Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 42)

PGS TS Cao Văn Liên

09/03/2024 06:06

Theo dõi trên

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc sách “Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành.              

Kỳ 42.

Chiến tranh Trung Đông kết thúc với sự thắng lợi của Israel. Nguyên nhân thắng lợi là do Israel luôn luôn chú ý tăng cường lực lượng quân sự và kiên quyết tấn công. Nguyên nhân rất quan trọng là được sự giúp đỡ kịp thời của Mỹ và đồng minh của Mỹ với công cụ là Liên hợp quốc, đã ra những nghị quyết kịp thời để cứu vãn khi Israel nguy khốn. Nguyên nhân thất bại của Liên minh Ả Rập là mâu thuẫn nội bộ, không chú ý tăng cuờng đoàn kết chiến đấu, tăng cường lực luợng và quân trang quân dụng. Sai lầm lớn nhất của Liên minh Ả Rập là chấp hành lệnh ngừng bắn của Liên hợp quốc, không tấn công liên tục, bỏ lỡ cơ hội và tạo cơ hội cho Ixraen củng cố lực lượng để sau đó phản công.

          Hậu quả chiến tranh, Israel chiếm được những vùng đất đai rộng lớn của người Ả Rập, khống chế 2,07 vạn kilô mét vuông đất đai của người Palestine, chiếm dải Gaza, bờ Tây sông Jordan của Gioóc đa ni, khống chế thành phố Jerusalem. Chiến tranh đã làm 96 vạn người dân Palestine rời bỏ quê hương nhà cửa đi tị nạn. Người Palestine còn ở lại bị Israel dồn vào các “khu an toàn”, không được tự do. Quyết định của Liên hợp quốc về việc thành lập nhà nước Ả Rập PaIestine không được thực hiện. Chiến tranh Trung Đông lần một chỉ là mở màn cho bốn cuộc chiến tranh và nhiều cuộc xung đột về sau  đẩy Trung Đông vào những thảm họa lâu dài.     

2.2. Chiến tranh Trung Đông lần 2 (1956).

          Nguyên cớ chiến tranh: Vào những năm 50 thế kỷ XX phong trào giải phóng dân tộc bùng lên mạnh mẽ ở châu Phi cũng như ở Ai Cập. Ngày 26-7-1965 Tổng thống Ai Cập Nasse tuyên bố quốc hữu hóa kênh đào Xuyê vốn đang trong tay của Anh và Pháp. Để bảo vệ quyền lợi của mình ở Trung Đông và châu Phi, Anh, Pháp và Israel quyết định gây chiến tranh với Ai Cập. Theo kế hoạch, Israel tấn công bán đảo Xi nai, Anh, Pháp lấy lý do chiến tranh đe dọa kênh đào nên sẽ can thiệp.

          Diễn biến chiến sự: Ngày 29-10-1956 gần 5 vạn quân Israel chia làm bốn đạo tấn công bán đảo Xi nai của Ai Cập. Chính phủ Anh, Pháp yêu cầu quân đội Ai Cập rút khỏi kênh đào 10 dặm Anh để quân đội Anh, Pháp chiếm đóng kênh đào. Chính phủ Ai Cập kiên quyết bác bỏ yêu sách này. Ngày 31-10-1956, 240 máy bay Anh từ tàu hàng không mẫu hạm và từ các căn cứ quân sự của Anh ở Man ta, Síp cất cánh ném bom dữ dội Cai Rô, hải cảng Xa ít và kênh đào Suez. Hải quân Anh đánh chìm một khu trục hạm của Ai Cập tại vịnh Xuyê. Quân đội Ai Cập dưới sự chỉ huy của Tổng thống Nasse rút vào khu vực kênh đào ngăn không cho tàu chiến Pháp, Anh chạy qua. Đồng thời quân Ai Cập cũng đánh mạnh 8 vạn quân Anh và Pháp ở cảng Xa ít. Các nước Ả Rập ủng hộ Ai Cập, cắt đứt ngoại giao, ngừng cung cấp dầu mỏ cho Anh, Pháp. Ngày 2-11-1956 Liên hợp quốc triệu tập hội nghị khẩn cấp, thông qua đề án hạn cho Anh, Pháp trong vòng 12 ngày phải ngừng bắn. Chiến tranh đã gây khó khăn cho các Chính phủ Anh, Pháp, kinh tế tài chính tồi tệ, mâu thuẫn trong nước gay gắt, Mỹ thừa dịp khống chế kinh tế Anh, Pháp. Trong tình hình đó ngày 6-11-1956 Anh, Pháp chấp hành lệnh ngừng bắn của Liên hợp quốc. Ngày 22-12-1956 quân đội Anh, Pháp rút khỏi lãnh thổ Ai Cập. Ngày 1-1-1957 Chính phủ Ai Cập tuyên bố huỷ bỏ “Hiệp định về căn cứ kênh đào Suez”. Tiếp theo 15-1-1957 Ai Cập tuyên bố quốc hữu hoá ngân hàng và các công ty thương mại nước ngoài tại Ai Cập. Tháng 3-1957 quân đội Israel rút khỏi bán đảo Sinai và dải Gaza.

          Nhân dân Ai cập đã giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống sự xâm lược của Anh, Pháp, Israel. Nguyên nhân thắng lợi là do nhân dân và quân đội Ai Cập kiên quyết chiến đấu bảo vệ chủ quyền dân tộc. Nhân dân Ả Rập kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Ai cập, đã tẩy chay, cấm vận dầu mỏ đối với Anh, Pháp và Israel, Mỹ đã thao túng để Liên Hợp quốc thông qua nghị quyết buộc Anh Pháp phải rút lui. Mỹ muốn đánh bật Anh, Pháp khỏi Trung Đông để Mỹ độc quyền bành trướng vào khu vực. Sau chiến tranh Trung Đông lần hai, Tổng thống Mỹ Eisenhower tuyên bố sẵn sàng viện trợ quân sự kinh tế, phái quân đội đến Trung Đông để “Ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản”. Chủ nghĩa thực dân cũ vừa sụp đổ, Trung Đông đứng trước nguy cơ của chủ nghĩa thực dân mới mà đi tiên phong là Mỹ. Liên xô cũng thông qua viện trợ kinh tế quân sự cho các nước Ả Rập để gây thế lực ở Trung Đông. Trung Đông vào những năm 50 trở về sau thành mục tiêu tranh chấp giữa Liên xô và Mỹ.

2.3. Chiến tranh Trung Đông lần 3 (1967).

Sau chiến tranh Trung Đông lần 2, phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Palestine phát triển mạnh. Năm 1956 Phong trào giải phóng dân tộc Palestine (Fatah) ra đời. Fatah chủ trương đấu tranh vũ trang chống Israel để giải phóng Palestine. Tháng 5-1964 Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ra đời. Tháng 8 năm đó quân giải phóng Palestine được thành lập. Ngày 1-1-1965 “Bộ đội bão táp” của Fatah nổ những phát súng đầu tiên của cuộc kháng chiến vũ trang vào quân đội Israel. Tháng 11-1966 Ai cập, Syria, Gioóc đa ni kí hiệp ước phòng thủ chung. Trong khi đó quan hệ giữa Syria, Gioóc đa ni với Israel ngày một căng thẳng và Israel bắt đầu khiêu khích quân sự. Ngày 7-4-1964  máy bay của Israel đã bắn rơi 6 máy bay Mic của Syria. Máy bay Israel còn bay trên bầu trời thủ đô Damascus. Tuân theo hiệp ước phòng thủ chung, Ai Cập cử quân đội tới Syria. Ai Cập còn tăng hai sư đoàn ở bán đảo Xi nai, tiến quân vào dải Gaza, 22-5-1967 Ai Cập tuyên bố phong tỏa vịnh Acaba.

          Ngày 5-6-1967 quân đội Israel tiến đánh Ai Cập, Jordan và Syria. Israel cho 200 máy bay đánh phá dữ dội 10 căn cứ không quân Ai Cập trong 3 giờ. 300 máy bay Ai Cập bị phá huỷ, 350 phi công chết tại sân bay. Cùng thời gian, máy bay Israel ném bom sân bay Syria và Jordan. Bộ binh Ixraen tấn công bán đảo Sinai và dải Gaza, tiến đến kênh đào Xuyê, chiếm bờ Tây sông Jordan, chiếm Jerusalem. Quân đội ba nước Ai Cập, Syria, Jordan thất bại rút lui khắp các mặt trận. Ngày 9-6-1967 Ai Cập tuyên bố ngừng bắn, tiếp đó là Syria. Chiến tranh Trung Đông 6 ngày chấm dứt. Israel thắng lớn, chiếm được đất đai gấp 4 lần diện tích của Israel.

          Nguyên nhân thắng lợi của Israel trong cuộc chiến tranh lần 3 là do yếu tố bất ngờ. Thời điểm không kích của Israel là lúc 7 giờ 30 phút sáng, khi đó quân đội Ai Cập và liên minh chưa sẵn sàng chiến đấu, sĩ quan, phi công còn đang trên đường đi làm. Yếu tô bất ngờ đã gây thiệt hại nặng nề cho không quân Ai Cập và liên minh. Từ đó Ai Cập và liên minh liên tục bị động, còn Israel phát huy ưu thế liên tục tấn công. Chiền tranh theo qui luật là do những yếu tố thường xuyên quyết định thắng lợi, đó là loại chiến tranh lâu dài, còn chiến tranh kiểu chớp nhoáng 6 ngày thì yếu tố bất ngờ đôi khi đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng.

2.4. Chiến tranh Trung Đông lần 4 (1973).

          Sau chiến tranh Trung Đông lần 3 quân đội Ai Cập và Israel trên kênh đào vẫn thường xuyên nã pháo vào nhau. Chiến tranh làm cho Ai Cập kiệt sức, hoạt động kinh tế trên kênh đào tê liệt, cư dân chạy tị nạn vào nội địa đông đảo. Để có lối thoát và rửa mối hận trong cuộc thất bại 1967, theo kế hoạch “hành động Patơ”, ngày 6-10-1973 Ai Cập tấn công Israel. 2000 khẩu đại bác ở bờ Tây kênh đào đồng loạt bất ngờ nhã đạn vào phòng tuyên Barlew của quân đội Ixraen trên bán đảo Sinai. Đồng thời 250 máy bay Ai Cập bắn phá các trận địa, các sân bay, các sở chỉ huy của Israel. 8.000 quân Ai Cập dùng cầu phao, xuồng cao su, dùng voi rồng cao áp thổi cát mở đường tiến lên. Ngày 7 hai sư đoàn Ai Cập chọc thủng phòng tuyến Barlew, giải phóng bờ Đông kênh đào đã bị Israel chiếm đóng 6 năm, tiêu diệt lữ đoàn 190 của Israel.

(Còn nữa)

CVL

Bạn đang đọc bài viết "Những vấn đề Lịch sử Trung Đông và Châu Phi (Kỳ 42)" tại chuyên mục Nghiên cứu. | Hotline: 08.4646.0404 | Email: toasoan@vanhoavaphattrien.vn