Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 44)

PGS TS Cao Văn Liên

09/12/2023 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành

Kỳ 44

Vào những năm 30, dưới thời Stalin đã tiến hành cuộc đấu tranh giành quyền lực, thanh lọc và giết chóc, 1/4 đất nước biến thành nhà tù và các trại cải tạo. Đầu năm 1933 số người bị tù và bị đưa đi cải tạo ở các trại là  30.000, hè 1934: 500. 000, tháng 12-1936:820. 881, 1937:996. 307, 1938:1. 500. 534 và 1941 lên đến 1. 475. 596[1]. Kết quả cuộc đấu tranh nội bộ đó là tập trung quyền lực cao độ vào tay cá nhân Stalin, gần như một mình cá nhân Stalin lãnh đạo đất nước.

Hết thời kỳ tập quyền cá nhân Stalin lại chuyển sang thời kỳ Đảng nắm vai trò lãnh đạo trong hệ thống quản lý hành chính mệnh lệnh, tác động vào tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội qua các phương pháp áp đặt, can thiệp vào các vấn đề của đời sống kinh tế, điều mà theo bản chất của Đảng - một tổ chức chính trị luôn luôn trái với tự nhiên.

Về danh nghĩa, Xô Viết tối cao là cơ quan lập pháp, cơ quan quyền lực lớn nhất của Liên Xô, nhưng các đại biểu của cơ quan này không qua bầu cử mà lại qua biểu quyết. Những nghị quyết của Xô Viết tối cao lại được Đảng chuẩn bị. Như vậy, bộ máy Đảng gắn chặt với bộ máy quản lý nhà nước. Bộ máy Đảng trùng lặp, chồng chéo và làm thay chức năng bộ máy nhà nước. Những quyết định trên danh nghĩa do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đưa ra nhưng đã được Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô chuẩn bị. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô trong nhiều trường hợp chỉ có thể dự họp thảo luận các vấn đề đối ngoại, an ninh hoặc đối nội với tư cách là ủy viên bộ chính trị.

Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô lo lắng bảo vệ “sức mạnh vai trò hạt nhân” nắm mọi chức vụ ở các bộ, các cơ sở sản suất, trừng trị những người khác chính kiến.

Toàn Liên Xô có khoảng 900 bộ và cơ quan ngang bộ. Hội đồng bộ trưởng Liên Xô có 100 Bộ trưởng và 15 đại biểu của Chính phủ các nước Cộng hòa. Chức năng của các Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng thật là kỳ lạ, không ai chịu trách nhiệm cụ thể về một vấn đề gì, không ai nghiên cứu vấn đề mình phụ trách mà chỉ trao đổi một lần nghị quyết và thực hiện các mệnh lệnh. Còn nếu ai nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể sẽ bị phản ứng hoặc sẽ ỉ lại Ủy ban kế hoạch nhà nước, Ủy ban Trung ương nhà nước. Ở các ủy ban này, sự manh mún cũng rất lớn.

Trong Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, có bốn Bộ trưởng không thuộc quyền Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, hoạt động của các bộ này không phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng: đó là Bộ quốc phòng, ngoại giao, nội vụ và ủy ban an ninh quốc gia đầy quyền lực. Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng không thể cách chức một ai trong số các bộ trưởng hoặc các phó dù họ làm tồi tệ. Hơn nữa, một số phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng cũng là ủy viên bộ chính trị, ngang với trưởng của mình. Khi cần thiết cất nhắc người thân thiết cùng vây cánh, người ta có thể lập ra một bộ mới, cơ quan mới cho người đó làm bộ trưởng hoặc đứng đầu các ủy ban đó, bất chấp bộ đó, ban đó có cần thiết hay không và tài năng lãnh đạo, trình độ chuyên môn của người đó thế nào. Mọi việc cứ rối mù lên, ai chỉ huy ai, ai chịu trách nhiệm với ai đều không cụ thể rõ ràng[2].

Trên thực tế, các Bí thư trung ương và cá nhân Tổng Bí thư đã lãnh đạo ngành công nghiệp rộng lớn một cách toàn quyền. Đảng lãnh đạo toàn bộ ngành kinh tế đất nước - các chức năng Phó Bí thư trùng lặp với phó chủ tịch hội đồng bộ trưởng.

Đảng không chỉ lãnh đạo kinh tế mà còn là cơ quan hành pháp cao nhất. “Ở đất nước ta dường như tồn tại hai Đảng: một Đảng gắn liền với cơ cấu nhà nước và trên nhiều phương diện là bộ máy quan liêu, còn một Đảng là của những người Đảng viên bình thường”[3]

Từ bộ máy cực quyền quan liêu điều hành đã để lại các yếu tố tiêu cực trong các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế Liên Xô.

Liên Xô là một nước lớn, là Liên Bang, các nước Cộng hòa các dân tộc, có hơn 120 dân tộc lớn nhỏ, ngữ hệ, tín ngưỡng tôn giáo khác nhau. Tính đến năm 1985 Liên Xô có 276 triệu dân, trong đó dân tộc Slavơ chiếm 52, 4% dân số. Các dân tộc ít người phân bố ở các vùng biên giới ven biển và các vùng kinh tế quan trọng chiếm 63, 9% diện tích toàn Liên Xô.

Nhìn chung, Liên Xô giải quyết vấn đề dân tộc thận trọng. Nhà nước đã thi hành chính sách bình đẳng dân tộc, chú ý cải thiện quan hệ dân tộc, nâng cao được địa vị chính trị các dân tộc ít người, nhấn mạnh Liên bang tự nguyện, bình đẳng giữa các dân tộc. Trong Liên bang Xô Viết đã xây dựng một số nước Cộng hòa tự trị. Năm 1924 - Hiến pháp Liên Xô qui định thực hiện chế độ hai Viện: Viện dân tộc quyền ngang với Viện Liên Bang trong cơ quan lập pháp. Trên tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản, nhân dân Nga đã giúp đỡ các dân tộc ít người phát triển kinh tế, văn hóa. Nhà nước Liên Xô đã thực hiện các chính sách ưu đãi dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho họ.

Năm 1985, 5 nước Cộng hòa (trừ Nga) có tốc độ tăng trưởng kinh tế: Tăng trưởng sản phẩm công nghiệp và 9 nước Cộng hòa có tốc độ tăng trưởng sản phẩm nông nghiệp cao hơn so với tốc độ tăng trưởng toàn Liên Bang và cả Nga.

Nhà nước Liên Xô đã coi trọng bồi dưỡng cán bộ các dân tộc ít người, chú ý thực hiện dân tộc hóa cán bộ. Đến năm 1985 cán bộ Đảng, chính quyền của 14 nước Cộng hòa (trừ Nga) đều đã do người dân tộc đảm nhiệm. Liên Xô cũng đã coi trọng việc giúp đỡ các dân tộc ít người phát triển văn hóa, giáo dục, sáng tạo chữ viết cho 52 ngôn ngữ của các dân tộc ít người. Đã lập các trường Đại học, các trường dân tộc giảng dạy bằng tiếng dân tộc. Nhà nước đã vận động xóa nạn mù chữ với qui mô lớn.

(Còn nữa)

CVL

---------------------

[1] Tổ quốc ta - một thử nghiệm về lịch sử - chính trị, Nxb Terra, Matxcova, 1991, trang 27

[2] Rus cốp nhi cô lai I van nô vích. Cải tổ - Lịch sử của những sự phản bội. Tổng cục II Bộ quốc phòng, Hà Nội, 1992, trang 121-122.

[3] Rus cốp nhi cô lai I van nô vích. Cải tổ - Lịch sử của những sự phản bội. Tổng cục II Bộ quốc phòng, Hà Nội, 1992, trang 137.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 44)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn