tập bằng tất cả những phương tiện chúng có, hoặc nhảy tàu điện.

Tàu từ Vọng lên Bờ Hồ, qua cửa nhà ông bao giờ chú lái tàu cũng dậm chân để phát ra những tiếng leng keng đầy thúc dục.

Năm 1967, lứa Thiếu niên Hà Nội được đôn lên thành Thanh niên Hà Nội. Đội được đi tập huấn tại Hung-ga-ri mà không biết cụ Chủ tịch Trần Duy Hưng và ông Lê Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công an Hà Nội, đã thống nhất xong việc đưa phần lớn lứa cầu thủ này sang thi đấu cho đội Công an Hà Nội.

Ông Quang có biệt danh là Quang B, nhưng các anh lớn trong đội hay gọi đùa ông thành tên nhạc sỹ nổi tiếng là Trương Quang Lục hay Quang “thừa”. Sở dĩ có tên gọi này vì ở một ngón cái trên bàn tay ông, có một ngón tay nho nhỏ, xinh xinh mọc kèm bên cạnh.

Ở đội CAHN ông sở hữu vị trí hậu vệ cánh phải. Lối đá chân phương cùng nền tảng kỹ thuật được đào tạo bài bản, đã đảm bảo vị trí chính thức cho ông trong đội hình CAHN và mỗi khi lên tuyển.

Năm 1972 ông dẫn cậu em kế là Nguyễn Ngọc Phương ra mắt thày Tòng “cháy” và thày Hạc “phệ”, phụ trách đội bóng trẻ CAHN. Lúc đó Phương được gọi là Phương “tròn” vì béo mũm mĩm.

Phương “tròn” sau chuyển sang đội Tổng cục Đường sắt, có mặt trong trận cầu lịch sử của bóng đá Việt Nam năm 1976, khi đội Đường sắt đại diện bóng đá miền Bắc vào Nam thi đấu, gặp Cảng Sài Gòn và thắng 2 – 0. Phương “tròn” là hậu vệ phải của đội Đường sắt và nhiều lần là thành viên đội tuyển quốc gia.

Khác với ông anh Quang B luôn chỉn chu trong mọi trường hợp, Phương “tròn” lại có tính cách “nổi loạn”.

Ông này không bao giờ chịu theo khuôn phép.

Nghỉ thi đấu bóng đá, Phương “tròn” tìm mọi cách ra nước ngoài. Định cư yên ổn, thấy chán lại bỏ về Việt Nam dù chưa hoàn tất giấy tờ hồi hương.

Ở phòng Quản lý XNC Công an Hà Nội hồi ấy, anh chàng Doãn là người bên đội Nhập tìm mọi cách liên lạc với Phương “tròn” để hoàn tất thủ tục nhập cảnh, nhưng Phương “tròn” khi về nước lại như chim sổ lồng, đi khắp nơi thăm bạn cũ khiến ông Quang B lại phải lên Sở khai báo và xác nhận thay cậu em mải chơi.

(Ông Phương “tròn” đã tạ thế ngày 26/4/2019 tại Hà Nội, sau thời gian ngắn lâm bệnh hiểm nghèo).

Nếp nhà được ông Quang B và anh chị em trong nhà luôn giữ theo lời dạy của các cụ thân sinh.

Nhà đông anh em. Xưa có câu “kiến giải nhất phận”, nhưng mấy anh chị em nhà ông Quang lại luôn đùm bọc, quan tâm lẫn nhau.

Dũng “gấu”, em ruột ông đá ở Thể công, nay đã vào Nam lập nghiệp. Nghe tin ông vào thành phố Hồ Chí Minh cùng đội lão tướng CAHN, Dũng “gấu” tìm cách mời bằng được ông anh và các đồng đội của ông Quang B đến dự bữa cơm sum họp.

Tôi ở khách sạn cùng phòng với ông, thấy mắt ông lấp lánh niềm vui khi khoe phong bì này của Hùng “dô” cho, phong bì kia là em dâu, vợ Cường “tây” tặng.

Kinh tế nhà ông Quang B dư giả nhưng ông hạnh phúc khi được các em quan tâm, chăm lo cả những lúc ông đi chơi cùng bè bạn.

Mấy anh em ai cũng chí thú làm ăn và đầy ý chí tự lập.

Hùng “dô” trước đá tiền vệ đội CAHN, khi giải nghệ chuyển ra kinh doanh, hiện là chủ sở hữu một khách sạn lớn trên phố Gia Ngư – Hoàn Kiếm. Hùng “dô” còn cổ phần ở Quảng Ninh nên mấy năm gần đây, Hùng “dô” đều lo đón đội cựu cầu thủ CAHN về giao lưu và ăn nghỉ tại Hạ Long.

Cậu út Cường “tây” khi nghỉ đá ở đội CAHN, về làm CSGT và hiện là tiền vệ chủ lực trong đội hình cựu cầu thủ công an.

Trên mạng xã hội hay có người khoe tôi là “cháu ông Nhanh” hoặc “em anh Chuyên” - tên các vị giám đốc CAHN- để dựa dẫm khi đối đầu với pháp luật.

Cường “tây” có ông bố vợ to hơn nhiều. Ông Nguyễn Đức Tâm còn làm tới chức ủy viên Bộ Chính trị và là người làm to nhất Việt Nam về công tác tổ chức cán bộ, nhưng không bao giờ Cường “tây” dựa bóng ông bố vợ để tiến thân.

Khi về hưu, Cường “tây” hãnh diện ngẩng cao đầu là chiến sỹ thuộc phòng CSGT CAHN.

Những cốt cách Hà Nội của cụ Nguyễn Phú và bà Đỗ Thị Sợi đã được con cháu noi theo, làm nên một gia đình thuần Việt, trên kính dưới nhường.

Theo Chuyện làng quê

Bạn đang đọc bài viết "Ngũ hổ tướng nhà ông Quang B" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn