Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 30)

PGS TS Cao Văn Liên

25/11/2023 06:08

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 30

IV. Tổng quan lịch sử châu Mỹ

Trước thế kỷ XV, người châu Á, châu Âu chỉ mới biết có 3 châu lục trên thế giới, đó là châu Á, châu Âu và châu Phi. Năm 1492, Cơ ri stốp Côlômbô tìm ra châu lục mới nhưng ông lại nhầm là Ấn Độ. Năm 1503 Ame ri gô Vet spu xi khẳng định đây là một châu lục mới. Ông đã tiến hành khảo sát vẽ bản đồ và từ đó châu lục mới mang tên châu Mỹ (America).

           Châu Mỹ là châu lục lớn thứ 3 trên thế giới. Diện tích toàn châu khoảng 42.604.117km2, dân số khoảng 577 triệu người. Châu Mỹ được chia thành 3 phần: Bắc Mỹ bao gồm 3 quốc gia: Ca na đa, Hoa Kỳ và Mêhicô, diện tích khoảng 21.266.095km2, dân số khoảng 306 triệu người. Như mắt xích nối trong chuỗi xích, 7 nước vùng trung Mỹ nối lục địa Bắc Mỹ với Nam Mỹ. Diện tích 7 nước Trung Mỹ khoảng 523.177km2 với dân số hơn 27 triệu người. Nam Mỹ có diện tích khoảng 17.832. 000km2, dân số khoảng 246 triệu người, trong đó Bra xin chiếm 1/2 dân số toàn Nam Mỹ. Toàn châu lục có 38 nước. Nhưng căn cứ theo ngôn ngữ người ta thường chia châu Mỹ thành hai khu vực: Bắc Mỹ gồm Ca na đa và Hoa Kỳ chủ yếu dùng Anh ngữ, từ Mêhicô trở xuống mũi cực Nam sát với eo biển Ma gien lăng được gọi là khu vực Mỹ La Tinh vì sử dụng ngôn ngữ La Tinh của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Khu vực Mỹ La Tinh có diện tích 21 triệu km2, dân số 271 triệu người.

           Người ta không thể tìm thấy ở châu Mỹ một dấu vết nào chứng tỏ đây là một trong những cái nôi của loài người. Nhưng có những bằng chứng cho thấy sự tồn tại của con người và động vật ở đây đã tàn lụi từ hàng nghìn năm nay. Những bằng chứng này không nối liền với nền văn hoá châu Mỹ cho đến thời tiền C. Côlômbô. Cho nên người ta ngã theo giả thuyết cách đây khoảng 25.000 năm, cư dân châu Á đã di cư đến sinh sống ở Bắc Mỹ. Ở khu vực Mỹ La Tinh, cư dân bản địa lâu đời là người Anh Điêng (Da Đỏ) với nhiều sắc tộc khác nhau. Trước khi C. Côlômbô khám phá ra Tân thế giới, toàn châu lục có khoảng 60 triệu người Anh Điêng. Họ có một nền văn hoá lâu đời. Nhiều thế kỷ trước CN, công xã nguyên thuỷ của người Da Đỏ tan rã, ở nhiều nơi hình thành quốc gia và nhà nước đạt trình độ văn hoá cao. Như nhà nước của người May A, In Ca, Azơtéch, Xapôtêca, Mi sơlêca…Trong các nhà nước đó đã có một bộ máy quyền lực từ trên xuống dưới mang tính chất quân chủ chuyên chế sơ khai hay là cộng hoà quý tộc. Nhà nước của người Azơtech bao gồm toàn bộ Mêhicô. Họ đã xây dựng thành phố Mêhicô là một trong những thành phố lớn nhất thời bấy giờ. Vào thế kỷ thứ X, người In ca xây dựng một đế chế trải dài từ Côlômbia đến tận Chi lê. Người Anh Điêng xây dựng được những nền văn hoá rực rỡ ở khu vực Trung Mỹ, khu vực quanh Ca ri bê, khu vực dãy An đơ. Đó là nền văn hoá Teotihuacan mà nét tiêu biểu là những Kim tự tháp, những thành phố tôn giáo. Khi Teotihuacan suy tàn thì nền văn hoá Toltec thay thế. Người Toltec đã để lại niên lịch và những kí hiệu chữ Mixlôát ghi ngày tháng. Trong vương quốc của họ có những Kim tự tháp để thờ cúng, còn dưới đáy đặt thi hài của những người quá cố vĩ đại, có sân vận động chơi bóng ném, hẳn họ là một tộc người ham thích thể thao, có những thành phố với những tòa nhà lộng lẫy; có hệ thống số đếm hoàn hảo. Khi văn hoá Toltéc suy tàn thì văn hoá Azơtéch thay thế và ngự trị rất lâu dài ở Trung Mỹ. Năm 1325, người Azơtéch xây dựng lại thành phố Mêhicô to lớn và lộng lẫy nhất so với các thành phố đương thời. Họ xây dựng được một bộ máy quyền lực mang đặc trưng riêng. Trong vương quốc nông nghiệp và thương nghiệp đều phát triển. Đây là một xã hội chiếm hữu nô lệ mà sự phân giai tầng như những bậc thang trong xã hội. Kim tự tháp của họ chồng cao đến 11 tầng với kỹ thuật chạm khắc đá điêu luyện. Vương quốc đã có chữ viết, có lịch đại bằng đá cho thấy quan niệm của người Azơtéch về thế giới vũ trụ. Họ thờ những vị thần theo quan điểm nhị nguyên luận (đối nhau).

           Trên bờ Đại Tây Dương, vịnh Mêhiccô còn tìm thấy dấu vết nền văn hoá Olmec mà biểu trưng là những pho tượng lớn bằng đá khối với một trình độ điêu khắc tuyệt vời. Nền văn hoá Tolonac nở rộ từ thế kỷ V đến thế kỷ XI. Kim tự tháp của họ mang tính đặc sắc có khoét 365 cái hốc ở 4 mặt tượng trưng cho 365 ngày trong một năm. Phía bắc nền văn hoá Tolonac tồn tại nền văn hoá Huaxtec gần gũi với nền văn hoá May A với những tượng đá được xử lý như những tượng đắp nổi, đồ gốm bao giờ cũng có quai. Đỉnh cao nhất của văn hoá Anh Điêng là nền văn hoá May A. Một nhà khảo cổ học đã nói đúng rằng May A là Hi Lạp của Tân thế giới. Ngày nay, May A còn khoảng 7 triệu người, sử dụng 20 ngôn ngữ. Cách ngày nay khoảng 2000 năm họ đã có lịch sử gắn với lịch sử châu Mỹ. Họ có hệ thống chữ tượng hình phức tạp, ngày nay có 60% ký hiệu được các nhà khoa học giải mã. Đồ gốm của họ có những nghệ thuật riêng về chiết tự. Họ xây dựng những thành phố làm trung tâm nên những nhà nước của họ như những nhà nước thành bang kiểu Aten, Xpác ở Hi Lạp. Đây không phải là những nhà nước chuyên chế mà như kiểu nhà nước cộng hoà quý tộc với cấu trúc xã hội được chia thành 4 giai tầng. Số học phát triển và việc tính toán thiên văn học của họ chính xác kỳ lạ. Họ là tác giả của việc phát minh ra số 0, tác giả của lịch tôn giáo Tzônkin độc lập với lịch đại mặt trời. Nghệ thuật kiến trúc mang tính tôn giáo tuyệt vời nhất của đương thời với kiểu kiến trúc được phân ra khu cung điện và khu nhà thờ tạo nên một kiến trúc tổng thể.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 30)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn