Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 45)

PGS TS Cao Văn Liên

10/12/2023 06:20

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 45

Từ năm 1940, Liên Xô đã hoàn thành xóa nạn mù chữ. Cuối những năm 70 đã phổ cập giáo dục ở hệ trung học 10 năm cho thanh niên. Theo thống kê 1996, trình độ 5 dân tộc ít người còn cao hơn trình độ toàn Liên Bang. Sự phát triển mọi mặt của các dân tộc ít người làm tăng thực lực cho nhà nước Xô Viết, bổ sung cho sự phát triển kinh tế văn hóa các dân tộc.

Nhưng khi giải quyết mối quan hệ dân tộc, Đảng và nhà nước Liên Xô đã phạm sai lầm nghiêm trọng.

Mười năm đầu sau khi Lênin mất, cơ bản nhà nước Liên Xô vẫn thực hiện chính sách dân tộc của Người. Đến những năm 30, trong quá trình định cư du mục và tập thể hóa nông nghiệp, nhà nước đã thực hiện biện pháp cưỡng chế quá khích đối với các dân tộc ít người. Trong thời kỳ Stalin thanh trừ các phần tử chống đối đã làm tổn thương đến một loạt các cán bộ dân tộc ít người. Thời chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1941-1945), chính phủ đã cưỡng ép toàn bộ 8 dân tộc Trétvơnô-Ingusetia, Tác ta ở Crưm và Giécmanh bên bờ sông Vonga đến vùng Trung Á và Xibêri là những nơi sống khó khăn vì các dân tộc này đã đầu hàng Chủ nghĩa phát xít, phản bội Tổ quốc. Một số dân tộc, thời Khơrútsốp đã được phục hồi danh dự, về quê hương, còn ba dân tộc khác được phục hồi danh dự nhưng chưa trở về là mầm mống gây nổi loạn về sau này.

Ba nước vùng Ban tích: Lít va, Latvia, Extonia cho rằng họ bị sáp nhập vào Liên Xô là do hiệp ước không xâm phạm Xô - Đức kí ngày 28-8-1939.

Nam Capcadơ, khi nhà nước Liên Xô xác định khu vực dân tộc cũng không thống nhất. Tỉnh tự trị Nagorơnưi-Caran Bắc có người Ácmêni sống lại thuộc lãnh thổ Adecnaidan, tín ngưỡng hai dân tộc này khác nhau - làm ấp ủ mầm mống xung đột sau này.

Việc di dân cư không thỏa đáng cũng mang lại hậu quả tiêu cực, chủ yếu là người Nga di cư đến các vùng dân tộc ít người quá nhiều đã gây nên những hiểu nhầm có thể thiệt hại cho quyên lợi các dân tộc thiểu số.

Việc dựa vào chính phủ trung ương và các vùng phát triển hơn đã làm nảy sinh tư tưởng ỉ lại ở các dân tộc thiểu số, còn Nga đi giúp đỡ nhiều lại nẩy sinh tư tưởng ân hụê và đòi hỏi đặc quyền của mình đối với các nước Cộng hòa dân tộc. Việc chống chủ nghĩa dân tộc chỉ thiên về chống chủ nghĩa dân tộc địa phương mà không chú trọng chống chủ nghĩa sô vanh đại Nga.

Đồng thời với việc phát triển kinh tế, văn hóa, ý thức dân tộc ở các nước Cộng hòa được tăng cường, họ muốn có nhiều quyền lợi kinh tế và chính trị. Đây là một vấn đề quan trọng mà nhà nước Liên bang không thể coi thường.

Nhưng trong khi giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc, nhà nước Liên Xô khi thì đàn áp quá mạnh, khi thì tăng cường khống chế, di dân, thay đổi cán bộ, áp chế hoạt động tôn giáo, đẩy mạnh việc Nga hóa các dân tộc, giải quyết các khu vực hành chính không thỏa đáng, không chú ý các đặc điểm và nguyện vọng của các dân tộc. Tất cả những điều đó trong nhiều năm đã làm nẩy sinh nhiều mâu thuẫn mới và nhiều vấn đề mới, lại không được Đảng và nhà nước quan tâm điểu chỉnh. Đó là những hiểm họa, nguy cơ đe dọa sự tồn tại của nhà nước Xô Viết từ bên trong.

3. Trì trệ - khủng hoảng

Như đã trình bày ở trên, mô hình Chủ nghĩa Xã hội Liên Xô tập trung quan liêu mà đặc điểm chủ yếu là triển khai cách mạng công nghiệp, chú trọng công nghiệp nặng, chiếm 70% trong cơ cấu, công thức triệt để về tư liệu sản xuất dưới hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu nhà nước. Nhà nước quản lý kinh tế theo kế hoạch chỉ tiêu pháp lệnh, phân phối sản phẩm theo hiện vật qua chế độ tem phiếu, sau này khi bỏ chế độ tem phiếu thì sản xuất theo khối lượng chỉ tiêu được hoạch toán trước.

Mô hình tập trung quan liêu bao cấp này phát huy tác dụng trong buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong chiến tranh. Nhưng về sau này, mô hình này trở thành lực cản trở to lớn sự phát triển kinh tế xã hội Liên Xô. Chế độ quản lý đó tồn tại hàng chục năm trời trở nên xơ cứng, bóp chết trong trứng tất cả mọi sáng kiến cái mới không được chấp nhận. “Có cảm giác là nền kinh tế có kế hoạch có một cơ cấu không chấp nhận sự thay đổi nào và không đếm xỉa đển những nhu cầu của người tiêu dùng, đến các thành tựu khoa học kĩ thuật”[1].

Trong thời đại ngày nay, khoa học kỹ thuật thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển. Ở Liên Xô đã từ lâu, khoa học phải lùi bước trước các quyết định duy lý. Chính năm 1938, Stalin đã sử dụng Luxeco làm Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Liên bang và các khoa học nông nghiệp mang tên Lênin. Việc sử dụng một số người không am hiểu khoa học và chuyên môn đã dẫn đến kết quả phá hoại ngành di truyền học, thực vật học, nông lâm, một thế hệ các nhà khoa học trong lĩnh vực này bị tê liệt. Họ không thể làm việc theo tinh thần khoa học chân chính được nữa.

Những năm cuối cùng của Stalin được khắc họa bằng sự đồi bại của trí tuệ, văn hóa Liên Xô.

Vào những năm gần đây, Liên Xô chiếm 1/4 tổng số cán bộ khoa học kĩ thuật thế giới, phát minh kĩ thuật mới chiếm 1/3 tổng số thế giới, đứng số 2 thế giới và chỉ kém có Nhật Bản. Nhưng do cơ chế cản trở, chỉ có 1/4 thành quả phát minh mới được đưa ra ứng dụng trong nền kinh tế quốc dân. Thời hạn nghiên cứu và đưa ra ứng dụng một hạng mục kĩ thuật kéo dài từ 10 đến 12 năm. Có những thành tựu khoa học kĩ thuật của Liên Xô ra nước ngoài, vài năm sau lại quay lại Liên Xô. Khoa học Liên Xô trở nên lạc hậu. Dù chiếm 1/4 lực lượng khoa học thế giới nhưng trong số họ ít ai nổi bật. Đã hàng chục năm (sau N. G. Baxốp và A. M. Prôkhônốp) không một nhà bác học nào được giải thưởng Nô ben. Trong khi đó những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ nhận khoảng 100 giải thưởng Nôben, còn Liên Xô chỉ được 10 cái, tỉ lệ 1/10[2].

Liên Xô còn mất cân đối trong khoa học kĩ thuật, công nghiệp quân sự phát triển, công nghiệp dân dụng lạc hậu, các ngành mới như vi điện tử, năng lượng mới, vật liệu mới, kĩ thuật thông tin, vi sinh vật tụt hậu so với các nước phương Tây. Giữa những năm 80, trình độ khoa học chung của Liên Xô lạc hậu 15 năm so với phương Tây[3]. Sự chảy máu chất xám ra ngoài tăng thêm, làm cho khoa học có nguy cơ gặp những tai họa mới không thể cứu chữa được.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] Lịch sử Liên Xô - trang 313

[2] Vich to Aphananép: Quyền lực thức tư và Bốn đời Tổng bí thư. Nxh Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 121-122

[3] Du Thúy: Mùa đông và mùa xuân Matxcova - Chấm dứt một thời đại, Nxh Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 45)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn