Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 72)

PGS TS Cao Văn Liên

06/01/2024 06:07

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử thế giới” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.   

Kỳ 72.

Trên trường quốc tế, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa là người ngăn chặn, không cho chủ nghĩa đế quốc dùng vũ lực đối với các dân tộc nhỏ yếu. Với tư cách là một trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Liên Xô đã nhiều lần dùng quyền phủ quyết các nghị quyết bất công sai trái chống lại các dân tộc nhỏ yếu. Điều đó càng thấy rõ khi Liên Xô sụp đổ, vào năm 1991 thì không ngăn chặn được cuộc chiến tranh vùng vịnh đẫm máu, dân tộc Irắc trở thành nạn nhân của chính sách đế quốc chủ nghĩa ở Trung Đông của các nước Mỹ, Anh, Pháp. Tháng 4/1992 lại một nghị quyết sai trái như vậy của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc được thông qua để thực hiện mưu toan của Mỹ, Anh, Pháp chống Libi.

Đối với phong trào công nhân ở các nước tư bản, sự tồn tại của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã buộc chủ nghĩa tư bản phải tự điều chỉnh một cách toàn diện để xoa dịu mâu thuẫn giai cấp, để tránh những cuộc cách mạng vô sản, để bản thân chúng tồn tại. Trước hết, nhà nước tư sản buộc phải can thiệp vào công việc kinh tế, dường như làm “trọng tài” giữa lao động và chủ tư bản: Ban hành một số quy chế lao động, hợp đồng lao động, ban bố một số quyền dân chủ, tăng quỹ bảo hiểm, quỹ phúc lợi xã hội, trợ cấp, cứu tế, tạo điều kiện sống tốt để công nhân làm việc tốt. Kết quả là đời sống kinh tế của công nhân được cải thiện, được nâng cao trong chủ nghĩa tư bản hiện đại.

Sự tồn tại của Liên Xô và của các nước xã hội chủ nghĩa là nhân tố để bảo vệ hoà bình thế giới. Với tiềm năng quân sự và kinh tế của mình, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã giữ thế cân bằng chiến lược, do đó đã giữ gìn được an ninh hoà bình cho thế giới, đã ngăn chặn được bàn tay gây chiến của chủ nghĩa đế quốc, vì chính chiến tranh hạt nhân sẽ tiêu diệt cả chủ nghĩa tư bản và cả xã hội chủ nghĩa. Kẻ gây chiến hiển nhiên không bao giờ lại muốn mình bị tiêu diệt.

Như vậy, bấy nhiêu minh chứng đủ thấy rằng sự ra đời và tồn tại của chủ nghĩa xã hội đã làm thay đổi bộ máy của toàn thế giới, đã làm cho lịch sử hiện đại thế giới phát triển theo chiều hướng hoàn toàn có lợi cho lao động, dân chủ hoà bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Cho dù hôm nay Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa không tồn tại nữa thì xu hướng lịch sử đó cũng không một thế lực nào có thể đảo ngược được. Những giá trị vật chất, tinh thần, văn hoá mà chủ nghĩa xã hội tạo ra không một thế lực nào có thể xoá bỏ được. Nền văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, tức là nền văn minh xã hội chủ nghĩa hoà nhập với nền văn minh nhân loại là bất diệt.

4. Tương lai của chủ nghĩa xã hội

Chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, ở những nước mà chủ nghĩa xã hội còn tồn tại thì cũng chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc. Đảng và chính phủ các nước này đang ra sức đổi mới, gạt bỏ những sai lầm, để cứu vãn chủ nghĩa xã hội. Ở Trung Quốc 1978 cải cách gặp nhiều khó khăn. Tháng 5/1989 hàng triệu người đã biểu tình ở Thiên An Môn. Trung Quốc còn chủ nghĩa xã hội là do nắm vững được chuyên chính vô sản, là do đường lối cứng rắn của bát lão trị gia (Tám cụ già cai trị đất nước: Đặng Tiểu Bình, Bành Chân, Dương Thượng Côn…). Ở Việt Nam cũng đi vào đổi mới để mong đất nước vượt khỏi khó khăn và đã thu được một số kết quả bước đầu. Ở Cuba tình hình rất khó khăn do mất Liên Xô, mất Nicaragoa nhưng đường lối của Đảng và chính phủ Cuba rất cứng rắn, không chấp nhận cơ chế thị trường, không chấp nhận nhiều thành phần kinh tế, nợ nước ngoài lên đến 6, 5 tỉ đôla, nay cũng từng bước được khắc phục.

Một mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội theo cơ chế bao cấp toàn diện, chỉ có một thành phần kinh tế duy nhất: Kinh tế xã hội chủ nghĩa với hai hình thức sở hữu, sản xuất theo nhu cầu của của kế hoạch chứ không theo nhu cầu kinh doanh đã sụp đổ. Ở những nước xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ, việc chuyển sang kinh tế thị trường, tư hữu hoá tư liệu sản xuất để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa cũng đầy đau khổ và bi thảm chứ hoàn toàn không đơn giản và lạc quan như người ta tưởng ban đầu. Một người dân ở Matxcơva vào thời điểm tháng 1/1992 chi tiêu ở mức trung bình cần 1. 710 rúp một tháng. Thế mà mức lương tối thiểu chỉ có 342 rúp một tháng, 5 triệu người thu nhập dưới mức đó, 20 triệu người thu nhập dưới 550 rúp. Do thả nổi giá cả, giá cả tăng từ 5 đến 7 lần, tất cả các mặt hàng thiết yếu đều khan hiếm. Sản lượng nông nghiệp Nga hiện tại thấp hơn các nước phát triển 4 lần, sản lượng công nghiệp giảm 15%. Ở Liên Xô trên các đường phố đã xuất hiện đông đúc trẻ em, ông bà già đi đánh giầy kiếm sống và đi ăn xin. Trong khi đó, sự trợ giúp của các nước tư bản phương Tây và Mỹ hoá ra chỉ là lời hứa hão huyền, một miếng mồi để thúc đẩy, xúi giục những kẻ hám tiền nhẹ dạ đứng lên lật đổ chủ nghĩa xã hội. Ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa không còn, bây giờ nhân dân mới thấy rõ và chịu đựng trực tiếp ý nghĩa hậu quả cay đắng của nó. Lịch sử thật là nghiêm khắc, nó chưa biết dung thứ cho bất cứ một hành động phản bội hoặc sai trái nào.

Dẫu sao mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội cũng đã sụp đổ. Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đang mò mẫm thử nghiệm xây dựng một mô hình mới. Trong mô hình mới của chủ nghĩa xã hội, người ta bỏ chế độ bao cấp trong sản xuất kinh tế, chuyển sang cơ chế thị trường, đưa sản xuất vào mục đích kinh doanh theo đúng quy luật tiền tệ hàng hoá. Trong mô hình mới đó, người ta thừa nhận sự tồn tại phát triển của nhiều thành phần kinh tế mà chủ yếu là sự phát triển của tư nhân tư bản chủ nghĩa. Trong cơ chế mới, đảng ít can thiệp vào công việc của bộ máy nhà nước, nhà nước ít can thiệp vào công việc kinh doanh. Trong mô hình mới này đầy đủ tất cả các yếu tố hỗn tạp pha trộn nhau. Vừa có chủ nghĩa xã hội vừa có chủ nghĩa tư bản. Vấn đề đặt ra trong xu hướng phát triển này là khi chủ nghĩa tư bản mạnh lên, nhà nước vô sản có đủ sức mạnh để buộc các yếu tố đó khuất phục đi vào quỹ đạo chủ nghĩa xã hội hay không? Đó cũng là một cuộc đấu tranh quyết liệt. Khả năng thứ hai là quá trình phát triển, các yếu tố chủ nghĩa tư bản lần lượt chiếm ưu thế làm cho các yếu tố chủ nghĩa xã hội tắt lịm dần, và chủ nghĩa tư bản chiến thắng chủ nghĩa xã hội một cách âm thầm.

Một câu hỏi đặt ra về lý luận là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản có tất yếu thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới hay không?

(Còn nữa

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử thế giới (Kỳ 72)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn