Nhìn sang nước bạn: Di sản Cánh Đồng Chum và những bí ẩn?

Bài và ảnh: Trần Mạnh Thường

08/10/2022 16:21

Theo dõi trên

Trong cuộc đi “phượt” xuyên Lào cùng các nhà báo Vũ Huyến, Trần Tuấn, Vũ Nhật Thăng, từ Sầm Nưa, Bắc Lào qua Vientian, cố đô Luang Prabang đến Champasak, Nam Lào, cái để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất là Cánh Đồng Chum. Nổi lên trên thảm cỏ mênh mông xanh mượt là vô số những chiếc chum đánằm ngổn ngang như một “trận đồ bát quái”.

ddt1toan-canh-ncasnh-dong-chum-1665220223.jpg
Toàn cảnh Cánh Đồng Chum (Lào).


Người dân địa phương nói với chúng tôi rằng Cánh Đồng Chum (tiếng Lào Thồng Háy Hin), là một vùng di tích văn hoá, lịch sử, gần thị xã Phonxavan, tỉnh Xiengkhuang (Xiêng Khoảng), thuộc cao nguyên Xiengkhuang rộng lớn, diện tích gần 17.000 km2 , ở độ cao 1.000m so với mực nước biển. Cánh Đồng Chum nằm giữa trung tâm tỉnh Xiengkhuang, đã được Uỷ ban Di sản của UNESCO trong phiên họp thứ 43 vào ngày 6 tháng 7 năm 2019, tại thủ đô Bacu, Azerbaijan, chính thức công nhận là Di sản Văn hoá của thế giới, có tuổi đời trên 2.000 năm. Cánh Đồng Chum là di sản văn hoá thứ 3 của Lào, sau cố đô Luang Prabang và chùa đáVat Phou ở tỉnh Champasak, Nam Lào.

ddt2chieu-ve-tren-canh-dong-chum-1665220403.jpg
Chiều về trên Cánh Đồng Chum.


Cánh Đồng Chum là một quần thể gồm 11 địa điểm riêng biệt có khoảng 1969 chiếc chum đá, nơi nhiều nhất nằm trên địa bàn các huyện Paek, Phaxay, Phoukoud và Khan thuộc tỉnh Xiengkhuang. Theo quan sát của chúng tôi, những chiếc chum đá này có kích thước rất khác nhau, được chạm khắc, đục đẽo từ đá sa thạch và đá granit, có chum rất nhỏ, nhưng có chum rất lớn với đường kính lên đến 3,5 m. Phần lớn các chum cao trung bình từ 1m đến 2m, nhưng có chiếc cao đến 3m. Chiếc nặng nhất 14 tấn. Hầu hết các chum đều có miệng hình elip, vuông, tròn, nên nhiều nhà nghiên cứu cho rằng ban đầu các chum đều có nắp đậy. Nhưng điều kỳ lạ là trong số gần 2000 chiếc chum, hiện duy nhất chỉ có một chiếc có nắp bằng đá được chạm khắc hoa văn? Người ta suy đoán rằng có lẻ phần lớn các nắp đều được làm bằng vật liệu mau hỏng, nên trong thời gian dài đã bị hư hỏng, không tồn tại. Các chum phân bố rải rác dọc theo thung lũng và cánh đồng thấp của đồng bằng trung tâm cao nguyên Xiengkhuang. Hầu hết chúng nằm thành từng cụm với số lượng từ 1 đến vài trăm chiếc, có chiếc trồi lên mặt đất, chiếc một ở dưới đất, chiếc nằm thẳng đứng, chiếc thì nghiêng ngã…không theo một quy tắc nào!

dt2hl-1665220759.jpg
Gần Canh Đồng Chum có một hang động, tìm thấy di cốt người cổ.


Một điều khó hiểu nữa là xung quang khu vực này cách xa hàng chục cây số hoàn toàn không có núi đá. Vậy người cổ đại, đục đẽo, chế tác ra những chiếc chum khổng lồ này từ nơi đâu? và vận chuyển bằng cách nào tới Xiêngkhuang? Đó cũng là một câu hỏi chưa có lời đáp.
Các nhà chuyên môn kể rằng không chỉ ở Cánh Đồng Chum mà cả tỉnh Xiengkhuang có tới 90 địa điểm đều có chum đá. Ngoài ra người ta còn tìm thấy chum đá ở huyện Phoukhou, tỉnh Luang Prabang tiếp giáp với Xiengkhuang. Ở Cánh Đồng Chum nổi tiếng với 3 khu vực chính: Khu vực đầu tiên cách tỉnh lỵ
Phonxavan của Xiengkhuang 15 km về phía Tây Nam có khoảng 300 chum đá. Địa điểm thứ hai có khoảng 90 chum, nằm trên hai ngọn đồi lớn. Địa điểm thứ 3 cách Phonxavan 3km về phía Đông Nam có chừng 150 chum.

ddt1mot-goc-canh-dong-chum-1-1665221187.jpg
Một góc Cánh Đồng Chum.


Cánh Đồng Chum thuộc cao nguyên Xiengkhuang nằm về cuối phía Bắc của dãy Trường Sơn, nhà khảo cổ học người Pháp, bà Madeleine Calani, thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise Extrême Orient), năm 1930 đã đến khai quật khu vực Cánh Đồng Chum và phát hiện ra rằng tại một hang động gần đấy, đã tìm thấy các di hài con người, bao gồm cả xương và tro bị đốt và đã đi kết luận rằng: Những chiếc chum này có liên quan đến nghi thức an táng thời tiền sử. Các cuộc khai quật của các nhà khảo cổ Lào và Nhật Bản trong những năm qua cũng đã góp phần hỗ trợ cho giả thuyết này, với việc phát hiện ra hài cốt của con người với hàng hoá và gốm sứ trong các chum đá. Các nhà khảo cổ đã xác định rằng, những chiếc chum có mặt sớm nhất là khoảng 1240 đến 660 TrCN và Cánh Đồng Chum là một trong những địa điểm thời tiền sử quan trọng nhất ở vùng Đông Nam Á.
Về những chiếc chum ở Cánh Đồng Chum và các nơi khác trên đất nước Triệu Voi, các nhà khảo cổ tin rằng các chum này có niên đại từ 1500 đến 2000 năm, được những người thuộc nhóm Môn – Khơme làm ra, mà nền văn hoá của họ cho đến nay chưa được người ta hiểu thấu đáo.
Hầu hết các di vật khai quật khảo cổ đều có niên đại 500 năm Tr.CN và 800 năm sau Công nguyên. Vì vậy các nhà nhân chủng học cho rằng có thể các chum đá đã được sử dụng để đựng hài cốt hoặc chứa thực phẩm.

Xung quanh những bí ẩn của Cánh Đồng Chum trong dân gian Lào lưu truyền khá nhiều câu chuyện huyền thoại kể rằng: Ngày xửa ngày xưa có một vị vua cổ đại tên là Khun Cheung, đã lãnh đạo dân chúng chống lại cuộc xâm lăng của ngoại bang và đã giành được thắng lợi. Ông đã cho tạo lập cánh đồng chum để ủ men và chứa một lượng rất lớn rượu gạo (gọi lao lao) để khao quân mừng chiến thắng.
Cũng có thuyết cho rằng vì vào mùa khô vùng Xiengkhuang thiếu nước trầm trọng, nên người xưa đã cho làm nhiều chum khổng lồ để tích nước. Cũng có thuyết giải thích Cánh Đồng Chum nằm nơi giao lưu giữa hai hệ thống sông Mê Kông và sông Hồng, nên có điều kiện thuận lợi trong việc giao lưu và trao đổi văn hoá. Sự phân bố các chum đá khắp Xiengkhuang được cho là gắn liền với tuyến đường bộ buôn bán trao đổi và chúng là những bằng chứng nổi bật nhất của nền văn minh thời đại đồ sắt.

Bạn đang đọc bài viết "Nhìn sang nước bạn: Di sản Cánh Đồng Chum và những bí ẩn?" tại chuyên mục Văn hóa - Xã hội. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn