Nguy hiểm nghề nghiệp: Hạ sát phóng viên đưa tin

Nguyễn Đình Cự

03/04/2023 08:33

Theo dõi trên

Đêm ngày 12-3-1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được báo tin Buôn Ma Thuột đã bị thất thủ! Khi dân chúng chưa ai biết thì ngày 13-3, Hãng Thông tấn AFP đã loan tin Buôn Ma Thuột thất thủ.

Bản tin chết người trên đã làm chính quyền Sài Gòn bối rối và tức giận vì bản tin đã nói lực lượng tấn công Buôn Ma Thuột là dân quân địa phương chứ không phải quân đội chính quyền Bắc Việt. Nếu là quân dân địa phương tấn công thì về mặt chính trị, Sài Gòn có gì để mặc cả? Thứ nữa, là quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) được Mỹ hậu thuẫn và trang bị vũ khí hiện đại đến tận răng lại dễ dàng bị dân quân đánh bại thì thực nhục nhã. Vì vậy, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã lên tiếng phủ nhận bản tin trên, và cũng buộc AFP phải nói ra xuất xứ nguồn tin. Như vậy, trong mắt báo chí chính quyền Sài Gòn đang hấp hối.

b1vh1s-1680485437.jpg

Trụ sở AFP tại Paris (Pháp). Ảnh do tác giả cung cấp.

Trưa ngày 14-3-1975, khi tàn quân của các đơn vị VNCH tháo chạy khỏi Buôn Ma Thuột, thì Tổng thống Thiệu vội vã bay ra Cam Ranh để mật đàm với các tướng lĩnh quân đội về nguy cơ của vùng 2 Chiến thuật (Cao nguyên). Trong khi đó thì Tổng nha cảnh sát cử một sĩ quan đến văn phòng AFP tại Sài Gòn gặp P.Leandri. Cuộc gặp đã không có kết quả, ngay chiều hôm đó Tổng nha cảnh sát đã tống đạt giấy mời P.Leandri đến để thẩm vấn. Vì linh cảm thấy có sự nguy hiểm đến tính mạng nên đến gần tối P.Leandri mới đến Tổng nha Cảnh sát bằng xe hơi của văn phòng ÀP.

P.Leandri đề phòng, nên trước khi đi đã báo cho Sứ quán Pháp tại Sài Gòn về cuộc thẩm vấn. Kết cục, Paul Leandri đã bị hạ sát bằng mấy phát đạn của súng ngắn ngay trong trụ sở Tổng nha cảnh sát tối hôm đó. Người bắn chết P.Leandri là Đại tá cảnh sát VNCH Phạm Kim Quy.

Liền sau đó, Tổng nha cảnh sát đã dựng ngay hiện trường giả: đặt P.Leandri vào xe hơi của Leandri rồi cho xe đụng cổng ra vào của Tổng nha, cuối cùng dùng súng bắn vào xe của Leandri từ phía sau như thể do xe hơi của Leandri vượt cổng nên lính gác phải nổ súng. Rồi sau đó, Tổng nha cảnh sát đã ép ông Nguyễn Ngọc Bích đang là Tổng giám đốc Việt Tấn xã (Hãng thông tấn của chính quyền Sài Gòn) phải đăng tải bản tường trình và mô tả lại cái chết của nhà báo Pháp Paul Leandri theo cách giải thích mà Tổng nha cảnh sát soạn sẵn.

Bản tin như sau: “Tại sở Ngoại kiều (thuộc Tổng nha cảnh sát Quốc gia), nhà báo Paul Leandri không trả lời chi tiết bản tin trên mà chỉ la lối, đập phá đồ trong văn phòng chánh sở. Viên cảnh sát sở mời Paul Leandri sang Sở Tư pháp nằm ngay trong khuôn viên Tổng nha, Paul Leandri lên xe hơi di chuyển, nhưng khi xuống xe, ông không chịu vào văn phòng khối tư pháp mà chỉ đứng ngoài sân và tiếp tục lớn tiếng la lối. Bất thần, Paul Leandri nhảy lên xe hơi, dùng chìa khóa riêng nổ máy, đạp hết ga phóng ra cổng. Nhân viên công vụ ngăn xe lại, nhưng không được. Buộc họ phải nổ súng cảnh cáo nhưng xe vẫn lao đi. Tới cổng gác thứ ba, dù bị hô dừng lại, Paul Leandri vẫn phóng xe ra khỏi cổng. Lính gác buộc phải nổ súng bắn ba phát vào bánh xe và một viên đạn gây tử vong cho Paul Leandri…”.

Theo tường trình của Tổng nha cảnh sát, Paul Leandri lẽ ra phải bị trúng đạn từ phía sau. Nhưng Hãng tin Mỹ UPI sau đó dẫn nguồn tin ngoại giao lại loan tải rằng Paul Leandri bị bắn từ nhiều phía. Đặc biệt, AFP sau đó đưa tin rằng, theo yêu cầu của vợ nhà báo Paul Leandri – bà Hansi – và Đại sứ Pháp tại Sài Gòn – ông Jean Marie Meriillon, bác sĩ Rouffi tiến hành giám định pháp y xác Paul Leandri vào ngày 16-3-1975, tại Bệnh viện Grall.

Kết luận giám định cho thấy, Paul Leandri bị một viên đạn vào dưới tai trái, xuyên qua đầu từ trái sang phải khiến nạn nhân tử vong ngay, đồng thời miệng vết thương có nhiều vệt khói thuốc súng chứng tỏ nạn nhân bị bắn ở cự ly gần, không loại trừ khả năng bị kê súng vào đầu…

Cái chết của nhà báo Pháp Paul Leandri đã gây nên làn sóng phẫn nộ của báo giới quốc tế trong những ngày trên, và tạo ra sự bất mãn dữ dội đối với chế độ đang suy sụp.

Ngay chiều ngày 18-3-1975, nghiệp đoàn ký giả toàn quốc Pháp đã tập hợp trước trụ sở của AFP rồi diễu hành yên lặng đến Tòa đại sứ VNCH. Nghiệp đoàn cũng kêu gọi các phân bộ địa phương tổ chức các cuộc biểu tình tương tự đến các tòa tổng lãnh sự VNCH ở Pháp. Nhiều hãng thông tấn tên tuổi trên thế giới chính thức đòi chính quyền Sài Gòn giải thích về cái chết của Paul Leandri. Thậm chí Viện Báo chí Quốc tế (IPI) có công văn gửi thẳng cho Tổng thống Thiệu phản kháng hành động sát hại nhà báo của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn.

Nhưng mọi chuyện liên quan đến nhà báo Paul Leandri chưa ngã ngũ thì Plâyku, Kon Tum rồi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… dồn dập thất thủ, và ngày cáo chung của chính quyền Sài Gòn 30-4-1975 ập đến, khiến cho cái chết của Paul Leandri rơi vào quên lãng.

 N.Đ.C 

Trái tim người lính

Bạn đang đọc bài viết "Nguy hiểm nghề nghiệp: Hạ sát phóng viên đưa tin" tại chuyên mục Diễn đàn. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn