Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 22

PGS TS Cao Văn Liên

11/06/2024 06:05

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 22.

VII.

Tháng 5 năm 1862 đêm bao trùm hoàng thành và Huế, non nước cây lá chìm trong bóng đêm mượt như nhung, vài vì sao trên trời nhấp nhánh xa xăm. Núi Ngự Bình im lìm mơ ngủ. Sông Hương thao thức với gió và nhiều ánh sáng vàng vọt trên những chiếc thuyền chài trôi vô định như những kiếp con người.

Trong Tử cấm Thành, chỉ còn ánh sáng trong phòng của vua Tự Đức. Đêm đã khuya nhưng nhà vua vẫn chưa ngủ được. Tên quan thị cũng thức để phục vụ cho vua. Vua uống hết ly trà này đến ly trà khác. Trên bàn là hàng đống tấu sớ của các đại thần, của các bộ, của các sĩ phu văn thân. Vua ngồi trầm ngâm suy nghĩ và nhớ lại hồi ức xa xưa...

Tự Đức sinh ngày 25 năm Kỷ Sửu 1829 ở Huế (22-9-1829), tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, khi lên ngôi thì gọi là Nguyễn Phúc, là vị hoàng thượng thứ tư của triều Nguyễn: Gia Long (1802-1819), Minh Mệnh (1820-1840), Thiệu Trị (1840-1847) và Tự Đức lên ngôi từ 1847 cho đến nay đã được 15 năm chỉ dùng một niên hiệu này. Tự Đức là con thứ nhưng là trưởng của vua Thiệu Trị và bà Phạm Thị Hằng (Từ Dụ), vì anh trai của ông là Nguyễn Phúc Hồng Bảo ham chơi, mê cờ bạc, không chịu tu dưỡng học hành nên khi qua đời Thiệu Trị đã di chiếu truyền ngôi cho Tự Đức khi ông 19 tuổi. Tháng 10 năm 1847 Nguyễn Phúc Hồng Nhậm chính thức lên ngôi ở điện Thái Hòa, niên hiệu Tự Đức.

Năm 1802 khi vua Gia Long đánh đổ nhà Tây Sơn lập Vương Triều Nguyễn, đổi Quốc hiệu là Việt Nam (còn ghi là Đại Nam). Đây là lúc chế độ phong kiến Việt Nam tiếp tục con đường khủng hoảng từ thế kỷ thứ XVII, cho đến thời Tự Đức thì không những khủng hoảng toàn diện, sâu sắc mà còn trầm trọng. Nông nghiệp là nền kinh tế chủ yếu của nước nhà nhưng sa sút, mất mùa liên tục, nông dân đói kém triền miền từ năm này qua năm khác. Từ năm 1847 cho đến nay Bắc Hà 11 lần đê vỡ, đồng bằng màu mỡ Bắc Hà hoang hóa như Hưng Yên và Hải Dương, đồng bằng trù phú mọc đầy lau sậy. Cũng như các triều đại trước, triều đình Tự Đức cũng thi hành gắt gao cấm giao thương với nước ngoài, với các nước tư bản phương Tây. Năm 1850 tàu chiến của Hoa Kỳ vào xin thông thương nhưng Tự Đức làm ngơ, không thèm xem thư. Từ năm 1855 đến năm 1877 các nước Anh, Pháp, Tây Ban Nha nhiều lần vào Đà Nẵng, Thi Nại (Bình Định) xin buôn bán thông thương cũng không được. Ngoài cấm thông thương, triều đình Nguyễn còn ra sức cấm đạo Thiên Chúa và truyền bá đạo này vào Việt Nam. Nhà Nguyễn đã tàn sát những người Việt theo đạo, bắt các giáo sĩ phương Tây vào Việt Nam, tạo duyên cớ cho Pháp xâm lược Việt Nam. Thuế khóa thời Tự Đức cũng giống như thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị rất nặng nề với nhiều thứ thuế đè lên đầu người nông dân đói khổ. Công thương nghiệp không phát triển nên ngoài thuế nông nghiệp, thuế đánh vào nông dân, nhà nước không có nguồn nào khác. Chế độ quan lại từ trung ương đến địa phương cực kỳ thối nát và mục ruỗng, chuyên đục khoét vơ vét của nhân dân và tham nhũng. Hầu hết quan lại vẫn được giáo dục học thuyết Nho giáo đã lạc hậu nên không cập nhật được những tư tưởng tiến bộ khoa học của thời đại. Đóng cửa nên không có thông tin với thế giới bên ngoài. Họ mù quáng, tự mãn và bảo thủ, khư khư ôm lấy học thuyết lỗi thời hàng nghìn năm trước, phi thực tế, bay trên mây trên gió, không giải quyết được những vấn đề thực tế cấp bách của đất nước đang đặt ra. Tài chính thiếu hụt nên triều đình công khai mua quan bán tước, 1.000 quan tiền thì được phong cửu phẩm, 10.000 quan tiền được phong lục phẩm.

Do kinh tế yếu kém nên quân đội công cụ để bảo vệ nhà nước, bảo vệ đất nước cũng rất sa sút yếu kém. Trước hết là tinh thần. Phần lớn binh sĩ là con em nông dân. Họ vào quân đội nhưng gia đình họ bị đói khổ, phiêu tán, bị bóc lột nặng nề. Bản thân họ cũng khổ cực. Quân đội nhà Nguyễn không có một hậu phương vững chắc là nhân dân. Trang bị vũ khí của quân đội vô cùng lạc hậu. Trang thiết bị của thời đại kỹ thuật mới công nghiệp hầu như không có. Ví dụ như bộ binh trang bị thiếu thốn và lạc hậu: 50 người lính mới có 5 khẩu súng, khi bắn phải nhồi thuốc châm lửa, gọi là súng hỏa mai. Súng thần công được đặt trên các thành lũy, khi bắn cũng phải nhồi thuốc châm lửa, thuốc cháy súng nổ đưa đạn văng ra nhưng đạn không nổ như đại bác của phương Tây, rơi xuống như cục đá văng vào ai thì mới bị thương hoặc chết. Thuốc không trong vỏ đạn nên mưa là thuốc ẩm ướt bắn không được. Súng hỏa mai và súng thần công do đó tốc độ bắn cực kỳ hạn chế, ảnh hưởng lớn đến cường độ tốc độ chiến đầu.

Thủy quân nhà Nguyễn không có tàu chiến bằng sắt thép do công nghiệp hiện đại sản xuất, không có tàu chiến chạy bằng hơi nước, chạy bằng sức đẩy của chân vịt. Thuyền chiến chạy bằng buồm (sức đẩy của gió) và chạy bằng mái chèo, trên thuyền không có đại bác hiện đại. Thủy quân nhà Nguyễn do đó không thể bảo vệ được biển, bờ biển trong chiến tranh chống xâm lược, cũng không đánh nổi bọn hải tặc cướp biển. Tư tưởng quân sự của các tướng lĩnh rất lạc hậu, bảo thủ. Đời sống binh lính không được quan tâm, khẩu phần bị ăn bớt, cộng với đời sống gia đình khổ cực làm cho tinh thần chiến đấu không cao. Quân đội nhà Nguyễn qua các cuộc chiến tranh với Pháp từ năm 1858 đến nay (1862) rõ ràng không chống nổi quân Pháp có dùng súng đạn bắn nhanh tiên tiến, chế tạo bằng công nghiệp hiện đại. Tàu chiến chạy bằng máy hơi nước. Đại bác của chúng bắn nhanh. Đạn rơi xuống mới nổ như bom có sức tàn sát và phá hủy lớn. Ngoài súng trường bắn nhanh, tàu chiến đại bác cũng là nỗi kinh hoàng cho các tưỡng lĩnh nhà Nguyễn.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 22" tại chuyên mục Nghiên cứu. Hotline: 03 6690 8888 | Email: tapchivanhoavaphattrien@gmail.com