Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 23

PGS TS Cao Văn Liên

12/06/2024 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 23.

Quân đội triều Nguyễn suy yếu đến mức không đánh nổi tàn quân của giặc Khăn Vàng, giặc Cờ Đen vốn là nông dân Trung Quốc chống nhà Thanh, bị đàn áp, tràn sang Việt Nam cướp phá ở một số tỉnh miền núi phía Bắc đến mức Tự Đức phải thuê chính quân Cờ Đen của tướng Lưu Vĩnh Phúc tiêu diệt giặc Khăn Vàng của Hoàng Sùng Anh. Chính vì nhìn thấy đất nước suy yếu lạc hậu nên biết bao trí thức yêu nước, đã từng tiếp cận với những tư tưởng tiên tiến phương Tây đã nhiều lần đề nghị cải cách để cứu vãn đất nước. Trước hết phải kể đến Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1830 (1830-1871), quê quán làng Bùi Chu, Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An trong một gia đình Công giáo. Năm 1846 ngoài chữ Hán ông được học chữ Pháp với Giám mục Gauthier và giúp ông hiểu thêm một số khoa học của phương Tây. Năm 1858 Nguyễn Trường Tộ đi cùng Giám mục Gauthier vào Đà Nẵng, năm 1859 ông sang Hồng Kông. Năm 1861 quân Pháp đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Trường Tộ theo Giám mục Gauthier làm dịch thuật những tài liệu chữ Hán sang chữ Pháp, làm phiên dịch để mong nghị hòa cứu nước.

Ngày 12-11 năm 1861 Đô đốc Louis Adolphe Bonard thay cho Đô Đốc Leonard Chamer, tên này mở rộng chiến tranh ở Nam Kỳ. Nguyễn Trường Tộ không mong gì ở hòa nghị nên thôi việc. Nhờ hiểu biết sâu rộng về kinh tế văn hóa khoa học, kỹ thuật nên đến tháng 5 năm 1863 ông thảo xong ba bản điều trần gửi cho Tự Đức để mong triều đình cải cách đất nước. Đó là các văn bản như “Tế cấp luận”, “Giáo môn luận” và “Thiên hạ Đại thế luận”. Ngoài Nguyễn Trường Tộ còn có đại thần Phạm Phú Thứ, quê ở Điện Bàn, Quảng Nam cũng đề đạt vua canh tân đất nước. Nhưng những tư tưởng đó, những văn bản đó không ai đọc, không ai để ý tới bởi vì Tự Đức và phải đầu hàng không muốn canh tân, đổi mới đất nước.

Tự Đức ngồi nhớ lại quá trình xâm lược Nam Kỳ của Pháp: Ngày 17-2-1859 mất thành Gia Định, Tổng đốc Võ Duy Ninh đã tự sát chết. Ngày 24-12-1861 Đại Đồn Chí Hòa, một thành lũy kiên cố với 2 vạn quân do Nguyễn Tri Phương và nhiều tướng lĩnh chỉ huy không chống nổi 5.000 quân Pháp tấn công và thua chạy. Đại Đồn thất thủ. Ngày 4-4-1861 thành Định Tường thất thủ. Ngày 18-12-1861 Thành Biên Hòa mất. Ngày 23-3-1862 Thành Vĩnh Long mất. Pháp đã chiếm trọn 3 tỉnh miền Đông và một tỉnh miền Tây là Vĩnh Long. Tướng lĩnh và quân đội triều đình ở các thành bây giờ cứ nghe thấy tiếng đại bác của quân Pháp là bỏ thành tháo chạy hoặc mở cửa thành đầu hàng.

Trống trên hoàng thành đã điểm canh ba mà Tự Đức vẫn chưa dứt được dòng suy nghĩ nên hòa hay nên đánh. Lúc đầu thắng lợi ở mặt trận Đà Nẵng nên kiên quyết đánh. Nhưng sau khi thành Gia Định và thành Đại Đồn Chí hòa thất thủ thì đa số các Đại thần đều chủ trương giảng hòa. Thủ để hòa nhưng bây giờ không thể thủ được thì hòa thế nào đây? Trong thế thua mà hòa thì không khác gì đầu hàng. Đàm phán nhưng quân Pháp trên thế thắng, thế mạnh thì chỉ có thiệt thòi, chúng ép chiếm đất, ép lấy tiền mà lòng tham của quân xâm lược thì không biết có đáy hay không? Tự Đức không hiểu nổi vì sao Pháp ở tận nơi xa xôi như vậy mà đến đây đánh Đại Nam làm gì? Có lẽ do cấm đạo Thiên chúa giáo, có lẽ không cho chúng thông thương? Chúng đánh để ta cho chúng truyền bá đạo Thiên chúa, đánh để chúng ta mở cửa cho chúng thông thương. Vậy thì phải có một cuộc đàm phán ký hiệp định chính thức cho chúng truyền đạo tự do, chính thức cho chúng thông thương thì chúng không đánh nữa, chúng sẽ trả lại bốn tỉnh mà chúng đã chiếm đóng. Có lẽ phải mất nhiều tiền để chúng trả lại bốn tỉnh. Thôi đành phải như vậy trong tình thế khốn khổ của Triều đình hiện nay”.

Nghĩ như vậy Tự Đức coi như đã tìm ra được sách lược để giải quyết vấn đề gai góc nhất trong cuộc đời tại vị cuả ông, vấn đề cứu nước và Tự Đức thỏa mãn ngủ thiếp đi để mai còn có buổi thiết triều sớm bàn về giàng hòa với Pháp.

*       *

*

Bình minh đã đến với kinh thành Huế, báo hiệu một ngày đầu tháng 5 năm 1862, nắng chan hòa khắp hoàng thành rực rỡ, nắng rải xuống sông Hương mơ màng lấp lánh. Bóng hoàng thành soi xuống sông Hương lại nhô lên trời cao cổ kính, trầm mặc.

Trong điện Cần Chánh hôm nay có buổi thiết triều quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia. Theo các bậc đá vào điện, lính canh mặc quân phục nâu, đội nón lá nhỏ hình khối tam giác (nón ngựa), tay cầm giáo dài đứng hai bên. Các đại thần áo mũ sắc phục theo phẩm hàm, chức tước lớn bé đủ màu sắc xanh, tím, nâu rực rỡ dài chấm gót chân hối hả đi vào điện. Điện Cần Chánh rộng lớn vàng son chói lọi. Hàng chục con rồng lớn vàng chóe leo lên những cây cột to sơn son, những con rồng nhỏ cũng màu vàng leo lên những xà ngang xà dọc. Tất cả các đại thần đều nhìn ra cửa ngách phải của điện, từ đó đi thẳng vào ngai vàng ngóng chờ Tự Đức. Một lát sau Tự Đức đi vào. Tự Đức mặt mũi thanh tú, dáng nhỏ hơi cao, dáng của một thi sĩ hơn là bậc đế vương, mình khoác long bào vàng, đội mũ miện, đi hài vàng. Nom nhà vua đúng là một thi sĩ, làm thơ mới là thực tài của ông, còn làm vua trị nước quả là quá nặng nề đối với ông. Qua bao năm rồi mà ông không vực cái xã hội phong kiến đang thối nát chìm đắm lên một chút nào lại lụi tàn thêm và đang đức trước nguy cơ bị Pháp xâm lược. Tự Đức bước lại nơi đặt ngai vàng, sau khi ngồi xuống thì các đại thần quỳ hô to:

-Hoàng thượng vạn tuế, vạn, vạn tuế.

Tự Đức nói:

-Các ái khanh bình thân.

-Tạ hoàng thượng.

Các quan đứng dậy và im lặng chờ đợi. Tự Đức hỏi:

-Ai có tấu?

Tự Đức đưa mắt nhìn xuống, nhác thấy bóng những đại thần quen thuộc như Tôn Thất Thuyết, Trần Tiến Thành, Trương Đăng Quế, Phan Thanh Giản, Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Đăng Giai, Lâm Duy Hiệp, Lâm Duy Tiếp, Võ Văn Giai, Nguyễn Văn Tường, Ông Ích Khiêm, Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu... Thượng thư Bộ binh Trần Tiến Thành bước ra:

-Thần có tấu.

-Khanh tấu đi.

-Dạ muôn tâu hoàng thượng, hiện nay lục tỉnh miền Nam rất nguy cấp. Giặc Pháp đã đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Đồng Nai, Gia Định, Định Tường và đã chiếm thêm một tỉnh miền Tây là Vĩnh Long. Xin Hoàng thượng có sách lược để cứu lục tỉnh miền Nam.

Tự Đức hỏi:

-Theo khanh thì nên đánh hay nên hòa để thu lại bốn tỉnh?

Trần Tiến Thành đáp:

-Muôn tâu hoàng thượng, thần cho rằng để tránh binh đao khổ nạn cho bách tính chi cho bằng thương lượng giảng hòa là hơn.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 23" tại chuyên mục Nghiên cứu. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com