Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 27)

PGS TS Cao Văn Liên

22/11/2023 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 27

Tháng 7 năm 1943, Hồng quân đập tan chiến dịch Cuôcscơ của Đức, phản công và tiêu diệt 50 vạn tên địch, đẩy Đức và phe phát xít vào thế diệt vong không thể cứu vãn được. Sau Cuốccơ, quân Đức không thể phòng ngự được nữa trước sức phản công mãnh liệt của Hồng quân. Năm 1944 Hồng quân giải phóng toàn bộ lãnh thổ Liên Xô khỏi sự chiếm đóng của Đức.

Ngày 6 tháng 6 năm 1944, 2.876.000 quân Anh, Mỹ do tướng Mỹ Ai xen hao chỉ huy đổ bộ lên bờ biển Noóc măng đi mở mặt trận thứ hai ở phía tây tấn công vào Đức. Tháng 7 năm 1944, 8,5 triệu Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng 12 nước châu Âu và tiến vào giải phóng nước Đức. Quân Anh, Mỹ sau khi giải phóng Pháp cũng nhanh chóng tiến vào nước Đức. Ngày 25 tháng 4 năm 1945 Hồng quân Liên Xô gặp quân Anh, Mỹ ở Toóc gâu trên bờ sông En bơ của Đức. Hầu hết nước Đức được giải phóng, trừ thủ đô Béc lin.

           Ngày 16 thang4 năm 1945, 2,5 triệu Hồng quân do nguyên soái Jiu Cốp chỉ huy tấn công Béc Lin. Đến ngày 24 tháng 4 Hồng quân đã đạp nát phòng tuyến vòng ngoài Ôđe-Nây xơ. Ngày 25 tháng 4 Hồng quân tấn công vào thành phố. Sau năm ngày chiến đấu ác liệt, chiều 30 tháng 4 năm 1945 quốc kỳ Liên Xô phấp phới bay trên nóc nhà Quốc hội Đức, 7 vạn quân Đức ở Béc Lin đầu hàng. 15 giờ 30 phút ngày đó, Ađôn Phơ Hit Le tự sát. Ngày 8 tháng 5 năm 1945 thống chế Cây Ten, đại diện cho Chính phủ Đức ký văn kiện đầu hàng Đồng minh không điều kiện. 23 giờ30 phút ngày 8 tháng 5 năm 1945, chiến tranh chấm dứt trên toàn cõi châu Âu. Ngày 9 tháng 5 năm 1945 được lấy làm ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít trên toàn thế giới.

           Tại mặt trân Thái Bình Dương, ngày 6 tháng 8 năm 1945, Mỹ không thông báo cho Đồng minh biết, ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hirôsima của Nhật Bản, giết chết 25 vạn dân thường. Ngày 9 tháng 8, Mỹ ném tiếp quả thứ hai xuống thành phố Nagazaki giết chết thêm 20 vạn dân. Từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 8 năm 1945, 1,5 triệu hồng quân Liên Xô do nguyên soái Va xi lép ski chỉ huy tiêu diệt và bắt sống đạo quân Quan Đông, đạo quân tinh nhuệ bậc nhất của Nhật Bản gồm 1 triệu tên ở Đông Bắc Trung Quốc. Thất bại này đã buộc Thiên Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh không điều kiện ngày 15 tháng 8 năm 1945. Ngày 2 tháng 9 năm 1954 Nhật Bản kí văn kiện chính thức đầu hàng. Đại chiến thế giới thứ hai kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của phe phát xít Đức, Italia và Nhật Bản.

           Đại chiến thế giới thứ hai là cuộc chiến tranh có quy mô to lớn, tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. 76 nước tham chiến, huy động 110 triệu người vào quân đội, hơn 60 triệu người chết, 90 triệu người bị thương tàn phế, cơ sở vật chất hạ tầng bị tàn phá ước tính khoảng 4.000 tỉ USD. Liên Xô bị tổn thất to lớn nhất: Hơn 30 triệu người chết, thiệt hại vật chất khoảng 4.000 tỉ Rúp. Các chuyên gia kinh tế tư sản cho rằng thiệt hại này của Liên Xô phải 100 năm sau mới hồi phục được.

           Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc làm thay đổi và xuất hiện nhiều nhân tố mới trong cục diện quốc tế. Khối mạnh nhất, hung hãn nhất của chủ nghĩa đế quốc là chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, Anh, Pháp và các nước Tây Âu kiệt quệ, lại một lần nữa vay nợ và trở thành con nợ của Mỹ, từ đó phụ thuộc vào Mỹ nhiều phương diện, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại. Sau đại chiến thế giới thứ hai, châu Âu bị chia thành hai hệ thống xã hội chính trị rõ rệt. Hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa gồm Ba Lan, Ru ma ni, Tiệp Khắc, Bun ga ri, An ba ni, Hung ga ri, Nam Tư, Cộng hoà dân chủ Đức và Liên Xô do Liên Xô đứng đầu. Còn lại là các nước có chế độ chính trị, xã hội tư bản mà nổi bật là các cường quốc Anh, Pháp, Đức, I talia... Như vậy châu Âu phản ánh rõ rệt nhất cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản bao gồm việc chạy đua quân sự, chạy đua kinh tế trong thời kỳ chiến tranh lạnh kéo dài.

           Từ năm 1945 đến năm 1950, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt ra đời với thiết chế chính trị nhà nước cộng hoà dân chủ nhân dân. Như vậy nhà nước xã hội chủ nghĩa gồm hai hình thức: Nhà nước kiểu Xô Viết của Liên Xô và nhà nước kiểu dân chủ nhân dân của các nước Đông Âu và một số nước châu Á (Việt Nam, Trung Quốc, Mông Cổ, Bắc Triều Tiên, Lào). Về cấu trúc và nguyên tắc tổ chức nhà nước Xô Viết và nhà nước dân chủ nhân dân tương đối giống nhau. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất nắm toàn bộ quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nguyên tắc không phân chia quyền lực nhưng có sự phân nhiệm: Quốc hội nắm chủ yếu quyền lập pháp, chính phủ được phân nhiệm hành pháp và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, tòa án, viện kiểm sát được phân nhiệm nắm quyền tư pháp và kiểm tra việc thi hành pháp luật và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, viện trưởng viện kiểm sát đều do quốc hội bầu ra. Quốc hội do nhân dân bầu cử. Nguyên tắc thứ hai của các nhà nước xã hội chủ nghĩa là chế độ chính trị một đảng, đảng cộng sản là đảng duy nhất lãnh đạo toàn diện hệ thống chính trị xã hội, trong đó có nhà nước. Khác nhau giữa nhà nước Xô Viết và nhà nước Cộng hoà dân chủ nhân dân là cơ sở xã hội, Cộng hòa Xô Viết chỉ dựa trên liên minh công nông, còn Cộng hoà dân chủ nhân dân cơ sở xã hội của nhà nước rộng rãi hơn, liên minh công nông làm cơ sở cho Mặt trân đoàn kết dân tộc bao gồm nhiều tầng lớp, nhiều cá nhân yêu nước. Có sự khác nhau là do điều kiện cụ thể của cuộc đấu tranh cách mạng khác nhau. Ở Liên Xô cuộc đấu tranh giai cấp rất quyết liệt, trừ có công nông, còn tất cả các giai cấp khác đều chống lại nhà nước Xô Viết, buộc nhà nước Xô Viết phải loại bỏ. Ở các nước dân chủ nhân dân cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống chủ nghĩa phát xít, chống chủ nghĩa đế quốc buộc các giai cấp tầng lớp tiến bộ phái đoàn kết với công nông trong một mặt trận dân tộc thống nhất.

           Từ năm 1945 đến năm 1950, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tiến hành khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Các nước Đông Âu hoàn thành nốt những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, xoá bỏ những tàn tích của chủ nghĩa phát xít, đem lại ruộng đất cho nông dân, quốc hữu hoá những ngành kinh tế cơ bản, đấu tranh giữ vững chính quyền khỏi lọt vào tay giai cấp tư sản. Từ năm 1950 đến năm 1970, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những kế hoạch 5 năm và thu được nhiều thắng lợi rực rỡ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế văn hoa, khoa học kỹ thuật, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được nâng cao.

 (Còn nữa)

CVl

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 27)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn