Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 13)

PGS TS Cao Văn Liên

09/02/2024 06:04

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.

Kỳ 13

Ai Cập có 2/3 dân số ở tuổi dưới 30 nhưng chiếm 90% tổng số người thất nghiệp, khoảng 40% dân số có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, 1/3 dân số mù chữ . Giá cả tăng cao. Theo Bộ nông nghiệp Ai Cập, năm 2010, 40% thực phẩm, 60% bột mỡ, loại lương thực chủ yếu phải nhập khẩu. Ai Cập là nơi sản xuất lương thực lớn của châu Phi nay trở thành nước nhập khẩu lớn nhất khu vực. Giá lúa mỡ tăng từ 50% đến 70%. Năm 2010, Ai Cập phải mở rộng số lượng người phải cấp phát khẩu phần lương thực và đường. Bên cạnh đó, xã hội phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Nguồn lợi đất nước rơi vào tay tầng lớp chóp bu cầm quyền trung ương và địa phương, vào tư sản. Đại đa số nhân dân nghèo khổ, thất nghiệp.

          Về chính trị, Ai Cập chỉ là nước cộng hòa trá hình. Mubarak cai trị theo kiểu gia đình trị, tham quyền cố vị, tìm mọi cách phi hiến pháp và phi dân chủ để bám lấy quyền lực tới 30 năm. Vào những năm đầu thế kỷ XXI, Mubarak đang tìm cách trao quyền kế vị cho con trai. Dưới Tổng thống là một bộ máy nhà nước tham nhũng, không quan tâm đến vận mệnh đất nước và nhân dân đang trong khó khăn và nghèo đói. Chỉ tính riêng từ năm 2000 đến năm 2008 các quan chức Ai Cập đã tuồn ra nước ngoài 70 tỉ USD. Tới đầu năm 2012 gia đình Mubarak có khoảng 70 tỉ USD ở ngân hàng Anh và Thuỵ Sĩ, ngoài ra còn có nhiều bất động sản ở Anh và Mỹ.[1] Con trai Mubarak là Gamal vàAlaa cũng là các tỉ phú. Chính sách cai trị hà khắc, mất dân chủ, bất công dẫn đến phân hoá xã hội và mâu thuẫn xã hội gay gắt. Chính quyền Mubarak ngang nhiên đàn áp, bắt bớ những tổ chức đảng phe đối lập, nhất là với tổ chức Anh em Hồi giáo, xúc phạm nhân phẩm của nhân dân.

          Đúng như Các Mác đã viết lịch sử sẽ giải quyết được tất cả nhưng vấn đề mà nó đang đặt ra một cách bức xúc. Chính quyền Mubarak không ngờ được suốt 30 năm quyền lực như Faraon của họ đã chuẩn bị cho “Mùa xuân Ai Cập” bão táp. Nhân dân bị áp bức bóc lột nghèo đói, thất nghiệp đã xuống đường quyết định vận mệnh của họ. Cuộc biểu tình nổ ra ngày 25-1-2011 nhanh chóng lan ra lôi cuốn hàng trăm nghìn người tham gia. Đụng độ giữa những người biểu tình với những lực lượng ủng hộ Tổng thống và cảnh sát làm hàng trăm người thiệt mạng. Chính sách của chính phủ cũng làm quân đội bất mãn, quân đội đã trung lập không đàn áp những người biểu tình và phút chót đã gây áp lực buộc Tổng thống từ chức. Sau 18 ngày đối phó, ngày 11-2-2011, Thống Mubarak quyết định rút lui sau 30 năm cầm quyền, bàn giao quyền lực cho Hội đồng quân sự tối cao. Hiện nay Hội đồng quân sự đang xúc tiến nhiều kế hoạch cải cách chính trị và bầu cử.

          Tương lai của đất nước Kim tự tháp vĩ đại phụ thuộc vào nhân dân mà trước hết là ở Hội đồng quân sự có thực sự vì đất nước vì nhân dân hay không. Lịch sử Ai Cập đang chờ câu trả lời nghiêm túc.

(Còn nữa)

CVL

 

[1] . Wikipedia tiếng Việt.

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 13)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn