Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 18)

PGS TS Cao Văn Liên

13/11/2023 06:09

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 18

Cơ sở kinh tế của phong kiến bản địa không chỉ được duy trì mà còn được mở rộng, củng cố do bọn thực dân tăng cường cướp đoạt ruộng đất của nông dân, trở thành những tên địa chủ nước ngoài, những tên chủ có những đồn điền rộng lớn. Chủ nghĩa thực dân đã áp dụng nhiều kiểu bóc lột để bóc lột nhân dân thuộc địa:  Kiểu tư sản, phong kiến kết hợp với kiểu bóc lột nô lệ. Những thứ thuế dã man thời phong kiến được duy trì nhưng tăng lên về số lượng nộp, ngoài ra còn đặt thêm nhiều thuế mới phi lý. Chính quyền ra sức kìm hãm nhân tố kinh tế tư bản thuộc địa, chỉ biến thuộc địa thành nơi tiêu thụ hàng hoá, cung cấp nguyên liệu, nhân công rẻ mạt cho chính quốc. Chính quyền thuộc địa không cho nhân dân một chút quyền tự do dân chủ, một chút quyền chính trị nào. Chúng chỉ cho nhân dân thuộc địa thả sức uống rượu, tự do bài bạc, phát triển đĩ điếm nhằm làm cho dân tộc bạc nhược, không còn ý chí để mãi mãi chìm đắm trong vòng nô lệ. Chúng mở ít trường học và trong trường chỉ giáo dục, nhồi nhét chủ nghĩa thực dân, đào tạo lớp người làm tay sai, ca tụng công ơn khai hoá của chính quốc, hô hào hợp tác giữa kẻ đi cướp nước và người bị mất nước, hợp tác giữa kẻ áp bức bóc lột với người bị áp bức bóc lột. Chính quyền thực dân ra sức bưng bít sự thật, cách ly thuộc địa với thế giới bên ngoài, không cho bất cứ một tư tưởng tiên tiến nào lọt vào thuộc địa kể cả những tư tương tư sản tiến bộ thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản ở châu Âu, thời kỳ mà chính giai cấp tư sản dương cao lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái. Chúng cấm tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản, đàn áp tàn khốc những người có tư tưởng hành động yêu nước, phản kháng chế độ thuộc địa; chúng lập nên những hội đồng này, hội đồng khác một cách hình thức trong hệ thống chính trị thuộc địa để lừa bịp dư luận, lừa bịp nhân dân.

           Nhân dân châu Á vốn có truyền thống yêu nước không chịu khuất phục đã anh dũng kháng chiến chống ngoại xâm nhằm giải phóng dân tộc. Mọi phong trào độc lập của nông dân hay họ chịu sự lãnh đạo của một số cá nhân yêu nước trong giai cấp phong kiến đều thất bại. Tư tưởng chính trị của giai cấp nông dân hoặc của phong kiến đều không giải phóng được dân tộc, đều thất bại trước nhiệm vụ lịch sử đang đặt ra cho các quốc gia châu Á.

           Công cuộc khai thác bóc lột của chủ nghĩa thực đối với châu Á khách quan đã du nhập quan hệ tư bản chủ nghĩa vào các thuộc địa này, tạo nên những nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa và quan hệ tư bản chủ nghĩa. Xã hội các thuộc địa do đó đã phân hoá mạnh mẽ dưới tác động của những nhân tố kinh tế mới. Bên cạnh các giai cấp cũ nông dân, địa chủ phong kiến, đã ra đời những giai cấp mới tư sản và vô sản, những tầng lớp mới thị dân và trí thức. Những tư tưởng tiến bộ của cách mạng tư sản Âu-Mỹ: Tự do, bình đẳng, bác ái, nhân quyền dân quyền, những tư tưởng của học thuyết Mác xít đã chọc thủng tấm màn bưng bít đen tối của chủ nghĩa thực dân, như một làn gió mới, ánh sáng mới thổi vào thuộc địa châu Á. Giai cấp tư sản, vô sản tiếp thu những tư tưởng mới đó làm hệ tư tưởng của giai cấp mình. Tư sản tiếp thu tư tưởng tư sản, vô sản tiếp thu tư tướng Mác xít bước lên vũ đài chính trị lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX các chính đảng của giai cấp tư sản châu Á lần lượt ra đời: Đảng Quốc Đại Ấn Độ (1885), Trung Quốc đồng minh hội do Tôn Trung Sơn sáng lập năm 1905 và nhiều chính đảng khác. v. v.. Các chính đảng đều đề ra cương lĩnh cách mạng dân tộc, dân chủ chống đế quốc, phong kiến giành độc lập dân tộc, dân chủ cho nhân dân, thiết lập một nền cộng hòa tư sản. Các chính đảng của giai cấp công nhân các nước châu Á lần lượt ra đời: Đảng cộng sản Trung Quốc (1921), Đảng Cộng sản Đông Dương (1930) và ở nhiều đảng ở nhiều nước khác... Các đảng Cộng sản đã đề ra cương lĩnh chính trị cách mạng không ngừng theo học thuyêt Lê Nin, trước tiên làm cách mạng dân tộc dân chủ để giành độc lập dân tộc dân chủ cho nhân dân, sau đó tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Các chính đảng cách mạng ra đời đánh dấu những xu hướng mới, sự phát triển trưởng thành lớn mạnh của phong trào cách mạng các nước châu Á, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo. Phong trào chống thực dân không chỉ bằng hình thức đấu tranh vũ trang như trước kia mà diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú: Bạo động của nông dân, bãi công của công nhân, bãi thị, bãi khoá của thị dân và sinh viên học sinh, lãn công của công chức, tẩy chay hàng hoá bất hợp tác với kẻ thù, tuần hành thị uy ở các đô thị, đấu tranh đòi tham gia vào các hội đồng dân biểu địa phương. Cùng với đấu tranh kinh tê, chính trị, hoạt động xuất bản sách, báo ra đời, được đẩy mạnh để truyền bá những tư tưởng mới, đấu tranh chống tư tưởng thực dân, có tác dụng giác ngộ nhân dân và đặt nền tảng ban đầu cho một nền văn hoá mới của các dân tộc châu Á mà theo cách nói của Đảng Cộng sản Đông Dương: Một nền văn hoá dân tộc, khoa học và đại chúng. Các phong trào đấu tranh không chỉ đòi cải thiện dân sinh dân chủ trước mắt mà qua đấu tranh đã tập hợp được lực lượng, đoàn kết được toàn dân tộc để đi đến mục tiêu là giành độc lập dân tộc.

           Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện lịch sử to lớn ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc châu Á. Cuộc cách mạng này đã lật đổ đế quốc Nga, giải phóng cho các dân tộc Trung Á vốn là thuộc địa của Nga Hoàng, một loạt các quốc gia độc lập Trung Á ra đời. Những tổ chức cộng sản ở các quốc gia này vốn là thành viên của Đảng công nhân Xã hội dân chủ Nga (Bôn sê vích-sau này là Đảng cộng sản Liên Xô) lên nắm chính quyền và đi lên chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười Nga đã chỉ ra hướng đi của cách mạng giải phóng dân tộc châu Á, chống đế quốc gắn liền với chống phong kiến và cách mạng phải được tiến hành bằng bạo lực của quần chúng nhân dân.

           Sau cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, đại chiến thế giới thứ hai (1941-1945) là sự kiện tiếp theo mở ra một giai đoạn mới cho phong trào giải phóng dân tộc châu Á. Trong đại chiến thế giới thứ hai khi đồng minh của Nhật Bản là Đức-Italia đánh chiếm châu Âu và Liên xô thì Nhật Bản đánh chiếm châu Á-Thái Bình Dương thực hiện học thuyết Đại Đông Á. Năm 1937 Nhật Bản đánh chiếm Trung Quốc. Năm 1940 Nhật Bản đánh chiếm Đông Nam Châu Á. Tháng 12 năm 1941 Nhật Bản phát động chiến tranh Thái Bình Dương, chiếm toàn bộ thuộc địa của Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan ở khu vực này. Từ Đông Bắc Á đến Đông Nam châu Á, Nhật Bản đã thiết lập một nền thống trị phát xít tàn bạo, diệt chủng và cướp bóc.

 (Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 18)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn