Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 33)                             

PGS TS Cao Văn Liên

29/02/2024 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.  

Kỳ 33.

2. Thời kỳ trung đại: Xã hội phong kiến (thế kỷ VII đến đầu thế kỷ XIX).

2.1. Hình thành chế độ phong kiến

Thế kỷ VII khi vị Thiên sứ Mohammed sáng lập Hồi giáo, từ thờ nhiều thần, thế giới Ả rập thống nhất thờ thánh Ala, thần tối cao của vũ trụ. Sự thống nhất tôn giáo là một trong những tiền đề quan trọng để thế giới Ả rập thống nhất đất nước. Ảrập trở thành một đế quốc phong kiến hùng mạnh, bành trướng xâm lược toàn bộ Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á. Những vùng mà đế quốc Ả rập xâm lược và thiết lập chế độ cai trị thì đều bước vào con đường phong kiến hóa và thay đổi tôn giáo dân gian nguyên thuỷ để đi theo Hồi giáo.

  Sau khi bị sáp nhập vào đế quốc Ả rập, Iran cũng cải giáo, đi theo Hồi giáo và phong kiến hoá mạnh mẽ về kinh tế cũng như xã hội, văn hoá. Với đạo Hồi, người I ran đa số theo phaí Shiit.

  Thế kỷ XIII, năm 1220 quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Khulagu (cháu nội Thành Cát Tư Hãn) đã chiếm Iran. Đến năm 1380 Iran lại mất vào tay đế quốc Timur. Sau khi thoát khỏi sự thống trị của Mông Cổ và đế quốc Timur, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII Iran bước sang giai đoạn xây dựng quốc gia phong kiến độc lập hưng thịnh dưới vương triều Safayid. Sha Ismail (1502-1524) đã dùng bạo lực, chiến tranh để thống nhất toàn bộ Iran, sáp nhập Irắc vào Iran, chiến tranh với các Khan của Uzbek ở Khorasan, Astrabad. Ismail ra sức xây dựng một nhà nước quân chủ tập quyền chuyên chế vững mạnh.

  Tuy nhiên chiến tranh và sự bóc lột tàn khốc của nhà nước làm cho đời sống nhân dân, nhất là nông dân vô cùng cực khổ. Mâu thuẫn giữa nông dân với  chế độ phong kiến chuyên chế rất gay gắt. Các cuộc khởi nghĩa chống lại chính quyền bùng nổ liên tục. Năm 1569 khởi nghĩa bùng nổ dữ dội ở Ghilian, năm 1571-1573 khởi nghĩa lan rộng ở Tebriz, một trong những thành phố lớn nhất Iran. Các cuộc khởi nghĩa đều bị chính quyền dìm trong bể máu và thất bại.

2.2.Thời kỳ thịnh vượng của chế độ phong kiến Iran (thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII)

  Thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, chế độ phong kiến Iran dưới vương triều Safvit trở nên thịnh vượng và hùng mạnh nhờ cải cách của Abbas I (1587-1629). Abbas I lên ngôi năm 17 tuổi. Ông là người kiên nghị, có tầm nhìn xa trông rộng, quyết tâm cải cách để Iran đạt đến hưng thịnh. Để tiến hành cải cách, Abbas I dựa vào tầng lớp phong kiến lớn bao gồm quan lại, giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiit, quí tộc Iran và tiểu phong kiến. các tầng lớp này đều mong muốn xây dựng một nhà nước phong kiến vững mạnh  để bảo vệ quyền lợi của họ. Tầng lớp thương  nhân và thợ thủ công Iran cũng mong có chính quyền mạnh để bảo vệ họ. Như vậy muốn cải cách thắng lợi chính quyền phải dựa vào mọi tầng lớp xã hội. Ngoài ra đất nước còn phải có hoà bình. Abbas I đã đập tan các cuộc đấu tranh giành quyền lực của bọn quí tộc Iran, đập tan các thế lực chống đối. Đối ngoại Abbas I ký hoà ước với Thổ Nhĩ Kỳ, nhường cho Thổ  miền Đông Georgia, Đông Ácmênia, Kurdistan, toàn bộ Azerbaizan và một phần Luristan. Khi đã hoà bình được với thổ Nhĩ Kỳ và đánh bại các thế lực chống đối, Abbas I quay sang phía Đông đánh bại các Khan Uzbek, chiếm Nisapur, Meshkhed, Heratm, Meriv mở rộng lãnh thổ và khuyếch trương thế lực.

   Đầu tiên Abbas I tiến hành cải cách trong lĩnh vực quân sự. Ông xây dựng quân đội chính quy thường trực hùng mạnh, có sức chiến đấu cao. Quân đội có nhiệm vụ chống nguy cơ xâm lược từ bên ngoài, bên trong chống các thế lực phong kiến địa phương, buộc họ phải phục tùng chính quyền trung ương. Kết quả Abbas I đã xây dựng được một quân đội hùng mạnh gồm bộ binh, kỵ binh, pháo binh và quân ngự lâm. Quân đội trung ương mạnh đã làm cho thế lực quân sự địa phương của các lãnh chúa, các tổng đốc suy yếu, chấm dứt vai trò của chúng trong việc quyết định số phận của đất nước.

  Sau khi có quân đội hùng mạnh trong tay, đè bẹp được các thế lực chống đối trong nước, Abbas I tiến hành chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 10 năm để giành lại Azerbaijan, Luristan, một phần Kurdistan, Đông Ácmênia, Đông Georgia. Cuối cùng Abbas I đã thâu tóm được quyền lực vào tay, xây dựng một quốc gia quân chủ tập quyền chuyên chế. Abbas I nắm tất cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Quan lại địa phương do nhà vua bổ nhiệm hoặc bãi miễn. Nhà vua là tổng chỉ huy quân đội. Về kinh tế nhà vua là tên địa chủ lớn nhất, chiếm 2/3 ruộng đất của đất nước, có hẳn một bộ máy quan lại riêng để cai quản đất đai của nhà vua. Dưới vua là một Hội đồng nhà nước (Medjilis) gồm các quan đại thần, chỉ có quyền tư vấn. Tuy nhiên dù quyền lực nhà vua là vô hạn nhưng khi giải quyết những công việc quan trọng của đất nước, Abbas I vẫn phải tính đến những chuẩn mực của pháp luật, của giáo lý và ý kiến của các tăng lữ Hồi giáo đầy quyền uy.

   Ở địa phương như trên đã nói, có một bộ máy quan lại riêng để cai trị lãnh thổ riêng của nhà vua. Một bộ máy quan lại thuộc chính phủ cai trị 1/3 lãnh thổ còn lại. Kinh đô của triều đình Abbas I là Kazmin. Năm 1598 Abbas I cho dời kinh đô về Ispahan, xây dựng thành một kinh đô tráng lệ, trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá lớn nhất của đế quốc thời bấy giờ. Chính quyền chăm lo phát triển kinh tế cho nên trong vương quốc của Abbas I nông nghiêp, thủ công nghiệp, thương nghiệp phát triển.

2.3. Thời kỳ suy tàn của chế độ phong kiến Iran (thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XVIII).

Dưới vương triều Abbas I, Iran hưng thịnh nhưng đó không phải là sự phát triển bền vững mà chỉ dựa vào sức mạnh quân sự. Khi sức mạnh quân sự suy yếu thì vương quốc suy yếu. Hơn  nữa các cuộc cải cách của Abbas I không mang lại những thay đổi căn bản cho đời sống nông dân và thợ thủ công. Trái lại họ còn bị bóc lột nặng nề hơn. Nông dân phải đóng nhiều loại thuế nuôi nhà nước và quân đội. Họ bị phong kiến địa phương nhiều tầng bóc lột. Họ và con em họ phải đi lính chết chóc trong các cuộc chiến tranh, đi lao dịch. Chiến tranh đã làm nhiều vùng bị tàn phá nặng nề như vùng Kavkaz Armênia, Georgia và Azerbaijan. Mâu thuẫn giữa nhân dân và nông dân với nhà nước phong kiến cực kỳ gay gắt, khởi nghĩa đã bùng lên như những đám cháy giữ dội ở vương quốc. Mở đầu là khởi nghĩa ở Georgia do vua Teimuraz lãnh đạo năm 1615. Năm 1624-1625 khởi nghĩa bùng nổ ở Karabakh và Erevan. Năm 1629 vùng Ghilian nổi dậy chống chính quyền. Chính quyền phong kiến đã dìm các cuộc khởi nghĩa trong biển máu và thất bại nhưng nhà nước phong kiến Iran thực sự lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Các thế lực phong kiến địa phương nổi lên cát cứ, chia cắt đất nước, sự thống nhất đất nước bị phá vỡ. Lịch sử hình thành và phát triển của quốc gia Iran cũng như các quốc gia khác, tuân theo qui luật đấu tranh giữa thống nhất và chia cắt. Đó là qui luật mà La Quán Trung trong “Tam quốc diễn nghĩa” đã gọi là “Tan và hợp”, còn Heghen nhà triết học cổ điển Đức thế kỷ XIX gọi là qui luật “Thăng Trầm”. Iran vào thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX bị chia thành 30 tiểu vương quốc độc lập, có chế độ thu thuế riêng và đồng tiền riêng.

  Trong khi chế độ phong kiến Iran lâm vào cuộc khủng hoảng thì sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây làm cho tình hình thêm phức tạp, chế độ phong kiến càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng. Bởi bên cạnh sự thối nát, tha hoá thì giai cấp phong kiến bây giờ càng bất lực trước sự xâm nhập của chủ nghĩa tư bản phương Tây, đi sâu vào con đường bán nước, phản bội quyền lợi dân tộc. Thời kỳ trung đại trong kinh tế chính trị xã hội và văn hoá của Iran chỉ đơn thuần phong kiến thì khi chủ nghĩa tư bản phương Tây xâm nhập, những nhân tố tư bản chủ nghĩa xuất hiện và ngày càng đậm nét bên cạnh yếu tố phong kiến. Trang lịch sử trung đại của Iran kết thúc, trang lịch sử cận đại bắt đầu.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 33)                             " tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn